Đền thờ Khương Công Phụ xã Định Thành, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá
|
Sử sách vẫn ghi: có một số vị Trạng nguyên nước ta do tài năng lỗi lạc học vấn uyên bác, nên khi sang sứ Trung Quốc, cũng được vua Trung Quốc phong làm Trạng nguyên, nên người đời mệnh danh là "Lưỡng quốc Trạng nguyên'' (Trạng nguyên hai nước), như Mạc Đĩnh Chi thế kỉ XIII, Nguyễn Đăng Đạo thế kỉ XVII, XVIII... Song giữ chức Tể tướng, đứng đầu triều đình Trung Quốc thì có lẽ chỉ mình Khương Công Phụ.
Sự kiện hai anh em họ Khương đất Việt cùng đỗ Tiến sĩ và cùng làm quan bên Trung Quốc, đã được người đời sau phản ánh trong đôi câu đối:
"Nhất triều trung huynh đệ đồng khoa
Thiên tải hạ Bắc Nam khởi kính''
Tạm dịch: "Đỗ cao nhất triều anh em cùng khoa
Nghìn năm sau cả Trung Quốc và Việt Nam đều kính trọng''
Giới nho sĩ qua nhiều thế hệ đã ca ngợi Tể tướng Khương Công Phụ không những về mặt tài năng văn chương, mà còn cả về mặt phẩm chất, tư cách của một ''kẻ sĩ". Ông vốn tính cương trực, thẳng thắn, không sợ kẻ cường quyền. Đến vua Đường làm sai, ông cũng mạnh dạn góp ý can ngăn. Thời gian đầu, nhà vua ngỏ ý trọng nể, đã ban tặng ông một túi gấm thêu và bài chế tạm dịch mấy câu:
"...Điều hòa âm dương cho năm tháng vẹn toàn
Đổi thay hoá dục cho Thánh đề thịnh trị
Như dao sắc được mài giúp vua làm đúng
Như mây mưa khi hạn cứu dân có lòng... "
Nhưng rồi đến lần trên đường chạy loạn, người con gái vua là công chúa Đường An chết. Vua Đường ra lệnh xây tháp, cử hành tang lễ cho con thật trọng thể, tốn kém. Khương Công Phụ đã can ngăn. Ông nói: "Sơn Nam (là miền đất vua đang lánh nạn tạm thời) không phải là chỗ lâu dài. Làm ma cho công chúa nên để về kinh đô. Trên đường hành quân cần tiết kiệm tiền bạc để lo việc trước mắt đã...".
Vua Đường nổi giận, viện cớ, nói với viên quan là Lục Chí rằng: ''Công Phụ chỉ muốn vạch điều lầm lỗi của trẫm để cầu tiếng trung thực....". Lục Chí thấy Công Phụ giữ chức Gián nghị, Tể tướng, làm việc can gián điều sai trái của vua là đúng, bèn tâu trình, song vua Đường nhất quyết không nghe, cho biếm chức ông Khương, rồi sau đấy lại đày ông ra tận miền Tuyên Châu, tỉnh Phúc Kiến bây giờ.
Cử nhân Đốc học Lê Văn Thạc (1782- l 876), đã có đôi câu đối rất hay khi bình luận về sự kiện trên, còn truyền đến nay.
"Phong vũ dĩ tồi công chúa tháp
Hải vân ''trường chiếu Trạng nguyên từ"
Tạm dịch: ''Tháp công chúa gió mưa chốc đổ
Đền Trạng nguyên ''mây biển '' mãi soi''
Từ ''mây biển" tác giả dùng ở đây có ý nhắc đến tác phẩm '''Mây trắng rọi biển xuân'' bất hủ của Khương Công Phụ. Ngày nay ở thôn Cẩn Cầu, xã Định Thành còn đền thờ Khương Công Phụ. Trước cửa đền, có đề ba chữ ''Trạng Nguyên Từ'" (Đền thờ Trạng nguyên) và đôi câu đối trên.
(Sưu tầm)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/van-hoc-nghe-thuat/nguoi-nuoc-nam-lam-te-tuong-phuong-bac-20170215104028819.htm