Ngôi làng ấy của tôi vẫn thường chìm khuất trong ánh trăng, những mái ngói nâu thẫm như trôi trên dòng sông trăng nhấp nhoáng. Mùa lũ tràn về, tôi ngồi cùng em trai trên cái thuyền nan nhỏ trôi bập bềnh giữa mênh mông nước thả mồi cua. Nếu không thả cua thì để chơi, cứ ngồi đó cho thuyền tự trôi theo gió đi xa. Không gian lúc đó thật kỳ ảo, khác thường, nó hệt như cảnh bồng lai trong truyện liêu trai vậy. Trời và nước nhuốm một thứ ánh trăng bàng bạc, xôn xao. Nước vỗ vào mạn thuyền ì ọp, khoan thai. Hai chị em ngả đầu về hai phía mui thuyền nói bông phèng một vài câu chuyện. Khoảng giữa thuyền là trăng. Đầy một khoang. Tôi khẽ chạm chân mình vào ánh sáng ấy và thấy cảm giác rất tuyệt, như là mình tan chảy thành trăng vậy. Cậu em tư lự một lúc lâu rồi bảo, bây giờ em mới hiểu, tại sao nhà thơ Hàn Mặc Tử lúc cô đơn lại viết “ Ai mua trăng tôi bán trăng cho…”. Trăng dãi dề, hào phóng suốt mấy bề trời nước. Ngôi làng chỉ còn là vệt mờ viền theo ánh trăng… Sau này, trong những bài thơ, những trang văn em viết từ một đất nước xa xôi, trong những ngày nhớ về Tổ quốc, bao giờ cũng thấp thoáng ánh trăng quê nhà đêm ấy. Thế mới hay, một người bạn vong niên của tôi từng bảo, đời người không có được mấy những khoảnh khắc thật đẹp và lộng lẫy. Với tôi, vẻ lộng lẫy những đêm trăng dường như có đủ sức làm tôi nhớ suốt đời.
Ảnh minh họa, nguồn: Internet
Đêm nay trăng thu, khác với trăng suông mờ ảo của mùa xuân, hay cái ánh trăng nồng nhiệt của mùa hè. Trăng mùa thu trong vắt, có vẻ thầm kín, e dè, hợp với những tâm trạng nhung nhớ, hẹn thề. Trong hơi lạnh se se, ai tinh tế sẽ nhận ra chút xa vắng, cô đơn tự có trong ánh trăng. Mấy ai trong thời buổi vội vã làm ăn này, dưới đêm lành lạnh còn đi dạo hay ngồi ngắm trăng, ngoài những nhà thơ? Hay những người đang yêu? Những người tâm tư trĩu nặng? Tôi thì có được niềm vui ăn theo lũ trẻ. Chúng nói chuyện về “mặt trăng máu”, tức mặt trăng màu đỏ theo những câu chuyện về thế giới phim ảnh. Đó là chuyện những đêm như thế sẽ diễn ra cuộc giao tranh quyết liệt giữa con người và quỷ dữ, giữa ma cà rồng và người sói, giữa thiện và ác. Trong kinh Tân ước và Cựu ước của Thiên chúa giáo lại nói đến ngày tận thế của loài người… Thấy hạnh phúc vì lũ trẻ còn tin vào thế giới thần tiên, ma quỷ, còn háo hức mong chờ một đêm trăng kỳ thú. Bởi như thế, chúng sẽ vẫn còn ngây thơ đúng kiểu trẻ con, lớn lên chúng sẽ có được khao khát làm điều thiện và biết nhận chân cái ác. Nếu không thế, ai cũng như người lớn chúng ta thì thật xơ cứng và già cỗi. Cuộc sống hóa ra tầm thường tẻ nhạt và nhiều lầm lẫn, u mê…
Một con ngõ dưới kia chảy tràn ánh trăng. Những vòm cây gợi nhiều nỗi nhớ. Kỷ niệm tình yêu vời vợi trôi về. Tôi nhớ những lời hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn :
“Em đi qua chuyến đò, thấy con trăng đang nằm ngủ.
Con sông là quán trọ, và trăng - tên lãng du.
Em đi qua chuyến đò (ối a ),con trăng còn trẻ.
Con sông đâu có ngờ ngày kia trăng sẽ già…
Bản tình ca đã làm cho cuộc đời đẹp hơn. Một ngày nào đó trăng già, lũ trẻ của tôi cũng lớn, lúc đó chúng đủ hiểu rằng, tại sao người lớn cần và rất cần đến trăng, cần những khoảnh khắc sống cho mình, nhìn lại mình, là chính mình… Nhưng không phải ai cũng biết điều đó. Bởi trăng thật gần gũi mà cũng thật xa vời. Trăng có thực mà hư ảo. Trăng dào dạt mà cô đơn. Trăng trong sáng như vẻ đẹp dễ mất trong đời vậy.
Lũ trẻ ngủ từ lúc nào chẳng biết. Vầng trăng vẫn bên trời thao thức. Đêm trăng đã thức dậy trong tôi tình yêu về bao điều giản dị quanh mình. Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi được sống. Cảm ơn tình yêu đã cho tôi cảm giác về hạnh phúc…!
Mai Phương (vanvn.net)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/van-hoc-nghe-thuat/trang-thu-20150810142458223.htm