Truyện vừa
I. MỰC TRỞ THÀNH BẠN CỦA BÉ NHƯ THẾ NÀO?
Bé tên là Thanh nhưng ông nội thích gọi là Bé nên cả nhà và những người quen biết, trừ ở trường, đều gọi là Bé. Ngay bố cũng vậy. Năm nay Bé đã học lớp Ba rồi mà thư nào bố gửi về cũng viết “Bé yêu của bố”.
Bố luôn luôn đi xa, ở nhà Bé sống với ông nội, mẹ và chú bạn bốn chân: con Mực.
Có người hay nói: “dại như chó”, Bé chẳng tin. Cứ xem như chú Mực của cậu thì rõ.
Người ta gọi chú chó này là Mực vì chú đen tuyền từ mõm đến đuôi, từ lưng đến móng chân, chỉ trừ hai vệt trắng dưới mắt. Có vẻ chú khoái cái tên dân dã nọ. Hễ nghe gọi “Mực! Mực!” thì dù đang bận ăn, hay đang bận nghịch cái chổi, cái dép, chú cũng vội ngửng đầu, ngoáy tít cái đuôi.
Ông nội bảo: - Nuôi chó không phải để làm vật cảnh hoặc để khoe mẽ làm sang như ai đó; cũng không phải chỉ để canh nhà. Nhà ta ít người, có con chó thêm vui nhà, vui cửa.
Chẳng phải tự nhiên mà Mực trở thành bạn của Bé. Nhóc chó nào cũng thích kết thân, trẻ nít của giống người cũng vậy thôi. Nếu thấy một cún con đang khều khều cái chổi, hoặc đang nghếch nhìn đám gà vịt, ấy là nhóc ta đang tìm bạn chơi đấy. Nhưng đó là lúc còn bé. Còn bé, cũng tựa như ở giống người, chó hay nhung nhăng hiếu động một cách ngây ngô. Nhưng khác với người, chó lớn lên rồi thì khó tránh được cảnh sống thui thủi chỉ biết lo làm phận sự, nếu không có những cô bé, cậu bé chủ nhà dễ thương đối với loài vật.
Mực ta sinh ra ở cái nhà này sau Bé mấy năm. Mẹ chú màu mun, sinh ra bốn nhỏ toàn là đực, mỗi đứa một sắc riêng: hung, vàng sẫm, vện và đen tuyền. Hồi đó, họ nhà chó ở xóm của Bé bỗng bị một tai hoạ ghê gớm đe doạ: một con hoá dại chạy lồng khắp xóm khiến người ta phải đập chết. Ông nội bèn bảo: “Phải bán mấy mẹ con con chó này đi thôi”. Và một người ở tận đâu đâu đã đến xem và đã ngã giá. Chỉ chờ mấy cún con cứng cáp hơn là họ sẽ rước cả đi. Mẹ Mun thù địch ra mặt với người mua chó. Khi người kia đến gần ổ để xem, mụ đe doạ, xua đuổi. Rồi khi người ấy vừa ra khỏi ngõ và nhân khi nhà có vẻ vắng người, mụ vội vàng cho sơ tán bầy con. Mụ ngoạm rất nhẹ nhàng vào gáy từng đứa rồi tha đi. Mấy chú nhỏ co bốn chân lại quều quào trong không, đầu và đuôi ngọ nguậy trông rất nhộn.
Ông nội đứng kín một nơi nhìn thấy Mực ta được mẹ chó tha đi đầu tiên, dù chú chẳng phải là “anh cả”, - chú lọt lòng mẹ gần bét. Chuyện đó cùng với những dấu hiệu khác đời của Mực khiến ông nội chú ý. Chẳng hạn, trái với ba “anh em” cùng lứa suốt ngày quẩn quanh trong ổ, Mực hay tha thẩn trong phòng, đưa mũi đánh hơi vật nọ, đưa chân khều cái kia, ra cái điều tìm hiểu, thăm dò. Chẳng hạn, Mực không hay tè bậy ra nền nhà như ba nhỏ kia. Chỉ cần dẫn dắt một lần là chú nhớ. Chú lại có vẻ hay ăn chóng lớn hơn cả. Thêm đó là cái màu đen mượt của chú. Bởi vậy, ông nội mới quyết định dành Mực lại không bán theo đàn. Khác với các trẻ nhỏ loài người, Mực không la khóc hôm chia li với mẹ và các anh em. Ý hẳn chú cũng tưởng họ chỉ làm một chuyến đi chơi xa rồi lại trở về. Bởi vậy, chú chỉ chạy tung tăng hít hít mũi, vẫy vẫy đuôi và sủa vọng mấy tiếng “óc, óc” như đưa tiễn. Khỏi phải nói, mẹ chó đã kháng cự quyết liệt, nhất là phải bỏ lại đứa con cưng. Nhưng biết làm sao được khi người đã muốn thế! Mực ta thì mải chơi. Nhưng đến bữa tìm vú mẹ chẳng thấy đâu, chú mới cảm thấy hết sự trống vẳng của cái ổ rơm ấm cúng giờ đã trở nên hoang lạnh. Mực bỏ ăn mấy ngày, nằm xẹp một chỗ. Cũng may tuổi nhỏ chóng quên. Vả chăng, loài chó cũng không quen nhớ dai những chuyện loại ấy (nếu trái lại thì loài người khá là phiền!).
Thế là Mực ta ở lại một mình nơi “chôn nhau, cắt rốn”. Chú ta chẳng buồn lâu như đã nói. Chú lại thích loăng quăng. Chú có thể nghịch với một chiếc dép cùn vứt nơi xó nhà suốt buổi. Chú lân la tới chỗ các cô, cậu gà đang ăn trong sân. Chú ngửi mấy hạt ngô, hạt thóc, ý chừng cũng muốn nếm xem có gì hấp dẫn mà bọn hai chân không tay này khoái ăn thế. Nhưng chú thất vọng. Tức mình, chú mới quát lên mấy tiếng ra oai nghe “nhách! nhách!” rất buồn cười. Tuy vậy, lũ gà cũng nhớn nhác lảng ra, khiến chú vội vẫy đuôi làm lành. Chú làm vậy là thừa vì bọn gà sau một thoáng đã lại sán vào bữa cỗ của chúng mà thi nhau mổ lấy, mổ để. Từ đấy, chúng phớt lờ những tiếng quát của Mực ta. Ngay cả khi chú giả bộ nổi hung nhảy chồm vào một con gà nào thì nó cũng chỉ né tránh tí chút rồi lại xông vào cuộc ăn, như không hề biết có chú. Trong bọn gà có lão trống gộc. Lão này to kềnh càng, bước đi khệnh khạng, chỉ nhìn thiên hạ bằng một bên mắt. Lão đội trên đầu một cái mũ đỏ gay và khoác trên mình một cái áo rườm rà, sặc sỡ. Một lần, Mực mon men đến gần Trống Gộc để ngắm bộ cánh kì lạ nọ; hoặc giả chú cũng định làm quen chăng ? Nhưng không may cho chú, lúc đó lão Gộc đang bận việc riêng. Lão xệ một bên cánh đưa chân gẩy xành xạch và cong cần cổ, cúi cái đầu dữ tướng, rồi vừa kêu “ục, ục” trong cổ họng, vừa lượn sát vào mấy mụ gà mái. Lão đâu có thèm biết đến ý tốt của Mực. Lão bực mình cho là chú đến phá đám bèn bổ một mỏ vào trán chú nhỏ. Có lẽ vì đau thì ít mà ức thì nhiều, chú bèn la toáng lên: “Ăng, ăng, sao lại đánh tôi? Ăng, ăng, sao mà ác thế!”. Mấy mụ gà mái thấy vậy bèn tản đi mất. Lão Gộc trơ ra một mình, nghểnh đầu, ấm ức trong cổ: “Tức! tức!” Lão rất vô tâm, lão chỉ hơi lé mắt nhìn thằng nhỏ đang la, lúc lắc đầu ngạc nhiên không hiểu vì sao mà thằng bé làm om sòm lên như vậy, rồi thản nhiên vỗ cánh, gân cổ lên ca một bài: “Cô cồ cô… ô…ô… Đời thật là vui…!”. Xong, lão nghiêng nghé xem có ai tán thưởng không. Chẳng có ai cả. Thế mà lão cũng cứ ưỡn ngực bước đi rất điệu. Từ đó Mực cạch, không thèm làm thân với cái lão nghênh ngang, tự phụ ấy nữa.
Nhưng mà, không có bạn chơi thì chán chết. Vậy là chú tìm được một bạn vào loại đặc biệt. Đó là chú mèo mướp con. Tuổi nhỏ chẳng bao giờ biết thù hằn, dù đó là mối thù truyền kiếp. Ấy vậy nên Mướp ta chịu chơi và dám chơi với Mực ta. Hai đứa có lúc vờn nô nhau, đùa rỡn nhau rất ngộ. Đành rằng kiểu nô rỡn của mèo con không ồn ào như của chó con, nhưng bụng dạ trẻ nhỏ vốn rộng rãi. Phiền một nỗi, càng lớn thêm thì sự khác biệt giữa chúng càng khó có thể dung hoà. Mướp ta thì hầu như nằm lim dim ngủ suốt ngày. Mực ta thì không thế, ban ngày thảng hoặc có nằm thì cũng chỉ là để nghỉ ngơi tí chút khi rảnh rỗi. Mực không thương được cách nằm của Mướp. Thằng cha bạ đâu cũng nằm được! Thậm chí trên đôi gối trắng bong của cặp vợ chồng sắp cưới. Thậm chí trên cả bàn thờ nhà người ta. Hễ nơi nào êm êm và kín kín một chút là hắn trèo lên và ren rén nằm ệp ngay xuống. Mực thì thường nằm vào nơi quen thuộc và trước khi nằm bao giờ cũng bước vần quanh mấy vòng rồi mới đặt mình một cách ý tứ. Mướp ghét Mực cái tính mà chú cho là bắng nhắng, có nghĩa là đánh hơi thấy gì lạ là kêu tướng lên: “Đâu? Đâu? Xem mau!”. Mướp không biết như thế là Mực đang làm nhiệm vụ. Cho nên Mực có lí do để ghét Mướp lười. Thực ra thì Mướp làm việc về đêm, vào những giờ mà lũ giặc chuột công khai phá phách. Trong khi Mực đi tuần ngoài sân, ngoài vườn thì Mướp sục trong nhà, trong bếp. Công bằng mà nói thì Mướp có nhàn hơn Mực thật, vì Mực canh phòng suốt ngày đêm và chẳng bao giờ rời nhà chủ mà rong chơi nhà hàng xóm như Mướp. Mỗi loài vật được nuôi trong nhà đều có phận sự riêng vì người. Mực chẳng ganh tị gì với Mướp. Nhưng thực tình Mực thấy loài mèo chẳng đàng hoàng chút nào. Chúng không chịu mang tên riêng người đặt cho. Đố ai gọi “Mướp! Mướp!” mà thằng Mướp ấy chịu đến. Chỉ có nhại “meo, meo” thì may ra. Cũng đố ai dạy được lũ mèo đừng ăn vụng. Về tính xấu này, con người nhiều khi xếp chó và mèo vào cùng một duộc nên mới có câu “chó treo, mèo đậy”. Thật không công bằng! Như Mực đây đã được luyện chỉ ăn những gì và khi nào mà chủ cho phép. Mực và Mướp càng trưởng thành thì cái sự không thích nhau cứ vô tình lộ ra ngoài ý muốn của chúng. Vừa thoáng thấy bóng Mực là Mướp mắt trước mắt sau chực tót lên chỗ cao. Còn Mực hễ nhìn thấy anh bạn thời nhỏ là tự nhiên mắt nheo, mũi chun, răng nanh nhe ra chẳng thân thiện chút nào. Bởi thế, hai bên ngày càng xa nhau rồi đi đến “ghét nhau như chó và mèo” thật. Thế là Mực lại mất đi một bạn.
Thật đáng buồn! Lỗi chẳng tại Mướp, càng chẳng tại Mực. Sự thật, Mực đã xa cái tuổi nghịch chổi hoặc la cà xem bọn gà vịt; cũng đã qua cái tuổi ham nô đùa, rong chơi. Vào dịp đó, Bé đã biết đi lại tung tăng, đã biết chơi, đã biết nghịch. Bé thích sờ đầu, sờ cổ, sờ lưng Mực. Xét theo tuổi tác họ nhà chó thì Mực ta đã đến độ thanh niên. Nhưng chú vẫn khoái được Bé vuốt ve. Khi những ngón tay bụ bẫm của Bé mân mê những sợi lông đen ánh của Mực, chú hầu như mềm người ra, mắt lim dim, sướng ra mặt. Nhiều lúc để tỏ vẻ hàm ơn, chú liếm tay, liếm người Bé, khiến cậu buồn buồn nhảy cẫng, hoặc cười ré lên thích chí. Khi Bé đã cưỡi ngựa gỗ thạo, cậu bèn trèo lên lưng Mực. Mực đứng im ve vẩy đuôi. Cậu chủ vừa nhún nhẩy vừa kêu “ong! ong!”, chú hiểu ý ngay. Bé cũng biết nương nhẹ con vật. Hai chân Bé buông thõng hai bên, đầu ngón chạm đất hẩy hẩy theo nhịp bước của Mực, thành ra Bé đi ngựa sáu chân. Mực rất thích được Bé cưỡi. Chú đưa Bé đi dạo trong nhà, trong sân, thậm chí ra tới đầu ngõ. Chú bước êm, thong thả, cẩn thận. Những lúc ấy thì dù thằng Mướp có khiêu khích, chú cũng không thèm chấp.
II. MỰC LÀM NHIỆM VỤ GIỮ NHÀ
Mực được ông nội của Bé, vốn là bộ đội biên phòng cũ, luyện cho mấy ngón nhà nghề của chó tuần tiễu. Chú tỏ ra khá thông minh. Cả nhà quí chú, chẳng ai đánh mắng bao giờ. Mực chỉ bị một cái phiền nhỏ: hàng năm, chú phải tiêm phòng dại hai lần. Kim tiêm đâm vào thì buốt quá đi rồi. Nhưng Bé vỗ về khéo lắm nên cái đau, cái sợ cũng chóng qua.
Mực vừa làm bạn với Bé, vừa giữ nhà. Cả hai việc đều quan trọng; việc nào Mực cũng làm một cách tự nguyện, chẳng chờ ai ra lệnh cả.
Không một người lạ nào vào đến ngõ mà qua được cái mũi và đôi tai của Mực. Kìa! Mực đang nằm trên thềm, đầu gác lên hai chân trước, hai mắt khép. Chắc chú đang ngủ. Không phải! Chú vừa ngửng đầu, dỏng tai lên. Chú chạy tót ra sân, kêu lên mấy tiếng dõng dạc: “Gâu! gâu! Đi đâu? Đi đâu?” rồi đứng án ngữ lối vào nhà, sủa cầm chừng chờ chủ ra phân xử. Khi chủ khẽ gọi: “Mực! Mực!” là chú hiểu: “Được! Được! cho vào được”. Chú bèn hơi cúi đầu xuống, vẫy đuôi phất phơ vài cái theo lối xã giao của người nhà chào khách rồi tránh ra cho khách đi vào. Nhưng chú chưa bỏ đi ngay. Chú còn lượn nửa vòng quanh người lạ như để nhận dạng rồi mới yên tâm về chỗ cũ nằm. Chú không có cái lối lèm bèm, tẹp nhẹp của mấy chó nhách bên hàng xóm: có khách lạ vào chưa chi đã cuống cà kê sủa om lên. Nếu người ta có vẻ rụt rè thì xô vào sủa té tát, đinh tai nhức óc; thậm chí chủ đã ra lệnh bảo thôi vẫn cứ làm già, ra cái điều ta đây mẫn cán. Nhưng nếu người ta cứ mạnh dạn đi vào thì lại cụp đuôi, vừa sủa vừa lùi dần, rồi chui tọt vào gầm giường đứng chửi ra càng nhăng nhít loạn xạ. Lại còn giở trò cắn trộm nữa chứ. Rõ là khác xa với phong thái đàng hoàng của Mực. Cố nhiên là Mực chẳng sủa cắn người quen bao giờ, nhưng có phân biệt đối xử. Với người chỉ gọi là quen thôi thì chú đứng hơi xa hít hít mũi đánh hơi, ve vẩy đuôi rồi lảng đi. Nhưng các khách quen hãy coi chừng, chớ quá chân vào những vùng cấm. Trong những trẻ hàng xóm hay chơi với Bé, có một cậu không được lịch sự lắm, thấy Mực ta chẳng có vẻ gì để ý bèn “vui chân” mon men ra gốc ổi cạnh nhà bếp. Nhưng lần nào cu cậu cũng bị giật mình vì tiếng quát: “Gâu! Gâu! Đi đâu?”. Ngoảnh lại, đã thấy Mực kề ngay sau lưng. Cu cậu chỉ còn cách đánh bài lỉnh. Với người quen thân thì chú quẫy đuôi rối rít, rúc mõm vào quần áo khách, cọ mình vào chân khách, rồi lon ton chạy trước dẫn đường tới tận bậc thềm. Mực lại có linh tính đặc biệt. Chú sinh ra và lớn lên khi cha của Bé vẫn ở nơi xa.Mực chẳng được biết dáng người, hơi hướng của ông chủ lớn luôn luôn vắng nhà đó. Vậy mà cái lần ấy, Bé đang chơi trong sân bỗng thấy một chú bộ đội, mũ đeo sao, giày da, một cái ba-lô con cóc to sù sau lưng, từ ngoài ngõ đi thẳng vào. Bé vừa “cháu chào chú ạ” thì Mực đã kêu “hực” một tiếng phóng từ trên thềm nhà xuống. Chú chững lại mấy giây rồi vẫy đuôi, ban đầu còn vẫy một cách dè chừng, sau vẫy cuống lên, chạy phởn quanh người lạ, miệng ư ử khe khẽ có vẻ mừng rỡ. Thì ra người lạ là cha của Bé được về phép. Ông nội nói: “Con Mực nhà ta thì nuôi cho đến già, chết đem chôn, không bán cho họ giết thịt.”
Mực còn được cả nhà quí vì thành tích sau đây: Đận ấy, bố bị thương phải nằm viện nơi xa. Cả nhà muốn đi thăm nhưng vướng chuyện trông nhà. Ông nội quyết định: “Đồ đạc quí thì gửi đi. Giao nhà cho con Mực. Nhờ bà con, láng giềng thỉnh thoảng ngó qua”. Suốt nhiều ngày, Mực một mình canh giữ một cơ ngơi. Đến bữa, chú sang nhà hàng xóm đã được gửi gắm trước. Ăn xong, chú trở về ngay. Ban đêm, chú năng đi tuần còn hơn cả khi có chủ ở nhà. Mọi người tấm tắc: “Hiếm có con chó nào tốt nết như thế!”.
III. BÉ BỊ LẠC
Nhà Bé ở trong một cái xóm ven thành phố có nhiều vườn cây ăn quả và vườn rau. Hàng ngày, khi Bé đi học, Mực đưa tiễn đến đầu ngõ; cuối buổi học lại chờ đón Bé tại đấy. Mực ít khi đi xa hơn, chú còn phải giữ nhà mà. Cũng có đôi ba lần Bé tập cho Mực mang hộ đến trường vài thứ. Trường của Bé là mấy ngôi nhà xinh xắn
kề con đường dẫn vào thành phố, cách nhà Bé một đỗi đường chẳng mấy xa.
Sáng ấy, trời se lạnh. Sợ Bé ho, mẹ quàng vào cổ Bé một chiếc khăn quàng đẹp, quà của cha hồi Tết, gửi qua một người bạn của cha đi công tác qua. Tan học, Bé có việc tụt lại sau các bạn. Lúc Bé ra đến cổng trường chợt có một con bướm rồng sặc sỡ nhởn nhơ bay đến. Bé bèn đuổi bắt. Chạy một lúc thấy bức, Bé bèn cởi khăn quàng ra đút vào túi quần. Bé chạy theo con bướm một đoạn thì chiếc khăn rơi ra mà Bé chẳng hay. Một cô còn trẻ hơn mẹ, nom quen quen, đi tới nhặt lên, gọi:
- Này cháu! - Bé ngoảnh lại, cô đưa khăn và bảo, - Bỏ vào cặp ấy.
Bé mở vội cặp ra nhét khăn vào, mắt liếc bám theo con bướm. Bấy giờ con bướm đang rập rờn phía trước xa dần. Bé trao cặp sách cho cô gái, nói vội: “Cô giữ hộ cháu” rồi chạy vụt đi. Cô gái kịp nắm chiếc cặp Bé vừa buông ra. Cô tần ngần nhìn theo Bé chưa biết xử trí cách nào. Cô vừa toan cất bước thì một chiếc mô-tô từ đâu chạy đến dừng sát bên cạnh cùng một tiếng nói khô:
- Đưa chiếc cặp đây! Hừ! Định lừa con nít giữa ban ngày hở? - Người con trai ngồi trên xe chìa tay ra.
Cô gái trừng mắt: - Anh là ai mà ăn nói bậy bạ thế?
Anh thanh niên thản nhiên: - Là ai không cần biết. Hãy trả cặp cho thằng bé.
- Cháu nó nhờ tôi giữ, chẳng việc gì tới anh.
Anh này dịu giọng: - Thế hả. Tôi đến đón nó. Không tin, cô ngồi lên xe tôi đưa đến gặp nó.
Cô gái nhìn anh ta, ngần ngừ một chút rồi trao cặp cho anh ta. Cô còn đứng đó, khi thấy chiếc xe máy từ từ chạy đến chỗ Bé mới quay gót. Lúc này, Bé vừa ngã xong đang lồm cồm bò dậy và ngẩn ngơ nhìn theo con bướm đã bay bốc lên cao. Anh thanh niên dừng xe dựng bên đường đi tới phủi đất cát dính trên người Bé và hỏi:
- Em tên là gì?
- Tên là Thăn.- Bé đón cái cặp từ tay anh. Anh âu yếm bảo:
- Từ rày, em không được trao bất cứ cái gì của mình cho người lạ nhé! Lại đây, anh cho ngồi xe!
Bé nhìn anh thanh niên rồi nhìn chiếc xe mới toanh. Chà! Được đi xe máy! Bao lâu nay Bé ước ao giá bố về phép mang theo một chiếc. Nhưng … Bé đang khó nghĩ, chưa kịp nhúc nhích, thì anh đã bế Bé ngồi lên yên sau. Anh ngồi lên yên trước rồi dận chân một cái. Chiếc xe rung lên và kêu “ục, ục” khe khẽ liên hồi rồi lao đi.
- Nhà em ở phía này cơ. - Bé lay anh thanh niên nói.
- Em không thích dạo phố à? - Người ngồi trước không quay lại, khẽ khàng bảo - Ta rong một lúc rồi ăn kem. Em có thích ăn kem không?
Ai lại hỏi Bé có thích ăn kem không! Bé bị sún hai chiếc răng cửa ông nội bảo là tại vì Bé ăn nhiều kem quá. Trong chốc lát, Bé quên con bướm vừa nãy hấp dẫn cậu đến thế; quên cả chú Mực đang đợi đầu ngõ, quên rằng ông nội và mẹ sẽ phải chờ cơm.
*
Tan trường đã khá lâu, cơm đã sắp sẵn mà vẫn chưa thấy Bé về. Mực chực đầu ngõ đã hai lần chạy về sân rồi lại chạy ra ngay. Nom bộ dạng chú có vẻ không yên. Mẹ đang bận quét dọn trong bếp. Ông nội đang dở tay xếp lại chồng sách. Chợt Mực lại chạy về. Chú chạy thẳng lên hiên nhà nhưng không vào hẳn trong phòng mà đứng ở ngưỡng cửa rướn nửa người vào, cái đuôi xệ xuống, ngọ nguậy, cổ vươn thẳng tới trước hướng cái đầu về phía ông nội, mắt long lanh một ánh lo lắng. Ông nội nhìn ra, đưa mắt tìm trong khoảng sân và khoảng ngõ phía sau Mực, rồi nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường. Ông lại nhìn ra, lần này chăm chú nhìn Mực. Bỗng ông bỏ tập sách đang soạn xuống, lập cập xỏ dép, đứng lên gọi to xuống bếp:
- Sao đến giờ mà thằng bé chưa về nhỉ ?
Mẹ từ bếp đi lên:
- Ông bảo gì con ạ?- Mẹ cũng nhìn đồng hồ- Chết thôi! Thằng bé lại la cà ở đâu rồi.
- Nó ít khi la cà lắm. Hôm nào về muộn cũng chỉ mươi lăm phút là cùng. Hôm nay thế là trễ hơn nửa giờ rồi còn gì!
- Để con đi đón cháu xem.
Mẹ chưa ra đến cửa thì Mực đã phóng đi trước. Thỉnh thoảng chú ngoái nhìn lại xem chủ có theo không. Đến đầu ngõ, chú dừng lại chờ và khi thấy chủ tiếp tục đi đến trường, chú lại chạy vượt lên. Được một đỗi, chú chạy ngược trở lại đón chủ rồi lại chạy vượt lên. Xem chừng chú có vẻ nôn nóng lắm.
Trường học vắng tanh. Mẹ đứng ngẩn ngơ nhìn quanh. Mực cúi xuống đánh hơi bờ cây, bụi cỏ rồi lao về phía đường cái theo lối Bé đuổi bướm lúc nãy. Được một quãng, Mực quay lại nhìn bà chủ sủa to lên một tiếng, nhưng mẹ của Bé đã quây quả đi đến nhà cô giáo. Mực nhìn theo giây lâu, thè lưỡi liếm mép như đắn đo rồi chạy theo chủ.
Cô giáo buông bát cơm đang ăn dở, đứng vội lên. Giọng cô thoáng chút lo lắng:
- Chết! Em Thanh chưa về nhà à?
Không kịp thu dọn mâm cơm, cô hối hả cùng mẹ đi ra trường học. Mực từ nãy vẫn dừng chân ở rìa sân nhà cô giáo, nhìn hóng vào phe phẩy đuôi chờ, lúc này vội quay ra, sốt sắng chạy trước dẫn đường. Cô giáo định đưa mẹ Bé vào gặp bác bảo vệ trường, nhưng nghĩ thế nào cô lại đi vượt qua cổng trường. Chắc là cô định tìm các bạn của Bé để hỏi. Vô tình hai người bước theo Mực. Mực bỗng dừng lại đúng chỗ chiếc xe máy đỗ trước đó chưa lâu. Chú đưa mũi rà mặt đường, vỉa hè, ngửng lên nhìn chủ, rồi lại đưa mũi dò quanh quẩn. Có tiếng chào từ bên kia đường:
- Tan học lâu rồi mà chị chưa về nghỉ?
Đó là cô gái đã gặp Bé lúc nãy, người quen của cô giáo. Biết chuyện gì đang làm hai người lo, cô hỏi:
- Có phải cháu bé có mấy chiếc răng sún không?
- Vâng. -Mẹ hồi hộp nói- Cháu quấn cổ một cái khăn màu da trời điểm màu hoàng yến.
- Thế thì đúng rồi. Có một anh cưỡi Honda đến đón cháu từ nãy.
Mẹ nghĩ mãi mà không đoán ra là ai. Cô giáo an ủi:
- Có lẽ là người quen, ít ra là người quen của cháu. Chắc lát nữa họ sẽ đưa cháu về.
Mẹ phân vân, song cũng chia tay cô giáo và ra hiệu bảo Mực cùng về. Nhưng Mực đứng yên, cái đuôi đưa ngang lúc lắc, mắt nhìn bà chủ. Mãi đến khi thấy bà chủ đã đi hơi xa, chú mới chạy theo. Lần này, chú chạy lẽo đẽo phía sau, thỉnh thoảng ngoái cổ nhìn lại.
Đến quá trưa thì cả nhà hốt hoảng thật sự. Ông nội bèn đi báo công an. Hai người cảnh sát mang đến một con béc-giê. Chú chó nòi ngoại này cao to gần gấp đôi Mực, có vòng đai da tròng vào cổ. Cu cậu chạy gằn theo sau người dắt, điệu bộ hơi khụng khiệng. Vào sân nhà người ta mà cứ nhìn lơ láo như không thèm biết có Mực đang đứng trên hè. Thực là bất lịch sự nhất hạng. Mực sủa lên một tiếng, không ra chào mà cũng không ra nạt. Chưa rõ chú chó khách kia sẽ phản ứng ra sao thì người dắt đã vỗ vỗ vào lưng chú ta. Chú rít khẽ trong họng và thè cái lưỡi mỏng dẻo quẹo nhìn Mực một thoáng rồi lại nhìn quanh. Người ta đưa ra một cái áo cũ của Bé cho chú béc-giê ngửi. Xong, chú đứng khựng một chút như suy tính, rồi cúi xuống ngửi đất, sau đó chạy ra ngõ, vẫn không thôi rê mũi trên mặt đất, lôi theo người dắt. Mực nhìn theo thấy dáng chạy lêu đêu chẳng gọn và chẳng nhẹn chút nào. Hẳn là chú hơi đố kị nên cho là thế. Chú kêu lên: “Gâu! Gâu! Chẳng được đâu!” và dợm nhảy xuống sân đuổi theo. Nhưng ông nội của Bé đã ra hiệu cho chú đứng lại. Chú “hực” lên một tiếng. Cứ như lệ thường thì sau đó chú sẽ nằm xuống ngơi, nhưng lúc này chú lại xa xẩn hết ra lại vào, trong nhà, ngoài sân…
IV. BÉ LÀM KHÁCH QUÍ
Bé ngồi trên yên sau chiếc xe máy nhìn thấy cây cối, nhà cửa hai bên đường lùi nhanh ra sau, những chiếc xe đạp đi cùng chiều đều bị tụt cả lại. Bé khoái quá, khoái hơn những lần được mẹ đèo xe đạp đi chơi phố nhiều. Cũng có khi bị ngộp, Bé phải ôm chặt lấy eo lưng người lái. Nhưng vẫn cứ khoái. Chiếc xe dừng đột ngột. Người Bé bị xô về phía trước, mũi đập vào lưng anh thanh niên. Anh gỡ Bé ra bảo ngồi yên rồi chạy tới hàng kem bên hè đường mua không biết bao nhiêu là que kem đựng đầy một túi nhựa. Anh cẩn thận buộc treo cái túi vào cạnh yên xe để cho Bé tiện rút ra từng chiếc một. Chiếc xe lại lao đi. Bé dùng tay trái bám chặt áo người ngồi trước, tay phải cầm que kem ăn ngon lành. Lúc này, ngắm cảnh phố xá đối với Bé chỉ là chuyện phụ. Thật ra thì Bé chẳng kịp nhận ra chiếc xe đã đưa mình đi những đâu. Bé ăn khá nhanh và ăn liên tục. Chốc chốc Bé lại vứt một cái que nứa đã mút sạch kem xuống đường. Bé vẫn nhớ ngay từ hồi còn đi mẫu giáo, các cô giáo đã nhắc nhở không được ném rác ra đường. Nhưng lúc này bí quá. Lúc Bé ăn đến chiếc kem que thứ hai thứ ba gì đó thì chiếc xe rẽ vào một ngõ vắng ngoắt ngoéo và sâu hun hút. Chiếc xe đi chậm hẳn lại, nhưng vẫn lướt đi mãi. Bé đang thò tay rút que kem- chẳng nhớ là chiếc thứ mười mấy- thì chiếc Honda dừng lại trước một cánh cổng sắt đóng kín. Anh thanh niên xuống xe đến bên cổng thò tay vào một cái ngách giật giật cái gì đó, rồi yên lặng đứng chờ. Bấy giờ Bé mới để ý thấy mình đang ở một nơi có nhiều tường nhà lô nhô, cái lồi ra, cái thụt vào và có những hẻm rắc rối. Mùi tanh nồng phảng phất trong không khí. Nơi Bé ở và khu trường học của Bé đều thoáng đãng nên bây giờ Bé cảm thấy lợm quá và khó thở, lại tù túng con mắt nữa. Bé đặt trả que kem vào túi. Có tiếng động mơ hồ và Bé cảm thấy đằng sau cái lỗ đen ngòm vừa con chó chui lọt xế phía dưới cánh cổng có con mắt nào đang nhìn ra. Rồi có tiếng lịch kịch, và cánh cổng hé mở. Anh thanh niên ngoảnh lại thấy Bé đã tụt xuống đất đang ngẩn ngơ nhìn quanh. Anh nháy mắt với Bé và hỏi:
- Ồ! Em chán kem rồi à? (Ai lại hỏi Bé thế!) Ta vào đây! Có nhiều cái hay lắm.
Anh đẩy xe đi trước. Được mấy bước, nhìn lại thấy Bé còn chần chừ, anh ta thoáng cau mày, nhưng lại tươi ngay nét mặt:
- Ngồi lâu tê chân phỏng? Để anh dìu đi một đoạn. Lại chạy nhảy như con dê ngay đó mà.
Anh dựng xe, tháo cái túi nhựa đưa cho Bé: - Em cầm lấy này! Sắp chảy hết ra nước rồi.
Không phải anh dìu mà anh lấy tay ẩy lưng Bé. Bé định với cặp sách nhưng anh gạt đi:
- Cứ để đấy! Anh sẽ nhờ người đẩy cả xe vào.
Bên trong hơi tối. Bé chưa kịp nhìn rõ một hình người đứng nép sau cánh cổng thì đã được dẫn vào một lối ngoặt và lướt qua một khuôn cửa thấp. Lối đi chỉ sáng lờ lờ và hơi khuất khúc, nhưng anh thanh niên bước khá nhanh, gần như lôi Bé đi theo. Cuối cùng, Bé được đưa vào một cái phòng hẹp, trần thấp, tường loang lổ. Nền nhà đầy mẩu đầu lọc thuốc lá, que diêm cháy dở, giấy gói kẹo, … Trên một chiếc bàn thấp, cốc chén bừa bãi, và vỏ một chai rượu có nhãn bằng thứ chữ Bé không đọc được. Một người đang nằm trên một cái phản kê trong góc thấy Bé vào bèn ngồi nhỏm dậy. Đó là một người đàn ông đã đứng tuổi, mặt nom bẩn vì những sợi lông đen mốc mọc lú nhú từ thái dương bên này kéo vòng ôm lấy cằm qua thái dương bên kia. Thoạt đầu, Bé tưởng đó là quai mũ như của một thứ mũ chống rét. Khoé môi bên phải của người này có một vết sẹo làm cho miệng luôn luôn như sắp cười. Mà người đó đang cười thật, cười rộng miệng và đon đả nói:
- Đã đón được khách quí rồi đó ta. Hoan hô Gi Pích!
Nghe cái tên “Gi Pích” lạ lùng, Bé không biết họ nói ai. Bé ngước nhìn anh thanh niên cùng đi. Lúc này, Bé mới chợt nhận thấy quả anh ta có bộ ria giống bộ ria của hình người trên quân bài J trong bộ tú-lơ-khơ thật. Lão có sẹo trên môi lại nói:
- Nào! Ta làm quen với nhau nào!
Vừa nói, lão vừa đi lại gần Bé. Một phản ứng tự nhiên đẩy Bé nép vào sau anh thanh niên. Lão Sẹo (ta cứ gọi vậy cho tiện) cười:
- Kha, kha,… Bé ngoan có một túi đầy kem que, sợ qua ăn mất sao? (Cái từ “qua” Bé nghe như trên phim).
- Không sợ! Không sợ! Qua còn thết bé ngoan kẹo bánh nữa kia.
Nói rồi, lão đến mở một cái tủ nơi góc phòng mà nãy giờ Bé chưa kịp để ý, lấy ra nào bánh bích qui, nào bánh săm pa, nào kẹo bạc hà… Lão gạt các thứ trên bàn ra một bên rồi bày bánh kẹo ra. Bấy giờ anh thanh niên mà lão Sẹo gọi là Gi Pích mới lên tiếng:
- Ấy! Để nó ăn kem đã, kẻo… Mà kem thành nước cả rồi kìa!
Quả thật, cái túi nhựa trong tay Bé nay đã lồng phồng chất nước màu cà phê sữa. Lão Sẹo lấy ra một cái cốc lớn:
- Không sao! Không sao! Uống thứ nước này lại có vị đặc biệt. Thú hơn cả gặm kem que cơ đấy.
Lão cầm lấy cái túi nhựa từ tay Bé dốc nước kem vào cốc, được đến lưng cốc. Các que kem đều đã mòn tóp chỉ còn bằng ngón tay út. Lão giơ cốc lên ngắm nghía, nuốt ực nước bọt một cái, tấm tắc: “Tuyệt không!” rồi trao cốc cho Bé:
- Uống đi, bé ngoan!
Bé còn đang ngần ngừ thì anh Gi Pích nháy mắt ra hiệu. Bé cầm lấy cốc đưa lên miệng làm thử một ngụm. Ái chà! Mát quá! Ngọt quá! Thơm quá! Thế là Bé dốc cốc làm một hơi.
Chợt lão Sẹo kêu lên:
- Kìa! Nước kem dây vào chiếc áo đẹp rồi kìa!
Bé chưa kịp nhìn xem vết bẩn như thế nào thì lão đã sà xuống lấy tay vuốt ngực áo Bé. Không! Nói lão sờ nắn thì đúng hơn. Tay sờ, miệng lão liến láu:
- Cái áo đẹp thế này! Cái áo đẹp thế này!
Lão cởi luôn cúc ngực của Bé để lộ ra trên nền áo lót tấm biển tròn treo đầu một sợi dây quàng qua cổ Bé. Đó là tấm biển ghi tên và địa chỉ của Bé. Ông nội vốn cẩn thận phòng khi Bé bị lạc. Bé vừa mới cảm thấy bực mình thì đã phải rùng mình vì ánh mắt lạnh sắc của lão bất chợt chiếu vào mặt Gi Pích. Lão đứng bật dậy:
- Không phải nó.
Gi Pích ngỡ ngàng:
- Sao?
- Thằng bé nhà lão Hải thuế quan có cái bùa bằng vuốt cọp bọc vàng nạm hạt xoàn.
- Thì cả lớp ấy chỉ có thằng này sún hai chiếc răng cửa.
Nói rồi, Gi Pích nhìn lão Sẹo một cái và cúi xuống cài cúc áo cho Bé, vừa cài vừa nói, giọng mơn man:
- Cài cho kín, kẻo bị ho thì khốn. Bố mắng chết.
- Bố ở xa lắm. - Bé lắc đầu.
- Bố đi công tác mãi tận đâu?
- Bố đi bộ đội.
Gi Pích hơi chững lại, nhưng chỉ một thoáng. Anh ta hỏi tiếp:
- Ở chỗ em có nhiều đứa bị sún răng không?
Bé thẹn, lấy tay che miệng:
- Chỉ có bạn Thân cùng lớp em thôi. Nhưng…
- Thân à? Trùng tên với em à?
- Không phải. Em là Thăn.
- Thăn chứ gì? Thì cũng thế.
- Không phải. Em là a nhờ ăn thờ ăn thăn. Còn bạn ấy là ớ nờ ân thờ ân thân.
- À, à… em là Thanh phải không?
Bé gật. Lão Sẹo cúi xuống kéo tấm biển tròn đeo ở cổ Bé ra xem kĩ rồi nhìn Gi Pích, vẻ chán chường. Gi Pích hỏi tiếp:
- Sao hôm nay không thấy Thân đi học nhỉ?
- Bạn ấy mới chuyển đi trường khác.
Gi Pích xoay người lại phía lão Sẹo, nói gằn:
- Anh cử con Hương béo đi tăm như thế đó.
Lão Sẹo ngồi phịch xuống giường:
- Biết ngay mà! Con ấy chỉ giỏi lèo lá.- Lão bặm môi ngẫm nghĩ, điềm tĩnh trở lại- Để xem còn vớt vát được gì không.
Gi Pích đứng đút tay vào túi quần, cau có:
- Còn vớt cái cóc khô. Riêng cái bùa kia mèng ra cũng dăm cây. Nhất là cái món chuộc. Làm gì với cái của nợ này?
Lão Sẹo đưa mắt cho Gi Pích. Hai người trao đổi với nhau. Bé chỉ nghe bập bõm và hiểu loáng thoáng rằng có ai đó định câu một con cá sộp nhưng lại vớ phải một con tép ranh “chỉ được mỗi cái tham ăn”. (Loại cá tép ranh thì chúa tham ăn rồi.- Bé nghĩ thấy tức cười trong bụng- Có thế mới dễ câu chứ!). Gi Pích bảo thả quách. Lão Sẹo nói cứ bắt chuộc ít nhiều, thêm vốn mà vù. Gi Pích nói chả bõ. Lão Sẹo bảo: bọn ở bên kia biên giới đang cần món hàng là các loại gà con Đông Nam Á. (Đang nói cá lại nhảy sang gà! Người lớn mà cũng lăng quăng vậy!). Của này khôi ngô, bụ bẫm, được giá đây. (Hình như lại không phải chuyện gà nữa). Phải tìm cách gỡ gạc thôi. Cái khó là không đánh động bọn mú sớm quá. (Lạ chưa! Người ta nói động cá, chứ ai nói động mú!).
Lão Sẹo trầm ngâm đi lại trong phòng. Một lát, lão có vẻ phởn phơ: “Có cách rồi! Có cách rồi!” Cứ mỗi tiếng “cách”, đầu lão lại gật một cái. Chợt lão đứng dừng lại trước mặt Gi Pích:
- Đi về đây có nhẹm không đấy?
- Yên trí đi! Đi vòng vo. Mà của ấy thì đang mải hốc. (Giá mà Bé hiểu được họ nói ai!)
- Tốt rồi.
Lão đến bên bàn, tươi nét mặt:
- Chà! mải chuyện, kẹo bánh đang buồn chảy cả ra đây này. Bé Thanh lại đây với qua nào!- Lão xài lối xưng hô Nam Bộ nghe cũng ngon lành.
Gi Pích cũng sốt sắng kéo tay Bé:
- Ừ nhỉ. Lại đây em! Đừng ăn kem nữa, lạnh bụng.
Bé giằng tay lại:
-Không! Em về nhà cơ!
-Thì ăn kẹo, ăn bánh đi đã! Anh còn phải cho thêm xăng vào xe nữa kia mà.
Lão Sẹo giơ ra một cái kẹo bạc hà mà Bé rất ham. Gi Pích đón lấy, bóc chìa ra cho Bé:
- Ăn đi em! Kẹo bánh ở đây thì tha hồ. Có thể ăn trừ cơm được.
V. MỰC LẦN TÌM DẤU VẾT CẬU CHỦ
Mâm cơm để nguyên trên giường. Mẹ nấu cho ông chứ mẹ chẳng còn bụng dạ nào mà ăn. Nhưng ông cũng không đụng đũa. Các anh công an chưa tìm ra manh mối. Con béc-giê chạy quẩn trong khu vực Bé thường hay đi về không phát hiện được hướng đi của chiếc Honda đã chở Bé -tất nhiên! Đêm đã khuya. Cô giáo, các bạn học của Bé và những người khác đến hỏi thăm đều đã về cả. Ông nội ngồi bên bàn, nom già đi đến chục tuổi. Mực nằm dưới chân ông, thỉnh thoảng ngóc đầu nhìn ông. Mẹ ngồi cuối giường, lúc lúc lén đưa ngón tay quệt nước mắt.
Chợt Mực nghếch mõm dỏng tai. Liền đó, có tiếng gõ cửa hơi rụt rè. Mực kêu “hực, hực” bật dậy. Nhưng ông đã đặt tay lên đầu chú và bước tới mở cửa. Một người khoác chiếc áo choàng mỏng hiện ra. Ông ta đội mũ lưỡi trai sụp đến tận mắt, mặt vừa mới cạo nhẵn để lại những chân râu lờ mờ đen hai bên má và dưới cằm. Ông nội hơi né ra một bên để ánh đèn soi rõ người vừa vào. Từ phía sau ông, Mực nhảy chồm lên ngực người lạ. Ông ta loạng choạng lùi lại. Ông nội quát khẽ: “Mực!” và nhẹ tay kéo Mực ra. Người lạ trấn tĩnh lại, đi vòng sau lưng ông né tránh con chó và đến gần một chiếc ghế định ngồi xuống, rồi lại thôi. Từ nãy, mẹ đã đứng lên lo lắng lẫn hi vọng nhìn người khách không mời mà đến. Sau khi khẽ đẩy Mực ra khỏi phòng và khép cửa lại, ông nội đứng yên chờ đợi. Người lạ đưa mắt nhìn nhanh gian phòng rồi chăm chú quan sát hai người chủ nhà, đoạn nói từ tốn, tiếng nhỏ nhưng rành rọt:
- Tôi mang tin mừng đến cho nhà ta. Chúng tôi đã dò được tin cháu Thanh.
Ông nội dợm bước lên một bước nhưng kịp ngừng lại. Còn mẹ thì đưa hai tay ôm ngực kêu lên mừng rỡ: “Ôi!”. Rồi mẹ rảo bước lại gần người lạ:
- Bác thấy cháu ở đâu? Quí hoá quá! Sao bác không đưa cháu về hộ luôn?- Chợt nhớ ra, mẹ đi đến bên bàn rót nước- Mời bác ngồi xuống đã. Bác xơi tạm chén nước. Giã ơn bác đã vất vả, đêm hôm khuya khoắt. - Mẹ quay sang ông nội - Có lẽ đành phải phiền đến chú Bích nhờ cùng đi với ông đón nó về, kẻo…
Người lạ vội vã ngắt lời mẹ:
- Ấy! Chưa vội được. Cháu hiện ở xa lắm.
Ông nội đã đến ngồi bên bàn đang chìa chén nước cho khách, vội đặt chén nước xuống, sửng sốt:
- Sạo lại thế được?
Người lạ đáp nhỏ nhẹ:
- Theo chỗ chúng tôi được biết thì cháu Thanh theo mấy đứa choai choai làm một chuyến du lịch…
Mẹ hốt hoảng:
- Chết! Con tôi có bao giờ tự tiện rời nhà đâu?
Người kia chép miệng:
- Thế mới có chuyện. Bố mẹ, ông bà chẳng mấy khi hiểu hết con cháu mình đâu.
Ông nội cố nhìn vào đôi mắt người lạ vẫn nấp dưới bóng cái lưỡi trai của chiếc mũ:
- Có đúng là bác biết cháu bé chúng tôi không?
Người lạ thò tay vào phía trong áo khoác, nơi Mực vừa chồm tới lúc nãy, rút ra một chiếc khăn choàng:
- Khăn này là của cháu Thanh chứ ?
Mẹ vồ lấy xem. Đúng là chiếc khăn của Bé. Mẹ ấp chiếc khăn lên mặt như để lau dòng lệ vừa ứa ra. Ông lặng đi một lúc rồi hỏi:
- Bây giờ bác bảo chúng tôi thế nào ?
Người lạ lần túi lấy ra một bao thuốc lá có vẽ ba con số 5 và một chiếc bật lửa dùng khí. Chắc là đang mải toan tính, y không để ý thấy chiếc khăn tay của y chòi theo ra rơi xuống nền nhà. Y búng búng bao thuốc cho thòi ra mấy cái đầu lọc rồi chìa mời ông nội. Ông cảm ơn và lắc đầu. Y rút ra một điếu xoè lửa châm hút. Đến đây ông nội mới nhìn rõ cái sẹo nơi khoé môi người lạ mà từ lúc vào nhà, không hiểu cố ý hay vô tình, y không để phơi ra phía ánh đèn. Thở ra một hơi thuốc dài, lão Sẹo- đúng hắn là lão Sẹo- thủng thẳng nói, vừa nói vừa dò thái độ hai người chủ nhà:
- Lũ trẻ đến được nơi ấy thì chẳng biết có phải vì hết tiền hay không mà chúng vào một cửa hiệu chừng như định lấy cắp. Thế quái nào mà chúng làm hỏng mấy thứ đồ cổ rất quí của người ta. Họ định tẩn cho một trận rồi tóm nộp công an. May một người bạn của tôi biết chuyện bèn khuyên nên để cho người nhà chúng đền. Nhưng mấy đứa kia là bọn cầu bơ, cầu bất, chỉ còn trông vào cháu Thanh nhà ta đây thôi. Ấy, cháu cũng gan lì lắm chẳng chịu hé môi gì đâu. May mà có cái biển hộ mệnh của cháu.
Mẹ hấp tấp hỏi:
- Họ bắt đền bao nhiêu ạ?
- Chẳng mấy. Mười cây.
- Cây gì kia?
- Mười cây vàng. Đưa tiền mặt cũng được.
- Sao mà nhiều thế?
- Bọn tôi nói mãi, họ mới châm chước cho đấy. Mấy thứ đồ cổ là vô giá. Mười cây chỉ vừa đủ đền người ta thôi, chứ chúng tôi, tôi và các bạn tôi chỉ làm phúc, chẳng đòi công sá gì vào đấy cả đâu.
Đến đây, mắt ông nội loé lên một ánh ngờ vực. Ông nhìn thẳng vào mặt lão Sẹo:
- Được, chúng tôi xin đền. Nhưng cũng phải cho chúng tôi gặp cháu đã chứ.
Mẹ chưa hiểu ý ông nội, tiếp lời:
- Chúng tôi cần phải có thời gian lo liệu. Món tiền to quá. Cứ cho chúng tôi gặp cháu để yên cái bụng, rồi muốn gì cũng xin vâng.
Lão Sẹo lắc đầu:
- Không được đâu. Chẳng nên trì hoãn, mà cũng chẳng gặp được cháu trước khi đền bồi xong.
Ông nội nghiêm nghị hỏi:
- Muốn giữ làm con tin à?
Lão Sẹo chủng chẳng:
- Cụ muốn hiểu thế cũng được.
Ông nội nổi nóng:
- Cứ đưa ra công an đi! Hay đưa ra toà cũng được.
Lão Sẹo cười khẩy:
- Họ chẳng dại. Đợi pháp luật thì “khuya” quá. Mà có khi có án quyết rồi, khối người vẫn ỳ ra đấy.
Thấy không khí hơi găng, mẹ muốn làm cho dịu đi:
- Bác cứ đưa chúng tôi đến gặp người ta xin cháu về. Cháu còn bé quá, xa nhà lâu không lợi. Chúng tôi không để người ta và bác thiệt đâu.
Lão Sẹo quay qua mẹ, giọng tỏ ra hoà nhã:
- Chị ơi! Tôi chỉ là người đưa tin giúp. Còn người ta thì chắc họ chẳng muốn nắm dao đằng lưỡi. Họ đã thoả thuận là sau khi nhận đủ tiền, lập tức giao cháu lại cho chúng tôi để trả gia đình. Nếu nhà ta có khó khăn thì chúng tôi sẽ cố nài họ giảm cho vài giá. Nhưng rứt khoát là họ sẽ không chịu dưới chín lăm chỉ.
Ông nội đưa mắt cho mẹ Bé rồi đứng dậy:
- Được, anh cứ ngồi chơi, chờ cho một lát. Để tôi đi hỏi vay xem.
Lão Sẹo đưa tay ra hiệu ngăn, cứng giọng:
- Xin mời cụ yên cho. Vay ai lúc nửa đêm gà gáy này? Tôi không đến đây một mình đâu.
Ông nội quay phắt lại trừng mắt nhìn lão Sẹo:
- À ra vậy! Giờ thì tôi hiểu rồi. Cháu tôi chẳng làm hỏng gì của ai cả. Chính các anh bắt cóc rồi đến đây tống tiền.
Lão Sẹo cười nửa miệng:
- Cụ muốn buộc tội thế nào thì tuỳ. Nhưng xin cụ nhớ cho rằng người nhát gan không dám đến báo tin như thế này đâu.
Mẹ vội dàn hoà:
- Bác ạ, coi như cháu bị lạc các bác tìm thấy. Chúng tôi xin hậu tạ, nhưng các bác cũng thấy gia cảnh chúng tôi…
Lão Sẹo ra vẻ thông cảm:
- Chúng tôi cũng biết gia cảnh nhà ta thanh bạch. Thôi thì thế này: Đúng chín cây. Trên đồng trống sau xóm này có một cây đa. Phía trên cành thứ hai có một cái hốc. Cụ hoặc bà sẽ để vào đấy lúc ban đêm. Người ta nhận đủ tiền lúc nào thì cháu bé về nhà lúc ấy. Nhưng đừng để lâu quá ba ngày. Chắc cụ và bà sẽ không làm gì gây nguy hiểm cho cháu. Bây giờ thì tôi đi đây. Cụ và bà ở yên trong phòng này cho mười phút.
Lão nói nhẹ nhàng nhưng mắt thì quắc lên. Nói xong, lão quơ tấm khăn của Bé lúc nãy mẹ đặt trên bàn nhét vào trong áo choàng, không quên vơ bao thuốc lá và chiếc bật lửa nhét vào túi. Lão bước ra ngoài khép cửa lại sau lưng. Chiếc khăn tay của lão vẫn nằm trên đất.
Ông chồm dậy, nhưng mẹ đã ngăn ông lại bằng ánh mắt van lơn. Ông nhìn chừng chừng như muốn xuyên tấm cánh cửa. Mẹ thì như bị tê dại đi. Im lặng nặng nề. Độ mươi phút đã trôi qua. Mẹ sực tỉnh, rón chân đến bên cửa, đặt tay vào nắm cửa để yên một giây rồi hé cánh cửa trông ra trời đêm mù mịt. Đó là một đêm u ám. Trời tối nhờ nhờ. Mẹ mở rộng cánh cửa. Ánh đèn trong phòng in một mảng sáng hình thang trên sân. Quanh mảng sáng ấy, đêm như quánh lại và càng vắng lặng. Mẹ cất tiếng gọi Mực, nhưng Mực đã biến đi đằng nào.
*
Mực từ khi bị ông nội đẩy ra ngoài phòng rồi khép cửa lại vẫn bứt rứt không yên. Chú quẩn quanh một lúc trước cửa, chợt nhớ tới nhiệm vụ canh gác của mình, chú nhẹ nhàng nhảy xuống sân. Nhưng cái mũi thính nhạy của chú bắt được hơi lạ. Chú bước rất êm về phía cổng. Cặp mắt tuần đêm của chú đã nhìn thấy hai bóng đen đứng nấp trong ngõ hơi xa cổng một tí. Chúng bất động gần như hoà lẫn vào các lùm cây hai bên ngõ. Như thường lệ, Mực không xông ra. Chú cũng đứng nép một chỗ chờ động tĩnh. Chú muốn quát lên mấy tiếng báo động: “Gâu! gâu! Kẻ nao? kẻ nao?”, nhưng có lẽ chú nhớ ra trong nhà đang có khách đáng ngờ nên chú vẫn đứng yên, duy cái đuôi thõng xuống cứ ngọ nguậy hoài với cái vẻ sốt ruột, mà cái cổ thì vươn thẳng chĩa cái đầu về phía trước với dáng kiên nhẫn rình chờ.
Bỗng một luồng sáng hắt ra sân, một bóng người từ trong nhà lách ra, rồi bóng tối khép lại. Lão Sẹo đi gần sát bên Mực mà không hay. Lão đi qua hai bóng đen không dừng lại, chỉ lấy tay ra hiệu. Hai bóng đen lần lượt bước nối theo lão, cách nhau một quãng ngắn. Cả ba bước đi một cách thận trọng, cố không gây ra tiếng động, và căng mắt quan sát xung quanh, nhất là luôn luôn quay nhìn phía cửa nhà Bé. Tuy vậy, chúng vẫn không thể nhìn thấy Mực đang theo sau chúng. Cái gì đã thúc đẩy Mực? Phải chăng hơi hướng của Bé, cậu bạn và cậu chủ, nơi chiếc khăn quàng đang giắt trong người lão Sẹo đã kéo chú theo?
Bên đường cái có một khối to lù lù. Đó là một chiếc xe tải loại nhỏ thấp có mui, thành chắn phía sau bỏ thõng. Chừng thùng xe để trống. Lão Sẹo dừng lại bên ca-bin xe, mở cửa và chui vào. Hai bóng đen đi sau cũng lần lượt biến vào ca-bin. Tiếng xe rồ máy. Khi Mực chạy tới thì bánh xe từ từ lăn. Chẳng kịp đắn đo, Mực nhảy lên thùng xe, vừa lúc đèn pha bật sáng và xe bắt đầu lao nhanh. Mực hơi luống cuống, loay hoay trong thùng xe, mấy lần định nhảy xuống, nhưng mặt đường phía dưới cứ nhập nhoạng chạy lùi trở lại. Chú đã định kêu lên: “Gâu! gâu! Đưa tôi đi đâu?”, nhưng hẳn chú đã kịp nghĩ lại.
Chiếc xe dừng đột ngột khiến Mực trượt chân suýt ngã. Cửa ca-bin xe mở ra. Có ai đó bước xuống đường và có tiếng nói khẽ với nhau. Mực vội vàng rời thùng xe. Chú chưa kịp định thần thì chiếc xe đã lại lao đi. Chú nhìn chung quanh, thấy một bóng người đang rẽ vào một ngách đường. Chú bám theo. Nhưng đấy không phải là lão Sẹo, kẻ đang giữ vật mang hơi người thân thuộc đối với chú.
Bóng đen phía trước đã biến mất sau một cánh cửa vừa khép lại. Mực loanh quanh một lúc trước cánh cửa đóng im ỉm. Bực mình, chú quát lên: “Đâu? Đâu?”. Chẳng có chi đáp lại. Mà kẻ vừa khuất dạng chẳng phải là kẻ mà Mực đang cố bám theo. Chú rời cái ngõ nhỏ rẽ ra một cái ngõ khác lớn hơn. Chú chạy gần, vừa chạy vừa đánh hơi. Thỉnh thoảng chú dừng lại quanh tới quanh lui, đưa mũi hít ngược hít xuôi. Chú lang thang đã khá lâu. Càng lúc càng sốt ruột vì rõ ràng là chú đã bị lạc. Chợt Mực khựng chân lại. Chú vừa thoáng ngửi thấy một mùi quen. Chú rén chân bước, mũi rà mặt đường. Chú hực lên một tiếng. Gần sát mũi chú là một cái que nứa nhỏ. Đó chính là cái que xâu kem mà Bé đã vứt xuống như các bạn đã biết. Mực đưa mũi hít liền mấy cái rồi ngước đầu lên, đuôi ngúc ngắc vẻ hồ nghi, lưỡng lự. Bỗng chú phất đuôi xuống một cái và lại giương lên ngay, chú cúi đầu xuống thận trọng dò tìm vòng quanh, càng lúc càng xa dần về cả hai phía. Lại một cái que nữa. Chú ngửi một tí, mũi khịt khịt, rồi chạy dò tìm tiếp, lần này bước mau hơn, quả quyết hơn,vì chú đã định được hướng. Lần lần chú ra đến phố lớn. Ở đây, hồi nãy đầy người đi lại, xe cộ nườm nượp, mùi vị loạn xạ, còn hơi nào lưu lại được? Biết dò tìm làm sao? Sau một hồi luẩn quẩn vô ích, chú đứng thõng đuôi, đầu ngước lên, ánh mắt buồn khôn tả. Một lát, chú quay vào ngõ, lủi thủi, tấm thân uể oải đu đưa, cái đuôi rủ xuống, đầu hết hếch sang phải lại hếch sang trái, như chẳng biết hỏi han vào đâu. Chú dừng lại khá lâu cạnh chiếc que đầu tiên gặp lại trong ngõ, cúi xuống hít, ngửng lên nhìn trước ngó sau, rồi lại hít. Chừng chú nghĩ ngợi lung lắm. Chú lại chạy đi. Chú gặp các chiếc que tiếp đó, và dừng lại tí chút. Đã đến chỗ chiếc que chú tìm thấy trước nhất. Chú ngẩn ngơ mất một lúc. Rồi chú đi vào sâu thêm nữa. Chú lại bắt gặp một chiếc que mang hơi Bé. Chú kêu lên ư ử trong cổ, đuôi phất lên rung khe khẽ. Vậy là chú đã lần đúng đường truy tìm những chiếc que lõi kem. Chiếc nữa, chiếc nữa, rồi chiếc nữa. Cứ thế… Mực bỗng mừng quýnh lên vì chú vừa bắt gặp mùi thân thuộc còn vương lại rất đậm. Chú đã đứng trước cánh cổng sắt mà Gi Pích đã đưa Bé đến lúc ban ngày.
Mực cuống quít trước tấm cánh cửa đóng im ỉm mất một lúc. Rồi chú tìm thấy cái lỗ ở chân tường xế phía dưới cánh cổng. Chú thận trọng thò đầu vào nghe ngóng, rồi luồn cả thân mình tọt vào trong. Tối đen. Nhưng với Mực thì có sá gì. Chú bắt hơi cậu chủ và nhanh chóng lần ra lối đi. Chú bon theo một hành lang tối bưng, băng qua một phòng trống và… Chú đang dừng lại để nhận đường, bỗng nghểnh đầu, vểnh tai, rồi lao vụt đi. Chú vừa nghe tiếng kêu la văng vẳng cùng với tiếng động cửa sầm sập. Đây rồi! Chú chồm lên một cánh cửa gỗ lấy chân cào cào như đập cửa và quát lên: “Gâu! gâu! Mở mau! mau!”