Bần thần hương huệ thơm đêm
Khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn
|
"Liệu mai sau các con còn nhớ chăng?" |
Chân nhang lấm láp tro tàn
Xăm xăm bóng mẹ trần gian thưở nào
*
Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao đội đầu
Rối ren tay bí tay bầu
Váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa
*
Cái cò sung chát đào chua
Câu ca mẹ hát gió đưa về trời
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết được lời mẹ ru
*
Bao giờ cho tới mùa thu
Trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
Bao giờ cho tới tháng năm
Mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao
*
Ngân Hà chảy ngược trên cao
Quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm
Bờ ao đom đóm chập chờn
Trong leo lẻo những vui buồn xa xôi
*
Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
Bà ru mẹ mẹ ru con
Liệu mai sau các con còn nhớ chăng ?
*
Nhìn về quê mẹ xa xăm
Lòng ta chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm tấm lưỡi lừa cá xương
Từ xưa đến nay, hình ảnh người mẹ đã xuất hiện nhiều trong ca Việt Nam. Bởi người mẹ là hình ảnh thiêng liêng nhất trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Suốt cuộc đời người mẹ nhẫn nhục thầm lặng nuôi con cho đến khi nhắm mắt xuôi tay người mẹ vẫn cảm thấy mình chưa hết nợ. Và linh hồn của mẹ tình cảm của mẹ vẫn còn vĩnh hằng vẫn còn là ngọn lửa nồng nàn ấm áp trong mỗi đứa con.
Bài thơ "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" của nhà thơ Nguyễn Duy cảm xúc được viết từ gan ruột của anh. Nguyễn Duy là một nhà thơ có bút pháp tài hoa về thể thơ lục bát, âm hưởng phảng phất ca dao nhưng thi tứ thì luôn luôn mới. Bắt đầu tác giả diễn tả cho đọc giả được biết mẹ của anh từ một thế giới hư vô bước ra khi anh cung kính thắp hương cầu nguyện linh hồn mẹ, trước bàn thờ là mùi hương của hoa huệ một bông huệ tinh khiết như tâm hồn cao siêu của mẹ. Trong khói hương ấy lại khiến anh nhớ mẹ vô cùng .Bỗng nhiên dáng hình mẹ ,cuộc đời mẹ tái hiện lại trong lòng tác giả.
Thơ là một công trình khoa học được sáng tạo từ cảm xúc, thơ Nguyễn Duy thường vươn tới được tầm cao khoa học ấy chính là anh đã có trử lượng dồi dào cảm xúc được cấu thành từ cuộc sống, từ trực quan sinh động. Người mẹ trong thơ anh chính là người mẹ của bao nhiêu chàng trai cô gái khác ở một làng quê nông thôn nghèo. Người mẹ nông dân Việt Nam sống trong cảnh đất nước lầm than nên mẹ rất cơ hàn và lam lũ.
Ngày xưa " Yếm đào và nón quai thao " chính là cái thời trang người phụ nữ của nông thôn Việt Nam lúc đó. Yếm đào và nón quai thao là biểu tượng duyên dáng khiến cho nhiều chàng trai nhìn xốn xang và đắm đuối. Nhưng người mẹ của anh chỉ "nón mê thay nón quai thao đội đầu". Nón mê là là một thứ nón nón lá lâu ngày đã bị hư và rách, người ta thường dùng để đậy cà đậy nhút trên vại. Thế mà người mẹ anh vẫn đội. Nón mê thay nón quai thao đội đầu chính là mẹ đội tất cả gian khổ, cay đắng và bất hạnh trên đầu. Vì ai mà mẹ phải đội nón mê chính là vì gia đình vì cuộc sống của con của cháu "Rối ren tay bí tay bầu". Một thời mẹ anh sống là như thế này đây: "Váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa ". Khi đọc câu thơ này ta thấy Nguyễn Duy đã trở thành người chép sử (chép một tư liệu quý về phụ nữ nghèo nông thôn thôn thời đó mặc áo nâu sồng nhộm bằng củ nâu và ngâm lụa sồi dưới bùn). Nguyễn Duy không hề gợi cảnh gieo neo, tất bật mà người mẹ than vãn nhưng câu thơ vẫn khiến cho người đọc ứa nước mắt.
Nghèo đến thế lam lũ đến thế nhưng mẹ anh vẫn là hiện hữu của bà mẹ Việt Nam có một tài sản vô giá ,một nhân cách đẹp tuyệt trần. Chính mẹ anh là kho ca dao tục ngữ ,mẹ anh là cuốn sách dày về đạo lý để làm hành trang cho anh bước vào đời. Anh lớn lên từ lời ru của mẹ và mọi vật xung quanh của tuổi thơ ở quê hương là những kỷ niệm còn lưu giữ suốt cuộc đời nhà thơ. Những đêm thu trải chiếu "đếm sao trời". Những bờ ao "lập loè đom đóm" bay. Kỷ niệm ấy không chỉ riêng nhà thơ Nguyễn Duy mà là kỷ niệm của bao nhiêu người khác nữa.
Bài thơ này từ mở đầu đến kết thúc, ngôn ngữ không một chút cầu kỳ uốn lượn. Chân chất như ca dao, chân chất như tấm lòng bà mẹ: nón mê- áo nâu sồng -chân đất, vậy mà bao nhiêu người phải ngượng vọng ,ngưỡng vọng từng câu thơ chan chứa linh hồn mẹ. Bao nhiêu người hiểu thêm công đức to hơn trời biển của người mẹ "Sửa nuôi phần xác ,hát nuôi phần hồn "và tất cả chúng ta đều thấm thía người mẹ đó có được là từ bà. Bà ru mẹ -mẹ ru con. Nhịp cầu nối vô tận của bao bà mẹ Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác. Tứ thơ gây nên một sự đột biến cho đọc giả, một cảm giác mạnh buộc phải nhớ, buộc không ai có quyền xoá nhoà hình bóng mẹ bằng thủ pháp mượn lại hai câu ca dao cũ "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa. Miệng nhai cơm tấm lưỡi lừa cá xương". Để hiểu thêm sức chịu đựng tận cùng của bà mẹ, mẹ chẳng có gì cả hy sinh tất cả để trọn cuộc đời vì con.
PHAN THẾ CẢI
theo hà tĩnhonline
|