Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại Quảng Nam
|
Tháng 7 - những cung bậc lắng vào hộp đàn đất nước. Một đất nước mà dọc chiều dài có bao nhiêu nghĩa trang liệt sĩ. Từ Nghĩa trang Trường Sơn mà nhà thơ Nguyễn Hữu Quý trong bài thơ “Khát vọng Trường Sơn” đã nghẹn lòng: “Nằm kề bên nhau/Những ngôi mộ giống nhau/Mười nghìn bát hương/Mười nghìn ngôi sao cháy/Mười nghìn tiếng chuông ngân trong im lặng/Mười nghìn trái tim neo ở đầu nguồn”. Đến nghĩa trang ở Trường Sa, Hoàng Sa với những ngôi mộ gió mà nhà thơ Trịnh Công Lộc đã thổn thức: “Mộ gió đây/Mỗi phút giây biển lặng/Gió là tay ôm ấp bến bờ xa/Chạm vào gió như chạm vào da thịt/Chạm vào/Nhói buốt/Hoàng Sa”.
Trời tháng 7 có gì như đổi khác. Bao sắc mây ngổn ngang, bao cơn giông cuối chân trời âm ỉ. Không gian như nén lại vỡ òa những cơn mưa rào đến nhanh rồi chợt tạnh sững sờ. Cơn mưa mà ta thường gọi là mưa đền cây. Tháng 7 có bao sắc cầu vồng bắc từ đất liền ra biển như một hồi quang. Chỉ một nhịp cầu vồng nữa thôi đã bắc sang mùa vu lan báo hiếu.
Ở Nghĩa trang Trường Sơn có tán cây bồ đề xòe rộng. Lá bồ đề hình trái tim, rơi theo hình lượn sóng. Và tôi nghe như có tiếng đập thảng thốt của cánh chim chiều bay vào ráng đỏ hoàng hôn. Một hoàng hôn rực lên để rồi nhuộm vàng tím núi. Tôi lại nghe tiếng chuông linh thiêng ở Ngã ba Đồng Lộc. Tiếng chuông vọng lại những vòng sóng như lời mười cô gái tìm lại hồi âm một thời tuổi trẻ. Hoa sim trên đồi các cô nằm tháng 7 này hình như tím hơn - một sắc tím ngăn ngắt! Hãy bước nhẹ chân lên sỏi - sỏi hay là những cúc áo vừa rơi. Hương bồ kết sớm nào vẫn còn day dứt bay trong gió. Tôi nhận ra một đồng đội cũ của các cô đang lau lại từng chiếc gương, xếp lại từng chiếc nón, vuốt lại từng răng lược. Chiếc gương tròn soi cả một vòm trời trong vắt, một gương mặt, một thanh xuân. Lược chải vào mây, vào gió, lược chải xuống rụng rơi. Mái tóc mềm ngày nào không xanh thêm, dài thêm được nữa.
Tháng 7 cung trầm với Truông Bồn, với Lèn Hà, với hang Tám Cô. Tôi như vẫn còn nghe tiếng ma-níp của những ngón tay mềm mại gõ vào thinh không, gõ vào âm âm lòng đất. Tiếng ma-níp khi thưa khi nhặt, khi tỏ khi mờ và chim khách vườn mẹ trưa nay sao mà thảng thốt. Trái chín trên bàn thờ, hoa tươi bên di ảnh. Hương cong về phía mẹ - lưng mẹ lại thêm còng.
Tôi trở về Quảng Nam gặp lại tượng đài mẹ Thứ. Mái tóc bạc vẫn bay trong gió. Nhớ lại dáng mẹ ngày nào chậm rãi cắm hương lên một dãy bát nhang của chồng của con, đũa găm cơm úp, đứa cao, đứa thấp. Mẹ bỏm bẻm nhai trầu. Nước trầu cốt vị đậm đà quê hương dãn ra những nếp nhăn hồng thêm khuôn mặt. Và bất chợt tôi nhận ra một "Đất quê ta mênh mông” trong thơ Dương Hương Ly: “Nơi hầm tối lại là nơi sáng nhất/Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam” bởi: “Bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh”. Và một "Dáng đứng Việt Nam” trong thơ Lê Anh Xuân: “Anh đã chết rồi nhưng lòng dũng cảm/Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công”. Một "Núi đôi: “Núi vẫn đôi mà anh mất em” (Vũ Cao). Một “Quê hương”: “Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/Có một phần xương thịt của em tôi” (Giang Nam)... Tất cả đã ngân lên một cung trầm tháng 7.
Nguyễn Ngọc Phú (Báo Hải Dương)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/van-hoc-nghe-thuat/nhung-cung-tram-thang-7-20160801101015920.htm