Ảnh minh họa
|
Khi ấy ông nội tôi còn sống, và ông vẫn hay kể cho anh chị em chúng tôi về sự tích của cây khế đó khi ông đã mang cây giống con từ vùng cao phía Bắc về trồng. Ông bảo: “Từ ngày khế ra quả cả xóm ăn thỏa thích, vui sướng nhất là lũ trẻ trong làng vì chẳng có ngày nào là chúng không tới xin ông vài, ba quả mang về chấm muối ăn”. Qua năm tháng, cây khế lớn lên và ông cũng già đi. Khi tôi ra đời thì cây khế chua ấy đã cao lớn tỏa bóng mát sum xuê che kín gần hết khoảng sân giếng vườn sau nhà. Những mùa hoa, mùa quả cứ tiếp nối nhau liên tiếp, và chính những quả khế chua ấy đã mang lại lợi nhuận cho gia đình bằng những buổi mẹ bứt mang ra chợ bán để mua rau, mua đậu phụ cũng như mấy loại thức ăn khác về cải thiện cho bữa cơm gia đình thêm tươm tất. Mỗi lần tôi chuẩn bị trèo cây hái khế, bao giờ mẹ cũng dặn đi dặn lại là phải cẩn thận kẻo gãy cành bị ngã là nguy hiểm, vì người đời luôn có câu dăn dạy “ngã cành na, la cành khế”, ý nói hai loại cành cây này giòn, dễ gãy nên phải hết sức cẩn thận khi leo cây hái quả. Nhìn những quả khế to, chín vàng, sai lúc lỉu rất “ngon” mắt là vậy nhưng bọn trẻ chúng tôi mỗi đứa chỉ xơi được một quả là cùng, vì nó rất chua. Nếu có muối ớt chấm thì còn có thể ăn thêm được hơn một quả, chứ không thì đứa nào đứa ấy cũng ghê răng, khé cổ vì chua. Tôi còn nhớ, hầu như giáp tết năm nào tôi cũng vẫn đòi mẹ làm món khế xào mật. Món này dễ làm, ăn lại khá ngon nên trong các thức đãi khách tới chúc tết bao giờ nhà tôi cũng có đĩa mứt khế xào mật. Khi chế biến, mẹ thường nêm thêm chút gừng tươi giã nhuyễn, nên vị mứt khế xào rất thơm, ngon và nó cũng có tác dụng chữa ho rất tốt.
Năm tôi đã đủ lớn và bước vào học cấp hai, thường là sau giờ tới trường bọn trẻ trong xóm chúng tôi lại rủ nhau ra đồng, nơi có nhưng vũng, đầm, mương máng để mò cua bắt cá. Mỗi lần như thế mang về mấy con cá, mớ tép con con là mẹ lại làm món kho khế cho cả nhà. Khi kho khế với tép, với cá, bao giờ những lát khế chua cũng được lát xuống đáy xoong để cá, tép không bị cháy. Gia vị nêm vào nồi kho bao giờ cũng phải đủ như: tương, muối, mì chính, mấy ngọn rau cúc tần. Nếu om với dưa cải muối chua cũng rất ngon, và cách chế biến kiểu này không bao giờ được thiếu vài ngọn thì là, dăm ba quả cà chua, và đặc biệt là mấy quả khế chua… Ôi, chỉ nhớ đến những bữa ăn cá, tép kho khế chua mà nước miếng tôi đã ứa ra vì thèm. Bây giờ ở thành phố, thi thoảng tôi cũng vẫn làm món này với đầy đủ gia vị nêm nếm vậy mà làm sao nó không thể ngon bằng cái ngày ấu thơ mẹ vẫn nấu cho tôi ăn (?!)
Cũng vì nhà có cây khế chua to, sai quả nên cả xóm tôi cũng được nhờ lây, vì chẳng bao giờ bố mẹ tôi lại nỡ lấy tiền khi những nhà hàng xóm sang xin mấy quả khế mang về ăn, hay kho cá.
Năm tôi ra thành phố học, cây khế vẫn còn đó, chỉ thi thoảng tôi mới có dịp trở về quê nhà nơi có mẹ cha, người thân, xóm giềng và cây khế chua đã gắn bó với tôi biết bao nhiêu là kỷ niệm. Thế nhưng, dường như nó cũng giống con người cũng có chu kỳ “sinh - lão - bệnh -tử”, để rồi mùa mưa bão cách đây vài năm mẹ gọi điện thông báo cây khế đã bị bão quật ngã vì thân cây già nua bị rỗng ở trong, làm tôi thấy tiếc nuối bởi dẫu sao nó cũng đã là “người thân” của gia đình từ thời ông nội tôi, rồi đến bố mẹ, và cả anh chị em chúng tôi. Như nhớ nhung và hoài niệm với cây khế chua, mẹ tôi đã trồng thế vào đúng chỗ cũ một cây khế nhỏ. Tuy mỗi lần về nhà, mặc dù thấy cây khế nhỏ ấy cứ dần lớn lên qua năm tháng nhưng tôi vẫn cảm thấy thiêu thiếu và nhớ nhung cây khế chua cổ thụ đã đi qua suốt quãng đời ấu thơ của tôi…
Phan Hoàng Diệu (Văn hóa Đời sống)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/van-hoc-nghe-thuat/cay-khe-chua-vuon-nha-20151209104916422.htm