Giáp Hải (1507 -1586) quê làng Dinh Kế, huyện Phượng Nhân (nay thuộc tỉnh Bắc Giang) là người có tài văn học, giỏi việc bang giao, đỗ trạng nguyên năm 1538, sau được dân thờ làm thành hoàng, vẫn gọi là Trạng Kế.
Giáp Hải ra đời trong một trường hợp khá ly kỳ. Bà mẹ ông vốn là người Văn Giang, mở quán hàng nước. Một buổi tối có người khách qua đường đói rét được bà cho vào sưởi và ăn uống, nghỉ lại. Mờ sáng người khách bị chết đột ngột, bà chôn cất ông ta, sau đó sinh được đứa con trai kháu khỉnh. Khoảng bốn, năm tuổi cậu bé đi chơi thơ thẩn ở bờ sông, một người làng chài ở Dinh Kế qua đó, bắt cậu về nuôi, cho ăn học. Rồi ông đỗ đạt, vinh quy. Dân làng đón rước, nhưng vẫn có tiếng xì xào: chẳng roc nguồn gốc người này ở đâu, đã đành đem tiếng tốt cho làng, nhưng dân làng lại phải phục dịch.
Ông nghe chuyện ấy, mới bí mật dò xét tung tích của mình. Một dịp qua Văn Giang kiếm người làm quản gia, người ta giới thiệu cho ông nuôi một bà cụ già. Hàng ngày, mỗi khi thấy ông rửa chân, bà cụ lại nhìn trộm mà khóc. Ông hỏi, bà cụ nói mình có đứa con trai, dưới gót chân có một nốt ruồi đỏ, bị mất tích đã lâu, nay thấy chân quan trạng cũng có nốt ruồi nên nghĩ nhớ con mà khóc. Ông hỏi han kỹ lưỡng hơn rồi nhận đó chính là mẹ mình. Sự sum họp này được người đương thời cho là kỳ lạ. (1)
(Theo Vũ Ngọc Khánh - Kho tàng Giai thoại VN)
(1) Sách Công dư tiệp ký kể chuyện này, ghi dưới tiểu mục: “Đồng khi hương câu, Giáp trạng nguyên nhận mẫu” (Cũng khí huyết nên tìm đến nhau, ông Trạng Giáp Hải đã nhận được mẹ!
Giai thoại này lâu nay rất phổ biến. Nhưng vừa đây (1999) theo các cuộc điều tra khảo sát ở Bắc Giang đã tìm được mộ, bia về cha mẹ Giáp Hải rất rõ ràng: Câu chuyện trên đây hoàn toàn là hư cấu. Có điều lạ là sự hư cấu được chấp nhận hàng mấy thế kỷ qua.
Theo Quehuongonline