Phẩm chất và bản lĩnh của người lính bộ đội Cụ Hồ trong thời chiến cũng như thời bình luôn giành được những tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân. Kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944 – 22-12-2011), từ Kiev- Ucraina, chị Đỗ Thị Hoa Lý chia sẻ những cảm xúc đặc biệt về một lần đến thăm và chứng kiến cuộc sống của những người chiến sĩ tại một trung đoàn ở Hoàng Liên Sơn. Tạp chí Quê Hương xin trân trọng giới thiệu...
(Kính tặng chú Đỗ Bá Tỵ và các chiến sỹ
Trung đoàn 192 – Quân khu 2, năm 1986)
Sự hùng vĩ dãy núi Hoàng Liên Sơn. Nguồn: Internet
|
“Đất Hoàng Liên những dãy đồi bát úp
Những đỉnh núi xanh rờn xanh thắm màu mây
Những mái nhà xanh mướt dưới ngàn cây
Dòng suối nữa cũng xanh màu cây lá...
Tôi đã thốt lên những lời thơ như thế khi đặt chân lên mảnh đất Hoàng Liên Sơn - nơi địa đầu Tổ quốc vào những ngày hè oi bức năm 1986 khi mà kỳ thi rực lửa vừa kết thúc với bao hồi hộp đợi chờ!...
*
Một chiều hè có chú bộ đội hỏi thăm nhà tôi và giới thiệu là liên lạc viên của chú tôi về phép thăm gia đình và có cầm theo thư và quà của chú tôi. Chúng tôi mừng lắm vì đã lâu mới lại có tin của chú, càng mừng hơn nữa khi được biết chú tôi hiện đã là Thiếu tá, Tham mưu Trưởng, Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 192 – Quân khu 2 hiện đóng quân tại huyện Bát Sát – Hoàng Liên Sơn!
Sau một buổi hàn huyên tâm sự và hẹn ngày gặp lại, bố mẹ quyết định cho tôi lên thăm cuộc sống của chú ra sao. Khỏi nói hết nỗi vui mừng của tôi khi được đi xa như thế sau bao ngày tháng dùi mài sách vở! Tất cả những gì có thể đem được bố mẹ tôi đều gói ghém vào túi và ba lô làm hai chú cháu tôi được một phen mang vác lỉnh kỉnh...
Chuyến tàu khách Hà Nội – Lào Cai đã đưa tôi qua những vùng đất mà tôi mới chỉ được nghe tên trong sách vở. Những địa danh Phú Thọ, Ấm Thượng, Hạ Hoà... trôi qua trước mắt với những cánh đồng lúa mênh mông, với rừng cọ, đồi chè bát ngát; rồi Bảo Hà, Trái Hút gợi lên những câu chuyện lạnh sống lưng gắn liền với giai thoại “cọp Bảo Hà, ma Trái Hút” ngồi trên tàu mà cứ thấy gai gai người! Đoàn tàu đi theo lịch trình tới ga cuối cùng là Phố Lu, chúng tôi tiếp tục vẫy xe lên Làng Giàng, qua mỏ apatít Lào Cai... Rồi cũng hết đường ô tô chạy. Trời cũng vừa tối, chúng tôi vào xin ngủ nhờ nhà dân, sáng hôm sau lại tiếp tục lên đường: bắt đầu lội suối, băng rừng, qua bao đồi tranh, rừng chuối với những bông hoa chuối đỏ tươi thấp thoáng... không sao nhớ hết. Tôi cảm thấy mệt rã rời, chân không muốn bước nhưng vẫn cứ phải tiến lên vì trời lại sắp sụp tối, đâu thể ở lại trong rừng. Chú liên lạc động viên tôi cất bước vì sắp tới nơi rồi. Quả thực vượt qua con suối trước mặt với những tảng đá trơn rêu lổn nhổn làm tôi mấy lần suýt trượt chân theo dòng nước là đã tới lán Chỉ huy của Trung đoàn. Thở phào nhẹ nhõm và trút thật nhanh mọi hành trang, tôi ngồi thở dốc, còn chú tôi lúc ấy thật bất ngờ vì không nghĩ là cháu gái có thể vượt qua một quãng đường xa xôi đầy trắc trở để tới thăm chú! Quà bánh được mang ra, chú gọi tất cả các anh em ở các đại đội xung quanh lên uống nước, nghe chuyện vùng xuôi. Lúc ấy ánh điện chợt loé lên một chút rồi tắt lịm – các chú bảo đó là điện ở đập nhỏ tại xã Quang Kim đang thử nghiệm, chứ rừng núi chỉ có đèn dầu thôi. Tiếp xúc với cuộc sống của các chú thấy thương các chú quá… Mình sống ở thị xã ánh điện tưng bừng, nước máy chảy ngày đêm, còn các chú đèn dầu leo lét, tắm giặt bằng nước suối, giếng nước ăn sâu hun hút kéo được một gầu cũng rã cánh tay. Bữa ăn vô cùng khiêm tốn: cơm hẩm, cá khô đã quá hạn, canh hạt đậu trắng... Chú cần vụ có trồng được một ít rau thơm, cà pháo trộn lên để tiếp khách dưới xuôi làm tôi nhớ tới câu thơ:
“... Đạm bạc rau rừng cơm với muối
Có thêm canh đậu đã tươi rồi...”
Lúc ấy tôi mới hiểu thế nào là “... Nước chấm đại dương, bát canh toàn quốc”*. Vậy mà các chú vẫn cười tươi bảo: “Bộ đội là thế, phải thích nghi với mọi hoàn cảnh để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc”.
Những ngày sau đó tôi theo chú đi khắp nơi, khi thì đạp xe tới các đại đội ở xa, đường xá bằng phẳng, khi thì đi bộ xuống các đại đội cách 5-10 cây số, khi thì đi thăm chợ vùng biên rất trữ tình và náo nhiệt, khi thì theo chú đi làm công tác dân vận... Đến đâu chúng tôi cũng được đón tiếp thân mật, chan chứa tình người! Sau vài ngày nghỉ ngơi lại sức, chú bảo: “Hôm nay chú sẽ cho cháu leo chốt”. Khá tò mò tôi hăng hái đi liền, đến nơi mới biết sợ: chốt cao ngút lẫn vào trong mây, leo được vài bậc tôi bắt đầu thở dốc, đầu gối gần ngang với mặt... Chú vẫn leo phăm phăm đằng trước và cười bảo: “Con nhà lính phải mạnh mẽ lên chứ”. Cuối cùng, tôi cũng leo được tới nơi, mặt đỏ tía, hơi thở dồn dập... Đón tiếp chúng tôi là những khuôn mặt hồ hởi, tươi vui, nhưng nước da tai tái vì quanh năm hầu như ít ánh nắng, quần áo chăn màn không lúc nào khô hẳn, tôi chợt nhớ tới bài thơ “Điểm tựa” của bác Lê Đức Thọ - càng thấy thương các anh, các chú nhiều hơn:
“Hàn thử biểu chỉ độ không
Đêm nay trời rét lắm
Cái rét biên thùy lạnh buốt thịt da
Cả núi rừng chìm đắm dưới sương khuya
Gió vi vút rít qua khe cửa nhỏ
Trằn trọc mãi thâu đêm không ngủ
Thương anh nhiều, anh chiến sỹ của tôi ơi
Điểm tựa trên cao anh đứng giữa đỉnh đồi
Một mảnh áo bông thay nhau khi đổi gác...”**
Những hôm trời mưa như trút, nước trên nguồn đổ về cuồn cuộn như thác, chảy đến chóng mặt, cuốn theo những thân cây to bị gẫy, xác của gia súc, gia cầm... Đường đất lúc ấy dẻo quánh, đeo dép không thể nào nhấc được chân lên mà chỉ có đi chân đất, tôi theo chú leo từ đại đội lên đến trung đoàn mà mấy lần “vồ ếch”. Chú cười bảo: “Cho cháu tập làm bộ đội đấy!”.
Những hôm trời khô ráo, tôi theo các chú đốt rẫy, làm nương, trỉa bắp. Các chú được một trận cười vì tôi “trỉa bắp không giống ai”. Có khi các chú họp Ban Chỉ huy tôi cũng ngồi hóng hớt mặc dù “như vịt nghe sấm”. Có lần ăn cơm tối xong, chú bảo: “Hôm nay chú cháu mình đi làm báo tường nhé!”, tôi theo liền vì đúng sở thích. Dưới các đại đội anh em đang chụm đầu làm báo với những cái tít của chuyên ngành mà tôi không thể nào nhớ nổi. Chú đọc và duyệt rồi cao hứng chú bảo: “Cháu học văn cũng được, hay làm một bài tặng các chú đi!”. Tôi hơi ngượng nhưng cũng đánh bạo viết liền và được các chú rất hoan nghênh – đó là những tình cảm của tôi với những người lính biên cương:
Với Hoàng Liên
Bát Sát thanh bình sau chiến tranh
Dưới chân dãy núi Hoàng Liên xanh
Cầu tre lắt lẻo vươn qua suối
Nối nhịp quân dân – nặng nghĩa tình.
Bát Sát ngày hè tôi đến thăm
Ngại gì dốc núi với xa xăm
Theo dòng suối nhỏ vui chân bước
Leo chốt trùng mây chẳng ngại ngần.
Thăm Trung đoàn bộ đóng trên đồi
Giữa trận bão hè, lũ khắp nơi
Xơ xác đại ngàn theo xoáy nước
Giận hờn, ngầu đục suối gầm sôi!
Tôi cũng một lần leo chốt cao
“Chồn chân, mỏi gối” vẫn không nao
Một lần “mục thị” thăm người lính
Chắc súng trong tay gác chiến hào.
Thương anh bộ đội từ quê xuôi
Áo lạnh, chăn đơn chẳng ấm người
Đạm bạc rau rừng cơm với muối
Có thêm canh đậu – đã tươi rồi.
Chiều rừng buông xuống chốn hoang vu
Vách nứa, nhà tranh cửa khép hờ
Mờ tỏ đèn khuya bàn Tác chiến
Chập chờn gió núi, lạnh song thưa...
Những buổi luyện quân vượt núi đèo
Suối sâu, nước xiết, đá trơn rêu
Vẫn vui lẽ sống, vui đời lính
Bởi nỗi lòng thương đất nước nhiều!
Đời anh gian khổ biết bao nhiêu
Muốn nói cùng anh biết bao điều
Anh nhé kiên gan, bền ý chí
Hậu phương – tiền tuyến – nối thương yêu!
Đó là những vần thơ thốt lên tự đáy lòng tôi tặng các chú và được đăng trên báo tường của Trung đoàn. Từ hôm ấy, đi đâu mọi người cũng bảo “cháu gái của Trung đoàn trưởng làm thơ hay ghê!”, còn tôi thì ngượng không biết trốn đi đâu cho được!
Trung tướng Đỗ Bá Tỵ động viên thanh niên lên đường nhập ngũ
|
Cuộc sống tinh thần của các chú còn nhiều thiếu thốn: báo chí thường lên chậm, không có đài, văn công cả năm may mới có một lần. Tôi rất may mắn được chứng kiến đoàn chiếu phim lên phục vụ với vở kịch “Tôi và chúng ta” của Lưu Quang Vũ - một vở kịch đã để lại trong tôi những ấn tượng vô cùng sâu sắc với nữ diễn viên Hoàng Cúc.
Mặc dù cuộc sống vùng núi tĩnh mịch nhưng tôi rất thích vì không khí trong lành, phong cảnh đẹp, xung quanh là màu xanh ngút ngàn, bao la hùng vĩ và thật nên thơ. Những con suối nhỏ êm đềm, vào mùa khô nước chảy hiền hoà, trong suốt nhìn thấu tận đáy với những đàn cá bơi lội tung tăng, điểm thêm màu váy áo, hoà với tiếng cười trong trẻo của các cô thiếu nữ người dân tộc mỗi khi đi rẫy về ngang qua suối. Những chiếc cầu tre lắt lẻo, chênh vênh như thách thức sự gan dạ của con người khiến tôi cứ nấn ná mãi, cho đến khi bố mẹ đánh điện gọi về. Các chú gói ghém cho tôi đủ thứ để lên đường vào hôm sau nhưng đến đêm lại bắt đầu mưa lũ. Nhìn dòng nước cuồn cuộn mà lòng tôi sốt ruột vô cùng vì biết bố mẹ rất lo lắng cho tôi. Mấy ngày sau mưa mới ngớt và có một chú về phép tiện đường “hộ tống” tôi về nên cũng yên tâm. Dọc đường về, đâu đâu cũng có dấu tích của cơn lũ vừa đi qua. Nhiều nhà dân bị tàn phá, trâu bò, lợn gà chết rải rác chưa kịp tiêu huỷ, các tuyến đường tắc nghẽn chờ cả nửa ngày mới thông... Đi bộ, đi nhờ xe, nhảy “tăng bo”… rồi tôi cũng về được tới nhà sau hai ngày lặn lội. Bố mẹ tôi thở phào nhẹ nhõm. Quả thực đây là một chuyến đi đầy ấn tượng, đáng ghi nhớ suốt cả cuộc đời!
*
Từ đó đến nay chú tôi đã trải qua biết bao nhiều chức vụ, thuyên chuyển hết từ đơn vị này đến đơn vị khác rồi đi học, … nên chẳng mấy khi được gần gia đình. Chú thường tranh thủ ghé về thăm nhà rồi lại đi luôn, ngay cả khi gia đình tôi ở nước ngoài về thăm cũng chỉ gặp chú được 5, 10 phút.
Đời lính là vậy, ở cương vị nào thì nhiệm vụ cũng phải đặt lên hàng đầu. Trong tôi, chú tôi và những người chiến sỹ Trung đoàn 192 năm xưa luôn là hình ảnh sống động của “Anh bộ đội Cụ Hồ” – “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Tôi luôn mong muốn và cầu chúc cho chú và người chiến sỹ luôn vững vàng trên mọi mặt trận, hạnh phúc và thật vui trong ngày kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng!
Kiev – Ucraine 17/11/2010
Đỗ Thị Hoa Lý
* Ý thơ trong bài thơ Điểm tựa của Lê Đức Thọ
** Trích trong bài thơ Điểm tựa của Lê Đức Thọ
Theo Quehuongonline