Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 22/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Sáng Tác Cộng Đồng >
  Quà ngon Kharkov Quà ngon Kharkov , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

Gần hai chục năm đã trôi qua, cuộc sống của những người Việt trên đất Ucraina có biết bao thăng trầm, đổi thay, nhưng những món quà ngon cuả Kharkov thì vẫn mãi đi cùng dòng chảy thời gian...

Hơn chục năm về trước những người Việt ở Kiev đã thật ngỡ ngàng khi nhìn thấy những đĩa bánh chưng, những khúc giò lụa được cắt theo đúng kiểu Việt Nam bày ngay ngắn xen kẽ với các món sơn hào hải vị của Ucraina tại một khách sạn sang trọng trong buổi tiệc đón năm mới do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức. 

Không ngỡ ngàng sao được khi lần đầu tiên được nhìn thấy và được thưởng thức những món ăn mang đậm chất cổ truyền ngày Tết Việt Nam trong cái lạnh băng giá bên ngoài giữa đất trời Châu Âu.

Ngày ấy bánh chưng còn hiếm đỗ xanh lắm nên có khi phải pha thêm đỗ vàng của Ucraina vào, và giò thì gói bằng nilon và giấy báo, nhưng hương vị của chúng vẫn đủ để mọi người nôn nao chờ đợi mau đến cái Tết tiếp theo để được thưởng thức vì đó là món quà của Kharkov chỉ làm để ủng hộ cho tiệc đón năm mới mà thôi.

Cho đến bây giờ thì không ít các gia đình người Việt đã từng sống ở các thành phố khác nhau tại Ucraina trong các dịp lễ Tết, đám cưới, giỗ chạp đều không thể thiếu được đĩa giò chả. Người sành ăn là phải chọn cho được giò chả từ Kharkov mang thương hiệu Vân Cảnh, mà cũng phải thôi vì so với một số người hoặc từ Việt Nam mới sang hoặc học nghề từ chính anh chị truyền lại dù có hơn về công tác quảng cáo hay áp dụng cả những công nghệ mới thì vẫn không thể nào vượt được giò chả cuả anh chị Cảnh – Vân, những người đã có bề dày kinh nghiệm từ việc chọn thịt cho đến cách cho mắm muối. Quả thật nếu đã được ăn thì bạn sẽ dễ dàng so sánh và sẽ thấy khứu giác và vị giác được đánh thức khi ăn những miếng giò nạc mà khi ta cắn vào miệng miếng giò có màu hồng nhạt loáng theo vết cắt sắc mịn của dao là một chút thôi rất ít nước rỉ ra theo những bóng khí bị cắt, không ướt dao mà chỉ đủ làm cho miếng giò trông thật ngon lành mà không khô cứng, sực nức mùi thơm của nước mắm ngon, cảm nhận tới tận chân răng độ giòn của giò được làm từ thịt lợn tươi quết nhuyễn. Sau này nhà anh chị Cảnh Vân còn làm thêm những chiếc bánh dày trắng phau dẻo quánh, bọc trong là miếng chả quế thơm tho hay miếng giò lụa tươi mới, bảo đảm bạn sẽ có cảm giác như vừa được ăn chiếc bánh dày giò của bà hàng giò chả gần chợ Hôm – Đức Viên Hà Nội nếu bạn đã từng ăn.

Trong các dịp Trung Thu – dù có đầy hoa quả, những gói bánh kẹo nhiều mầu sắc của cả “Tây” và Việt Nam, nhưng hẳn vẫn sẽ thấy thiêu thiếu nếu không nhắc tới bánh nướng, bánh dẻo của nhà Hạnh-Khanh. Cũng chẳng biết bánh Kinh Đô “xịn” bây giờ ngon tới cỡ nào vì có đưa sang được cũng chỉ làm quà biếu còn thì chỉ được nghe qua đài báo, chứ ở đất Ucraina này thân quen phải kể đến bánh nướng, bánh dẻo nhà Hạnh-Khanh với “thâm niên” hơn chục năm gắn bó với cộng đồng. Cũng chỉ là những mẫu mã cổ điển và công thức cơ bản của Xí nghiệp bánh kẹo Hà Nội, thế nhưng phải mất bao công sức tìm tòi, thử nghiệm với điều kiện thời tiết của trời Âu, bao lần phải vứt bỏ vì những “sáng tạo” không phù hợp của người đã một thời làm công nhân trong Xí nghiệp bánh kẹo Hà Nội. Cho đến hôm nay cứ mỗi dịp Trung Thu trăng tròn là những chiếc bánh nướng bánh dẻo thơm phức lại được đóng gói, tuy không ghi tên nhưng ở hầu hết các thành phố lớn đều biết là của Hạnh-Khanh, được bày ngay ngắn trên quầy hàng tại Kharkov và được đóng gói gửi đi các thành phố khác. Để rồi những chiếc bánh thơm thảo ấy lại được thành kính đặt lên ban thờ thắp hương hay cùng các loại bánh kẹo hoa quả khác làm nên một mâm cỗ hoàn hảo cho trẻ em đón tết Trung Thu.


Đến Kharkov, ra chợ Barabashova, mà không ăn bát phở mùa đông hay xuất bún chả ngày hè của nhà Khải-Nguyệt thì vẫn còn chưa đủ dù bạn đã đi trong khu chợ bạt ngàn hàng hoá, ngắm thỏa thuê và mua những gì bạn thích. Có người đã nói: “Ngày nghỉ đi ra chợ chơi không ăn được bát phở hay xuất bún của nhà Khải Nguyệt thì cũng phí công ra chợ!”. Ấy là người ta cứ nói thế chứ quả thật ở Kharkov thì ai cũng đều biết tiếng rồi, không những thế mà cả những người đi lấy hàng từ các thành phố khác đến cũng đâm mê. Xuống xe bụng đói cồn cào sau một đêm dài, mùi hương quyến rũ của nồi nước phở tỏa lan trong không gian lạnh giá của tuyết trắng như níu bước chân. Cũng chỉ định ăn bát phở lót dạ cho ấm bụng ngày đông để đi lấy hàng, vậy mà đi mãi quá trưa vẫn không thấy đói chỉ vì bát phở quá đầy đặn với những sợi bánh phở trắng tinh, những miếng thịt bò tái màu hồng nhạt và nước dùng đậm đà vị ngọt từ xương ninh kỹ thơm mùi hồi quế... mà chẳng cần cho thêm mì chính cũng ngọt lắm rồi.

Người Kharkov thì khỏi phải nói, rất nhiều người đã đâm nghiện phở nhà anh chị Khải-Nguyệt. Ngày thường hay "ốptôm" cũng đều có thói quen lên nhà hàng ăn bát phở rồi xuống chợ đi làm. Thứ bảy – chủ nhật, có nhà dẫn cả con cái hay bạn bè ra chợ ăn phở. Nhiều người có bạn bè người quen ở các thành phố khác hay ở các nước khác sang cũng cố gắng thu xếp thời gian ra quán Khải-Nguyệt thưởng thức chút hương vị quê nhà, rồi ốm đau, nằm viện bát phở nhà Khải-Nguyệt cũng đã góp phần nâng cao thể lực giúp bệnh mau lành . Có được bát phở ngon để làm ra nó́ chủ quán đã phải cẩn thận lựa chọn từ những khúc xương để hầm, những miếng thịt phải tươi rói và tất nhiên bánh phở cũng vậy phải có độ dẻo và dai của gạo ngon làm thành. Tất cả cùng hoà vào bản hợp ca với màu sắc của hành mùi xanh mướt với chanh vàng và ớt đỏ với mùi vị không thể lẫn được của phở, làm nên một thương hiệu phở Khải-Nguyệt . Lẽ thường là khách nhớ nhà hàng chứ nhà hàng sao nhớ nổi khách, thế nhưng với quán Khải-Nguyệt thì khác. Ngày xưa quán mới mở sập xệ trong một chiếc conteiner, chỉ có một hàng bàn thấp tè và những chiếc ghế đẩu bé như quán phở vỉa hè Hà Nội vậy mà vẫn đông khách dù có phải xếp hàng, chờ đợi. Chợ rộng lắm nhưng anh chị vẫn nhớ người này hay ăn giờ nào, hay ngồi ở đâu cho tới khi lên càfê Hương Việt - Quán càfê to nhất chợ Barabashova với những bàn ghế sạch tinh tươm thì vẫn thế, khách mới đi vào tới cửa còn xa mà anh chị đã chuẩn bị. Có người thì chị nhắc, có người thì anh nhớ, đại loại như làm bát ít bánh thôi, thêm thịt, ít nước hoặc nhiều bánh, nhiều nước, thêm béo...gần như với những thực khách ở Kharkov anh chị nắm được sở thích của từng người.

Còn nói đến bún chả thì chẳng những ta mà cả tây cũng mê nữa. Có những người gần như ngày nào cũng ghé ăn, có người còn thuộc lịch bán của quán theo mùa . Bạn đừng ngạc nhiên thấy một ông “tây” vào hỏi: “chắc tuần sau là có bún chả rồi phải không?”- rất đúng với dự định của nhà hàng. Chắc là mong chờ lắm và cứ như họ biết đã đến mùa của các loại rau thơm Việt Nam - Kinh giới, tiá tô...đã có thể hái lứa đầu từ vườn của những nhà trồng rau để thêm vào với xà lách, rau mùi có sẵn tạo nên một điã rau với đầy đủ hương vị, những sợi bún tròn trịa trắng tinh cùng những miếng thịt được tẩm ướp kỹ càng, được quạt nướng trên than hồng nhỏ những giọt mỡ để bay mờ những làn khói toả lan cái mùi không thể lẫn được cuả chả nướng. Gia vị không thể thiếu cuả xuất bún chả là bát nước chấm pha thật khéo với chua, cay mặn ngọt. Bên màu đỏ tươi thật bắt mắt cuả những lát ớt  là những miếng su hào trắng giòn tan khi nhai trong miệng. Tất cả mỗi thứ một chút tạo nên sự ngon miệng khiến người ta xuýt xoa truyền tụng.

Ai đã tới nhà anh chị hẳn sẽ ngạc nhiên vì sự sạch sẽ, gọn gàng chẳng có dấu vẻ gì của một nhà làm hàng, mà cái sự gọn gàng sạch sẽ ấy có ở mọi nơi. Nhà hàng của anh chị dù ở địa điểm nào thì cũng vẫn sạch sẽ, lau ly – Nó chính là điều anh chị luôn giữ gìn để cùng các món ăn do tự tay mình chế biến trở thành một tên tuổi, một thương hiệu thân thuộc và được nhiều người biết đến.

Gần hai chục năm đã trôi qua. Cuộc sống của những người Việt trên đất Ucraina có biết bao thăng trầm, đổi thay, nhưng những món quà ngon cuả Kharkov thì vẫn mãi đi cùng dòng chảy thời gian, những thương hiệu đã được xây dựng và có tiếng tăm . Mong cho những người làm ra những món quà ngon Kharkov sẽ ngày càng quảng bá rộng hơn những món quà mang hương vị đặc trưng cuả Việt Nam và làm cho nó trường tồn vững chắc cùng với thương hiệu cuả mình.


Trần Mai Anh (Ucraina)

 

                                  Theo Quehuongonline

  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65087706

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July