Chủ Nhật ngày 08/10/2017
(HNM) - Những năm qua, nông nghiệp Sóc Sơn đã có bước chuyển mạnh với các sản phẩm đặc trưng như: Rau hữu cơ Thanh Xuân, gà đồi Sóc Sơn… Cũng trên mảnh đất cằn cỗi này đang hình thành vùng dược liệu mới, đã bắt đầu cho những sản phẩm "đầu tay", hứa hẹn tiềm năng "đơm hoa kết trái".
|
Chị Nguyễn Thanh Tuyền, người tiên phong trồng dược liệu trên đất Sóc Sơn, giới thiệu về các sản phẩm. |
Người tiên phong
Chị Nguyễn Thanh Tuyền là người đầu tiên khởi xướng trồng dược liệu tập trung trên vùng đất Sóc Sơn. Nguyên là cán bộ Khu bảo tồn sinh quyển thế giới, chị Tuyền đam mê bảo tồn và phát triển cây dược liệu, coi đó như tình yêu lớn của đời mình. Chị Tuyền chia sẻ: Những năm gần đây, tình trạng sức khỏe, bệnh tật hiểm nghèo, bệnh mạn tính của người dân gia tăng. Điều này không thể chỉ quy cho thực phẩm, môi trường ô nhiễm mà còn do con người đã quá lạm dụng thuốc Tây, sử dụng các sản phẩm sinh hóa vô tội vạ. Chị rất xót xa khi chứng kiến nhiều loài dược liệu của Việt Nam không được bảo tồn, dần mất đi các loại gen dược liệu quý; người dân vào rừng tận thu cạn kiệt; nhiều loại cây thuốc quý có nguy cơ tuyệt chủng. Trong khi đó, người nông dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tốt lại vẫn nghèo, bởi không quan tâm đúng mức đến cây dược liệu. Một số người trồng dược liệu lại không thuận theo tự nhiên mà sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học làm mất tác dụng thậm chí phản tác dụng của dược liệu...
Tình yêu dược liệu của chị Tuyền nhận được sự giúp đỡ của Viện Nghiên cứu Đào tạo và Tư vấn khoa học công nghệ ITC - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng UBND huyện Sóc Sơn, từ đó có sự ra đời vùng dược liệu theo phương pháp hữu cơ đầu tiên trên địa bàn huyện.
Nhớ lại những ngày đầu, chị Tuyền xúc động: Đất và người Sóc Sơn đã đem tới thành công cho chúng tôi sớm hơn dự định. Thời điểm ban đầu quả thực đầy gian nan khi chị và các cộng sự thuê 5,5ha đất của gia đình anh Trịnh Hồng Phong ở thôn Phúc Xuân (xã Bắc Sơn). Trồng dược liệu tới đâu, cỏ mọc um tùm tới đó. Những nông nhân được chị Tuyền thuê đều ngán ngẩm vì cỏ mọc quá nhanh, phải liên tục nhổ, trong khi cây dược liệu thì ngược lại... Chị Tuyền đã động viên nông dân kiên trì nhổ cỏ bằng tay, khi cây bị bệnh, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc và sử dụng các biện pháp che chắn tốt nhất cho cây phát triển. Nhiều thời điểm, đơn vị khó khăn về vốn, nhưng nông dân không vì thế mà nản, vẫn kiên quyết đồng hành, thực hiện tốt các yêu cầu kỹ thuật đề ra.
"Đây là điều rất đáng quý, bởi từ trước đến nay, chúng tôi liên kết với nhiều nơi để sản xuất dược liệu nhưng đều gian nan vì khi gặp khó, nông dân sẵn sàng phá hợp đồng. Chính những người nông dân ham học hỏi, sẵn sàng chia sẻ khó khăn đã giúp vùng dược liệu có được chỗ đứng như hôm nay. Đất không phụ công người, khu bảo tồn với hơn 70 loài dược liệu quý và các vườn dược liệu trên địa bàn như: Trà hoa vàng, kim ngân, khôi tía, kim cúc, bạch cúc, hồng ta, hoàng thảo kèn, thạch hộc tía, bạch hoa xà thiệt thảo... phát triển tốt, khẳng định hướng đi đúng đắn và minh chứng sinh động về vùng đất cằn Sóc Sơn rất hợp với nhiều cây dược liệu quý" - chị Tuyền chia sẻ.
Hữu ích với cộng đồng
Đánh giá về vùng dược liệu, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh cho biết: Sóc Sơn là vùng bán sơn địa, tiềm năng đất đai lớn, sau dồn điền đổi thửa và rà soát quy hoạch, huyện luôn trăn trở phải tìm hướng sản xuất sạch, hữu cơ với các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh nhằm thay đổi diện mạo nông nghiệp. Từ thành công của các mô hình sản xuất hữu cơ như: Rau hữu cơ Thanh Xuân, dưa lê Đông Xuân... khi mô hình sản xuất dược liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ vào địa phương, chúng tôi tin tưởng và rất kỳ vọng về sự thành công này. Thực tế mới chỉ có 3 năm "bén duyên" trên đất Sóc Sơn, từ chỗ có 5ha ban đầu, năm sau vùng dược liệu đã tăng lên 10ha và nay đã đạt 17,5ha. Ngoài cung cấp nguồn nguyên liệu sạch cho các công ty dược liệu, hiện đã có trên 30 sản phẩm được bán ra thị trường. Đây là niềm tự hào và cũng là nền tảng để vùng dược liệu Sóc Sơn nâng quy mô, tầm vóc trong thời gian tới.
Đi đôi xây dựng và phát triển khu vực bảo tồn, chị Tuyền cùng với UBND huyện Sóc Sơn đã nhân rộng mô hình dược liệu này sang các xã Xuân Giang, Trung Giã dưới nhiều hình thức liên kết, nông dân có đất, trồng dược liệu theo quy trình kỹ thuật và được thu mua với giá ổn định. Trong đó, cây trà hoa vàng là cây chủ lực, một cây dược liệu quý có tác dụng giải độc, ngăn ngừa tai biến và làm mềm thành mạch, chống xơ cứng động mạch, ngừa ung thư tới 35%, điều chỉnh các chất béo trong cơ thể, lượng đường trong máu. Do có nhiều tác dụng trong y học nên cây trà hoa vàng đang bị khai thác cạn kiệt, việc bảo tồn và phát triển được loài dược liệu quý này đang trở nên vô cùng cấp thiết.
Không chỉ cung cấp dược liệu tốt nhất cho các hãng sản xuất thuốc, chị Tuyền và các cộng sự còn cho ra đời nhiều sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe từ dược liệu. Chị bảo, không phải chờ khi có bệnh rồi mới chữa. Trong y học cổ truyền có rất nhiều bài thuốc chăm sóc, phòng bệnh tốt, do đó, dược liệu nên được sử dụng làm thực phẩm, thức ăn, đồ uống hằng ngày như trà. Ngoài ra, hằng năm chúng ta tốn một khoản tiền lớn để mua các loại hóa mỹ phẩm từ nước ngoài, vậy tại sao chúng ta không sử dụng ngay các loại dược liệu quý để chiết xuất cho ra đời các loại sản phẩm làm đẹp bảo đảm chất lượng và giá cả phù hợp với nhiều người có thu nhập chưa cao. Nghĩ là làm, chị đã cho ra thị trường các sản phẩm như: Tinh dầu, gối chườm, mỹ phẩm... từ dược liệu và được nhiều người tin dùng.
Chị Tuyền đang ấp ủ dự định mới: Trong tương lai gần, nơi đây sẽ mở cửa đón khách tham quan, tìm hiểu về dược liệu. Du khách sẽ được hòa mình trong bầu không khí trong lành, được thưởng thức các loại trà và các món ăn thực dưỡng… Nếu ai có nhu cầu, có thể mua thuốc tại vườn về chữa trị hoặc được dùng các loại nông sản hữu cơ ngay tại nơi sản xuất…
Nhìn rõ giá trị của vùng dược liệu, nhưng những người đam mê cây thuốc trên vùng đất Sóc Sơn cũng còn nhiều trăn trở: Việc tổ chức phục hồi, nuôi trồng, phát triển dược liệu bản địa còn quá hạn chế so với nhu cầu xã hội và tiềm năng của lĩnh vực này. Muốn phát triển được vùng dược liệu hữu cơ, đòi hỏi nguồn vốn lớn đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ. Bởi vậy, để những loài dược liệu quý được bảo tồn, khai thác xứng tầm, rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, ngành cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Bạch Thanh
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phong-su-Ky-su/879913/dat-can-no-hoa
|