Natalia đã từng nghe kể về Việt Nam rất nhiều từ khi còn là một cô bé. Ông bà Natalia, bố mẹ Natalia đã nói với Natalia về đất nước Việt Nam anh hùng đã anh dũng đứng lên chống lại những kẻ thù hùng mạnh nhất thế giới; Natalia cũng được nghe về tình cảm anh em gắn bó giữa hai nước Việt – Nga. Nhưng khi đó Natalia không nghĩ rằng có ngày cô lại lấy một chàng trai Việt Nam và trở về làm dâu ở địa đầu Móng Cái – cực Đông của mảnh đất hình chữ S.
Cô tên là Aleck NôVich Natalia (gọi tắt là Na-ta), sinh năm 1966 tại miền Tây Xi-bi-ri xa xôi của nước Nga. Còn chồng cô, chàng trai quê ở thành phố "Địa đầu đất Việt", tên là Nguyễn Tử Bình, sinh năm 1962. Mối tình của họ suốt hơn 25 năm nay, dù là những ngày sống ở quê vợ hay quê chồng, đều luôn nồng thắm…
Còn nhớ, những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, tỉnh Quảng Ninh khi đó kết nghĩa với tỉnh Cu-dơ-bát của Nga (Liên Xô cũ). Năm 1982, Nguyễn Tử Bình, sau tốt nghiệp lớp 10 phổ thông, được cử sang học nghề kỹ thuật khai thác mỏ tại Cu-dơ-bát.
Vợ chồng Na-ta và Nguyễn Tử Bình trong quán cà phê Đôi Bờ
Cùng thời gian này, Na-ta làm kỹ thuật viên tại phòng thí nghiệm của nhà máy. Hai người thường gặp nhau sau lúc tan tầm. Dần dà họ quen rồi yêu nhau lúc nào không hay. Đầu năm 1987, họ tổ chức lễ cưới theo phong tục Nga tại gia đình Na-ta. Bạn bè đến chúc mừng hạnh phúc.
Và cuối năm đó, đúng ngày kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, 7-11, đứa con trai đầu lòng của họ, cậu bé Nguyễn Như An (tên tiếng Nga là Iannhich) đã chào đời, càng làm cho tổ ấm của họ hạnh phúc hơn…
Nhưng nỗi nhớ quê hương vẫn không nguôi trong lòng chàng trai đất Việt. Tháng 10-1997, anh thổ lộ với vợ ý định chuyển cả gia đình về quê hương sinh sống. Lúc đầu, bố mẹ Na-ta không đồng ý, với nhiều lý do, nào địa lý xa xôi, nào khác biệt phong tục tập quán v.v... nhưng rồi vì quý “anh con rể Việt” nên cả gia đình vợ đã vui vẻ chấp thuận.
Bình kể, từ chỗ rất ái ngại, không muốn con gái lấy chồng xa, đến khi được con rể “cảm hóa”, bố mẹ Na-ta không những đồng ý mà còn rất chu đáo.
Mẹ Na-ta còn căn dặn con gái, như người Việt Nam thường nói, “Thuyền theo lái, gái theo chồng”, con về Việt Nam nhớ làm tròn bổn phận làm dâu, làm vợ, luôn nhớ bố mẹ và đừng quên nước Nga…
Cái khó đầu tiên đối với Na-ta khi về làm dâu là chưa biết tiếng Việt, chưa hiểu gì về phong tục tập quán và nếp sinh hoạt bên nhà chồng. Ngay cả cậu con trai Như An -Ianhich học hết lớp 4 ở Nga, giờ nhập trường học lớp 5 cũng vấp phải bao khó khăn do “chưa sõi tiếng Việt”…
Và Bình trở thành thầy giáo tiếng Việt bất đắc dĩ cho vợ và con. Nhưng rồi mọi khó khăn cũng vượt qua, Na-ta tỏ ra là một cô gái đảm đang, tháo vát; cô đã tự đi chợ, biết giao dịch mua bán và trò chuyện với mẹ chồng và mọi người ở khu phố hàng ngày.
Không chỉ thế, Na – ta còn biết mặc cả như những cô dâu Việt bình thường. Na – ta thân mật với bà con lối xóm, cư xử khéo léo, dịu dàng nên ai cũng quý. Vì thế mà mẹ chồng của Na – ta vô cùng yêu quý cô con dâu Tây nhưng biết cách sống rất Việt.
Bé Như An cũng vậy, ngay năm học đầu tiên ở quê hương, cậu đã đạt kết quả cao nhất lớp, các năm tiếp theo đều đứng đầu. Năm 2000, An thi học sinh giỏi môn Toán đạt giải nhất TX Móng Cái. Theo nguyện vọng của ông bà ngoại, từ năm lớp 9, Như An trở lại nước Nga học.
Giờ cậu đã tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Xanh Pê-téc-bua với tấm bằng đỏ và đang tập việc tại thành phố này. Vợ chồng Bình cho hay, nguyện vọng của họ là muốn con trai trở về Việt Nam làm việc tại một cơ quan hay một liên doanh Việt - Nga để bố con, mẹ con luôn gần gũi…
Trở lại câu chuyện về những ngày đầu làm dâu của Na-ta. Được mẹ chồng ân cần chỉ bảo, dạy cách nấu cơm, chế biến thức ăn kiểu Việt Nam, lại vốn khéo tay, tiếp thu nhanh nên chẳng mấy bao lâu, cô đã rất thành thạo.
Bà Tuyết (mẹ chồng cô) rất hài lòng, càng yêu quý con dâu hơn. Trong thời gian hơn một năm đầu, Na-ta quẩn quanh với công việc nội trợ, còn Bình lo việc kinh doanh kiếm tiền để đảm bảo cuộc sống gia đình. Trở về từ nước Nga, cuộc sống của vợ chồng anh Bình và Na – ta gặp không ít khó khăn.
Ở Móng Cái không có nghề khai thác mỏ, mà chuyên môn của anh Bình là nghề này. Muốn làm đúng nghề, anh Bình sẽ phải xa Na – ta, xa gia đình. Không chịu đầu hàng khó khăn, anh Bình lo đủ nghề để nuôi sống gia đình.
Anh mở xưởng cơ khí làm nhôm kính. May cho anh Bình là TP Móng Cái lúc ấy đang như một "công trường xây dựng" nên nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này rất lớn. Nhờ đó kinh doanh của Bình khá phát đạt, đời sống gia đình ổn định. "-Nhưng nếu cứ để Na-ta ở nhà nội trợ mãi, cô ấy sẽ buồn" - Bình nói.
Thế rồi anh bàn với vợ thuê nhà mở quán bán cafe để cô có việc làm. Na-ta nhất trí ngay. Năm 2004, bên đường Nguyễn Du (Phường Hoà Lạc), quán Cafe Đôi Bờ được khai trương.
Tôi hỏi vì sao lại đặt tên quán như vậy, Na ta cười rất tươi, bảo rằng vì đó là tên một bài hát nổi tiếng của Nga mà cô rất thích…"-Hơn nữa đặt tên "Đôi Bờ" là để gợi nhớ những kỷ niệm thời gian gắn bó của chúng em tại quê hương Cách mạng Tháng Mười…" Điều đặc biệt là ở “Đôi bờ”, ông bà chủ chỉ bật nhạc Nga.
Tin lành đồn xa, quán Cafe Đôi Bờ có cô chủ quán người Nga xinh đẹp, dịu dàng cứ thế lan truyền, khách đến rất đông, nhất là vào những ngày nghỉ cuối tuần và ngày lễ. Họ đến không chỉ để thưởng thức tách cafe thơm ngon do chính tay cô chủ quán pha chế mà còn để được nghe giai điệu du dương của bản nhạc Nga lúc bổng lúc trầm…
Còn Na-ta, cô cứ như con thoi, nhưng lúc nào trên môi cũng nở nụ cười đôn hậu, với đôi mắt màu sáng xanh trìu mến, niềm nở mời chào khách...
Bây giờ Na-ta đã khá thành thạo tiếng Việt, thậm chí cô còn hiểu được cả những "từ lóng". Na-ta thích trò chuyện với khách, nhất là khi gặp những ai biết đôi chút tiếng Nga thì cô mừng ra mặt. Nỗi niềm người xa xứ mà!
Chưa hết đâu, Na-ta còn biết cả phong tục tập quán của người Việt, hễ cứ đến mồng một, ngày rằm là cô đi chợ mua hoa, quả về cho chồng thắp hương thờ phụng gia tiên. ở khu phố, Na-ta tham gia sinh hoạt tổ phụ nữ.
Cô rất biết cảm thông với những người gặp số phận không may bị tàn tật, trẻ em mồ côi v.v... Cô đã nhiều lần ủng hộ tiền cho Quỹ bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TP Móng Cái.
Bằng lao động cần cù, chắt chiu, cuộc sống của gia đình họ ngày một khấm khá. Đầu năm 2011, sau 7 năm thuê nhà mở quán, giờ hai vợ chồng đã xây được nhà mới, một ngôi nhà ba tầng, với 180m2 đẹp và rất khang trang.
Ngôi nhà vừa là nơi ở, vừa là quán Cafe Đôi Bờ và "Cô chủ quán" vẫn luôn tự tay pha chế cho khách. Na-ta thực sự đã hòa nhập vào cộng đồng người Việt. Ai cũng tấm tắc khen mỗi khi bắt gặp đôi uyên ương sánh bước bên nhau…
Một lần gặp, tôi hỏi Na-ta có nhớ nước Nga không, cô lại chớp chớp mắt…"-Nhớ lắm! Nhớ Iannhich, nhớ bố mẹ và những người thân, bạn bè. Nhớ nước Nga... nhiều đêm mất ngủ...
Và cô cố giấu, không muốn để chồng lo lắng. Nhưng chồng cô vẫn biết. Anh vốn yêu thương, chiều chuộng Na-ta mà. Và để vợ vơi đi nỗi nhớ quê hương, anh thường xuyên nối mạng Internet để Na-ta trao đổi, trò chuyện với bố mẹ, con trai và bạn bè ở quê nhà.
Khi có điều kiện, anh Bình mua vé cho Na – ta sang Nga thăm gia đình. Tuy cuộc sống vợ chồng anh Bình chưa thực sự dư dả để Na – ta có thể về thăm quê nhà thường xuyên.
Nhưng anh Bình là một người chồng khéo léo, luôn biết cách làm Na – ta quên đi một phần nỗi nhớ nhà sau nhiều năm sống xa quê hương.
Khi chỉ có hai vợ chồng, anh Bình thường trò chuyện với Na – ta bằng tiếng Nga, phần vì anh Bình muốn giữ vốn tiếng Nga của mình, nhưng mục đích chính là vì anh Bình muốn dù ở Việt Nam, Na –ta vẫn được nói tiếng mẹ đẻ của mình, để cảm thấy một phần nước Nga ngay tại đất Móng Cái.
Hữu Thiềm
(theo mekongnet.ru)
|