Có một số rất hiếm nghệ sĩ mà tên tuổi bao trùm lên cả đất nước nơi họ đã sinh ra. Hơn nữa, họ còn bành trướng ra khắp năm châu, phá bỏ mọi đường biên giới, mọi thể chế chính trị, mọi quy ước thời gian, chỉ bằng những vũ khí rất hoà bình là màu sắc, âm thanh và ngôn từ. Mục đích của họ không phải là đất đai, không phải là tài nguyên mà là tâm hồn con người. Một trong những nhà chinh phục thế giới đó là danh hoạ Vincent Van Gogh của đất nước Hà Lan, một đất nước mà chỉ cần nhìn loang loáng qua cửa sổ của con tàu đang băng mình xuyên qua các cánh đồng cỏ bát ngát điểm xuyến bởi những chú bò sữa nhởn nhơ gặm cỏ, những cánh rừng xanh mướt lung linh dưới ánh nắng mặt trời chớm thu, trái tim bạn chợt thổn thức, đập gấp gáp trong lồng ngực và tự nhủ thầm rằng, sống trong một khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời như thế kia không trở thành nghệ sĩ mới là một điều hổ thẹn!
Tôi chợt nhớ tới lời quảng cáo của hãng hàng không Hà Lan KLM Royal Dutch Airline tại sân bay Amstedam “Most people only get visit great works of art…The Dutch get to live in one” Tạm dịch là: Con người ta hầu như chỉ thích được tham quan chiêm ngưỡng những tác phẩm vĩ đại của nghệ thuật... Người Hà Lan sống giữa những kiệt tác đó ”.
Đứng giữa phòng tranh rộng mênh mông của toà nhà Bảo tàng Van Gogh, nơi luôn luôn nườm nượp khách thập phương đủ các màu da đủ các thành phần xã hội đến chiêm ngưỡng với tấm lòng thành kính như tới một thánh đường, tôi trộm nghĩ nếu Hà Lan chỉ là một ốc đảo khô cằn, nghèo đói nhưng sản sinh ra được Van Gogh thì cũng đã đủ tư cách là một cường quốc về nghệ thuật và văn hoá. Ở cái tầm như ông thì nhân loại sắn sàng bỏ qua cho tất cả, tha thứ tất cả những thói hư tật xấu, những cái lập dị khác người của ông… hay nói một cách nôm na là bỏ qua những vết bùn bẩn bám trên một viên ngọc trai quý hiếm. Khi tôi tận mắt được nhìn thấy những bức tranh nguyên bản, thậm chí sờ vào lớp sơn dầu sần sùi (tất nhiên là sờ… trộm thôi) của những kiệt tác đáng giá hàng сhục triệu đôla như “Phòng ngủ tại Aple.1889” hay “Hoa hướng dương”, “Van Gogh cắt tai”… những bức tranh về hoa anh đào Nhật Bản… thì bỗng một ý nghĩ chợt vụt đến trong đầu tôi, rằng cái ma lực của các kiệt tác không phải từ bức tranh toát ra mà là một cái gì đấy đã được chuẩn bị từ trước, gìn giữ trong đầu người xem tranh từ lâu lắm rồi, trước khi họ bước chân qua ngưỡng cửa của bảo tàng. Nếu cũng những bức tranh này nhưng đựơc ký dưới một cái tên khác, trong một khung cảnh khác, chắc chắn không có được cái ma lực như vậy.
Ý nghĩ bất chợt ấy của tôi được lý giải bởi qua trình tìm hiểu chính tiểu sử bản thân con người Van Gogh và một huyền thoại được chủ ý tạo dựng nên xung quanh tên tuổi này tại nhà bảo tàng. Từ trước tới nay, người ta vẫn xem ông là một thiên tài cô đơn, thần kinh không bình thường, một kẻ khổ hạnh không nghĩ gì tới vinh quang và tiền bạc. Con người mà công chúng biết tới và con người thật, mới khác nhau làm sao! Hình tượng mà mọi người đã quen này chỉ là một huyền thoại nhằm một mục đích duy nhất là đánh bóng tên tuổi Van Gogh, đồng nghĩa với việc làm cho tranh của ông bán chạy mà thôi. Chỉ có một sự thật duy nhất mà huyền thoại và con người thật gặp nhau đó là Van Gogh bắt tay vào hoạt động hội hoạ khi đã đứng tuổi. Tại bảo tàng Van Gogh, lần đầu tiên tôi được biết tới cái tên Meier Grefe - một nhà nghiên cứu nghệ thuật và buôn bán tranh của Đức. Bức tranh cũ kỹ ố vàng chụp ông đứng bên cạnh các hoạ phẩm của Van Gogh cho thấy đó là một người đàn ông có đôi mắt thông minh, pha chút ranh mãnh. Ông là người đầu tiên hiểu ngay ra được cái tầm và tiềm năng thương mại to lớn của tranh Van Gogh. Năm 1893, Meier Grefe mua bức tranh “Đôi uyên ương” đầu tiên của Van Gogh cho bảo tàng tranh của mình tại Đức và nghĩ cách quảng cáo cho món hàng này. Vốn có tài viết lách, ông quyết định tái tạo lại tiểu sử của Van Gogh sao cho thật hấp dẫn đối với các nhà sưu tầm tranh và khách hàng nói chung. Vì chưa gặp được con người bằng xương bằng thịt Van Gogh, nên ông không bị những ấn tượng cá nhân chi phối. Vả lại, Van Gogh sinh ra và lớn lên tại Hà Lan, sau đó tu nghiệp và thành danh tại Pháp. Còn ở Đức, nơi mà Meier Grefe đang ấp ủ ý định tạo dựng huyền thoại về danh họa, thì chẳng ai biết đến Van Gogh. Ông có thể mặc sức phóng bút vẽ lên chân dung hoạ sĩ, có thể nói là trên một tờ giấy trắng tinh. Song, ông không phải ngay lập tức đã tìm thấy ngay hình tượng “thiên tài cô độc và bị bệnh thần kinh” như mọi người chúng ta vẫn biết bây giờ. Thoạt tiên, Van Gogh của Meier là một con người “khoẻ mạnh cường tráng, từ nhân dân mà ra”. Còn sáng tác của ông là “sự hài hoà giữa nghệ thuật và cuộc sống”. Song, hình tượng này bị lụi tàn ngay sau đó mấy năm. Không nản chí, nhà nghiên cứu nghệ thuật người Đức tiếp tục cho ra mắt một Van Gogh khác - một họa sĩ có tính cách nổi loạn chống lại các giáo điều trong nghệ thuật Hàn lâm. Hình tượng này chỉ sống được trong một nhóm người không đông và lại gây sợ hãi cho đại chúng. Chỉ sau khi thay đổi hướng đi đến lần thứ ba, hình tượng Van Gogh mới thành công và sống cho đến tận bây giờ. Cái mấu chốt quan trọng nhất trong tiểu sử của Van Gogh liên quan tới cái tai bị cắt và tâm lý sáng tạo không bình thường có gì đấy bệnh hoạn, đã nâng cái con người nhỏ bé, gương mặt hiền lành pha chút nữ tính lên tầm cao của một thiên tài.
Lịch sử xung quanh cái tai mang đầy màu sắc huyền thoại này hoá ra chỉ là một sự kiện rất nhỏ: theo như kết luận của pháp y thì ông bị tổn thương chỉ một mẩu dái tai chứ không phải toàn bộ cái tai “đến sát gốc” như mọi người được biết. Còn ai là thủ phạm? thì sau này người ta đã chứng minh là trong một cuộc cãi vã với danh hoạ Gôganh, một tay lão luyện trong các cuộc ẩu đả từ thời còn làm thuỷ thủ, đã vung tay cào vào tai ông bạn đồng nghiệp. Sau này để biện hộ cho hành động của mình Gôganh đã phịa ra cái giai thoại là Van Gogh trong một cơn điên đã đuổi theo ông với chiếc dao cạo trong tay và sau đó là tự cắt tai mình.
Con người thật của Van Gogh hoàn toàn không giống chút gì với con người mà chúng ta được biết. Ông tốt nhiệp một trường tư nổi tiếng, nói thông thạo ba ngoại ngữ, đọc rất nhiều. Đứng đằng sau ông là cả một gia đình lớn, sống dư giả bằng các nguồn lợi buôn bán nghệ thuật, đồ cổ, luôn luôn sắn sàng giúp đỡ ông bất cứ lúc nào. Bản thân Van Gogh là một con người luôn tỉnh táo và thực tế. Ông nhiều năm đã lăn lộn trong môi trường buôn bán tranh và tạo dựng được một doanh nghiệp khá đồ sộ. Ở vào tuổi 27, khi đằng sau lưng đã có bề dày vững chắc về lịch sử và lý thuyết nghệ thuật, Van Gogh bắt tay vào học nghề vẽ tại các trường hội hoạ danh tiếng nhất của Hà Lan, Bỉ và Pháp. Tranh của ông được vẽ trên các loại vải toan và thuốc màu tốt nhất thời bấy giờ do người em trai cung cấp nên chất lượng vẫn còn rất tốt cho đến ngày hôm nay.
Huyền thoại về một Van Gogh lúc sống không được người đời công nhận, tranh không bán được… hoàn toàn do óc tưởng tượng của Meier Grefe tạo nên. Trên thực tế, Van Gogh cũng như một con người bình thường khác, mong muốn đựơc công nhận lúc đang sống và một trong những biểu hiện của sự thừa nhận đó là tiền bán tranh. Bình sinh vốn là một tay buôn bán đồ cổ và tranh có hạng, ông biết cách làm thế nào để đạt được điều này. Trong bảo tàng có trưng bày rất nhiều các bức thư trao đổi giữa Van Gogh và em trai Teo - một thương gia buôn bán nghệ thuật tầm cỡ. Nội dung chính của các bức thư đó hoàn toàn không phải là cái gì cao siêu viển vông, huyền bí mà làm cách nào để bán được nhiều tranh hơn nữa, loại tranh nào tìm đựơc con đường ngắn nhất tới trái tim khách hàng. “Không có gì giúp chúng ta bán được tranh chạy nhất bằng sự công nhận những bức tranh đó là loại tranh tốt nhất, đẹp nhất để trang trí cho các ngôi nhà của tầng lớp trung lưu”. Đó là kết luận của hai anh em nhà Van Gogh. Từ đây, những bức tranh có màu sắc ảm đạm (được bài trí hai gian rộng đầu tiên của bảo tàng) hay còn gọi là giai đoạn “hội hoạ nông dân” của Van Gogh kết thúc, một phong cách vẽ mới ra đời với những bức tranh màu sắc rực rỡ, mặt trời chói lọi, ánh sáng tràn ngập, vũ hội… Đầu óc thương mại tinh tế của hai anh em đã điểm trúng huyệt: Công chúng không sớm thì muộn sẽ đánh giá cao thể loại tranh này. Năm 1890, tại một cuộc triển lãm tranh tại Bỉ, Van Gogh đã bán được bức tranh “cánh đồng nho đỏ” với giá 400 frank, bước đột phá vào thế giới của các danh họa có giá đương thời. Ông viết cho em trai của mình “Con cừu đầu tiên đã đi qua được cầu ”. Theo những tài liệu còn lưu giữ lại được, ông đã bán 14 bức tranh, còn trên thực tế số lượng tranh bán còn nhiều hơn nhưng không có chứng từ lưu giữ. Ông không hề bao giờ là một hoạ sĩ ẩn dật mà luôn luôn đi giữa, sóng bước cùng với các hoạ sĩ tân tiến nhất của thời đại mình. Ông là hoạ sĩ thường xuyên có tranh triển lãm tại các phòng tranh sáng giá nhất Paris.
Dưới ngòi bút của Meier Grefe, các tác phẩm và con người Van Gogh đã trở nên thần bí mang màu sắc của một tôn giáo mới. Tháng 4 năm 1932 tại Berlin đã diễn ra một phiên toà đặc biệt để xét xử vụ làm giả tranh Van Gogh. Tại đây, một chuyên gia về tranh của ông đã lớn tiếng biện minh cho kẻ làm giả bằng một câu nổi tiếng: “Làm sao các ngài biết được, liệu sau khi chết linh hồn của Van Gogh có nhập vào ai đó để tiếp tục sáng tạo cho đến bây giờ hay không?”
Tác giả của huyền thoại chết đi, song huyền thoại vẫn sống. Chính trên mảnh đất đã được tái tạo này, nhà văn Mỹ Irvinh Stoyn năm 1934 đã viết lên bộ tiểu thuyết tuyệt vời “Khát vọng sống”, sau chuyển thể thành phim đoạt giải Oscar và gim chặt vào trong trí óc của hàng triệu triệu người về một hình tượng thiên tài mất trí, khoác lên mình mọi nỗi đau khổ, bất hạnh của trần thế. Còn tại Nhật Bản thì con người Hà Lan vĩ đại này lại mang vóc dáng của một đạo sĩ pha chút hơi hướng Samurai. Năm 1987 Tập đoàn Iasuda đã mua tại một cuộc đấu giá tranh tại Luân Đôn bức “Hoa hướng dương” với giá 40 triệu USD. Ba năm sau, nhà tỷ phú Saito Rioto đã trả bức tranh “Chân dung bác sĩ Gashe” với giá 82 triệu USD tại nhà đấu giá Niu Ooc. Mười năm liền, đây là bức tranh đắt giá nhất thế giới. Trong bản di chúc, nhà tỷ phú căn dặn sẽ hoả thiêu cùng bức tranh có một không hai này…
Thế giới hiện nay vẫn đang chao đảo vì những vụ tai tiếng xung quanh tên tuổi của Van Gogh. Các nhà mỹ thuật học, bác học, bác sĩ… đang tiến hành nghiên cứu cuộc đời và con người thật của ông. Chính bảo tàng tranh của Van Gogh được thành lập năm 1972 tại Amsterdam này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm định tất cả các tranh của Van Gogh trên toàn thế giới. Toàn bộ tranh tại đây là do cháu ruột của hoạ sĩ đã hiến tặng đất nước Hà Lan.
Dù sự thật về cuộc đời của danh hoạ dần dần được đưa ra ánh sáng, song huyền thoại về Van Gogh vẫn sống và có sức hấp dẫn hơn gấp bội phần sự thật trần trụi.
Đây không phải là một hiện tượng hiếm trong lịch sử, thậm chí còn khá phổ biến đối với nhiều vĩ nhân (kể cả một số chỉ ở tầm “yếu nhân”) đã không ngần ngại hư cấu tiểu sử của mình theo những mục đích khác nhau vì họ thừa biết rằng, chỉ có huyền thoại mới tồn tại lâu bền trên cõi đời mênh mông này.
Vũ Tuấn Hoàng (Amsterdam - Kharkov)
|