Đền Trấn Võ ở đầu Hồ Tây có một pho tượng đồng rất lớn. Trước đây, người dân thường tuyên truyền chuyện thần đổ mồ hôi. Từ khi những người sùng mộ có sáng kiến may áo phủ ngoài bức tượng thì truyện “đổ mồ hôi” này không xảy ra nữa.
Nhưng tượng thần đổ mồ hôi tất nhiên đưa đến nhiều cách giải thích, nhất là những kẻ làm nghề mê tín. Họ kháo nhau rằng nếu có ai kiếm lụa vải đến thấm được chút mồ hôi kia thì sẽ được phúc, tránh được bệnh tật ốm đau. Vì vậy, nhiều người đua nhau đến xin thấm mồ hôi thần lấy phước.
Có một viên quan tri huyện vì ăn hối lộ của dân, bị cách chức, chạy về làm thủ từ ở đền Trấn Võ. Y nghĩ ngay ra việc lợi dụng lòng mê tín của kẻ ngây thơ đầu cơ. Hàng tháng, y chuyên bán mảnh lụa thấm mồ hôi cho những người đến cầu cúng một giá rất hời, chẳng mấy chốc mà kiếm được số tiền khá lớn. Có người biết chuyện đã làm bài thơ, nhanh chóng truyền tụng quanh vùng, vạch rõ chân tướng của y. Bài thơ rất ngắn nhưng có sức đả kích mãnh liệt:
Xưa vắt mồ hôi dân
Nay vắt mồ hôi thần
Thần dân đều vắt hết
Rồi cũng chết nhăn răng.
(Theo Vũ Ngọc Khánh - Kho tàng Giai thoại VN)