Ngày ấy, tôi được dì tôi lúc ấy là giáo viên hoá cấp 3 đưa về thăm nhà chồng dì. Đó là một ngôi nhà nhỏ trong ngõ Lương Sử A, phố Quốc Tử Giám. Lần đầu được đi chơi xa thật là hồi hộp! Trong trí óc non nớt của một cô bé lên 10 cái gì cũng đẹp, cũng nên thơ, tràn đầy những bí ẩn cần khám phá. Tiếng tàu chạy xình xịch, tiếng bánh sắt nghiến trên đường ray, những đồng lúa mênh mông, những bãi mía, nương ngô ngút ngàn trên phù sa châu thổ sông Hồng cứ lùi dần cho con tàu băng tới. Tiếng còi tàu hú dài báo hiệu sắp vào ga, đã thấy những phố phường tấp nập người xe. Đoàn tàu tiến vào ga B ồn ào náo nhiệt, hai dì cháu chỉ đi bộ một đoạn là tới nhà. Ngõ Lương Sử A nhộn nhịp tiếng chào mời của các quán hàng ăn, những gánh hàng rong, tiếng gọi nhau í ới xen lẫn tiếng thùng chậu khua lanh canh của những người hứng nước máy công cộng đầu phố- Tất cả tạo nên trong tôi một ấn tượng sâu đậm đầu tiên về Hà Nội.
Văn Miếu- Quốc Tử Giám
|
Những ngày sau đó, dì dẫn tôi đi tham quan Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Không thể nói hết những cảm xúc bồi hồi, lâng lâng của tôi khi đứng trước những “cụ Rùa đá”. Vâng, tôi đang đi trong niềm tự hào văn hiến, giữa linh thiêng văn hóa Việt Nam! Đường phố lúc nào cũng tấp nập đông vui. Tiện chân ghé vào một quán kem bên đường để thưởng thức những que kem với vị: thơm, ngọt , bùi lan tỏa nơi đầu lưỡi. Quanh quanh bên vườn hoa Thống Nhất tươi vui gợi nhớ những tưng bừng nối liền Nam Bắc. Mấy ngày ngắn ngủi qua đi, dì phải đi làm còn tôi lại theo tàu về quê mẹ.
Lần theo đoàn thiếu nhi trại hè về thăm lăng Bác để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc nhất! Thị xã thuê xe chở đoàn thiếu nhi chúng tôi về Hà Nội. Giữa trưa hè nắng chói chang, từng “dòng người đi trong thương nhớ” lặng lẽ viếng thăm vị Cha già kính yêu đang say giấc ngủ ngàn năm. Người tôi dâng lên một cảm giác lạnh toát, bàng hoàng như khi đứng trước người thân yêu đã khuất! Vâng, tình cảm đối với Bác Hồ luôn in đậm trong trái tim tôi và có lẽ là trong tim mỗi người dân nước Việt và tự nó thể hiện như một lẽ tất nhiên vậy! Bác nằm đó bình thản biết bao,khuôn mặt vẫn như mỉm cười,vầng trán vẫn mênh mông, thanh thản lạ kỳ. Những di tích lịch sử, nhà sàn ao cá như còn in bóng Bác đâu đây, những hàng cây Bác trồng, những hàng cây ơn Bác, những hàng tre vẫn đang dào dạt kể chuyện xưa. Ra về lòng tôi bâng khuâng nhớ mãi và mong ngày trở lại!
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
|
Những năm sau đó tôi thường về Hà Nội hơn. Dì tôi đã chuyển nhà đến trước bến xe Kim Liên nên tôi hay theo dì đi chợ Khâm Thiên, xem xiếc ngay cạnh nhà, xem phim tại rạp hồ Thuyền Quang. Bến xe Kim Liên lúc nào cũng ồn ào những chuyến xe vào Nam, ra Bắc, công viên Thống Nhất rợp bóng cây xanh và bờ hồ Hale liễu rủ êm đềm rực rỡ ánh đèn khi màn đêm buông xuống. Có những lần tôi về thăm nhà ông tôi nằm trên đường láng Thượng, trước nhà là sông Tô Lịch và bên kia là Cầu Giấy- nơi có khu chợ nhỏ mà tôi vẫn thường theo bà đi mua đồ ăn rồi đạp xe sang chơi bên đại học Sư phạm 1, Đại học Ngoại Ngữ...Và Hà Nội đã in dấu trong ký ức của tôi từ mỗi góc phố, mỗi hàng cây...
Năm 1988, tôi đi xuất khẩu lao động. Trạm tiếp khách Đông Anh những ngày đông lạnh giá, chúng tôi hồi hộp chờ ngày bay với bao ý nghĩ mông lung về một chân trời xa lắc là Liên bang Xô Viết qua văn học, là nước Ucraina có thành Kiép xinh tươi bên bờ sông Đơ-nhép với những trang lịch sử hào hùng. Ngày 23 Tết, chúng tôi rời Nội Bài với bao giọt nước mắt tiễn đưa, những nỗi niềm lưu luyến quê hương trong đó có Hà Nội thân yêu. Bốn năm hợp tác lao động qua mau, tôi lập gia đình sinh con và ở lại Ucraina. Khi con trai tôi 5 tuổi thì tôi đưa cháu về Việt Nam và cháu học ở Hà Nội sống với em chồng tôi ở phố Pháo đài Láng. Mỗi lần về Việt Nam thăm gia đình và con, tôi đều đạp xe đi dạo quanh Bờ hồ, phố Nguyễn Thái Học, Cầu Giấy, Láng Thượng...Xuống thăm em gái tôi lấy chồng ở Bạch Mai, hoà trong hơi thở của Hà Nội với bánh rán mặn đầu ngõ, với món chè Cung đình Huế mang hương vị thật riêng, thật quyến rũ!
Đáng nhớ nhất là năm 2003, tôi về Việt Nam và có dịp gặp gỡ với nhà thơ Phạm Tiến Duật lúc ấy là Tổng biên tập báo Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam tại phố Trần Hưng Đạo, được chú ký tặng tập thơ “Đường dài và những đốm lửa” mà tôi vẫn nâng niu trân trọng. Chú xem thơ tôi và bảo cháu hãy làm thành tuyển tập để chú gửi in. Thời gian nói chuyện với chú không nhiều nhưng tôi cảm nhận đó là một con người đầy nhiệt huyết và rất vui tính.
Tôi trở lại Ucraina với bao nỗi lo toan vất vả mưu sinh, ý định in tập thơ chưa thành thì nghe tin chú đã ra đi, để lại trong tôi niềm tiếc thương vô hạn!...
Hoa đào ngày Tết
|
Cuối năm 2008, cả gia đình tôi gồm bốn người về thăm quê hương. Chuyến bay hầu hết là người Việt Nam. Máy bay vừa hạ cánh an toàn xuống đường băng và tiếp viên gửi lời chào quý khách, đã thấy vang lên những tràng pháo tay giòn giã chúc mừng phi hành đoàn và chào quê hương, nước mắt cứ tuôn trào không thể nào kìm nén được!
“Máy bay hạ độ cao
Quê hương hiện dần trong mắt
Phố phường rộn ràng nhịp đập
Thế kỷ 21 sục sôi
Nội Bài náo nhiệt bao người
Gặp gỡ, chia ly-nụ cười và nước mắt
Ôi Quê hương là mơ hay thực
Ta trở về trong hoài niệm nao lòng
Mỗi hàng cây bến nước dòng sông
Nghe thân thương chở về miền ký ức
Mái trường phấn trắng với lời thơ
Ta lại tìm về những gót chân xưa
Tiếng chim hót thiết tha bên ô cửa...”
Những dòng thơ ấy cứ ào ạt hiện lên trong tâm trí tôi. Lần đầu sau 22 năm xa cách, cả gia đình tôi được ăn Tết ở Việt Nam. Tuy không được đủ đầy vì cha mẹ tôi không còn nhưng cũng thấy ấm áp vô ngần! Hết Hà Nội, Vĩnh Phúc lại Quảng Ninh, thời gian trôi thật nhanh để chúng tôi lại phải chia tay Việt Nam với bao niềm lưu luyến quê hương yêu dấu. Những lưu luyến về một Hà Nội xưa, một Hà Nội hôm nay tràn: đầy sức sống vươn lên tầm cao mới với những khu đô thị hiện đại, những con đường mới mở thênh thang, với đường Nguyễn Chí Thanh trải dài ôm lấy những vườn hoa xinh đẹp, những phố “ Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về”...
Hà Nội - những công trình mới ( Ảnh: Thế Sáng)
|
22 năm đã trôi qua trên xứ người, những mùa Đông dài buốt giá thấy nhớ quê hương nhiều hơn
“...Trăng suông hờ hững thả bên trời
Nay khuyết mai tròn nhớ quá thôi
Hương cau man mác đưa vời vợi
Kẽo kẹt đêm hè tiếng võng nôi...”
Mỗi khi Tết đến, mỗi độ Xuân về lại tha thiết nhớ những “đường phố đông vui chờ đón Tân Niên”. Nhớ những cánh đào Nhật Tân khoe sắc, thèm được chen vai thích cánh dưới mưa Xuân để viết lên những vần thơ da diết
“...Tôi đi lạc mãi giữa ngàn hoa
Muốn ghé chia vui với mọi nhà
Muốn sẻ nỗi niềm cùng đất nước
Mùa Xuân hạnh phúc rộn tim ta...”
Ngàn năm Thăng Long đang dần tới. Hà Nội vẫn “hào hoa, linh thiêng, nhân kiệt”. Hồ Gươm vẫn trong xanh “như giọt nước mắt long lanh ngàn đời để lại”- như tình yêu tôi mãi mãi với Thủ Đô! Yêu Hà Nội, nhớ những vòm cây hoa tím nhẹ đưa, những con đường ngạt ngào hương hoa sữa, những bờ hồ liễu rủ thướt tha! Muốn nói biết bao nhiêu những lời thương nhớ “Hà Nội ơi ta nhớ không quên, Hà Nội ơi trong trái tim ta...”
Đỗ Thị Hoa Lý ( Kiev, 7/2010)
Theo Quehuongonline