Gánh tỏi đè trên đôi vai xương xẩu nhưng ông không hề cảm thấy sự nặng nhọc. Vì đó là toàn bộ tài sản mà gia đình ông phải lao động cật lực gần nửa năm trời mới có được. Đúng là vậy. Biết bao công lao cầy xới, gieo trồng, chăm bón, thu hái cùng sự lo lắng đến thắt lòng trước những trái gió trở trời của thiên tai giờ đây mới được trả công bằng những gánh tỏi nặng trên vai ông bây giờ. Gia đình ông quyết định chọn cây tỏi để gieo trồng là vì ông nghe nói tỏi có rất nhiều tác dụng. Làm gia vị cho bữa ăn trong mỗi gia đình đã đành, ngoài ra nó còn là một vị thuốc quí có thể làm sạch mỡ gan, mang lại sức khỏe cho con người ở cái thời cuộc sống vật chất đang bắt đầu dư dả này. Đấy là chưa kể đến chuyện người ta thường dùng tỏi để yểm bùa. Mỗi khi mang trẻ con đi xa hoặc có việc phải ra bãi tha ma, nghĩa địa, có vài củ tỏi đút trong túi là chả còn lo bị tà ma bắt nạt và nhập vào người.
Công dụng là vậy, nhưng ở thôn quê lại chẳng ai dám bỏ tiền ra để mua tỏi. Có lẽ người nghèo thường không mấy khi lo xa, chẳng bao giờ chịu đưa tiền để làm những chuyện mà họ chưa mục sở thị. Nói theo kiểu cổ là chưa thấy quan tài chưa rơi nước mắt. Vậy là chỉ có thể trông cậy vào người thành phố giầu sang, biết coi trọng sức khỏe và sự an toàn của bản thân mình.
Minh họa: Ngô Xuân Khôi
|
Nghĩ thế, ông già mới thuyết phục vợ và các con cho ông gánh tỏi xuống thành phố để tiếp thị và tiêu thụ. Mấy từ "tiếp thị" và "tiêu thụ" là ông học được ở những chương trình quảng cáo phát ra từ cái ti vi đen trắng của nhà hàng xóm. Thời buổi này, dù sống ở vùng núi xa xôi như ông thì cũng phải học dần cách nói và cách làm của nền kinh tế thị trường, nếu không thì biết bao giờ mới có thể xóa đói giảm nghèo.
Thế là gánh vã hơn nửa ngày trời ông mới đến cái thành phố hoa lệ này.
- Tỏi… đê...ai… mua tỏi… đê! - Tiếng rao yếu ớt của ông rơi tõm vào không gian ngập tràn xi măng cốt thép.
- Tỏi… đê… Ai mua tỏi… đê…!
Sau khi hít một hơi đầy lồng ngực, tiếng rao của ông già đã có vẻ tự tin hơn.
Không ai gọi mua. Dãy phố vẫn im phăng phắc. Tiếng rao của ông vẫn mất hút trong khoảng không vắng lặng.
Ông già ngơ ngẩn ngước nhìn những mái nhà xanh đỏ, cao vút, cửa đóng im ỉm và chợt ngộ ra rằng thành phố rất khác với quê ông. Người thành phố chỉ thích trú ngụ ở trong nhà chứ không hay ló mặt ra ngoài cửa. Thế thì những tiếng rao yếu ớt của một kẻ đang sắp lả đi vì đói của ông chắc chắn là mất tăm rồi. Nhìn trước ngó sau một lúc ông phát hiện ra trước cửa mỗi ngôi nhà đều có một cái núm chuông. À, ông nhớ ra rồi, có vài lần xem phim trên tivi, thấy mỗi khi muốn gặp nhau, người thành phố phải bấm vào cái nút kia. Thế là sau vài phút hạ quyết tâm, ông tiến đến đưa mấy ngón tay gầy guộc, run rẩy ấn vào cái nút tròn tròn trông như một ảo vật gắn trên tường.
Lúc lâu sau, một cậu bé chừng mười tuổi mở cánh cửa kính bóng loáng, ló mặt ra ngoài.
- Mua tỏi đi cậu - Ông già đưa túm tỏi ngang mặt, hồ hởi tiếp thị mặt hàng.
Cậu bé nhìn túm tỏi, hầm hầm nổi giận:
- Tỏi là cái quái gì. Mất cả thì giờ. Giải cứu The Flood đang vào đoạn phê nhất.
- Cậu ơi, tỏi là một gia vị quí, ngoài ra, nó còn có nhiều công dụng như…
- Biến!
Cánh cửa đóng sập lại. Trước mặt ông chỉ còn một bức tường kính lạnh rợn người.
Ông buông thõng cánh tay. Nhưng mà không sao cả. Một đứa trẻ thì làm sao hiểu nổi những công dụng tuyệt vời của tỏi.
Ông già xốc lại quang gánh, lê bước. Ông bấm chuông một nhà khác.
Một bà tuổi nhuôm nhuôm, tòng teng cái tạp dề to tổ bố trước ngực. Ông mừng quýnh. Vậy là người chuyên nội trợ rồi.
- Ông hỏi ai? - Bà nội trợ soi mói nhìn ông già, hỏi.
- Không, tôi không hỏi ai, tôi là người bán tỏi. Chắc bà cần mua tỏi chứ ạ?
Bà nội trợ nhìn gánh tỏi đầy ắp:
- À, tỏi. Tất nhiên là cần, nhưng tôi mua rồi.
- Bà có thể mua thêm mà. Tỏi của tôi chất lượng tốt.
Bà nội trợ bĩu môi:
- Tỏi nào chả là tỏi. Tỏi của ông dát vàng chắc. Thứ ấy rẻ như bèo, mua tích trữ thì để thối ra à. Thôi ông đi đi cho tôi đóng cửa.
Tất nhiên không thể nán lại thêm được nữa, cho dù ông cũng từng hiểu bán hàng rong là cái nghề phải chai mặt.
Lần thứ ba, ông lại kiên trì bấm chuông.
Một người đàn ông to béo, bụng phình như đeo thêm một cái trống lù lù xuất hiện trước mặt ông già. Hóa ra thượng đế đã có một phút xuất thần nghệ thuật khi vô tình hay cố ý tạo ra một sự đối phản… ngoạn mục giữa cái bụng lép kẹp của ông bán tỏi với cái bụng vĩ đại của ông chủ nhà.
Lời chào hàng của "cái bụng lép" vẻ như đã mệt lả:
- T…ỏ…i… mua… t…ỏ…i… mua… t…ỏ...i?
"Cái bụng vĩ đại" lừ mắt:
- Cái gì? Ông nói cái gì?
- Tôi…nói…t…ỏ…i... ông có mua tỏi…?
Thấy sự khinh khỉnh của "cái bụng vĩ đại", "cái bụng lép kẹp" vẫn nhẫn nại tiếp thị:
- Ngoài việc dùng làm gia vị, tỏi còn có tác dụng giảm béo… Người như ông…
Ông già mới chỉ được nghe lõm bõm trên chương trình quảng cáo ở màn hình mà xem chừng cũng ra dáng một nhân viên tiếp thị chính hiệu của thời @. Ừ, cũng không có gì lạ. Thời buổi kinh tế thị trường, không biết cách hòa nhập thì sao có thể thoát nghèo.
Quả là mấy lời chào hàng mang đầy tính thời đại của người bán tỏi đã có tác dụng với "cái bụng vĩ đại".
- Thật sao? Có làm bụng bé đi được không?
- Được! Được chứ! Tivi vẫn nói mà.
"Cái bụng vĩ đại" ngó vào trong nhà, lớn giọng:
- Vợ ơi, ra mua tỏi. Người ta mang cả một gánh đến nhà đây này.
Một người đàn bà đài các bước ra. Liếc xéo cặp mắt vào thúng tỏi, bà kêu ré lên như giọng phường chèo:
- Chồng ơi, đứng trên mặt bảo vệ sức khỏe, em đồng ý với mình là tỏi có thể làm giảm béo, giảm "tê rôn" và thon bụng nhưng mà là tỏi tía Lý Sơn, giá những năm nghìn một củ cơ. Cái ngữ tỏi nhà quê này thì làm sao mà tin được. Thôi, mình gắng chịu để sang năm em đi du lịch Lý Sơn sẽ mua về cho mình cả một ba lô tỏi.
Đến thế thì ắt lại phải đi thôi. Người bán tỏi đồng quê thở dài đánh thượt, đặt đòn gánh lên vai.
Kế đến một ngôi nhà cao chót vót, ông già vừa định đưa tay ấn chuông thì vừa lúc một phụ nữ mặt hoa da phấn mở cửa bước ra. Nhìn thấy ông già và gánh tỏi có vẻ vướng chân, bà la lên như cháy nhà:
- Gì thế này? Xê ra, xê ra, sao lại cản đường người ta thế kia?
Một cậu thanh niên dắt chiếc xe máy đắt tiền ra cửa, toan nổ máy thì người phụ nữ giật giọng:
- Này! Nghe mẹ dặn đã. Nhớ là phải bảo họ đưa tên tuổi nhà mình lên truyền hình đấy. Làm từ thiện giúp người nghèo ở vùng sâu, vùng xa từ năm trăm nghìn trở lên là được họ bắn chữ lên chương trình thời sự. Tên mẹ là Nguyễn Thị Xao Xuyến, nhớ chưa?
Cậu thanh niên cau có:
- Mẹ buồn cười. Tên mẹ mà con không biết sao?
- Biết! Biết, nhưng vẫn phải dặn cho rõ! - Bà dằn giọng.
Nói rồi người phụ nữ lại thoắt biến mình sau cánh cửa gỗ trơn lì.
Gánh tỏi trên vai ông già thêm trĩu nặng. Con đường trước mặt ông dường như dài như vô định, vô phương hướng. Ông dò dẫm từng bước hẫng hụt như đi trên mây.
Nhưng có vẻ vận may đang đến. Kia rồi! Một thiếu phụ ẵm con ngồi trên cái ghế nhỏ ngoài hiên, trông dáng vẻ rất hiền từ, phúc hậu. Ông già cố xua đi cơn đói, bước vội đến bên người thiếu phụ, cố phát âm thật chuẩn:
- Cô ơi, tỏi cần cho cháu bé lắm đấy, mua một ít đi.
- Vậy hả ông, cháu không hiểu những tác đụng của nó.
Ông già bán tỏi ríu lưỡi, vội nói liền một mạch:
- Những lúc mang cháu bé đi xa hoặc ra thăm mộ ở nghĩa trang, có vài củ tỏi đem theo người thì không lo cháu bé bị ma trêu, quỉ ám cô ạ.
Thiếu phụ mừng rỡ:
- Thế hả ông? Hay quá! Sắp tới cháu phải mang con về quê bái mộ ông bà nội. Cụ bán cho cháu mấy túm.
Ông già đỏ bừng mặt vì sung sướng. Niềm sung sướng không chỉ là chuyện bán được vài củ tỏi mà nó có thể ví như một tác giả được in bài thơ đầu tiên trên báo. Niềm vui ấy mênh mang, lan tỏa; nó xôn xao, hãnh diện; nó thiêng liêng, thần thánh, nó… Vâng! Bởi nó là mồ hôi nước mắt của một kiếp lận đận gieo trồng.
Sau mấy lời cảm ơn người thiếu phụ trẻ, ông già đưa gánh tỏi lên vai. Ông bước đi, cố kìm nén mấy giọt nước mắt chỉ chực tuôn trào. Thì ra ở thành phố không phải ai cũng dửng dưng, không tin người nhà quê. Ông nở một nụ cười mãn nguyện. Xin chúc cho hai mẹ con đi thăm mộ ông bà nội được an toàn, suôn sẻ. Hãy cứ tin rằng ma quỉ nhận ra mùi tỏi cũng phải động lòng, không nỡ hãm hại. Vì tỏi mang hương vị nồng nàn của nước mắt những người lao khổ.
Chục nghìn tiền bán tỏi cầm trên tay không đủ làm cho ông già bớt đi gánh nặng nhưng lại có thể nâng bước chân liêu xiêu chừng như đang muốn khuỵu ngã trên đường.
Người bán tỏi thanh thản bước. Trên môi nở một nụ cười khô héo.
Hồ Thủy Giang (Văn nghệ công An)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/van-hoc-nghe-thuat/tieng-rao-20151006111003904.htm