Ảnh minh họa
|
Tháng 6, nắng vàng miên man. Đi trên đường phố Hà Nội đâu đâu cũng gặp vải thiều. Vải thiều đầy ăm ắp trên xe thồ, vải rong ruổi theo quang gánh kĩu kịt của các cô, các chị bán hàng rong, vải thiều chất ngồn ngộn trên những chiếc xe tải…
Tôi nhớ, vào những ngày đầu xuân, mưa phùn lất phất giăng kín trời, hoa vải còn nở trắng trời trắng đất. Màu trắng hơi đục, từng cụm hoa li ti xòe trên đầu cành, đẹp nên thơ. Hương hoa vải hơi nồng, man mác, rủ đàn ong bướm thi nhau rập rìu quanh hoa tìm mật. Thế mà giờ vải đã chín rộ, khoe sắc đỏ mọng ngọt lành. Màu đỏ tươi của từng chùm vải trĩu nặng nổi bật lên vòm lá xanh ngăn ngắt khoảng trời xanh…
Nắng tháng 6, trải vàng rực lên khu vườn đang dậy mùi vải chín. Mùi vải nương theo nắng, theo gió toả hương khắp không gian. Phía dưới tán vải, mọi nhà hay dựng cái lều nhỏ xinh xinh nằm trông quả. Họ mắc dây dù, đầu trên treo đủ các loại ống bơ từ trên cành cây thả xuống. Ban đêm khi nghe tiếng đám rơi ăn vụng vải, giật mạnh tay, ống bơ va vào nhau, tiếng kêu vang lanh lảnh, đuổi đàn rơi tan tác bay đi…
Về quê với vườn vải xanh mướt, nặng trĩu quả, ngút mắt của xứ vải Thanh Hà làm dịu đi cái nắng cháy oi ả giữa trưa hè. Từng bãi vải đứng san sát vào nhau như rừng. Qua cổng làng là bóng vải có mặt khắp mọi nơi, trong những thưở vườn rộng hàng mẫu, vải vươn cành lòa xòa qua bờ tường gạch rêu phong cũ kỹ, trùm lên mái ngói thâm nâu…
Nhưng đâu phải cứ trồng cây là đợi đến ngày hái quả. Để có được chùm vải thiều tròn đều, căng mọng, ngọt thơm phải tốn nhiều công sức, lơ là một chút là sâu bọ làm hỏng trái ngay. Thêm vào đó sự bấp bênh của thời tiết, của giá cả thị trường làm người trồng vải thêm phần lo toan, nhọc nhằn.
Đến mùa thu hoạch vải chín rất vất vả mệt nhọc. Vải đã chín là chín rộ lên như mưa rào mùa hạ, nên phải thu hoạch thật nhanh, chỉ cần qua một đêm mưa, vải gặp nước nứt vỏ, bán không còn được giá.
Cây vải là miếng cơm manh áo, là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Từ mỗi gốc vải cùng với sự chăm chỉ, mồ hôi, công sức đổ xuống, đời sống dân quê tôi đã bớt đi nhiều khốn khó…
Ngày nhỏ, tôi vẫn thường được nghe các cụ trong làng kể về truyền thuyết cây vải tổ. Vải Thanh Hà nức tiếng thơm khắp rộng dài đất nước. Ngày xưa, loại quả ngon quý hiếm này dùng để cung tiến vua cùng các công hầu khanh tướng mỗi năm chỉ có một lần.
Sau làn vỏ hơi sần màu đỏ sậm, là lớp cùi vải dày trắng trong ứa nước. Hạt vải đen bé bằng đầu đũa hoặc có khi còn nhỏ hơn. Cắn ngập chân răng, cảm giác như hương vị vải tự tan ra, không hề có vị se, vị chua, vị chát, cứ ngọt dần, ngọt dần… Vị ngọt mát thẳm sâu, thanh thanh, thơm đọng mãi nơi đầu lưỡi.
Và tôi hiểu sau vị ngọt đằm ấy là vị mặn mồ hôi nhọc nhằn của người dân trồng vải…
Vải thiều giờ ngoài dùng để ăn tươi, còn được chế biến làm nhiều loại khác nhau như Rượu Brandy từ vải thiều, long vải thiều, vải thiều khô, nước vải thiều… Dùng vải ngâm rượu uống cũng là sở thích của không ít người.
Và đi qua tuổi ấu thơ, mẹ cha đã chắt chiu chăm bón từng gốc vải ngọt lành, nuôi tôi lớn khôn thành người. Thường hết mùa vải, những cánh chim tu hú lại bay đi, sống cuộc sống di cư tự do, nhưng tình yêu của tôi dành cho mảnh đất quê hương thì mãi còn ở lại…
Năm tháng qua đi, đã nhiều năm tôi không còn sống ở làng nhưng bao ký ức về mùa vải chín ngọt lành sẽ vẫn còn thơm, ấp ủ nguyên vẹn mãi trong trái tim tôi...
Hạnh Vy (vanhoadoisong.vn)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/van-hoc-nghe-thuat/nho-thuong-mua-vai-20160704151748101.htm