Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 03/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Sáng Tác Cộng Đồng >
  Giản dị một tình yêu Hà Nội Giản dị một tình yêu Hà Nội , Người xứ Nghệ Kiev
 

 Ngày đó còn bé tôi thực sự chưa cảm nhận hết, giờ thì tôi cũng đã trải qua ít nhiều những vui buồn, thăng trầm của cuộc mưu sinh nơi đất khách quê người, những ngày hè rộn rã, những ngày đông tuyết trắng lạnh tê người, những ngày xuân với tràn ngập sắc hoa. Bên những lo toan trăn trở của cuộc sống là nỗi nhớ – nỗi nhớ Hà Nội với cây bàng trong sân khu tập thể, cây hoa sữa ngõ bên cạnh tỏa hương thật nồng nàn những đêm đi chơi về muộn,( ...).Hà Nội thân yêu ơi – vẫn nguyên sơ với kỷ niệm đong đầy...

Các bạn trong lớp bảo: “Này sao mày mất hút thế, đi là biệt tăm luôn thế à? Cố gắng mà thu xếp 1, 2 năm về một lần. Kiếm tiền thì cả đời. Hôm nay còn đông đủ thế này chứ lâu lâu mày về khéo lại có đứa không gặp, bọn tao nhiều đứa cũng ốm yếu đi rồi”. Ấy là buổi họp lớp mà tình cờ trong lần về thăm mẹ ốm tôi được tham dự cùng các bạn và cô chủ nhiệm cũ trên nhà hàng Long Vũ lộng gió Hồ Tây.

Kệ cho bọn nó nhao nhao lên mà trách, mà nói dỗi, bọn nó làm sao hiểu hết được cảnh làm ăn chợ búa ở bên này với nắng hè, tuyết rơi và bao nhiêu rủi ro lo toan, sáng sấp ngửa lo cho con cái tới trường rồi đi làm, chiều vội vã về cơm với nước, mệt bã người, mà lại chênh lệch múi giờ có muốn điện đóm cũng chẳng ai thức giờ ấy mà nghe! Nên tôi chỉ cười trừ rồi quay ra bàn luận về các món ăn. Các món thì ngon đấy nhưng cái món ốc luộc xem ra còn kém cái bà hàng ốc luộc trong góc chợ Hôm nổi tiếng với ốc béo và nước mắm thì ngon tuyệt vời với đủ vị chua cay mặn ngọt thơm phức mùi của ớt, tỏi, gừng giã nhuyễn thêm tí lá chanh thái nhỏ. Mà lạ cái thứ nước chấm đầy mùi dân dã ấy như có ma lực kéo chân bọn con gái chúng tôi mỗi khi rủ nhau vào chợ ăn quà vặt.



Thiếu nữ Hà Nội 


Đứa bạn từ thời nhẩy dây chun, chơi bi gẩy, xếp hình bằng hoa sấu trên vỉa hè ngày nào giờ đã lên bà, ở nhà trông cháu cho bố mẹ nó đi làm thì tiếc rẻ: “Phố xá bây giờ xe cộ đông lắm mày ạ. Khói bụi cả ngày, cửa hàng mọc lên san sát ở phố mình. Chắc chẳng bao giờ tìm được không khí thoáng đãng, trong lành có mùi chua dịu của hoa sấu vào những buổi sáng mùa hè khi tiếng loa gọi tất cả những học sinh trong kỳ nghỉ hè ra hết hai bên hè đường để tập thể dục. Sau đó chia ra mỗi tổ quét gom những lá và hoa sấu sau một đêm rụng trắng trên hè rồi mới quay về nhà dọn dẹp nhà cửa cho gọn ghẽ, để bất chợt có đoàn kiểm tra vệ sinh đến kiểm tra và phát những tờ kết quả: màu đỏ là tốt, hồng – khá, vàng – kém”. Mọi người thường treo mấy tờ kết quả lên cửa nhà. Lũ con gái chúng tôi đều ngấm ngầm thi đua xem đứa nào có nhiều tờ màu đỏ nhất là thắng. Niềm vui ngày bé chỉ đơn giản có thế.

Nhìn đống đồ chơi của con cháu bây giờ hiện đại với muôn vàn màu sắc lại chạnh nhớ tuổi thơ của mình. Cả nhà có một cô con gái út nên tôi được bố rất chiều. Ngày ấy những con búp bê bằng vải với đoạn thân người nhồi mùn cưa, hay những con vịt màu vàng rồi những con gà mổ thóc theo sợi chỉ giật ở phía dưới đã là những món quà chẳng phải đứa nào cũng có, được tôi nâng niu, ôm ấp cả khi đi ngủ. Các anh tôi và đám con trai cùng phố cũng chỉ có trò chơi bi hay leo trèo lên mấy cây sấu vặt quả non xuống cho bọn con gái cứ nì nèo nhờ vả, hay làm mấy hình người bằng những ống trúc, tre với 5 chiếc cúc, buộc ở tay hai cái que tăm làm kiếm rồi luồn bằng những sợi chỉ xuống khe bàn (đại loại như điều khiển con rối) chơi trò đấu kiếm một cách say mê.



Cầu Thê Húc và Đền Ngọc Sơn bên Hồ Hoàn Kiếm Hà Nội 


Ở đầu phố tôi sát cạnh Nhà máy ô tô 1-5 có một dãy hầm được xây cao ráo và kiên cố trên đổ lớp cát thật dầy. Hết những ngày bom đạn của những năm miền Bắc bị ném bom phá hoại mà người ta vẫn chưa phá dỡ. Có lẽ phải đến vài năm khi chiến tranh thật sự kết thúc nó mới được dỡ bỏ, còn trước đó nó là cả một thiên đường đối với chúng tôi. Lúc tôi còn bé lắm không nhìn hết lên được nóc hầm, mẹ dắt tôi đi chơi trên những con đường bao quanh ba nhà máy lớn và một số khu nhà trước là các khu biệt thự, trại lính từ thời Pháp thuộc, về sau trở thành những khu tập thể cho những gia đình cán bộ công nhân viên nhà nước. Bắt đầu từ đoạn phố Trần Hưng Đạo – Ngô Quyền – Lý Thường Kiệt – Phan Chu Trinh, với quãng đường đó mẹ tôi đã có thể kể hết những câu chuyện cổ tích, hái những bông hoa dại ven đường để tết cho tôi một bó hoa nhỏ xinh. Rất hiếm khi mẹ hái được những bông hoa trên nóc dù có bông rủ xuống tận mép hầm, mẹ nhìn thấy cũng chỉ tiếc rẻ vì không với tới.



Thu Hà Nội 


Tôi đã được thỏa mãn nỗi tò mò và mơ ước được một lần trèo lên trên đó trong một hoàn cảnh đáng nhớ. Lần đó tôi đang ngỏng cổ ngóng xem các anh đứng trên nóc hầm, dùng chiếc sào tự tạo bằng những chiếc cọc màn được quấn chặt bằng những sợi dây chun cắt từ chiếc săm xe đạp vặt những quả sấu chín ở những cành nhỏ mà có trèo lên cây cũng không với tới được. Tôi bị một người phụ nữ lạ bế đi một đoạn, may mà một người anh tôi nhìn theo quả sấu rụng kịp phát hiện đuổi theo giữ lại và kéo tôi lên trên cùng. Hú vía, mấy anh tôi được một bữa xanh mặt vì sợ, còn tôi thì nhớ mãi từ “mẹ mìn”. Đến sau này các anh vẫn đùa: “Nếu ngày đấy bị bắt lên miền ngược thì khéo giờ lại thành gái xinh của bản và biết cưỡi ngựa phi như bay ấy chứ!”. Đó là về sau, chứ lúc ấy tôi choáng ngợp với độ cao, thảm cỏ xanh và những bông hoa dại. Tôi say mê với những trò chơi mới, nào là đào hầm đắp luỹ, xây lâu đài, tường thành cùng các anh tới muộn cũng chưa chịu về.

Ngày bé tôi được bố tin tưởng giao cho làm “hướng dẫn viên du lịch”. Chả là bố mẹ tôi là người rất xởi lởi, mến khách nên họ hàng từ hai quê, thậm chí cả những người bạn của bạn ở các tỉnh về Hà Nội công tác, chữa bệnh... đều được bố mẹ tôi tiếp đãi chu đáo. Ngoài chuyện cơm nước tươm tất ra, thì tuỳ thời gian mà khách ở lại, thế nào cũng có mấy địa điểm bố sai tôi dẫn đi cho mọi người được biết. Đó là Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền, chợ Đồng Xuân – Bắc Qua và công viên Bách Thảo. Đi nhiều đến mức tôi thuộc lòng tuyến đường tàu điện. Này nhé, từ Trần Hưng Đạo lên Hàng Bài là có bến tàu điện chạy từ chợ Mơ qua Bạch Mai – Phố Huế, đến bến Hàng Bài có thể lên – bến này tôi quá quen vì ngày nào tôi chả phải đi mua cho bố một tờ báo Nhân Dân của bà bán báo ngồi ngay cạnh cửa hàng bách hóa Hàng Bài để bố về nghỉ trưa có báo đọc. Đến bến Tổng Hợp thì xuống để vào chơi, đi hết hai tầng, dứt khoát xem gian nào cũng được nhưng phải lên tầng hai góc bán đồ may mặc. Đứng từ đó nhìn qua cửa sổ là thấy ngay Hồ Hoàn Kiếm, ngắm nhìn mấy ma-nơ-canh cả nam lẫn nữ mặc các bộ quần áo thời trang, trên tay nâng những tấm vải, tất cả quay tròn trên bệ gỗ. Cách đấy một đoạn là gian trưng bày và bán đồ mỹ nghệ. Lần nào tôi cũng dẫn mọi người lên gian hàng đó để mọi người ngắm nhìn và trầm trồ thích thú trước các bức tranh sơn mài, khảm trai ánh màu của xà cừ hay chiếc ngà voi, đàn voi từ to tới nhỏ nối đuôi đi trên cầu, những con cá, những chiếc tầu làm từ đồi mồi một cách tinh xảo.



Hà Nội xưa 


Chặng đường tàu điện từ bến Bờ Hồ đến chợ Đồng Xuân là đoạn để lại cho tôi dấu ấn đậm nét vì bao giờ cũng được nghe những người bán rong rao có vần có điệu, hoặc hát xẩm với đàn nhị réo rắt. Nghe nhiều đến mức thuộc lòng, tôi còn về diễn lại khiến mọi người được những trận cười nghiêng ngả với những câu: “Xin bà con cô bác hãy mua thuốc gia truyền của ông Ba Trê kém mắt, năm răng vàng, tuyến Bờ Hồ – Chợ Đồng Xuân, dùng rất công hiệu...”. Chẳng biết ông có mù thật không nhưng đi kèm bao giờ cũng có cây gậy và đứa cháu gái bằng tuổi tôi dắt đi, thuốc ông bán thì bách bệnh tiêu tan, vạn bệnh tiêu trừ. Có hôm hứng chí ông còn rao thế này: “Thuốc đánh bả chuột đây, chuột ăn vào chuột lăn ra chết, chuột không chết... chuột ốm chuột gầy!”. Ấy thế mà ông vẫn bán được những gói thuốc bọc kín bằng giấy mà chẳng biết bên trong có gì. Những câu xẩm như: “Anh đi chiến dịch đường xa, trước về thăm mẹ ớ sau là thăm em...”, được tôi biểu diễn bằng mồm những chữ cò cưa thay nhị và gõ hai cái thìa vào nhau thay tiếng phách. Những câu rao như: “Thắt lưng da ăn no, ho không đứt/ Kim băng cài túi, cúi không rơi” đến giờ vẫn làm mọi người cười rũ nếu tôi nhại lại được đúng giọng.

Chợ Đồng Xuân ngày ấy đối với tôi rộng mênh mông, đi chơi trong ấy thì những người khách lại còn phải trông tôi sao cho khỏi lạc. Hàng quán san sát liền kề, có cả quầy của mậu dịch quốc doanh bán các thứ theo tem phiếu cạnh những quầy bán sản vật các vùng của các tư thương. Mẹ cứ dặn là ở đó có thể mua được măng khô ngon hay những chiếc nón lá bền đẹp, tiện thì ra mua cho bố ít thuốc lào của những người bán buôn ngồi sát cạnh tường của chợ Bắc Qua giáp với Đồng Xuân, thuốc ở đấy ngon và rẻ – mẹ bảo thế!



Sự tấp lập của Chợ Đồng Xuân - Hà Nội trước đây 


Tôi thì chỉ thích cái góc bán chim và cá cảnh nên thể nào cũng đưa mọi người tới để có dịp ngắm nhìn không chán cái đám cá an nhàn bơi trong bể. Từ cá vàng bụng phệ với đám vây đuôi mỏng như mây đến Thần Tiên, Mã Giáp...  Nhưng tôi chỉ thích cái đám cá Thái Hà với muôn vàn màu sắc hầu như chả con nào giống màu con nào nom đến là vui mắt khi bơi lội tung tăng hoặc những con cá Chọi thỉnh thoảng phồng mang, giương vây, lượn vè gạ đánh nhau khi gặp con khác. Những lúc đó trông chúng khác hẳn, mầu sắc rực lên trông thật đẹp chứ không bệch bạc như lúc thường. Cái thói hiếu kỳ còn theo tôi mãi tới tận khi lớn khi có lần tôi đã học lớp 9. Hôm đó cô giáo bị ốm, tôi và hai đứa bạn thân rủ nhau đi chơi lang thang qua các con phố, vừa đi vừa nói chuyện trên trời dưới bể, bất chợt nhìn thấy một ông già cầm đám Tò he đang rẽ vào công viên Thống Nhất (Công viên Lê Nin) cạnh hồ Thiền Quang. Thế là ba đứa tôi liền bám theo ông, hóa ra ông đi bán đã mỏi và còn ít nên tìm vào một gốc cây lớn ngồi dưới bóng mát để nặn tiếp. Thật bõ cho chúng tôi và một đám người hiếu kỳ đã xúm lại từ lúc nào được xem no mắt những ông tướng oai vệ vác khiên đao, những bông hồng đỏ thắm với lá xanh và gai nhọn trên cành, những con giống ngộ nghĩnh... cứ hiện dần từng chi tiết và hoàn thiện bằng bàn tay thoăn thoắt của nghệ nhân vê, đắp từng mẩu bột bé tí lấy trong hộp bột đã chuẩn bị sẵn với rực rỡ các sắc mầu. Tôi mãi vẫn yêu thích những mầu sắc tươi thắm của bột gạo nhuộm phẩm làm nên những con tò he đẹp đẽ ấy.

Từ chợ Đồng Xuân đến phố Quan Thánh rồi đi bộ vào vườn Bách Thảo. Ngày đó chưa có công viên Thủ Lệ nên thú nuôi cũng ở đó. Những chuồng nhốt thú cũng cách xa nhau, nằm xen kẽ với những cây cối được đóng biển ghi rõ giống, loài, tôi chẳng thể nào nhớ xuể. Chỉ có cảm giác thật bé nhỏ trước những cây cổ thụ dây, rễ lòng thòng, tưởng như mình đang ở trong rừng dưới những tán cây của đại ngàn. Những chuồng thú thì tôi đã thuộc lắm rồi. Tôi thích nhất là đám hươu sao hiền lành gặm cỏ và hay bỏ qua cái đám chồn lông đen trắng hôi mù. Đi xem được hết thì cũng mỏi nhừ chân, thường là bố bao giờ cũng đưa cầm theo một miếng vải mưa phòng hờ mưa gió và để nếu có mỏi chân thì kiếm chỗ mát trải ra ngồi nghỉ cho đỡ mỏi. Nhưng chẳng mấy khi tôi chịu dừng lại, mà cũng lạ, những người khách của gia đình tôi có những bác, những cô đã già mà vẫn đi không thấy mệt. Có lẽ không gian rộng lớn, cây cỏ tươi mát của thiên nhiên đã tạo nên một không khí trong lành khiến mọi người thêm sảng khoái mà không thấy mệt chăng?



Mùa hoa sữa - thơm lừng góc phố Hà Nội 


Tôi có hai đứa bạn thân có chung nhiều cái thú mà trong đó có một cái thú mà tôi không thể không nhắc tới – đó là ăn kem. Mọi người cứ bảo: “Lên Hồng Vân – Long Vân (đầu Bờ Hồ – Hàng Bông) hay ra Thuỷ Tạ ăn kem đi, kem ở đấy ngon lắm”. Tôi chả thích vì đi xa, kem Thuỷ Tạ thì nhiều đá, chỉ có kem Tràng Tiền là ngon nhất. Tôi thích cả hai – kem sữa và kem cốm. Sau này tôi đã được ăn nhiều thứ kem nhưng chẳng bao giờ quên được hương vị ngọt mát tan chảy trong miệng vào những ngày hè chói chang của những que kem trắng muốt hay xanh dịu màu cốm non. Tôi không rõ kem Tràng Tiền giờ còn phải xếp hàng hay không chứ cái thời của tôi thì muốn ăn kem cho đã thì đi mấy người phải đủ ngần ấy người vào mà xếp hàng. Người ta khống chế lượng bán mỗi người chỉ được mua hai ba que là nhiều. Muốn ăn cho “tê lưỡi và nói ngọng” tức là ăn nhiều thì phải chờ rất lâu, vì chỉ có hai dàn làm kem nên không kịp, đôi khi còn bị cảnh người quen của các cô bán hàng chen ngang vào nữa chứ.

Hà Nội – Ai đi xa mà không nhớ! Hồi bé mấy đứa con gái sống trong cùng khu tập thể chúng tôi đã ôm nhau khóc ròng khi một đứa phải chuyển đến nhà mới bố mẹ nó được cơ quan cấp cho. Cái cảm giác mất mát mà tất thẩy bọn tôi hồi đó đều sợ hãi – xa nhau những kỷ niệm tuổi thơ có còn giữ được? Dù là một đứa “đầu gấu” nhất, chuyên bắt nạt bọn tôi vậy mà khi nó chuyển đi bọn tôi đều thấy nhớ. Còn nó, ngày nghỉ chủ nhật thì cứ đòi về khu tập thể cũ để chơi với chúng tôi. Nó bảo: “Thật kinh khủng nếu có ngày chúng mày phải mỗi đứa một nơi”. Ngày đó còn bé tôi thực sự chưa cảm nhận hết, giờ thì tôi cũng đã trải qua ít nhiều những vui buồn, thăng trầm của cuộc mưu sinh nơi đất khách quê người, những ngày hè rộn rã, những ngày đông tuyết trắng lạnh tê người, những ngày xuân với tràn ngập sắc hoa. Bên những lo toan trăn trở của cuộc sống là nỗi nhớ – nỗi nhớ Hà Nội với cây bàng trong sân khu tập thể, cây hoa sữa ngõ bên cạnh tỏa hương thật nồng nàn những đêm đi chơi về muộn, những cây cơm nguội ở đường Phan Chu Trinh mà bọn con trai hay vặt quả xanh cho vào ống tre dùng một que kem tròn để đẩy hạt (gọi là súng phốc), hoặc cuốn ống giấy rồi cho hạt cơm nguội xanh vào mồm thổi qua để “bắn” nhau những lúc đùa nghịch, cây me đầu đường Ngô Quyền và hàng sấu trước vỉa hè đoạn phố Trần Hưng Đạo nhà tôi… mỗi cây tôi đều thuộc góc nào sai quả nhất. Tôi yêu, tôi nhớ da diết cái se lạnh và nắng vàng của mùa thu Hà Nội, những buổi lang thang nói chuyện tâm tình với bạn bè dưới ánh đèn vàng bên đường dưới trời mưa phùn những đêm xuân.

Hà Nội thân yêu ơi – vẫn nguyên sơ với kỷ niệm đong đầy...

Sao tím Hà Nội - Trần Mai Anh (từ Ukraina)

                                                                       Nguồn Từ Quê hương online


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66261380

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July