Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 22/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Hương cốm xưa Hương cốm xưa , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

Đã lâu lắm rồi tôi chẳng còn nhớ tới mùa Thu nữa. Nhưng đêm nay Thu lại về. Mùa Thu ở Hà Nội lạ lắm. Khi nào cây lộc vừng chín gốc bên hồ Hoàn Kiếm thôi rơi sắc đỏ và hoa sữa bắt đầu tỏa hương. Ấy là mùa Thu đã về. Hôm đó, thế nào trời cũng hơi se lạnh.

Đầu phố nhà tôi có chợ cóc. Chợ họp từ lúc mới năm rưỡi, sáu giờ, khi mọi người dân Hà thành thi nhau đổ ra đường để vớt vát chút sức khỏe còn lại cho mình, đến bảy rưỡi, tám giờ, giờ làm việc của đội tự quản là chợ tan. Sớm nay, như bao sớm khác, chợ cóc vẫn họp và người mua, người bán vẫn nhộn nhịp như nó vốn là như vậy... Có chăng, thêm chị hàng cốm dưới gốc cây trứng cá cuối chợ, đầu góc chùa Châu Long là khác mọi ngày. Tôi chẳng biết tên chị, chỉ biết chị đã ngồi đó cả chục năm nay, đúng một chỗ ấy cho đến khi tan chợ, chị mới quảy gánh lên đi dọc phố để bán nốt gánh cốm. Chị là con gái làng Vòng thứ thiệt. Nhà chị và nhà chồng đều là người làng Vòng từ xửa từ xưa. “Thời mẹ tôi, và đến đời tôi vẫn thế, đã là con gái làng Vòng đều phải biết làm cốm, không thì ế chồng”.

Tôi nhớ mãi ngày tôi còn bé xíu. Thuở ấy, Hà Nội không đông như bây giờ, nên gánh cốm Vòng cũng không bị “hồ”nhiều như hiện nay. Ngày ấy tôi ở với bà ngoại trên phố Hàng Ngang. Vào mùa cốm, bao giờ bà ngoại tôi cũng mua cốm của bà Khỏa, một người làm cốm làng Vòng ngon nổi tiếng.


Bà Khỏa gánh cốm ra Hà Nội rất sớm, ngồi gần chiếc máy nước công cộng trên phố Lãn Ông (ngày ấy một số phố có máy nước công cộng được lắp trên hè để bà con đi đường rửa chân tay, mặt mũi). Bây giờ chỗ ấy người ta bán khăn mặt, giấy vệ sinh... Cả một dãy phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Lãn Ông..., nghĩa là mấy phố quanh đó, ai ai cũng đến mua cốm bà Khỏa, nên muốn mua được, bà ngoại tôi thường phải đặt từ hôm trước.

Sáng hôm ấy, bà tôi gọi tôi dậy để ra lấy cốm về cho bà thắp hương cúng Phật và gia tiên hương cốm đầu mùa. Trẻ con, bị gọi dậy sớm là khổ lắm, nhưng nghe ra bà Khỏa lấy cốm là choàng dậy ngay. Lê đôi guốc gỗ con con sơn hoa xanh đỏ, tôi tong tả đến bên gánh cốm. Mùi cốm thơm thanh thanh, ngòn ngọt vị nếp sữa pha lẫn mùi lá sen. Có lẽ không bao giờ tôi quên được hương thơm ấy, một hương thơm thanh tao, quấn quện lạ kì.

 “Bà ơi cho bà cháu xin cốm. Một cân cốm giót, một cân cốm đầu nia”.

“Bà cháu là ai?” - Bà Khỏa hỏi lại. Tôi thưa lại tên hiệu của ông bà tôi. Thời đó, thương nhân Hà Nội chỉ toàn gọi nhau bằng tên hiệu thành quen, đến mãi sau này vẫn giữ nếp ấy.

Đôi tay bà Khỏa lật lật từng lớp lá sen, rồi đến lớp lá ráy đặt dưới chiếc mê cói nâu sẫm mầu thời gian. Trải lớp lá ráy lên chiếc đĩa cân, bà Khỏa bốc cốm điêu luyện đến mức, nhấc cân lên là vừa đúng một cân, nhưng bà vẫn dúm thêm một dúm bỏ vào gói cốm cho tươi tắn. Nhấc gói cốm đặt vào tấm lá sen đã bày sẵn trên cái mẹt, bà Khỏa gói cốm nhanh thoăn thoắt, rồi rút lấy vài sợi rơm treo nơi đầu quang gánh buộc gói cốm lại đưa cho tôi, bà không quên túm cho tôi một nắm cốm vào miếng lá sen, gọi là làm quà. Cốm của bà Khỏa có hương thơm thanh nhẹ, ăn xong rồi mà vị ngọt vẫn còn lưu mãi.

Cốm giót có vị ngọt đậm đà, ngấm sâu tận trong cổ họng. Mỗi lần được ăn cốm giót, bố tôi hay nắm thật chặt thành nắm nhỏ bằng đầu ngón tay cái đưa cho tôi, kèm theo câu dặn: “Cắn ít một nhai cho thật kỹ rồi hãy nuốt”. Ngày ấy còn quá nhỏ, chẳng hiểu tại sao bố hay dặn thế, chỉ biết làm theo. Mãi sau này tôi mới ngẫm ra, chắc không phải vì ông sợ tôi nghẹn, mà chỉ muốn tôi ăn miếng nhỏ, nhai thật kỹ, mới thấm được vị ngọt và thấy được hương thơm của cốm.

Người Hà Nội ăn cốm thường ăn với chuối tiêu trứng cuốc. Nhúm một chút bằng mấy đầu ngón tay, nhẹ nhàng như để vị ngọt của cốm cũng thấm qua làn da mà cảm nhận được. Đưa nhúm cốm lên miệng, vừa ăn nhè nhẹ, vừa ngẫm nghĩ xem vị cốm năm nay nhà hàng làm có ngọt, có thơm bằng năm ngoái hay không.

Kể cũng lạ! Ngày ấy làm cốm có thương hiệu chẳng được mấy người, chứ đâu như bây giờ, cốm có gần như quanh năm. Khi đúng mùa, muốn ăn cốm, nghĩ đến bà Thoả, lại lưỡng lự, hay thôi...

Thục Trinh (Lao Động Cuối tuần)


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65097143

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July