Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 05/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Sáng Tác Cộng Đồng >
  Chị dâu tôi Chị dâu tôi , Người xứ Nghệ Kiev
 

 Ngày chị lên đường, cả nhà tôi và nhà chị chẳng có nụ cười, chẳng có khuôn mặt nào vui tươi như những gia đình khác tiễn người thân ở sân bay dạo ấy. Còn tôi không bao giờ quên được cảnh thằng Tiến đêm đó bò quanh giường khóc tìm mẹ, giọng nó khản đặc.

Chị dâu tôi

 

        Lâu mới có dịp đi lên khu vực chợ trên. Đi qua chỗ chị, thấy anh Tám đang đứng trông hàng cùng bà Tây nhân viên, tôi hỏi:

- Ơ, thế chị Hòa đâu mà có một mình anh đứng ở đây?

- Chị ở nhà mấy ngày nay rồi, phát ốm vì ông con đấy thôi, cho đi học được một năm dự bị, giờ dở chứng kêu không theo kịp đòi nghỉ. Ừ nghỉ thì nghỉ, xin ra chợ bán hàng thì ra chợ mà bán hàng. Đấy, nó đang ngồi trông hàng ở đằng kia kìa, cô ra mà xem. Thật giờ chẳng hiểu nổi chúng nó nữa, chẳng biết xót gì tiền đã đóng cả năm học cho nó, mấy nghìn đô chứ có ít à? Cho nó đi chợ kiếm tiền bục mặt ra rồi nó mới biết. - Anh ấm ức nói một hồi như vậy. Tôi vội chạy bổ ra chỗ thằng Tiến, thấy nó ngồi co ro nấp sau đống hàng, nhìn vẻ mặt buồn rười rượi của nó, tôi quên phắt ý định trách mắng nó mà vội hỏi :

- Mẹ cháu bị sao rồi? Sao cháu không gọi điện báo cho cô?

Cũng vì chúng tôi tuy bán hàng cùng chợ nhưng khoảng cách khá xa, đủ để người ít vốn xuống chợ tôi lấy hàng "xu khôi", "ốp tôm" cầm lên chợ trên này bán là đã có lãi rồi nên chúng tôi chủ yếu liên lạc qua điện thoại. Chỉ có ngày lễ, ngày Tết hay giỗ chạp, hoặc thứ hai nào rỗi thì tới nhà nhau chơi, nhưng cũng hiếm lắm. Chợ búa, đi lấy hàng… cả tuần, thứ hai cũng là ngày để lo bao việc chứ có được nghỉ ngơi đâu. Cuộc sống bên này nó thế cả.

- Mẹ cháu ốm, mấy hôm nay ở nhà rồi, mẹ cháu không cho cháu gọi điện, mẹ cháu sợ cô lo lắng!

Tôi rút ngay điện thoại ra gọi chị:

- A lô, chị à? Sao chị ốm mà chẳng nói gì với em?

- Chị chỉ bị ốm xoàng thôi, chẳng qua lạnh quá không muốn ra chợ ấy mà. Em đừng phải vào thăm làm gì.

Nóng ruột, buổi chiều tôi giục chồng dọn hàng sớm để vào thăm chị - người đã từng là chị dâu của tôi - người mà số phận bao lần chìm nổi cũng như nhiều người phụ nữ khác làm ăn bên này - một người chị dâu mà tôi rất thương.

 Ngày ấy, tôi còn đang  đi học năm cuối cấp phổ thông. Một hôm, đang ngồi học thì anh tôi kéo ghế ngồi xuống bên cạnh, khẽ khàng nhờ tôi thuyết phục bố mẹ sang nhà chị Hòa hỏi cưới cho anh. Anh biết là tôi vẫn ủng hộ tình yêu của anh và chị Hòa. Anh còn tin là tôi khéo mồm để làm thuyết khách nữa, chứ thực ra vì tôi là con gái út, được bố mẹ chiều chuộng nên đòi gì được nấy, chứ khéo mồm gì tôi. Tôi hăng hái nhận lời vì rất quý và ngưỡng mộ tình yêu của anh chị. Tình yêu ấy tôi đã biết từ lâu rồi, vì trong nhà tôi và anh tôi rất thân nhau nên anh cũng hay kể cho tôi nghe về tình yêu của anh và chị Hòa gặp trắc trở thế nào.

Anh và chị đều là thợ bậc cao nhất của phân xưởng chủ chốt trong một nhà máy văn phòng phẩm ở trung tâm thành phố Hà Nội. Phục nhau vì tài, hợp nhau vì sự vui vẻ, trẻ trung. Tình yêu đến lúc nào không biết. Ạnh chị yêu nhau say mê, không gì cản nổi dù hai bên gia đình đều không đồng ý. Bố tôi chê chị không đảm đang, phụ nữ mà bố thấy việc nhà, việc cửa thế là hỏng. Nhà cửa để bừa bộn không dọn. Đến chơi nhà mình, trổ tài nấu nướng thì độc nhất lần nào cũng một món canh thập cẩm: sườn, xu hào, cà rốt hầm trong nồi áp suất, lại còn chống chế là bảo đảm đủ chất, đủ vitamin. Cơm thì lần sống, lần nhão. Bảo ra chợ mua quả dọc lại mang về quả thanh trà. Chúng nó mà lấy nhau thì rồi vợ chồng ăn cơm tập thể, còn con cái nuôi nấng thế nào?

Bên nhà chị cũng quyết liệt. Mẹ chị vẫn tự hào về dòng dõi tôn thất nhiều đời của cung đình Huế. Nữ tắc, nữ công vẫn lừng lẫy tiếng tăm. Mỗi lần có hội chợ, triển lãm bà vẫn được mời đi nấu ăn, biểu diễn. Hai đứa con lớn lên đều học hành đến nơi , đến chốn. Chị con gái lớn giống bà, nữ công gia chánh vẹn toàn. Chỉ có chị Hòa là con út, chiều từ bé, không phải nhúng tay vào bất kì việc gì trong nhà. Thấy chị ham mê máy móc, chẳng muốn học lên đại học, xin vào làm ở nhà máy, bà cũng chiều theo. Mà chị chỉ vụng việc nhà, chứ ở nhà máy ai chả khen chị. Từ một cô công nhân bình thường ham học hỏi mà trở thành một kĩ thuật viên có tay nghề kịch chuẩn được phân công dẫn dắt chỉ bảo cho các em sinh viên đi thực tập. Chị lại xinh xắn nên lo gì chả tìm được người hơn anh tôi - người theo bà là quá nhỏ con, lại gầy yếu. Mà bà sợ nhất là cái di chứng sốt rét để lại cho anh tôi sau mấy năm đi bộ đội bên Lào về. Bà nghe người ta nói sốt rét khó có con nên bà sợ, bà ngăn cản.

Yêu nhau mấy năm rồi, bị ngăn cản nhưng anh chị vẫn không rời. Thế rồi có lẽ cũng cảm động trước tình yêu ấy và những lời khuyên giải của họ hàng, bạn bè hai bên mà cuối cùng đám cưới của anh chị cũng được quyết định. Khỏi nói anh chị mừng thế nào, còn tôi thấy được một điều: Tình yêu, hạnh phúc là phải biết đấu tranh, vượt qua gian khó và phải chiến thắng.

Một năm sau, thằng con trai ra đời, đẹp như một thiên thần, mũm mĩm, trắng trẻo. Có lẽ do tình yêu hội tụ với cả món hầm sở trường của chị, vừa đủ chất, vừa đủ vitamin chăng? Chỉ biết rằng hai bên gia đình đều mừng hơn bắt được của, tranh nhau bế bồng, dành nhau chăm sóc, đôi khi xảy ra mất lòng nho nhỏ vì thằng bé. Ở cả nhà tôi và nhà chị, nó là đứa cháu trai đầu tiên mà.

Hạnh phúc sẽ cứ êm đềm như thế, nếu không có một ngày, khi thằng bé được sáu tháng tuổi. Trong bữa cơm, chị công bố có quyết định đi lao động xuất khẩu ở Nga. Cả nhà tôi sững sờ, anh tôi kinh ngạc hỏi: "Ai quyết định cho em đi? Em đi thế nào được khi thằng Tiến còn bé thế kia? Mai anh sẽ đến nhà máy hỏi cho ra chuyện". Bữa cơm bỗng chán ngắt, chẳng ai muốn ăn nữa.

Hôm sau ở nhà máy về, anh kể cho cả nhà: Anh đã hỏi banh lãnh đạo và được họ cho biết, chị đã xin đi lao động nước ngoài từ trước rồi, qua mấy đợt không được nên chị làm ầm lên. Dù ban lãnh đạo cố giữ người, chị là một kĩ thuật viên giỏi, họ rất muốn chị đào tạo một lớp công nhân trẻ kế nhiệm rồi sẽ thu xếp cho chị đi học về kĩ thuật chứ không phải là đi lao động như mọi người. Chị không nghe, chị bảo họ trù úm mình. Bao nhiêu đợt đi nước này, nước kia toàn là người khác, sao mãi không đến lượt chị? Khuyên nhủ, phân tích, lí giải mãi không được, nên đợt này đi Nga người ta kí phắt quyết định, chứ để chị bức xúc thế này thì còn tâm trí đâu mà làm việc.

Trước anh cũng nghe người ta đùa là chị xin đi xuất khẩu lao động, họ trêu: "Gái một con trông mòn con mắt; Có vợ mà cho đi Tây, như xe không khóa để ngay bờ hồ"... Anh cứ tưởng mọi người đùa vui tếu táo thế thôi. Ai ngờ!

Lần này thì cả gia đình cùng ngồi lại sau bữa cơm để nghe chị trình bày lí do chị có thể dứt đứa con mới hơn sáu tháng để đi đến một nơi xa tắp mà cả chị, cả gia đình tôi chẳng ai biết gì về nơi đó cả. Chị nói: "Con xin bố mẹ và các cô, các chú giúp chồng con trông nom chăm sóc bé Tiến, con đi cũng chỉ ba năm thôi, cố gắng làm việc, kiếm tiền dành dụm đóng một vài thùng hàng về, còn có thể sau mấy năm kiếm được căn hộ riêng để ở và trang trải cuộc sống, chứ với điều kiện hiện nay, cả nhà đều là cán bộ công nhân viên, thì đến bao giờ mới thực hiện được mong ước đó". (Mà sao những năm đó đất nước lại khó khăn thế nhỉ!)

Cả nhà mỗi người một câu khuyên nhủ chị. Nào là con còn bé, nào là chị cũng có tương lai thăng tiến, nào là khó khăn cũng chỉ nhất thời… Cuối cùng, thấy ý chị đã quyết, bố tôi đành nói:

- Thôi, chuyện này hai vợ chồng con nên bàn tính cho kĩ, các con lớn rồi, hạnh phúc, sướng khổ đều do các con định đoạt.

Mấy đêm liền, nằm trên gác xép, tôi nghe tiếng anh chị rì rầm to nhỏ, tiếng chị khóc sụt sịt, lúc giận dỗi van nài, tiếng anh tôi, tiếng thở dài... Một đêm, vẫn điệp khúc ấy nhưng cuối cùng chị bỗng cao giọng: "Nếu anh và gia đình cứ cản thì em sẽ mang thằng Tiến về bên ngọai. Đằng nào bố mẹ em cũng đã về hưu, có cháu ẵm bồng càng vui cửa vui nhà". Sau đó tất cả rơi vào im lặng. Hôm sau, anh tôi công bố với cả nhà về chuyện đi lao động của chị. Bố tôi ngỡ ngàng nhưng đành thở dài bất lực, còn anh tôi từ đó trở thành ít nói.

Đưa chị đi khám sức khỏe để lên đường, cô bác sĩ ở bệnh viện là bạn thân mẹ tôi. Qua mấy phòng, cô dẫn chị em tôi ra một chỗ nói nhỏ: "Hòa có những cái phải điều trị, cháu mới mắc bệnh tim sau đẻ nhưng ở dạng nhẹ, nếu điều trị kịp thời thì không sao cả, để lâu là không tốt đâu. Hay cháu ở lại đừng đi nữa, cô nghe bên ấy lạnh lắm đấy!" - Cô ái ngại hỏi chị. Tôi cũng hùa theo: "Hay chị ở nhà đi!" Nhưng chẳng có gì lay chuyển được chị nữa rồi, tôi không hiểu chị lấy đâu ra sự cứng rắn và cương quyết đến thế.

Có sự giúp đỡ, hồ sơ được hoàn tất. Ngày chị lên đường, cả nhà tôi và nhà chị chẳng có nụ cười, chẳng có khuôn mặt nào vui tươi như những gia đình khác tiễn người thân ở sân bay dạo ấy. Còn tôi không bao giờ quên được cảnh thằng Tiến đêm đó bò quanh giường khóc tìm mẹ, giọng nó khản đặc.

Anh tôi như cái bóng, đi làm rồi về ôm con. Thương anh, thương con nên cả nhà chăm nom thằng bé chu đáo. Nó lớn dần, ngoan ngoãn, thông minh. Anh tôi cho nó đi nhà trẻ, tối đón về, bố con, bà cháu ríu rít nên anh cũng nguôi ngoai. Tôi biết anh rất nhớ và quan tâm đến chị. Anh viết thư cho chị đều đặn, có ai về phép sang anh đều gửi quà cho chị. Anh toàn rủ tôi đi mua và gửi quà cho chị. Anh nói, chị ở bên ấy đi làm suốt ngày, vất vả lại không hợp khí hậu nên hay ốm lắm, chỉ trông vào đồng lương lại ăn theo sản phẩm nên cũng chỉ đủ sống, mơ ước gì đóng thùng. Đi buôn thì không có sức khỏe và thời gian, mà chị ấy hiền lành có tháo vát nhanh nhẹn gì đâu mà mong buôn với bán. Có tí tiền ngày đi góp vào mua hàng cầm đi sang đó, tin tưởng bạn bè cho vay có đòi được đâu. "Anh kể em chỉ nên biết vậy, chứ nói ra mọi người buồn mà bây giờ cũng chẳng giải quyết được gì".

Một hôm đang ngồi với đứa bạn gái hàng xóm - nó thân với tôi nên từ ngày chị đi nó và tôi cùng chăm sóc thằng Tiến. Bỗng bà hàng nước ở đầu ngõ vào tìm, gọi tôi ra đưa anh về. Anh say rượu rũ rượi, chẳng biết gì nữa, vừa nói lảm nhảm vừa khóc. Lần đầu tiên thấy anh uống rượu, lần đầu tiên thấy anh say, lần đầu tiên thấy anh khóc, tôi vô cùng kinh hãi chẳng biết có điều gì xảy ra. Bà hàng nước thì cứ phân trần: "Mọi khi chú có rẽ vào cũng chỉ chén nước chè, cái kẹo lạc. Chả hiểu hôm nay có chuyện gì mà lại gọi rượu. Tôi có việc vào trong một lúc mà quay ra thấy chú đã thế này, tôi vội chạy vào gọi cô ngay".

Cả nhà chúng tôi thay nhau chăm sóc, vẻ mặt anh nhăn nhó, đau khổ vô cùng - hẳn là có chuyện gì rồi.

Khi anh tỉnh, tôi hỏi có chuyện gì xảy ra, anh nhất định không nói. Rồi từ hôm đó, ngày nào anh cũng say. Anh có uống được rượu đâu, một, hai chén là đã say rồi, anh chẳng còn tha thiết gì nữa, bỏ bê tất cả. Mẹ tôi đi dò hỏi mới biết: Anh biết tin chị ngoại tình qua một người ở nhà máy đi lao động cùng đoàn với chị tôi về kể lại. Gia đình chúng tôi từ khi biết chuyện đều động viên, an ủi anh, mong anh vượt qua. Không muốn mọi người lo lắng, anh trở lại như mọi khi, nhưng tôi biết anh đau đớn lắm.

Hai năm sau tôi lấy chồng. Chồng tôi trước cũng học bên này, giờ sang học nâng cao. Khi tiễn chồng tôi đi, anh vẫn mua quà, viết thư, vẫn gửi gắm nhờ chồng tôi sang đó giúp đỡ chị, nếu có điều kiện anh tôi muốn chồng tôi thu xếp giúp chị làm thủ tục xin về nước sớm vì chị ốm đau thế ở nữa cũng chả làm được gì. Tôi biết anh tôi mong chị về, rau cháo thế nào cũng có vợ chồng, con cái bên nhau. Anh vẫn yêu chị nhiều lắm, nên tôi cũng khẩn khoản nói với chồng tôi sang đó cố giúp chị.

Vẻ mặt anh tôi chưa bao giờ vui tươi đến thế khi đón tờ điện tín báo tin ngày về của chị, cả tuần liền anh hăng hái, vui vẻ, phấn chấn. Thằng Tiến thì khỏi nói nó mong ngóng thế nào. Tôi và cả nhà thở phào nhẹ nhõm sau những ngày đã qua.

Anh và một vài người ra sân bay đón chị. Hai gia đình, thằng Tiến hôm nay cũng được nghỉ đi nhà trẻ để ở nhà đón mẹ.

Tiếng mọi người xôn xao đầu ngõ, thằng Tiến chạy vụt ra đón mẹ nó, chị và anh hớn hở đi vào, va li đã có mấy cậu hàng xóm xách hộ, trẻ con túm đầy ở cửa nhà tôi. Nhìn thấy một thằng bé bằng cỡ thằng Tiến đang đứng thập thò, chị ôm chầm lấy nó mà khóc, mà hôn, mà gọi. Tôi vội nhắc chị nhầm và bổ ra ngoài tìm thằng Tiến. Ra tới tận đầu ngõ mới thấy nó đứng úp mặt ở cái chỗ tôi hay phạt khi nó có lỗi. Xoay nó ra tôi thấy mặt nó ướt nhoe nhoét.

- Sao cháu khóc? Sao cháu không vào với mẹ cháu?

- Cháu không vào! Cháu không quen mẹ cháu! Cháu không yêu…

Tôi đang dỗ dành thằng bé thì chị chạy ra, chị khóc, chị xin lỗi nó rối rít. Rồi mẹ con - cái tình mẫu tử đã khiến khi chị bế thốc nó lên thì nó đã quàng đôi tay bé nhỏ ôm chặt lấy cổ chị.

Niềm vui thật ngắn khi anh tôi tình cờ nhìn thấy tấm hộ chiếu và chiếc vé khứ hồi của chị. Anh hỏi thì chị bảo muốn để vài bữa nữa mới nói cho anh biết, chị đợt này chỉ xin về phép thôi, tranh thủ vay các chị em cùng đoàn ít tiền về mua hàng sang bán đóng lấy cái thùng rồi về nước hẳn, chứ về với hai bàn tay trắng thì chị ngượng lắm.

Anh tôi thực sự nổi giận. Anh bảo: Từ ngày chị đi tới giờ đã gửi gì về đâu mà ở nhà mọi việc vẫn đâu vào đấy, con vẫn ngoan ngoãn. "Em về chỉ một va li quần áo, đồ dùng mà cả nhà có ai nói gì em, bố mẹ, anh em vẫn vui vẻ yêu thương em chứ có khác gì. Chẳng cần phải quay lại, tiền sẽ mang tới gia đình trả cho người ta, bỏ vé đi, ở nhà với chồng con, anh xé hộ chiếu đi đây". Anh tôi khi ấy thật quyết liệt làm sao. Cả nhà khuyên anh nên bình tĩnh bởi chị mới về. Rồi chẳng hiểu bằng cách nào chị lại thuyết phục được anh cho quay sang với lời hứa sau hai, ba tháng là cùng, thu xếp xong là chị sẽ về hẳn.

Thấm thoắt hơn nửa năm trôi qua. Anh tôi giờ vô vọng. Thương anh, tôi đánh liều xin cơ quan cho nghỉ mấy tháng làm một chuyến du lịch sang Nga, vừa là thăm chồng, vừa là xem chị thế nào.

Đón tôi ở sân bay là chồng tôi, chị và một người đàn ông cao ráo, đẹp trai và rất trí thức. Chị giới thiệu anh là bạn thân của anh trai chị, đang làm nghiên cứu sinh tại một trường danh tiếng tại Moscow này. Sợ chồng tôi không lên đón kịp (vì chồng tôi học ở thủ đô một nước cộng hòa khác, cách khá xa) nên chị nhờ anh ấy đưa đi đón tôi.

Ra khỏi sân bay, chị đưa tôi và mọi người về chỗ chị ở và làm việc, nằm ở ngoại ô Moscow, ở gần rừng thông buồn và lặng lẽ. Đến ốp, mọi người nghe tin kéo đến rất đông, hàn huyên, chuyện trò liên miên. Dù đã mệt lử nhưng tôi vẫn cố ngồi tiếp chuyện đến tận khuya, vì ai cũng muốn nghe chuyện ở quê nhà.

Sáng sớm tôi dậy, việc đầu tiên là ngó qua cửa sổ để xem xung quanh thế nào. Đập vào mắt tôi là bức thư chữ anh tôi viết. Không cưỡng được tò mò, tôi cầm lên đọc. Anh tôi đã viết cho chị những lời lẽ tha thứ vì anh đã biết tất cả, những lời bao dung, yêu thương, mong mỏi.

Tôi chỉ thấy được sự thực lúc bước vào phòng người đàn ông trí thức để cảm ơn anh vì hôm qua đã đi đón tôi. Tai tôi ù đi, mắt tôi mờ hẳn khi nhìn thấy quần áo của chị, cái vứt trên giường, cái treo trên mắc, lẫn lộn với quần áo của người đàn ông kia. Xót xa cho anh tôi và giận chị ghê gớm, tôi chỉ mong chia tay họ thật nhanh, ra khỏi căn phòng của cái trường nổi tiếng ấy mà về chỗ chồng tôi, dù chị muốn giữ tôi ở lại chỗ chị chơi mấy ngày.

 

Về đến thành phố chồng tôi đang học, chưa kịp để anh thể hiện tình cảm của vợ chồng mới cưới phải xa nhau, tôi đã dồn dập lục vấn anh sao không kể gì về chị khi viết thư, sao không giúp chị về nước. Anh cuống cuồng giải thích: Nếu cho em biết em lại nghi ngờ anh ở bên này cũng thế thì sao, còn anh cũng đã giúp chị xong thủ tục về nước rồi. Tiền hàng em lo cho anh sang đóng thùng anh đã mua hàng gửi tất cho chị, đúng như em dặn, chỉ mong chị mau chóng trở về thôi, nhưng chị bảo chờ chị gửi hàng vào thùng xong chị mới về, mà đợt hàng này đang khó nên anh đành chịu. Chờ một hai tuần không thấy chị xuống thành phố chúng tôi chơi như đã hứa. Rất nóng ruột, nhưng đường thì xa xôi mà tôi mới đi một chặng dài rất mệt nên tôi cũng chẳng biết làm gì hơn. Một hôm, chồng tôi nhận được tờ giấy báo ra bưu điện nghe điện thoại ở thành phố xa gọi đến, mừng rỡ anh nói chắc chị gọi điện để báo đi đón chị xuống chơi. Chị làm tôi ngỡ ngàng khi mời chúng tôi thu xếp lên chỗ chị ngay, cuối tuần là chị bay về Việt Nam rồi, vé đã lấy, mọi thứ đã thu xếp xong.

Thấy đồ đạc của chị mang về chẳng có gì, chúng tôi quyết định dồn hết số tiền vừa chuyển đổi từ ít hàng tôi mang sang mua cho chị một số hàng “chiến lược” xách tay mang về.

Tôi đã sung sướng khi nghĩ cảnh vợ chồng, con cái chị giờ đây lại quây quần bên nhau. Nhưng tôi mừng hơi sớm, chỉ vài tháng sau, mẹ tôi đã viết thư sang, ngoài việc thăm hỏi sức khỏe của tôi vì lúc đó tôi đã có thai không về đi làm tiếp được, mẹ tôi báo tin anh tôi và chị đã li dị nhau, chị đưa con vào Sài Gòn sống với người anh trai, giấu biệt địa chỉ dù gia đình tôi nhớ cháu vẫn cố dò hỏi, còn anh tôi chán đời xin cơ quan về “một cục”, rồi bỏ tuốt về quê sống, chẳng màng thế sự.

Bẵng đi vài năm, hôm ấy chồng tôi lên Mát lấy hàng. Khi về, anh kể có nhìn thoáng thấy chị, đang mải tính tiền mà chỉ thoáng qua thôi nên anh cũng không kịp đuổi theo, mà cũng không chắc có đúng chị không. Tôi vội nhắc anh lần sau cố dò hỏi, nhưng rồi mải hàng hóa, sấp ngửa cho kịp tàu xe nên anh cũng chưa có dịp tìm kiếm. Chúng tôi tự nhủ, chắc gì là chị, chị sang đây làm gì.

Một sự cố xảy ra. Ngày đó sự kiện vỡ các ốp bán hàng đã được mọi người biết đến, trải qua với bao nhiêu là nước mắt, là bi thương trên Mát, còn ở thành phố nhỏ chúng tôi đang sống thì vẫn thanh bình, vì hàng hóa còn có từ đường khác chuyển đến nên buôn bán vẫn bình thường, vì thế mỗi ngày một đông người đổ về, nhất là từ Mát và các thành phố nhỏ lân cận.

Tôi gặp chị tình cờ trong bữa cơm của người bạn chợ tổ chức nhân dịp đón ông anh họ từ Mát về hẳn đây làm ăn. Ông anh họ này là một ông chủ lẫy lừng trên Mát, hàng hóa giao ầm ầm mà chỉ sau một vụ sập “đôm” bỗng trở thành tay trắng, nợ nần đầy người phải quyết định về đây làm ăn lần hồi chờ cơ hội làm lại - đó là anh Tám. Người đàn bà đi cùng với anh chính là chị dâu tôi. Tay bắt mặt mừng, qua những năm tháng sống ở bên này tôi đã biết hoàn cảnh của những người phụ nữ khi sang đây một mình là thế nào, nên đã từ lâu tôi chẳng còn giận chị nữa.

Chị kể cho tôi nghe đã để thằng Tiến cho bố mẹ chị trông nom, chị quen anh từ hồi ở nhà, nhưng vì anh đã có vợ nên hai người dắt díu nhau sang Mát, nơi bà dì của anh đã mua một phòng và trực tiếp bơm hàng cho anh. Công việc bán buôn đang tốt, cứ ngỡ… Vậy mà lại ra thế này. Rồi chị hỏi tôi về cuộc sống hiện giờ ra sao, chẳng đợi tôi hỏi, chị kể luôn cho tôi nghe vì sao chị và anh tôi bỏ nhau.

Ngày đó về nước, chị mong ngóng từng ngày nhận được thùng hàng của chị -thùng hàng là bao chắt chiu, bao hi vọng, bao tình cảm của chị, của chúng tôi, của bạn bè ủng hộ chị, nó lại được ông bạn anh trai chị giúp mua xuất và đóng chung, vì hàng của chị không đủ. Hàng về, chị mới té ngửa và nhục nhã khi tới nơi nhận, vợ anh ta chỉ thẳng vào dòng chữ ghi tên chị ta trên vỏ thùng và nói thẳng vào mặt chị: "Đây là chồng tôi gửi cho tôi, không ngoài ai khác vì tôi là vợ của anh ấy. Chị tưởng tôi không biết ở bên ấy chị đã quyến rũ và bòn rút bao nhiêu tiền của anh ấy hay sao? Chị cướp cả phần của hai đứa con tôi". Anh tôi đứng như trời trồng trước những lời giận dữ của người đàn bà đó.

- Tay trắng em ạ, nhưng lớn nhất vẫn là nỗi nhục, vì mình không thực hiện được ý nguyện lúc ra đi, nhưng còn nỗi nhục này lớn hơn. Từ xưa tới giờ, em biết đàn bà ở bên này bám vào cánh đàn ông là để tìm chỗ dựa, cùng nhau làm ăn và thậm chí nhiều người còn bòn rút của đàn ông để gửi về cho gia đình, chồng con. Còn chị thì ngược lại... - Chị khóc, những giọt nước mắt của chị làm tôi bối rối, tôi an ủi chị, tôi nói tôi không giận chị nữa, tôi đã hiểu và thông cảm cho chị cũng như những người đàn bà khác xa chồng, một thân một mình bươn chải nơi đất khách quê người, thiếu thốn mọi thứ.

Chị và anh Tám ở lại thuê nhà làm ăn ở thành phố này được mấy năm. Công việc bán hàng ở chợ này không vất vả lắm, lại cũng kiếm được, nên anh chị cũng quên luôn ý định quay về Mát. Sống ở nơi thanh bình, yên ổn nên khi đã lỡ, anh quyết định để chị sinh. Một đứa con gái xinh xắn, dễ thương ra đời khiến tình cảm anh chị càng thêm gắn kết. Dẫu biết hạnh phúc không bền, nhưng tôi thấy anh thật lòng và có trách nhiệm nên cũng mừng cho chị.

Con bé được 3 tuổi thì anh đưa thằng con trai sang, vì ở nhà nó phá phách quá. Sang tới nơi, thấy cảnh anh chị như vậy, nó giận thay cho mẹ nó. Còn trẻ con nên nó làm đủ trò để phá tan cái tài sản mà anh chị gom góp vun lên, dù phần anh đã đều đặn gửi về cho mẹ con nó. Anh nói nó cãi lại, bỏ nhà đi luôn, nay ở chỗ này, mai ở chỗ khác. Thôi thì chơi bời, cờ bạc đủ cả, chị vẫn nhẫn nhịn, khuyên giải nó, lo lắng cho nó đủ thứ. Rồi đến một ngày, sau bao nhiêu nhỏ to khuyên nhủ của chị, của mọi người ở chợ nên nó về xin lỗi chị, nó còn gọi chị là mẹ, nó hứa sẽ tu tỉnh làm ăn, chị mừng không cầm được nước mắt. Nó cũng tu tỉnh thật, chịu khó bán hàng ở cái chỗ anh và chị đã mua cho nó, và rồi nó xin anh chị cưới vợ cho nó nữa. Chị bàn nên mời mẹ nó sang lo cho nó trang trọng, dù gì mẹ nó cũng chỉ có mình nó. Anh nghe, đưa vợ sang. Vui đâu chả thấy, vợ anh sang hôm trước, hôm sau ầm ĩ đánh ghen chị ngoài chợ. Khốn khổ cho chị, mặt mày xám ngoét, run rẩy trước người đàn bà đang nhảy lên xỉa xói cứ như đang ở Việt Nam. Tây, ta xúm lại xem thành đám, ngượng quá anh quát vợ: "Bà vừa thôi chứ, bà thử hỏi mọi người quanh đây xem nếu không có cô ấy cơm bưng nước rót, ngày nắng, ngày tuyết cùng tôi tảo tần buôn bán thì tôi có được như ngày nay không? Bà có sang đây được không? Con bà có được như vậy không?" - Anh hỏi dồn.

- Đúng đấy, chị vừa phải thôi. - Xung quanh mọi người đều đồng tình.

- Thôi giải tán đi còn buôn bán.

Việc cưới của thằng con rồi cũng lo êm đẹp. Vợ anh giờ đi bán nước và đồ ăn vặt quanh chợ, chị nói chị chả thạo về hàng hóa, tiếng tăm chả biết thì làm vậy là hợp lí. Giờ gặp chị, mọi người vẫn gọi chị là vợ anh Tám Hòa, vì mọi người đã quen gọi như thế rồi. Chả giận, chị còn nói giờ đã quen, thậm chí còn thừa nhận biết ơn chị dâu tôi nữa, chị nói đùa: Thôi trai năm thê bảy thiếp là chuyện thường, thêm người thêm vui. Chả biết có vui thật không nhưng thấy chị đi qua chỗ chị dâu tôi bán hàng cũng vui vẻ hẳn, thỉnh thoảng lại còn gửi quà cho con bé con nữa. Đứa con trai lấy vợ đã ra ở riêng. Anh thuê một căn hộ nhỏ cho vợ làm hàng, nhà cũ để cho chị và con bé ở, anh chạy đi chạy lại. Ban ngày bán hàng cùng chị, chiều chở đồ về cho vợ làm hàng, vất vả vậy mà anh dạo này béo phây phây, cười nói, chuyện trò rôm rả.

  Bước vào nhà thấy vắng lạnh, con bé đi học chưa về, chị chắc là mới ở trên giường xuống ra mở cửa nên đầu tóc còn rối bù. Tôi vội hỏi: - Chị ốm ra sao? Cười gượng chị nói : - Chị chả làm sao, cô đừng lo quá, chị chỉ buồn thôi.

- Chị em mình khác nào chị em ruột, chị cứ nói đi!

- Thì đấy, chuyện thằng Tiến đấy. Năm ngoái làm ăn được, lại nữa anh đã đưa vợ sang, lúc ở bên này, lúc ở bên kia, nhà vắng đàn ông cũng sợ, chị đưa nó  sang vì nó vừa thi trượt đại học. Ông bà giờ đã già nên bác cả đón về phụng dưỡng, tiền nong lo được nên chị muốn nó học đại học, vừa bù đắp, vừa được gần gũi mẹ con mà cũng là cậy nó làm chỗ dựa cho mẹ, cho em. Anh ủng hộ và sốt sắng lo cho nó sang. Xin học cho nó, cũng may nó ngoan, chăm chỉ, ham học, về nhà lại đỡ đần mẹ không nề hà việc gì. Nhà ai có việc gì cần nó đều nhiệt tình đến giúp nên ai cũng quý. Chị dạo ấy rất vui, nói cười trẻ trung, làm việc thoăn thoắt, nhìn chị như đang ngập tràn trong hạnh phúc. Tôi vui cho chị, mừng cho cháu được an ủi hộ anh mình. Nói thế cũng không phải vì anh tôi về quê được một, hai năm sau đã cưới một cô thôn nữ trẻ trung làm vợ, giờ cũng đã có hai đứa con nữa rồi, sống với thú điền viên ở quê, thỉnh thoảng hồi thằng Tiến ở nhà có ra thăm nó rồi lại về.

- Cô xem tôi đang rối cả ruột lên đây. Bệnh cũ lại tái phát. Chị bị đau đầu sau khi sinh con bé, có lẽ do ở bên này chợ búa vất vả lại không kiêng khem được nên bệnh cứ dai dẳng. Chẳng hiểu nghe ai nói mà nó bảo: Chợ năm nay thì kém, mẹ thì đau ốm, lạnh không nên ra chợ làm gì. Mẹ mà làm sao thì anh em con biết trông cậy vào ai. Chú một mình trông hai chỗ thì vất vả quá, ngày chợ đông thì mất hết hàng. Con học tiếng một năm là đủ rồi, bao giờ có điều kiện thì con đi học tiếp. Giờ mẹ ốm cứ yên tâm ở nhà nghỉ ngơi, chữa cho khỏi hẳn. Mẹ cứ yên tâm, con trông coi đựợc.

Nói thế nào nó cũng không nghe, chị van lơn nó, anh cũng giận và mắng nó là không thương mẹ, không biết xót tiền. Nó buồn nhưng cô thấy đấy, nó cứ quyết thế, có lẽ tính nó cũng giống tôi, rồi thì lại khổ. Chị dâu tôi rên rẩm.

- Thôi chị đừng lo, cháu lớn rồi, biết lo cho mẹ thế là hiếu thảo, con trai thì nó phải mạnh mẽ, kiên quyết chứ. Nó biết nghĩ vậy là chị phải mừng mới phải, ối đứa ở Việt Nam sang chỉ biết có đua đòi, chơi bời, thậm chí còn cờ bạc, lấy trộm tiền của bố mẹ nữa kìa.

- Ừ thì cũng biết thế. Nhưng cũng tiếc cho nó, có phải nó không học được đâu. - Chị cố vớt vát.

- Em sẽ lựa lời với cháu xem sao, thôi chị nghỉ đi chúng em phải về đây.

Ra đến ngoài, tôi hỏi chồng tôi: - Mai biết khuyên bảo thằng Tiến thế nào? Sao chị Hòa cứ mãi lận đận thế?

Mải dọn tuyết đã kịp phủ đầy xe, chồng tôi không trả lời. Như mọi khi, tôi lại thầm cầu mong cho mọi chuyện tốt đẹp sẽ đến với chị - chị dâu của tôi - và tôi hi vọng.

                                                                                    Mai Anh - Kiev

                                                                             
 

                                                                                          Theo Nguoibienden


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66345856

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July