Tranh minh họa của Ngọc Hiếu
|
Với lũ trẻ nhà quê chúng tôi thuở ấy, bánh đa kê là một thức quà xa xỉ. Cả năm trời chỉ có một hai dịp được ăn. Mẹ đi chợ phiên về, cả lũ chạy ùa ra đón từ cổng ngõ. Vừa chạy theo mẹ, vừa len lén mở cái nón mê úp trên miệng thúng mẹ cắp bên hông, rướn mình ngó nghiêng nhòm vào bên trong. Rồi cả lũ nhảy cẫng lên hò reo ầm ĩ khi thấy một túi kê vàng như nắng hạ. Mẹ đãi kê thật sạch rồi ngâm với nước vôi khoảng hai tiếng. Trong lúc đó, bố bắc thang leo lên ngọn cây dừa và hái quả dừa to nhất, già nhất. Túm tụm ở cửa bếp, lũ trẻ chúng tôi chia nhau mỗi người một ngụm nước dừa ngọt mát còn cùi dừa được nạo thành sợi dài mảnh khảnh trắng muốt. Đỗ xanh mẹ ngâm từ tối hôm trước, cởi lớp vỏ xanh rì để lộ màu vàng tươi mướt mát. Bắc chõ đất đồ đậu xanh. Mẹ bảo cái chõ đất này bà ngoại cho mẹ làm của hồi môn khi về nhà chồng. Ngày ấy nhà bà ngoại nghèo lắm chỉ có cái chõ đất ấy là quý nhất. Khi đậu xanh chín, mẹ đổ ra mẹt trải một lớp lá chuối rồi dùng đũa cả đánh cho thật tơi nhuyễn, khói kẻ những đường cong gợi cảm rồi tan vào không khí. Mẹ nắm đậu xanh lại thành từng quả tròn xoe bằng miệng bát con. Tôi cứ xuýt xoa không ngớt sợ mẹ bị bỏng vì đậu xanh nóng hôi hổi.
Mẹ bắc nồi gang lên bếp, một bát kê hai bát nước. Lưỡi lửa đỏ hỏn liếm vào những sợi rơm vàng khô cong cớn. Chỉ một loáng, nồi kê sôi sùng sục, miệng phì phì khói. Mẹ dặn cứ năm phút phải đảo kê một lần và phải đảo cho thật đều tay để kê không bị khê, cháy. Bụng réo òng ọc, tí tí tôi lại nghển cổ ngó vào phía bếp lửa bập bùng hỏi mẹ: “Bao giờ kê chín hả mẹ?” “Miết hạt kê giữa hai ngón tay mà nhuyễn là được con ạ!” Mùi thơm ngậy ngào ngạt hào phóng thả vào căn bếp nhỏ để cho lũ trẻ mặc sức hít hà. Mẹ thắng mỡ lợn thái miếng vuông cỡ lóng tay trên chảo, đến khi tóp mỡ quắt lại thì phi hành thơm nức mũi rồi trộn đều vào nồi kê. Từng hạt kê bóng bẩy mỡ màng, đó là bí quyết đặc biệt của mẹ.
Tối mùa thu, gió heo may thênh thang khua ánh trăng vàng xào xạc, lũ trẻ chúng tôi ngồi thành vòng tròn trên chiếc chiếu trải giữa sân. Mẹ bưng nồi kê, mỗi bước chân của mẹ vấn vít hương thơm nồng nàn. Bánh đa tròn vành vạnh như mặt trăng mười sáu, nướng phồng lấm tấm vừng đen như những vì sao trẻ con rong chơi trên cánh đồng trời. Mẹ dùng con dao rạch nhẹ một đường thẳng tắp rồi bẻ nhẹ làm đôi, cứ thế chiếc bánh đa được chia thành tám miếng hình quạt. Đôi tay mẹ mềm mại như nghệ sĩ múa phết lớp kê vàng óng lẫn màu ánh trăng rồi rây rây một ít đường cát trắng như mưa bụi mùa xuân. Mẹ dùng con dao bài xắt quả đậu xanh phủ kín mặt kê và cuối cùng là điểm thêm vài sợi dừa nạo. Đôi mắt lũ trẻ hau háu long lanh nhìn theo tay mẹ thoăn thoắt. Rồi từng đứa, từng đứa nhận từ tay mẹ miếng bánh đa kê và nâng niu như một vật báu. Đưa lên miệng cắn một miếng cái rộp, ban đầu là cái giòn tan của bánh đa, tiếp đến là bùi bùi của dừa của đậu xanh, lạo xạo những hạt đường tinh khôi rồi từ từ tan ra ngọt lịm nơi đầu lưỡi, vị béo ngậy man mát của kê, tất cả quyện vào nhau làm mê mẩn cả vị giác khó tính nhất. Thỉnh thoảng bắt gặp miếng tóp mỡ sần sật cũng thật thú vị. Mẹ nhìn lũ con ngấu nghiến miếng bánh đa kê nhoẻn miệng cười hạnh phúc và không quên dặn dò: “Ăn từ từ thôi kẻo nghẹn, đừng để dây ra quần áo nhé!”
“Cô ơi, cho cháu một miếng bánh đa kê!” Tôi gọi với theo bước chân sấp ngửa của người bán hàng rong. Cầm miếng bánh đa kê trên tay, tần ngần chẳng dám ăn, sợ rằng cắn một miếng, nỗi nhớ sẽ kéo nhau ùa về nghẹn đắng.
Đào Mạnh Long (Văn hóa & Đời sống)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/van-hoc-nghe-thuat/banh-da-ke-20151103092114342.htm