Ảnh minh họa
|
Mẹ tôi không phải là người nghiện ăn trầu nhưng mẹ thích tự trồng cây trái, hoa lá trong vườn nhà. Tôi sinh ra đã sớm thấy giàn trầu xanh ngút ngát, quấn quyện vươn lên bên chái tường nhà. Những lá trầu hình trái tim màu xanh mướt mát, như những đứa trẻ ngoan được chăm chút kỹ càng, uống no những gáo nước mát lành mà tự động xòe nhánh rễ nhỏ, bám vào mảnh tường nhà để tốt tươi, sum suê.
Chỉ thỉnh thoảng ngày mồng một, ngày rằm, sau khi thắp hương, mẹ têm lá trầu cùng với miếng cau nhỏ rồi ăn cho thơm vị. Chỉ một lát, tôi đã thấy môi mẹ đỏ, hương thơm ngai ngái của trầu, cau, vôi thoang thoảng phả ra, mùi nồng nồng xưa cũ. Lúc đó, tôi thấy mẹ thật đẹp, vẻ đẹp của một người đàn bà xa xưa, cổ điển muốn lưu giữ những gì thuộc về truyền thống.
Bà ngoại tôi thì lại cực kỳ nghiện trầu, được ăn trầu với bà là cả một niềm vui giản dị đủ sức râm ran cả ngày. Bà có một chiếc cối giã trầu nhỏ xinh được cậu làm bằng vỏ đạn gửi về từ thời chiến tranh, đến nay bà vẫn giữ bên mình. Bà thường ngồi lại, giở chiếc cối ra, bỏ một miếng trầu, cau, chút thuốc lào vào để giã rồi nhai bỏm bẻm. Những lần như vậy, tôi nhanh chóng “giành” phần giã trầu cho ngoại. Mùi trầu cay của ngoại phảng phất lan tỏa ngùi ngùi. Giàn trầu của mẹ cũng chính là góc nhỏ mẹ dành cho ngoại thỏa sở thích ăn trầu.
Giàn trầu được mẹ tưới những gáo nước trong lành từ giếng nhà. Muôn cánh lá tươi non xòe vẫy rung rinh trong gió. Mẹ nâng niu từng chiếc lá, dây trầu như tình thương yêu dành cho trẻ nhỏ. Mỗi lần hái, mẹ chỉ dẫn, nhắc nhở tôi hái những chiếc lá cứng cáp, già dặn có sắc xanh sẫm. Những chiếc lá non được vun vén, chờ cho lớn hơn.
Mỗi lần ngắm giàn trầu, tôi thấy niềm vui long lanh trong mắt mẹ. Tôi thích cảm giác được cùng mẹ đứng bên cạnh say mê ngắm những dây trầu ngoằn ngoèo, bé nhỏ song tràn đầy sức sống vấu vít vào bờ tường mà leo lên. Tôi thích cảm giác mỗi lần được cùng mẹ hái trầu chuẩn bị cho phiên chợ cuối tuần. Bàn tay khe khẽ chạm nhẹ vào cuống lá đầy yêu thương, bởi sợ nếu quá mạnh tay, lá sẽ đau, cây sẽ nhói. Mẹ xếp từng thếp trầu từ 10 đến 12 chiếc lá, gọi là liền trầu để đem đi bán. Sau khi xếp xong, mẹ nhẹ nhàng vẩy chút nước lên để giữ cho lá trầu được tươi. Ngày đó, giá trầu rất rẻ, một thếp trầu chỉ có 1-2 nghìn đồng. Thế nhưng, với mẹ là có thể thêm chút ít cải thiện bữa ăn cho các con.
Giàn trầu tốt tươi, mẹ không chỉ để dành cho ngoại và mang đi chợ mà mẹ còn luôn sẵn sàng mời các cô, bác hàng xóm. Mỗi lần có người đến xin trầu buổi tối, mẹ dặn tôi phải tự mình hái, không để người lạ hái khiến trầu thột và nhớ đọc bài vè cho trầu nghe. Đến bây giờ, tôi vẫn thuộc nằm lòng bài vè ngày xưa, bên tai tôi vẫn như văng vẳng giọng trầm ấm của mẹ: "Trầu trẩu trầu trầu trầu. Mày làm chúa tao. Tao làm chúa mày. Tao không hái ngày. Thì tao hái đêm". Tôi không biết có phải thấu được lời dỗ dành ấy không mà giàn trầu nhà tôi vẫn cần mẫn lên xanh.
Mẹ tôi một ngày đã về với mây trời. Những lần được về nhà, tôi lại rưng rưng nhớ mẹ, thấy thiếu vắng biết bao hình bóng mẹ khi nhìn giàn trầu thiếu tay người săn sóc. Giàn trầu vẫn còn đây, nhưng dường như nhuộm màu thương nhớ, bàng bạc nỗi buồn. Tôi tự tay mình tưới những gàu nước mát cho dây trầu để tìm lại bóng hình và cảm giác bên mẹ thuở nào.
Huệ Hương (vanhoadoisong.vn)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/van-hoc-nghe-thuat/gian-trau-cua-me-20160325101709120.htm