“Anh đi anh nhớ quê nhà/Nhớ canh rau muống nhà cà dầm tương”. Phải chăng nhớ quê nhà luôn khởi đi từ chính nỗi nhớ về bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương?...
Cơm nhà, đâu chỉ ăn để no. Đâu chỉ những lúc cô đơn hay khi rong ruổi với những cuộc hành trình mệt nhoài cần được vỗ về an ủi người ta mới thèm bữa cơm nhà. Người ta có thể háo hức với cơm nhà mỗi ngày bởi chỉ có cơm nhà mới đem lại cảm giác yêu thương, vui vẻ, ấm áp tình thân. Cơm nhà, nếu không hấp dẫn, nếu không đủ đầy bao gia vị yêu thương, có lẽ ai đó đã không từ chối một cuộc nhậu, một bữa tiệc hứa hẹn thịnh soạn của bạn bè, của đối tác để về được hàn huyên với dưa cà mắm muối. Cơm nhà níu kéo bước chân những người ham vui trở về với gia đình bằng chính sự đơn sơ, mộc mạc mà ấm áp, đậm đà...
Nhớ có đận tôi ở Sài Gòn dài ngày, ròng rã cơm hàng cháo chợ. Một cuối tuần được người quen cùng quê định cư ở Sài Gòn lâu năm mời về ăn cơm. Ngồi ăn cơm mà lòng bâng khuâng nhớ, rưng rưng thương khoảnh khắc gia đình sum họp. Bữa cơm hôm ấy chỉ có cà pháo chấm mắm ruốc, canh rau mồng tơi nấu tôm. Đơn giản vậy thôi mà tôi thấy ngon hơn bất cứ hàng quán sang trọng hay bữa tiệc thịnh soạn nào.
Ảnh minh họa
|
Ai đó nói rằng không nên trò chuyện trong bữa ăn, vì như vậy sẽ... mất vệ sinh. Nhưng với nhiều gia đình Việt, mọi tâm tư, tình cảm, những chuyện vui buồn thường ngày, những khúc mắc trong công việc và cuộc sống hầu như đều được bày ra để cùng chia sẻ trong bữa cơm gia đình. Khi ta chưa đủ lớn, đủ khôn, ta ăn cơm nhà trong tiếng càm ràm của cha, giọng nhắc nhở ân cần của mẹ. Càm ràm, nhắc nhở để ta thấy rằng ta được yêu thương, được quan tâm. Để rồi những khi gặp trắc trở trên đường đời, một mình đối diện với những bữa cơm bụi hàng quán ven đường, ta lại thèm được nghe và thương lắm tiếng càm ràm, nhắc nhở gói ghém yêu thương...
Tôi vốn không khéo nội trợ, nhưng “thiên đường du lịch” của tôi là... xó bếp. Hạnh phúc của tôi cũng ở cái góc nhỏ khiêm tốn ấy với những lọ, những hũ gia vị, với mùi nước mắm khăm khẳm hay giỏ đựng hành, tỏi hăng nồng. Dù là phụ nữ hiện đại, nhưng tôi có niềm tin có phần... “cổ điển”, rằng bất cứ ai yêu thương chăm chút gia đình, họ đều tôn thờ cái góc bé xíu ấy, biết làm dậy lên tình yêu thương từ và nhờ cái góc bé xíu ấy. Bếp là nhiệt kế đo sức khỏe hạnh phúc gia đình. Một gia đình hạnh phúc, căn bếp sẽ luôn ấm, đều đặn đỏ lửa.
Với người trẻ, một bữa cơm ngon là bữa cơm có những món “ghiền”. Lớn dần, tôi nhận ra rằng, người có tuổi ăn bằng tâm trạng. Tâm trạng vui vẻ, thức ăn đơn sơ cũng trở thành đại tiệc và ngược lại. Không quan trọng ăn món gì, mà quan trọng là ăn với ai, ăn ở đâu, bữa cơm do ai nấu...
Mẹ tôi, người suốt đời trung thành với những bữa cơm gia đình đã giúp tôi nhận ra rằng, bữa cơm chỉ ngon khi được nấu bằng tấm lòng của người đầu bếp, được nêm nếm bằng “gia vị” yêu thương, được trang trí bằng nụ cười cùng những cuộc trò chuyện vui vẻ giữa các “thực khách” thân quen. Năm nay mẹ tôi đã ngoài tám mươi. Mẹ vẫn miệt mài gắn bó với bếp. Vẫn chỉ ăn cơm bằng tâm trạng. Vẫn mong ngóng chúng tôi trở về với tổ ấm mỗi cuối tuần... Mẹ đang đợi bên mâm cơm. Dạ thôi, thì về ăn cơm nhà của mẹ, với mẹ!
Châu Nữ (Báo Quảng Nam)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/van-hoc-nghe-thuat/com-nha-20160627105926162.htm