Ảnh minh hoạ
|
Năm đó tôi lớp 4, học lớp thầy Anh. Khai giảng xong, quay qua quay lại đã gần tới Tết Trung thu. Giờ học thủ công (tựa như môn công nghệ bây giờ), thầy Anh hướng dẫn chúng tôi về nhà làm lồng đèn, tuần sau mang tới trường chấm điểm. Thầy dặn: "Các em về nhờ cha mẹ vót tre cột khung, sau đó mua giấy màu tự cắt dán..."
Nói tới lồng đèn, lại vào dịp Trung thu, con nít đứa nào chẳng mê. Vậy nhưng lần đầu phải tự tay làm một chiếc lồng đèn (dù đã được “hỗ trợ” cái khung) thì quả có... hơi run. Xưa giờ, vụ này tôi toàn mè nheo bắt mẹ lo, nhưng đây là lệnh của thầy. Với lại tôi cũng đã lớn, ỷ lại mãi không tiện; vậy nên tôi quyết tâm tự làm. Lồng đèn ông sao. Mẹ vót, cột sẵn cái khung, mua giấy bóng kính, hồ dán “trang bị” đầy đủ; còn dán mẫu cho cái tua và một mặt bên. "Đó, con coi, có khó gì đâu…", mẹ nhìn tôi, khuyến khích. Tôi cũng không đến nỗi tối dạ, cứ theo “bài” của mẹ mà thi công. Rốt cuộc, cái lồng đèn đầu tay cũng xong cho dù giấy kính dán không đủ độ căng, tua ngù còn hơi nhăn nhúm. Mẹ bày cho tôi cách phun sương nước lên giấy kính, đem treo phơi nắng. Hay thật, mặt giấy kính sau khi hơi nước bốc khô đã căng lên, đẹp hơn nhiều!
Cái lồng đèn ấy tôi được thầy Anh cho 7 điểm. Hai phần công lao là của mẹ; nhưng dù gì tôi cũng thấy tự hào hơn mấy đứa phải nhờ ba mẹ “lo liệu” vụ lồng đèn từ A tới Z. Thầy Anh tinh lắm, nhìn mấy cái lồng đèn do người lớn “thi công” trọn gói là thầy chỉ mặt nói ngay. Lũ nhỏ hết chối, đành gãi đầu gãi tai: Dạ, khó quá thầy ơi, em làm hư hết, đành nhờ… Những chiếc lồng đèn nhờ người lớn làm quả có đẹp hơn lồng đèn của tôi, nhưng thầy chỉ cho điểm 5. Riêng thằng Bi được điểm 6 do khiếu nại với thầy nó có công… phụ bố phết hồ lên giấy! Vậy còn đỡ. “Đau khổ” nhất là nàng Xuyến, con ông chủ tiệm buôn Hồng Phát. Nhà Xuyến “đại gia”, đâu ai rảnh làm lồng đèn. Vậy nên ông chủ tiệm buôn mới bỏ tiền mua phăng cái lồng đèn con cá to đùng cho cô con gái yêu. Xuyến ôm lồng đèn tới lớp, bè bạn xúm nhau trầm trồ nhưng thầy Anh thì đùng đùng nổi giận: "Thầy bảo em về làm lồng đèn hay bảo đi mua?" Kết cục Xuyến bị ăn một điểm 3, khóc khóc mếu mếu…
Vậy nhưng, đáng nhớ nhất vẫn là chuyện cái lồng đèn của thằng Hòa. Lồng đèn củ ấu, xấu tệ bởi bộ khung vẹo vọ trông như ông say rượu lại còn dán giấy bóng rẻ tiền, mờ tịt. Cái lồng đèn “không giống ai” của Hòa vừa ló vào cửa, cả lớp đã trố mắt nhìn, sau đó nhao nhao trêu chọc. Thầy Anh thì không. Thầy nhìn chăm chăm chiếc lồng đèn, lật ngược lật xuôi, sau đó hỏi Hòa: "Sao em không nhờ người lớn làm khung mà tự làm cho vẹo vọ thế này?". Hòa cúi mặt, đáp khẽ: "Thưa thầy, em không có ai để nhờ. Ba mẹ em mất. Bà em bị mù…" Tự dưng cả lớp lặng ngắt. Mấy đứa to mồm cười cợt cái lồng đèn của Hòa giờ ngượng ngùng cúi mặt. Thầy Anh không ngần ngại giở sổ ghi vào cột điểm của Hòa một điểm 8 to tướng. Giơ cao cái lồng đèn của Hòa lên trước mặt cả lớp, thầy nói rành rọt: "Các em nhìn cho kỹ. Lồng đèn của bạn tuy không đẹp nhưng cái đẹp chính là lòng trung thực và nghị lực vượt khó để làm ra nó. Cái ấy đáng cho các em học tập, không phải để cười…"
Y NGUYÊN (baohaiduong)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/van-hoc-nghe-thuat/thay-toi-va-nhung-chiec-long-den-20171003153448473.htm