Ảnh minh họa
|
Cứ nhìn mẹ tôi cẩn thận rửa từng củ khoai lang, từng bắp ngô cũng đủ thấy bà coi trọng lễ cúng ngày xá tội vong nhân biết nhường nào. "Cúng quanh năm không bằng cúng rằm tháng bảy", cổ nhân từng dạy thế. Và mẹ tôi cũng nghĩ thế. Thủa lên chín, lên mười, tôi nào hiểu hết ý nghĩa cao đẹp và nhân văn của ngày đó. Chỉ vui thích được đi đến từng nhà trong làng tranh nhau "cướp cháo thí". Tức là chúng tôi được phép ăn mọi thứ sau khi cúng lễ. Không ai mời, không ai gọi. Nhưng được thoải mái tự do. Hình như người lớn cũng thích điều ấy. Có thể thời bao cấp đói kém nên ăn thứ gì cũng ngon, lại ăn nhiều. Ăn đến no bụng. Còn thừa để dành đến hôm sau ra đồng tổ chức liên hoan. Bữa cơm tối hôm rằm coi như bỏ. Mà nào có phải mâm cao cỗ đầy gì cho cam. Mỗi nhà chỉ dăm bẩy bắp ngô, vài củ khoai lang đã luộc sẵn, cái bánh đa nướng, bẻ vụn miếng to miếng nhỏ, một ít bỏng ngô, một nồi nhỏ cháo gạo múc ra bát. Bát là những cái lá đa được lau chùi sạch sẽ. Mấy bộ áo quần bằng giấy xanh đỏ, giấy tiền vàng mã... Họa hoằn nhà nào khá giả mới thêm miếng thịt mồi bằng nửa bàn tay con trẻ. Thế cũng đủ để lũ trẻ chúng tôi vui thích đến mấy ngày hôm sau.
Quê tôi làm lễ xá tội vong nhân từ ngày 11 đến hết ngày 14-7 âm lịch. Những ngày ấy không khí làng quê thật nhộn nhịp. Chiêng trống, chũm chọe vang lừng. Các nhà sư mặc áo choàng màu vàng, đầu đội mũ "tì kheo", tay cầm "thích trượng" chạy đàn dáng điệu như đang "phá ngục" giải thoát cho những cô hồn u mê tội lỗi. Văn cúng bây giờ thường dùng "Chiêu hồn thập loại chúng sinh" của cụ Nguyễn Du: "Kiếp phù sinh như hình như ảnh/ Có chữ rằng vãn cảnh giới không/ Ai ai lấy Phật nằm lòng/ Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi...". Sau này khi học đến bài văn này tôi mới hiểu hết giá trị nhân văn của dân tộc Việt với văn hóa Phật giáo. Còn ngày ấy tôi chỉ hiểu đơn giản qua lời mẹ tôi căn dặn: "Gieo yêu thương thì luôn được gặt hái yêu thương". Trong thâm tâm mẹ tôi tin rằng chết chưa phải là hết, còn có một đời sống nữa ngoài cuộc sống này. Mẹ tôi bảo: "Nhiều người chết rồi vẫn còn khổ. Đó là những linh hồn chết không nhắm mắt vì ân hận đã trót gây ra nhiều tội ác cho đồng loại mà chưa bị phát giác. Đó là linh hồn những đứa trẻ do cha mẹ lầm lỡ, bị chối bỏ khi hình hài chưa rõ. Đó là linh hồn những kẻ khi sống "vay mười trả chín, đong đầy khảo vơi" không thể siêu thoát...". Bao giờ cũng thế, mỗi lần kể xong mẹ tôi lại thở dài xót xa đau đớn.
Mẹ tôi đi lễ là hy vọng tìm lại một chút thanh thản trong lòng. Có lẽ vì thế bà rất năng đi lễ. Lên chùa lễ Phật, ra đền lễ Thánh thì đi một nhẽ. Đằng này mẹ tôi lễ cả gốc đa, cây gạo, gốc đề... Bà khẩn cầu quốc thái dân an, khẩn cầu người với người yêu thương nhau, cầu mong cái ác, cái lọc lừa xảo trá mất đi hoặc giảm bớt đi. Tôi cứ nghĩ nếu được như điều mẹ tôi khẩn cầu thì cũng chẳng ngại gì mà không cúng lễ.
Nguyễn Sỹ Đoàn (Báo Hải Dương)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/van-hoc-nghe-thuat/ngay-xa-toi-vong-nhan-20160815091349317.htm