Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Nhà văn- nhà báo Hồ Thị Hải Âu - LẠI CHUYỆN GIÁO DỤC SỚM CHO TRẺ: Nhà văn- nhà báo Hồ Thị Hải Âu - LẠI CHUYỆN GIÁO DỤC SỚM CHO TRẺ: , Người xứ Nghệ Kiev
 

 Hồ Thị Hải Âu

LẠI CHUYỆN GIÁO DỤC SỚM CHO TRẺ:
(*) Có công mài sắt có ngày nên kim! 
NẾU BẠN MANG ĐẾN CHO XÃ HỘI MỘT THANH CỦI – SẼ KHÔNG BAO GIỜ BẠN NHẬN ĐƯỢC MỘT CÂY KIM! 
******************

Mình đã từng có một (hoặc hơn) bài viết phân tích trên những quan điểm khoa học khách quan và trải nghiệm bản thân trong vấn đề GIÁO DỤC SỚM cho trẻ. Tinh thần quán chiếu của mình là rất chú trọng việc giáo dục sớm, John Dewey – nhà giáo dục xuất chúng của nhân loại thế kỷ 20 đã khẳng định, “GIÁO DỤC LÀ LẦN KHAI SINH THỨ HAI CỦA ĐỜI NGƯỜI!”. Điều này, nếu bạn đồng tình, có nghĩa rằng, giáo dục cần được nhận thức và tiến hành sớm nhất, chủ động nhất khi một cá thể được vào đời!

Vấn đề mà các bà mẹ trẻ, xã hội và kể cả các chuyên gia giáo dục Việt Nam(?) đang bối rối đó là, như thế nào là giáo dục sớm? Do lúng túng, thiếu cách nhìn khoa học, đồng thời bị chi phối bởi truyền thông quảng bá, phần lớn các bà mẹ trẻ hiện nay đang bị “mất phương hướng” lo âu và bất an trong việc đồng hành cùng con cái của mình.

Đêm qua, dù rất khuya và rất mệt, mình đã dành thời gian trao đổi khá kỹ với một mẹ trẻ về những bất an của bạn ấy khi con vừa tròn 4 tuổi: - Thưa cô, cháu không biết bây giờ phải bắt đầu từ đâu? Con cháu tròn 4 tuổi, hiện giờ cháu không biết bắt đầu cho học môn gì trước: Tiếng Anh, vẽ, piano, thể thao vân vân… cháu thấy bạn bè cháu đều đã cho con cái vào các lớp giáo dục sớm và đều bảo hay lắm… khiến cháu rất băn khoăn.

(***) Do đó, ở bài này, mình sẽ hệ thống lại quan điểm và con đường mình đã trải nghiệm trong quá trình đồng hành cùng con gái như sau:

1/ Giáo dục sớm phải được hiểu là một tinh thần toàn bộ của mỗi người chuẩn bị bước vào cuộc sống gia đình và có khát vọng làm cha mẹ. Tự GIÁO DỤC BẢN THÂN VÀ NỖ LỰC ĐỂ BẢN THÂN LÀ MỘT CÁ THỂ CÓ PHẨM CHẤT ĐƯỢC GIÁO DỤC, CÓ HIỂU BIẾT, CÓ PHƯƠNG PHÁP TƯ DUY- điều này cho thấy sự nhận thức của bạn đã thực sự sâu sắc, khoa học, không mơ hồ và không bước vào vai trò làm cha/ mẹ chỉ vì THÓI QUEN, TẬP QUÁN xã hội mà chưa thực sự chuẩn bị tốt về tâm thế và hiểu biết.

2/ Vậy, bắt đầu giáo dục con từ lúc nào là sớm? Bắt đầu ngay khi người mẹ mang thai và được gọi là thời kỳ thai giáo.

3/Trẻ sau sinh đến 4 tuổi là thời kỳ phát triển mạnh để hoàn chỉnh não bộ và hệ thần kinh trung ương, nên việc thực dưỡng, sức khỏe lành mạnh, giao tiếp giao cảm, trực quan sinh động với thế giới xung quanh của trẻ cần được tiến hành bền bỉ, kiên trì, liên tục… như là cách để trẻ hưởng thụ cuộc sống và chính bạn “hưởng thụ” giá trị làm cha/mẹ… nhưng chính trong quá trình dấn thân toàn bộ trong việc chăm sóc, yêu thương con cái một cách hiểu biết, bạn đang giúp não bộ đứa trẻ trở nên có phẩm chất hoàn hảo nhất so với việc cũng chính đứa trẻ ấy nhưng nhận được sự chăm sóc kém hơn từ cha mẹ.

Hệ thần kinh trung ương của trẻ chỉ trở nên mạnh khỏe, khi bạn chủ động luyện tập cho bé một cách kiên trì, bền bỉ, liên tục ngay từ những ngày tháng đầu đời những tín hiệu, những mệnh lệnh để trẻ dần có được/ rồi thuần thục các phản xạ có điều kiện: ị đái khi có tín hiệu xi, dừng dứt hành động khi có mệnh lệnh như “dừng lại” “không được phép” hoặc “nguy hiểm” vân vân... Đây là sơ sở trực quan sinh động vững chắc, có giá trị tạo nên độ thuần thục những thói quen tích cực của não bộ, từ đó giúp trẻ luyện tập phẩm chất, khả năng kiểm soát bản năng, kiểm soát hành vi, cảm xúc vân vân. Những phẩm chất này của bé được bạn rèn luyện thuần thục đến đâu sẽ quy định năng lực gia nhập xã hội của đứa trẻ mạnh yếu khác nhau/ cao thấp khác nhau và còn nhiều hệ quả hơn nữa.

Như vậy, giáo dục sớm không gì quý giá hơn là sự dấn thân của cha mẹ, chuyển hóa mọi tình huống cuộc sống vốn dồi dào thành tình huống sư phạm để dẫn dắt đứa trẻ từng bước, từng bước có được những phẩm chất quý giá cho toàn bộ cuộc đời sau này của nó.

4/ Hoạt động não bộ của trẻ (dưới 10 tuổi) chủ về tư duy trực quan sinh động. Do đó, cách học của trẻ là: GIÁC QUAN (Nhìn, nghe, sờ mó, nếm, ngửi) – QUAN SÁT – BẮT CHƯỚC; như thế và không có cách gì khác! Và như vậy, ở thời kỳ này, NHÀ GIÁO DỤC VĨ ĐẠI VÀ CẦN THIẾT NHẤT CỦA TRẺ không thể là ai khác ngoài cha mẹ là những người mà bé đặt toàn bộ sự tin cậy, là những người có thời gian gần gũi, chăm sóc bé, tạo cho bé những phản xạ điều kiện từ những mệnh lệnh yêu thương. Do đó, khi trẻ dưới 4 tuổi, HỌC SỚM trong kỳ vọng GIÁO DỤC CON SỚM của cha mẹ phải được hiểu như thế này: Cha mẹ nỗ lực yêu thương chăm sóc trẻ một cách có hiểu biết, trong môi trường ấm áp, lành mạnh của gia đình, CHA MẸ LÀM, CHA MẸ NHÌN VÀO MẮT BÉ NÓI LỜI YÊU THƯƠNG, HƯỚNG DẪN – TRẺ SẼ NHÌN – QUAN SÁT – RỒI BẮT CHƯỚC.

Cuộc sống, tinh thần, cảm hứng làm cha mẹ của bạn tràn đầy bao nhiêu, thì nghĩa là bạn đang là những nhà sư phạm giỏi nhất, nhân ái nhất để dạy con những kỹ năng cuộc sống, dạy con giữa sự sinh động tràn đầy của cuộc sống! Thay vì bạn chối bỏ vai trò nhà sư phạm của mình để gửi con vào những lớp học kỹ năng, mà ở đó trẻ sẽ được nhận thức những nguyên tắc xã hội, những chuẩn mực xã hội thông qua MÔ HÌNH, thông qua khái niệm cứng nhắc (Kiểu tư duy mà chỉ những trẻ trên 10 tuổi mới đủ năng lực hấp thụ)… Bạn gửi con vào những lớp huấn luyện kỹ năng sớm cho trẻ với một kỳ vọng viển vông rằng, con bạn sẽ đưa những thứ học được từ mô hình, từ khái niệm từ những người không thể tràn đầy tình yêu như cha mẹ chúng… để rồi, bạn kỳ vọng nó sẽ trở thành những cá nhân xuất sắc, thông minh và đáng yêu! Thật sự, đó là một lối tư duy ngụy tạo bị dẫn dắt bởi những nhà cung cấp dịch vụ.

5/ Tròn 4 tuổi, học cưỡng bức (ngồi tập trung nghe giảng, làm 1 việc trong khoảng thời gian nhất định) bắt đầu từ môn nào? Toán? Ngữ văn? Hội họa? Piano? Thể thao ? Ngoại ngữ? - đây là 6 nhóm môn trụ cột nhằm phát triển tố chất toàn vẹn.

Khi đứa trẻ đã được chuẩn bị trong hơn bốn năm đầu đời để hoàn chỉnh não bộ, để thành thục hệ thần kinh trung ương, để trẻ thuần thục những khả năng kiểm soát bản năng, kiểm soát hành vi, cảm xúc… thì có nghĩa cha mẹ đã TỐT NGHIỆP GIÁO TRÌNH LÀM CHA MẸ một cách xuất sắc, đáng khâm phục và xúc động. Phẩm chất đứa trẻ lúc này, đã có thể nghĩ đến việc bắt đầu cho trẻ làm quen việc học cưỡng bức tăng tiến dần từ nhẹ nhàng để phù hợp với cấu trúc non nớt chưa hoàn chỉnh của cơ thể trẻ. Nếu bắt trẻ học cưỡng bức với mức độ nặng khi cơ thể non nớt, ấy là bạn đang bạo hành và lấy đi cơ hội lớn lên lành mạnh của trẻ. Nguy hiểm hơn, sự quá tải về sự học cưỡng bức khi hệ thần kinh trẻ còn non nớt chưa đủ sức đương đầu, sẽ ám ảnh, sẽ dẫn đến tâm lý sợ hãi và chán ghét việc học trong cả cuộc đời trẻ về sau.

Bạn phải quán chiếu khái niệm học cưỡng bức: Là sự học yêu cầu đứa trẻ phải có được 2 phẩm chất quan trọng, đó là KỶ LUẬT TỰ THÂN (Kỷ luật tự giác) và SỰ TẬP TRUNG TOÀN BỘ để thực hành 1 việc trong khoảng thời gian quy đinh nhất định: 20 phút hay 30 phút hay 45 phút... Vậy, bạn đã giúp gì cho con bạn có được những phẩm chất này, trước khi bạn vui vẻ đóng tiền để gửi con vào một lớp học nào đó? Có vẻ, bạn không có sự chuẩn bị cho trẻ để gia nhập vào những tổ chức, mô hình xã hội nhỏ như lớp học, mà ở đó, đương nhiên tồn tại sự đánh giá cá nhân thông qua hành vi, hành động. Sự chê bai, cười nhạo, phán xét là có đó... Rồi, bạn lại tràn đầy thất vọng khi nói rằng: "Con nhà em bị cô giáo chê là mất tập trung, vô kỷ luật, không chịu học bài ".. vân vân. Cô giáo chê bai, cha mẹ thoải mái phán xét... và đứa trẻ vô tội trở nên bối rối vì nó không hiểu, nó đang sai điều gì? Lâu dần, nó mất cảm giác về giá trị bản thân, nó cảm thấy nó tồi tệ là đương nhiên, trong khi cha mẹ buông một câu thở dài "Cha mẹ sinh con trời sinh tính!" Nhân cách đứa trẻ có thể trở nên nhu nhược lệch lạc/ hoặc lỳ lợm bất cần, hoặc tự kỷ, hoặc tặng động từ đó!

Trẻ cần được cha mẹ huấn luyện và chuẩn bị kỹ càng những kỹ năng xã hội như tính kỷ luật, tôn trọng kỷ luật của tập thể, giờ nào việc nấy. Cha mẹ phải chủ động có giáo trình huấn luyện cho trẻ có được phẩm chất tập trung cao độ tăng tiến dần từ 10 phút, lên 20 phút lên 30 phút rồi 40 phút thông qua các hoạt động tô mầu, hay nặn đất, hay xếp hình tại nhà, cắt dán giấy, chơi trò " trút gạo vào chai lọ" để luyện độ khéo léo đôi tay vân vân. Bạn nên chủ động đưa việc vệ sinh cá nhân của trẻ vào một giờ nhất định trong ngày, chẳng hạn lúc 6h chiều theo mình là hợp lý nhất, để khi trẻ đến lớp sẽ không mất thời gian, phiền nhiễu vì việc đi vệ sinh thất thường, lộn xộn. Đây là giai đoạn huấn luyện mấu chốt cho bé, cần tiến hành 3-4 tháng trước khi bạn cho con đến lớp học. 
Và tất nhiên, bằng trái tim yêu con vô hạn, mình đã tìm ra con đường này nhằm giúp con gái yêu quý của mình từng bước gia nhập vào đời sống xã hội một cách hoan hỷ, êm ái.

(*) Bây giờ là vấn đề bắt đầu học môn gì? 
Muốn tạo hứng thú và lôi cuốn trẻ học mà không tạo ra áp lực chưa tương xứng với trẻ, thì cần dựa trên tâm lý lứa tuổi. Thể thao và vẽ nên được chọn cho trẻ làm quen và học đầu tiên. Lý do: Bơi, hay một môn phù hợp sẽ rất gần với bản tính thích hoạt động của trẻ, sẽ làm trẻ hào hứng và vì thế hiệu quả sẽ tốt hơn, việc học sẽ vui hơn. Vẽ là bộ môn không đòi hỏi gắt gao tính kỷ luật, khổ luyện và kỹ thuật ngay từ đầu như piano, nên nó tạo cho trẻ khoảng hoạt động tự do sáng tạo lớn nhất. Tuy nhiên, điều này chỉ có giá trị chỉ khi đứa trẻ từng và đang được sống và đắm mình trong cuộc sống với thiên nhiên, được dành nhiều thời gian để quan sát sắc mầu, hình khối, phong cảnh thiên nhiên, giúp não của trẻ đã có những dấu vết của mầu sắc, sự lay động của cuộc sống. Vẽ, tuy cũng là mô phỏng cuộc sống, nhưng là sự mô phỏng trong tưởng tượng, sáng tạo của trẻ, chứ không phải là sự mô phỏng khô khan, bắt buộc sao chép nguyên mẫu như những con chữ hay chữ số…

(**) Tương tự như vậy, bạn bảo: Hè này sẽ cho bé học piano! Ôi, thật tuyệt! Nhưng bạn đã chuẩn bị gì cho con bạn về âm nhạc? Bé đã từng được nghe những bản nhạc không lời chưa? Nhiều chưa? Lâu chưa? Thường xuyên chưa? Bé đã từng nhìn thấy người nghệ sỹ chơi đàn? Và những câu chuyện thời niên thiếu với ký ức khổ luyện của những nghệ sỹ lừng danh chưa? Bạn hiểu gì về âm nhạc? Bạn hiểu gì về đặc thù của môn học ấy? Bạn cảm thông sâu sắc đến mức nào, khâm phục và nhận hiểu đến mức nào giá trị của nhiều chục năm khổ luyện trên phím đàn của người nghệ sỹ, người thầy piano? Thái độ nghiêm túc, thấu hiểu sẽ giúp bạn đưa ra quyết định tỉnh táo, vững vàng, và có hành động phù hợp để việc học của bé được diễn ra trong sự chia sẻ, hỗ trợ có hiểu biết của cha mẹ. Nếu không như thế, việc học của bé sẽ vô cùng đơn độc, nhàm chán và vô duyên bởi cha mẹ bé không có chút hiểu biết, không có chút yêu thích, quan tâm nào với bộ môn mà họ bắt ép nó học? Bạn có nghĩ rằng, nếu chỉ đầu tư tiền để mua một cây đàn piano để đó, bạn vui vẻ trả tiền học phí... là bạn đã làm tất cả vì sự học đàn của con, rồi sau đó, bạn có quyền phán xét đứa trẻ vì sự chậm tiến của nó trong học đàn? Nếu nghĩ thế, bạn thật nông cạn và tàn nhẫn với trẻ! Tiếc thay, đây là cách hành xử khá phổ biến mà mình quan sát thấy!

(***) Đương nhiên, MÔN HỌC MÀ THỰC SỰ TRẺ ĐƯỢC HỌC SỚM NHẤT đó chính là tiếng nói thân yêu của cha/mẹ, nhưng cũng thật tiếc là các bậc cha/mẹ chưa tự ý thức rằng, mình là nhà sư phạm đầu tiên, người dạy ngôn ngữ đầu tiên cho con cái (Chứ đâu phải chờ đến lúc trẻ vào lớp 1 và học bài giảng của cô giáo!). Do đó, ngữ văn (hay còn gọi là nhân văn) là môn học bền bỉ, lâu dài thông qua việc kể chuyện, đọc chuyện diễn cảm cho bé nghe, ngay từ khi bé còn trong nôi; thông qua mọi giao tiếp giao cảm, truyền cảm đầy sáng tạo, chủ động của cha mẹ dành cho bé trong mọi tình huống cuộc sống, diễn ra vô vàn. Cha mẹ nên từ bỏ lối giao tiếp dễ dãi, khẩu ngữ, lối nói cẩu thả, thiếu tư duy mạch lạc, nghiêm túc... khiến lời nói của bạn thiếu sức nặng truyền cảm, thiếu thông tin, biểu đạt rắc rối, lộn xộn, ngọng nghịu, sai lỗi chính tả... vân vân... Nếu bạn không có động lực để sửa chữa những thiếu khuyết ngôn ngữ, không nỗ lực làm gương để nói năng chuẩn mực, rõ ràng, truyền cảm và chân thành thì sao bạn lại kỳ vọng con bạn sẽ giỏi trong môn học nhân văn sau này? Và, lúc ấy bạn đổ hết lỗi lên nền giáo giáo điều!? (Buồn thay, mình từng biết có những vị quan chức, giáo sư, người nổi tiếng... nhưng vẫn không sửa tật nói ngọng - chuyện chỉ có ở xã hội VN mà thôi)

(****) Và, khi Tiếng Việt còn bập bẹ, ngọng nghịu, có nghĩa là tư duy ngôn ngữ của bé chưa được luyện tập để có độ thuần thục nhất định. Cấu trúc vòm họng, lưỡi và khả năng phát âm tiếng mẹ đẻ của bé còn chưa chuẩn mực (nhiều phần do cha mẹ không chú ý rèn luyện và làm gương), thế thì bạn nóng vội cho trẻ học thêm ngôn ngữ thứ hai để làm gì? Liệu có đem lại lợi ích gì như bạn kỳ vọng? Bạn hãy quan sát trẻ chơi. Chúng có thể lặp đi lặp lại một trò chơi rất lâu, mà bạn quan sát, bạn thấy nhàm chán, nhưng với trẻ, đó là cách để nó thuần thục một quan sát, một động tác, một nhận biết khách quan nó thấy thú vị. Học đối với trẻ dưới 4 tuổi phải được trẻ hấp thụ thông qua, theo cách một trò chơi. Và khi trò chơi "tiếng mẹ đẻ" chưa thuần thục, trẻ không có khả năng quan sát, hấp thụ một ngôn ngữ mới với nhiều rắc rối. 
Do đó, ngôn ngữ thứ hai cũng là một môn học có thể bắt đầu dưới dạng trò chơi từ sớm. Tuy nhiên, muốn vậy, cha mẹ phải nỗ lực giúp trẻ luyện tập để năng lực tiếng Việt gồm: vốn từ đã tương đối phong phú, cách biểu đạt, cách phát âm của trẻ đã khá chuẩn mực, giản dị chuyển tải thông điệp rõ ràng (với Minh Khuê là lúc cô bé 3 tuổi)... Lúc đó bạn có đủ điều kiện để cho trẻ làm quen ngôn ngữ thứ hai, dưới hình thức âm nhạc (bài hát), phim hoạt hình phụ đề tiếng Anh của hãng phim hoạt hình Walt Disney (60 phút/ngày chia làm 2 lần).

Đây là giai đoạn trẻ hứng thú và có khả năng thẩm âm rất nhậy cảm, cộng thêm sự hấp dẫn từ những hình tượng trong các bộ phim tuyệt vời Walt Disney.. khiến trẻ nhớ từ, học theo cách phát âm một cách chuẩn mực, sử dụng từ theo cách bắt chước tình huống nhân vật phim. ... vân vân. Xin thưa, không ai ở VN phát âm tiếng Anh chuẩn và mẫu mực như các diễn viên được W. D mời lồng tiếng cho những bộ phim hoạt hình tuyệt đỉnh của họ. Nghe và nói chuẩn là hai kỹ năng khó nhất và cần được thuần thục một cách tiềm thức như thế, như trẻ học mà chơi! Vậy thì, bạn có cần mang đứa trẻ mới hơn 30 tháng tuổi đến lớp để học tiếng Anh trong khi tiếng Việt của bé còn vô cùng non nớt! 
Đến đây, bạn đã tự có câu trả lời đẹp nhất cho bé yêu của mình!

(*****)Toán học cũng vậy, sự gợi ý cho trẻ một tư duy logic không đâu xa, thông qua những hoạt động sống, như: một đôi đũa gồm 2 chiếc đũa; hai đôi đũa sẽ gồm bao nhiêu chiếc? Ngôn ngữ cũng chính là toán học: thêm là cộng vào; bớt là trừ đi vân vân…

Thật buồn, khi ai đó tin tưởng mù quáng rằng, cứ đăng ký cho con học các lớp giáo dục sớm… thì chắc hẳn con bạn sẽ tài giỏi hơn… Đôi khi, mình chạnh nghĩ, phải chăng đấy là cách tư duy ngụy tạo cho một thái độ khước từ, chối bỏ trách nhiệm làm cha/mẹ một cách đầy đủ và toàn vẹn nhất.

Chạnh nghĩ, câu trả lời cho nguyên nhân, vì sao khi xã hội càng nhiều hơn, dư thừa hơn của cải vật chất, dư thừa hơn những sản phẩm dịch vụ tận răng… nhưng trẻ em lại có tỷ lệ nhiều hơn những cá thể tăng động, tự kỷ, yếu đuối tâm hồn, thiếu lành mạnh về sức khỏe thần kinh… vân vân.

Chạnh nghĩ, có thành tựu nào của con trẻ mà mà không được xây dựng trên nền tảng của sự nỗ lực bền bỉ, của một tuệ giác thường hằng để luôn có sự tươi mới, sáng suốt, thấu hiểu quy luật, của một tình yêu tràn đầy vô tư không điều kiện và sáng tạo của những bậc làm cha mẹ? Và, trên con đường nỗ lực ấy, bạn sẽ nhận ra chân giá trị của mình trong mỗi bước đường tự khám phá, hoàn thiện bản thân để nuôi dạy con cái. Hạnh phúc là thế, không gì nhiều và tràn đầy hơn!

DÂN GIAN VIỆT NAM CÓ CÂU THÀNH NGỮ HAY: “CÓ CÔNG MÀI SẮT CÓ NGÀY NÊN KIM” – Bạn hiểu rằng, ngụ ý của toàn bộ câu này là giá trị lớn lao của sự bền chí, kiên trì, liên tục để biến tiềm năng khả năng thành phẩm chất. Tuy nhiên, bạn phải đưa đến cho xã hội một “tiềm năng” là sắt thì mới hy vọng mài thành kim. Nếu bạn mang tới cho xã hội một thanh gỗ, thì dù bạn đưa nó vào lò luyện vàng… sẽ chẳng bao giờ mài thành kim được. Việc của bạn, của người làm cha mẹ thật khó khăn và vĩ đại, đó là bạn phải chủ động, tự nguyện dấn thân để bồi đắp cho đứa trẻ trở nên một cá thể có tiềm năng lành mạnh, cốt lõi như vậy, mới kỳ vọng khi nhận được nền giáo dục xã hội, nó sẽ phát triển tốt và lành mạnh hơn!

Chú thích ảnh: Con thân yêu! Bây giờ khi con đã trưởng thành, con hãy vững vàng tiến lên phía trước. Mẹ hạnh phúc bao nhiêu khi đã hoàn thành trọn vẹn 18 năm đồng hành bên con! Mẹ luôn ở đây, lúc nào cũng ở đây và mỉm cười nhìn con bước tới

Nguồn từ FB Hồ Thị Hải Âu


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 5
Total: 65205653

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July