Đã hơn 2 năm trôi đi, tôi lại trở về Việt Nam yêu dấu, về với Hà Nội yêu thương, tìm lại những cảm xúc trào dâng khó tả, thấm đẫm mình trong hơi ấm của quê hương, ngắm lại dòng người hối hả ngược xuôi, rưng rưng trong tâm trạng bồi hồi xao xuyến!...
Trưa ngày 21/03, tôi cất cánh từ Borispol, Kiev, chuyển tiếp qua Seremechevơ, Nga về Nội Bài, Hà Nội. Kiev khi ấy vẫn còn se lạnh và Mátxcơva tuyết vẫn phủ trắng những rừng thông. Ngồi trên máy bay, miên man trong những hoài niệm của những lần về Việt Nam mà nôn nao, nhớ nhung và khao khát biết bao khung trời xứ sở! Chặng đường dài cũng đã trôi qua, sáng ngày 22/03, chúng tôi hạ cánh xuống Nội Bài. Từ trên cao nhìn xuống, những cánh đồng quê hiện ra biết mấy thân thương, những ô ruộng bàn cờ trải dài liên tiếp, tôi nghẹn ngào xúc động trong tiếng vỗ tay chúc mừng phi hành đoàn tiếp đất an toàn!...
Văn Miếu - Quốc Tử Giám
|
Hà Nội đây rồi! Vẫn những con đường náo nhiệt trong nhịp thời gian tuôn chảy, nghe tim mình xôn xao, hồi hộp, mà lạ chưa, nước mắt cứ tuôn trào, mới thấy cách xa là nhớ thương quá đỗi!
Theo nhịp sống cuồn cuộn của Hà Nội, tôi về đến nhà em chồng trên phố Pháo đài Láng, xả hơi một chút rồi gột sạch những bụi bặm của một chặng bay dài, thấy khỏe khoắn lạ khi mình ở giữa quê hương! Buổi tối sang nhà em gái bên Bạch Mai, bọn trẻ ríu rít từ đầu ngõ chờ bác về. Bữa cơm tối thật đầm ấm vui vẻ, chuyện trò rôm rả! Xong bữa, em gái rủ tôi ra phố, trước tiên là phải “ngã” vào quán chè cung đình Huế - món chè mà tôi luôn ao ước trong những năm tháng xa quê, sau đó là lân la vào các shop. Hà Nội bây giờ mở rộng kinh doanh hơn trước nhiều, chỗ nào cũng thấy các shop tư nhân, hàng hoá phong phú vô cùng. Lượn một vòng đắm mình trong hơi thở Hà Nội về đêm rực rỡ ánh đèn, hai chị em nói chuyện miên man không dứt. Biết tôi khát khao được sống trong tình quê hương, với khoảng thời gian ngắn ngủi, mặc dù đi làm rất bận nhưng em gái vẫn thu xếp để tôi được hòa mình trong nhịp đập của Hà Nội...
Sáng ngày hôm sau, liên lạc với mấy anh em trong họ và mấy tờ báo tôi hợp tác ở Việt Nam, chúng tôi hẹn nhau ăn trưa ở quán Little Dream trên phố Phạm Sư Mạnh – một không gian Nga và những món ăn Nga dành cho những người đã sống và đang sống hay những người yêu mến nước Nga. Những cô gái Việt Nam trẻ trung, duyên dáng trong trang phục dân tộc Nga phục vụ ân cần, chu đáo; những câu chuyện tưởng chừng không bao giờ dứt... Chia tay mọi người chúng tôi lượn vòng quanh Bờ Hồ, nhộn nhịp và đông vui thế! Hồ Gươm lúc nào cũng thật đẹp, thật nên thơ, thật kiêu hãnh, xứng đáng là trái tim Hà Nội!
Sáng thứ Năm, hai chị em ghé qua Nhà xuất bản Quân đội, sau đó gặp mặt với mấy anh em trong Ban Liên Lạc họ Đỗ Việt Nam tại 65 phố Quán Sứ, buổi tối sang nhà chú thím tôi bên Hồ Tây. Hà Nội lất phất mưa Xuân, gió hồ lồng lộng thổi, sóng vỗ dạt dào thấy tâm hồn mình như rộng mở, như bát ngát, trái tim như hòa tan trong niềm xúc động vô bờ bến!...
Sáng thứ Sáu về nhà chồng ở Quảng Yên, Quảnh Ninh. Hiện lên trong tâm trí tôi hồi ức hào hùng của Bạch Đằng Giang lịch sử lớp lớp sóng dồi, thấy dâng lên hào khí của cha ông thủa trước chống giặc ngoại xâm. Đang độ tháng Ba, mùi hoa bưởi thơm ngào ngạt đem đến cho vùng quê yên tĩnh sự thanh thản, nhẹ nhõm lạ thường!
Chiều thứ Ba, tôi về quê thắp hương cho bố mẹ tôi ở Vĩnh Yên, rồi ra nhà cô bạn thân. Bao năm trời xa cách giờ gặp lại nhau thấy sung sướng biết bao! Cả nhà đón tôi như một thành viên của gia đình đi xa trở về, thật hạnh phúc và đầm ấm... Chạnh lòng nghĩ đến cha mẹ không còn, nhớ những bữa cơm thân mật của ngày xưa mà chan hoà nước mắt. Hôm sau, tôi lên mộ thắp hương cho cha mẹ. Giữa mênh mông trời đất, thấy lung linh, chập chờn bóng mẹ trong ánh nắng như nhắn gửi điều gì, và nước mắt tôi cứ tuôn rơi trong nỗi nhớ thương vô bờ, con tim muốn vỡ oà trong niềm cô quạnh!
Như dự định, tôi lên Đoan Hùng thăm quê chú, thím. Phải nói rằng sau hơn hai chục năm trở lại, Đoan Hùng thay đổi rất nhiều, không còn những ngôi nhà lợp xác xơ lá cọ, không còn tiếng chim “bắt cô trói cột” nghe rờn rợn thủa nào mà thay vào đó là màu xanh mướt những đồi chè, rừng cọ xen lẫn những ngôi nhà mái bằng xinh xắn. Khu vườn nhà chú thật tuyệt, vải thiều và nhãn đang trổ hoa với đàn ong nuôi lấy mật, khung cảnh rất đỗi êm đềm khiến người ta có thể quên hết những nỗi nhọc nhằn, vất vả sau một ngày lao động. Những ngọn núi mờ xa, những ruộng lúa xanh rờn, mát mắt khiến tôi lưu luyến mãi! Buổi chiều, tôi quay về Vĩnh Yên cùng mấy người bạn ra thăm cô giáo chủ nhiệm cũ. Hai mươi nhăm năm rồi mới gặp lại cô, tôi cứ ôm lấy cô khóc mãi. Cô không thay đổi mấy, vẫn nhanh nhẹn mặc dù nghỉ hưu đã lâu, chuyện trò không muốn dứt...
Đường đi Lập Thạch - Vĩnh Phúc
|
Đi Lập Thạch để tìm lại hồi ức của những mùa hè đạp xe về thăm ông bà ngoại qua bến đò xưa, dòng sông Phó Đáy vẫn lặng lẽ trôi với con đò nhỏ bồng bềnh trên bến. Quê hương của mẹ có thay đổi ít nhiều. Tôi vào thắp hương cho ông bà ngoại rồi ra viếng mộ. Khu mộ ông bà ngoại và bác Lục được chăm sóc chu đáo... Nao nao nhớ lại ngày thơ ấu được tung tăng trong khu vườn rợp bóng cây ăn quả, nhớ ông ngoại râu trắng như cước, nhớ bà ngoại mắt lấp lánh niềm vui mỗi khi chúng tôi ríu rít đầy nhà, nhớ bác Lục tôi hy sinh trong kháng chiến chống Pháp mà đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Thấy xót xa, day dứt biết bao!
Trở về nhà chồng bên Quảng Yên, tôi ở nhà mấy ngày tĩnh tâm với không khí trong lành, hoa bưởi đã rụng gần hết, chỉ còn hoa vải thiều đẹp đến nao lòng trên những ngọn cây. Rồi lại về Vĩnh Yên đi lễ chùa Hà, ngôi chùa giờ đã được xây dựng lại khang trang, đẹp đẽ, những ni cô bình dị quét sân chùa khiến tôi cứ mải suy tư về mỗi một cuộc đời! Sắp tới giỗ Tổ Hùng Vương nhưng vì giỗ mẹ tôi vào 10/3 Âm lịch nên chúng tôi đi hội Đền Hùng từ 6/3. Mặc dù chưa đến chính lễ nhưng không khí đã nô nức lắm! Việt Trì thật đẹp với những quả cầu hoa được trang trí lộng lẫy chào đón lễ hội, những băng-rôn với bao khẩu hiệu: Uống nước nhớ nguồn; Bốn phương tụ hội; Con người có tổ, có tông – như cây có cội, như sông có nguồn... Thấy dạt dào nghĩa khí của dân tộc Việt Nam qua bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Lễ hội Đền Hùng
|
Cổng đền Hùng được xây theo kiểu tam quan... Phía trên cửa lớn có dòng chữ “Cao Sơn Cảnh Hạnh". Theo 255 bậc đá kiến tạo quanh co men sườn núi đến mướt mồ hôi là tới đền Hạ với cây Thiên Tuế thọ 700 năm tuổi, rời đền Hạ lên đền Trung “là nơi các vua Hùng thường đến họp bàn việc nước với quần thần. Đi ngược 102 bậc đá nữa là đến đền Thượng, nơi ấy vua Hùng làm lễ tế trời, đất, thần Núi, thần Lúa... Đền có bức hoành phi lớn đề bốn chữ vàng “Nam Quốc Sơn Hà”, trước đền có cột “đá thề”. Tương truyền là nơi Thục Phán đã nguyện đời đời tế tự các vua Hùng và gìn giữ cơ nghiệp họ Hùng truyền lại”(1). Xuống thấp vài chục bậc đá là Lăng Vua Hùng, tượng trưng cho mộ Tổ được xây dựng vào đầu thế kỷ này. Theo những bậc đá dốc quanh co là “đền Giếng – nơi thờ công chúa Ngọc Hoa, Tiên Dung con vua Hùng thứ 18. Trong đền có giếng Ngọc, nơi hai công chúa vẫn thường ra soi gương, chải tóc ngày chưa xuất giá”(2). Trước cửa đền Giếng là tấm bia có khắc câu nói của Bác Hồ nhân dịp Người nói chuyện với các chiến sĩ sư đoàn 308 có nhiệm vụ vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội ngày 19 tháng 8 năm 1954:
“Các vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”
Xế chiều, chúng tôi nghỉ ngơi dưới những gốc cây đại, cây si toả bóng mát cùng khách thập phương nô nức về lễ hội, thành kính dâng hương tưởng niệm các vua Hùng. Một ngày khép lại với những ấn tượng không thể nào phai về Hội đền Hùng, về đất Tổ Hùng Vương yêu dấu, về không khí vui tươi của lễ hội với những món quà lưu niệm xinh xắn mà tôi nguyện luôn giữ mãi bên mình, nâng niu và trân trọng!...
Đến tận gần ngày bay, thím và em tôi mới thu xếp đưa tôi về thăm nhà thờ Tổ và mộ Tổ ở Đan Phượng, Hà Nội. Lần đầu tiên bước chân vào nhà từ đường của dòng họ, tôi có một cảm giác thiêng liêng vô cùng! Vâng, xứ Đoài quê cha, mảnh đất “địa linh nhân kiệt” đã đi vào thơ ca, vào trong truyền thuyết dân gian với những sắc màu lung linh huyền ảo, tự hào biết bao nguồn cội quê hương! Bên cạnh khu mộ Tổ là chùa Đan Hội – ngôi chùa nhỏ tuyệt đẹp với những vườn cây ăn quả tỏa bóng mát thanh bình. Mấy thím cháu tôi vào chùa dâng hương, cúng dường và đàm đạo cùng sư thầy trụ trì. Thanh thản và viên mãn là những cảm giác mỗi lần tôi bước chân vào chùa!
Trước ngày bay, tôi vẫn còn dịp may vào thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám, nơi tinh hoa hội tụ, nơi thiêng liêng, tự hào dân tộc Việt Nam! Các đoàn khách trong nước và quốc tế tấp nập từ sáng sớm, các cháu sinh viên ngành du lịch đi thực tập giới thiệu di tích lịch sử trong một không khí hăm hở. Văn Miếu Quốc Tử Giám đã cuốn hút tôi suốt cả ngày hôm đó! Và Quốc Tử Giám là điểm cuối cùng trong chuyến về Việt Nam của tôi lần này. Một hành trình tìm về nguồn cội, tìm về nơi chôn rau, cắt rốn, tìm về quê cha, đất Tổ... để tôi lại góp gom những ân tình tha thiết làm hành trang tiếp bước lên đường, cho những chuyến đi chưa hẹn ngày trở lại.
Tạm biệt nhé quê hương thân yêu! Và con sẽ trở về khi chồn chân thiên lý...
04/07/2011
Đỗ Thị Hoa Lý
(Kiev, Ucraine)
(1), (2): Theo “Hỏi đáp về một số di tích lịch sử và văn hóa nổi tiếng ở Việt Nam”, Đặng Việt Thủy – Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 2009.
Theo Quehuongonline