Chủ Nhật ngày 15/10/2017
(HNM) - Nửa cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước, nhà xuất bản chúng tôi ra Sách lịch kiến thức phổ thông - giống như lịch, ra hằng năm, nhưng ngoài thông tin về ngày, tháng thì còn các trang kiến thức. Ấn phẩm bao quát kiến thức mọi mặt, trong đó ưu tiên nội dung về văn hóa, nghệ thuật, đời sống… vốn được nhiều người quan tâm. Để nhờ viết mảng đề tài này, chúng tôi tìm đến tác giả Nguyễn Vinh Phúc. Đó là sự khởi đầu cho một mối quan hệ mà đến giờ, ngay cả khi ông không còn nữa, những kỷ niệm về ông vẫn thường trở lại trong tôi.
|
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc và con dâu bên kho tư liệu. |
Ông nguyên là thầy giáo, dạy địa lý ở Trường Việt - Đức, rất nổi tiếng với các công trình nghiên cứu về đường, phố Hà Nội nên thường được gọi là "nhà Hà Nội học". Nhưng với người biết, ông là một pho kiến thức về văn hóa Việt Nam nói chung.
Chúng tôi ra sức “khai thác” thầy Nguyễn Vinh Phúc. Khi thì đặt ông viết về một danh nhân văn hóa nhân kỷ niệm chẵn năm ngày sinh hay ngày mất. Khi thì là một sự kiện lịch sử quan trọng. Lúc lại nhờ ông viết giới thiệu cho mười hai lễ hội diễn ra trong năm - tương ứng với mỗi tháng một sự kiện. Lần khác thì về mười hai danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước… Tóm lại, mùa nào thức nấy, cứ định ra nội dung, chủ đề nào của năm cho Sách lịch là chúng tôi lại nghĩ sẽ nhờ ông viết cho phù hợp.
Nguyễn Vinh Phúc ít khi từ chối chúng tôi. Có lẽ phần vì chúng tôi cũng “biết người, biết của”, phần vì - không biết tôi có quá chủ quan không - ông cũng quý mấy anh em chúng tôi, nhóm làm Almanach ham hiểu biết lại cầu thị, và muốn ủng hộ nhiệt tình việc phổ biến tri thức của chúng tôi.
Khó có thể nhớ hết thầy Nguyễn Vinh Phúc đã giúp chúng tôi những gì!
Có thể nói, căn nhà của tác giả Phố và đường Hà Nội từ khi nào đó đã trở thành nơi thường xuyên lui tới của chúng tôi. Chúng tôi đến để đặt bài ông, đến để lấy bài theo hẹn, để hỏi ông về một điều gì đó mà mình chưa nắm chắc hay còn phân vân. Nhưng cũng có khi đơn giản là tự nhiên thấy muốn đến chơi, nói chuyện với ông.
Hồi ấy còn chưa có “văn hóa” điện thoại. Cho nên, một khi đã định, mấy anh em cứ thế đạp xe đến nhà ông. Nhà của nhà Hà Nội học ở trong một ngõ nhỏ cuối phố Ngô Quyền. Từ ngoài ngõ nhìn vào đã thấy cửa sổ phòng ông, thường là để mở như một sự mời chào của vị chủ nhà mến khách.
Trong câu chuyện, như tôi còn lưu giữ ấn tượng về ông, Nguyễn Vinh Phúc thường nghe nhiều hơn nói. Dường như vốn kiến thức trong ông đã là nguồn khích lệ để chúng tôi tha hồ nói mọi chuyện - về Hà Nội, về những con người của một thời, nhất là những người mà chúng tôi chỉ được nghe nói tới như những huyền thoại. Chúng tôi cứ nói, ông cứ nghe, thỉnh thoảng mới chêm vào để đính chính một sự nhầm lẫn hay cung cấp thông tin bổ khuyết cho sự hiểu biết còn “lỗ mỗ” của chúng tôi. Tôi có cảm giác như ở nhà Hà Nội học mọi thứ đều cực kỳ chính xác, được xếp ngay ngắn trong bộ nhớ. Điều này càng được khẳng định trong lần chúng tôi nhận loạt bài viết về mười hai danh thắng. Ông viết bài trên loại giấy thứ phẩm thời bao cấp, xỉn và sần, mỗi bài khoảng trang rưỡi viết tay.
Nét chữ, từ đầu đến cuối ở bài nào cũng ngay ngắn, đều đặn, những chỗ dập xóa, thêm bớt đều được viết lại rõ ràng, chỉ định đúng chỗ cần thêm, cần sửa. Bài của ông khá thống nhất về dung lượng, cách hành văn, giọng điệu… Hồi ấy tôi mới vào nghề, cũng thích viết lắm nhưng thấy việc viết lách sao mà chật vật; bài viết xong rồi, đánh máy lại rồi vẫn còn phải chữa thêm, mãi cũng không được như ý.
Nhìn các bài viết của ông, tôi nghĩ chắc ông phải viết nháp rồi mới viết ra và sửa lại. Hóa ra không phải, bao giờ ông cũng chỉ viết một lần, sau đó xem lại, sửa thêm là xong. “Tất nhiên trước đó phải nghĩ cho kỹ rồi mới viết ra”, ông nói thêm khi nhận thấy vẻ kinh ngạc của tôi. Tất nhiên là phải nghĩ kỹ rồi, tôi muốn nói, nghĩ nát ra ấy chứ. Nhưng nghĩ mà chỉ cần viết một lần cũng thành “chuẩn không cần chỉnh” như ông thì, có lẽ, chỉ có một!
Biết tôi là con của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, ông tỏ rõ vẻ thiện cảm. Một lần, thầy Phúc hỏi thăm tôi về chị Thục, chị gái thứ hai của tôi và là học trò của thầy ở Trường Việt - Đức. Khi cha tôi mất, chị tôi mới 16 tuổi, vừa học xong lớp 9 hệ mười năm. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị nhất quyết không theo học nữa mà xin đi làm công nhân để đỡ đần mẹ. Nghĩa là chị tôi được học thầy Phúc không nhiều, mà như tôi biết, hồi đi học chị không phải là học sinh xuất sắc gì cho lắm. Thế mà thầy vẫn lưu giữ ký ức về cô học trò con ông Tưởng, chắc cũng do tình cảm dành cho cha tôi - một nhà văn viết nhiều về Hà Nội mà đến lượt mình, thầy Phúc cũng đang làm công việc đó theo cách của ông.
Là giáo viên địa lý nhưng thầy Phúc am hiểu văn học. Một lần, nhân bàn gì đó về phố Hà Nội xưa, ông nhận xét về tên phố Hàng Bài trong tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô của cha tôi. Theo ông, phố này thời thuộc Pháp gọi là Đại lộ Đồng Khánh, sau Cách mạng đổi thành phố Triệu Quang Phục, thời tạm chiếm lại đổi thành Đồng Khánh và phải đến sau năm 1954 mới mang tên Hàng Bài như hiện nay; song cũng theo ông, một người như ông Tưởng không thể không biết những chuyện đó, nhưng hẳn có lý do để sử dụng tên Hàng Bài trong tác phẩm viết về Hà Nội trong thời kỳ Toàn quốc kháng chiến.
Lần khác, ông có một nhận xét về tiểu thuyết An Tư khiến tôi giật mình. Tác phẩm này cha tôi viết trong sự đua tranh với thời gian để đăng tải trên Tạp chí Tri tân nhằm cổ động lòng yêu nước của quần chúng trong những ngày tiền khởi nghĩa. Vì thế, tôi nghĩ, ông đã không có điều kiện chăm chút như khi viết Đêm hội Long Trì. Cũng chính vì thế mà sau này cha tôi có ý định viết lại, và thực tế đã viết thêm ít nhất hai chương như đã thấy trong di cảo của ông để lại… Tôi chia sẻ với thầy Phúc những suy nghĩ đó. Không ngờ ông bảo: “Nghệ thuật tiểu thuyết của An Tư hơn hẳn Đêm hội Long Trì ấy chứ!”.
Vẫn biết mọi sự so sánh đều mang ý chủ quan của mỗi người - ở đây còn có yếu tố về sở thích cá nhân, gu thẩm mỹ - nhưng rõ ràng tôi đã bị lời thầy Phúc tác động mạnh. Một sự tác động cho kết quả tốt đẹp: Từ những gì đăng báo và di cảo của cha mình, tôi đã sắp xếp lại thành cuốn tiểu thuyết An Tư có dạng như hiện nay. Nghĩa là được bổ sung hai chương khiến tác phẩm không chỉ thêm phần trọn vẹn, mà còn được gia tăng hàm lượng văn chương nhờ những trang văn đẹp mà tác giả đã dày công viết thêm…
(Còn nữa)
Nguyễn Huy Thắng
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phong-su-Ky-su/880470/ky-niem-khong-quen
|