Trải qua bao vất vả cuối cùng ngày 27/09 các con sẽ học tiết tiếng Việt đầu tiên, lòng cảm thấy xúc động viết luôn theo mạch đập của trái tim.
TIẾNG QUÊ HƯƠNG
Khai giảng rồi con háo hức chờ mong
Được đến lớp học tiếng cha, tiếng mẹ
Được cảm nhận quê hương qua chùm khế
Qua hàng răng đen nhưng nhức của bà xưa.
Cha kể con nghe thời cơm độn rau dưa
Về một thuở quần tích kê áo vá
Câu dân ca từ sắn khoai rơm rạ
Cánh cò chao trắng bãi sú triền đê.
Tiếng quê hương là gió gọi hàng me
Góc phố nhỏ tiếng rao đêm gợi nhớ
Có nồng nàn đâu đây mùi hoa sữa
E ấp trong tay hương sen cốm đầu mùa.
Đêm hội làng liền chị đã về chưa
Lấp ló yếm đào trong mớ ba mớ bảy
Sóng vỗ mạn thuyền câu giao duyên gửi lại
Đừng về... người ở... người ơi...
Tiếng quê hương là tiếng sáo xa xôi
Tiếng khèn lá dập dìu theo vó ngựa
Phiên chợ tình ai say bên bếp lửa
Khúc hoan ca vùng biên ải nồng nàn.
Theo cánh Chơ-rao bạt gió đại ngàn
Ru bé ngủ say trên lưng của mẹ
Binh bong tiếng cồng chiêng giữa núi rừng hùng vĩ
Giọng sử thi sang sảng tới muôn đời.
Nhã nhạc cung đình trên sóng nước chơi vơi
Khúc Nam Ai thiếp ca không lỡ nhịp
Bến Vân Lâu thuyền chàng còn ghé kịp
Tựa vai nhau soi Hương nước Ngự Bình.
Tiếng quê hương là tiếng của Tiên Linh
Đạp chông gai ngàn năm đi mở đất
Chín con rồng đem phù sa bồi đắp
Để Cửu Long xanh biếc một màu xanh.
Ai đã ươm nên vườn hoa trái ngọt lành
Khúc Dạ cổ hoài lang ngọt đờn ca tài tử
Lữ khách dùng dằng nửa đi nửa ở
Chếnh choáng bên nàng muốn khớp kiệu ngựa ô.
Tiếng quê hương là tiếng của cơ đồ
"Từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái"
Có tiếng thơ thần đêm khuya vẳng lại
“Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư”
Có những nỗi buồn vọng đến ngàn thu
Chuyện đã cũ nhưng lòng luôn đau nhói
Bài cảnh giác cho những ai nông nổi
Lông Ngỗng chỉ đường nước mất nhà tan.
Tiếng quê hương khi thắng giặc hung tàn
Chữ nghĩa nhân ngự đỉnh cao trăm trượng
Mở cho giặc con đường lui về nước
Đức hiếu sinh xóa bỏ hết hận thù.
Có những tấm gương vằng vặc không mờ
Nước có biến thân làm Vua đánh giặc
Khi bình yên xem lợi danh như cỏ rác
Trút bỏ ngai vàng rực rỡ một Trúc Lâm
Tiếng quê hương là tiếng của muôn dân
Đã làm nên những Chi Lăng, Vạn Kiếp
Vẫn còn kia trang sử xưa oanh liệt
"Đằng Giang tự cổ huyết do hồng".
Cuộn trào dâng từng đợt sóng biển Đông
Như khóc hận bởi Hoàng Sa chia cắt
Tổ Quốc ơi không thể nào cúi mặt
Bảo vệ chủ quyền thuyền xé sóng ra khơi.
Tiếng quê hương là tiếng mẹ ru hời
Người một nước chung giàn như bầu bí
Bao cuộc phân tranh ngập tràn huyết lệ
Hãy nắm tay nhau xây đắp nước non nhà
Không thể nào bất hiếu với mẹ cha
Không thể nào bất trung cùng Tổ Quốc
Và... bất nghĩa với bạn bè sao được
Kẻ khôn ngoan không học chữ vô loài.
Tiếng quê hương là tiếng của phận người
Của bác xích lô, chị lao công cực khổ
Của cụ bà tay run chìa tờ vé số
Của em bé đánh giày tóc cháy rễ tre...
Ai sang giàu có lên ngựa xuống xe
Hãy mở lòng nhân, chìa bàn tay nhân ái
Kiếp người trầm luân, bể đời là khổ ải
Hãy gieo nhân, ắt hái quả ngọt lành.
***********
Tiếng quê hương là tiếng của nghĩa tình
Lòng đoàn kết của người xa xứ sở
Yêu quê hương qua nhọc nhằn con chữ
Tổ Quốc hiện lên trên trang sách học vần.
Bao lâu rồi trải biết mấy khó khăn....
Lớp tiếng Việt từ đây khai mở
Ánh mắt nụ cười các con rạng rỡ
"Con không rơi... cơm không ngã nữa rồi"***
Phía trước con đường gian khổ chưa thôi
Lớp học nhờ... cùng tương lai chưa biết trước
Chợt bùi ngùi, lòng thầm mơ ước
Giữa Kiev này có trường học của riêng ta.
Các con lớn lên biết nói tiếng mẹ, cha
Biết Tiếng Việt, Nước Nam còn mãi mãi
Biết lẩy câu Kiều, biết đò đưa mái đẩy
Và hiểu được mẹ cha khi lớn lên... "Đất Nước đã có rồi"...***
KIEV 25/09/2017
Hồ Sỹ Trúc
*** Những câu con trẻ sinh ra ở nước ngoài hay mắc lỗi khi nói
*** Trích thơ trong bài Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm