Nhà thơ Phạm Hồ Thu (Ảnh chụp 1997)
SA VĨ (*)
I.
Nơi bắt đầu hình hài Tổ quốc tôi – chữ S
Tôi lặng nhìn cát biển chiều nay
Gió mang mang thổi trên những hàng dương
Hoa sim nở một triền tím biếc
Những bãi cát mịn màng những cát
Biển vẫn xanh như màu biển tôi qua
Tại sao hòn đảo kia lại gọi đảo Chim Rơi,
núi Tổ Chim, hòn Lợn?
Tại sao đất trời chọn bãi cát hiền này làm
biên cương Tổ quốc?
Ngoài xa kia sóng thao thức cùng tôi…
II.
Cháu con những người đi mở đất kể tôi nghe
lịch sử cha ông
Họ đã đến đây từ những miền châu thổ
Đất lúc ấy chỉ rắn, mòng, quạ, đỉa
những bãi sú dọc ngang, những bãi sim cằn
Người ra đi hát thuộc câu ca:
“Lấy anh em biết ăn gì
Lộc sim thì chát lộc si thì già”…
Nhưng không thể nào rời bỏ đất mà đi
Không thể nào rời bỏ cát mà đi
Họ nhìn nhau – cắn răng ở lại
Đói thì xuống biển mò cua, bắt cá
Khát lên rừng ăn đọt măng mai…
Giặc đến làng thì làng dựng cung tên
Những người thuyền chài dùng mái chèo mà đánh
Máu đã đổ trên những làn cát trắng
Sa Vĩ còn đây – chữ S trọn hình hài…
III.
Trước Sa Vĩ, tôi bỗng nôn nao nhớ mẹ
Có gì liên quan giữa mẹ tôi và những
con ốc miền biên ải?
Có gì liên quan giữa mẹ tôi và những
bãi sú nâu, những gốc sim cằn
Miền biên cương - mẹ chưa đến một lần
Mẹ mải nuôi tôi – không nói nhiều về
tình yêu Tổ quốc
Nhưng ngày ấy, bên dòng sông Đuống
Mẹ đã ba lần tiễn các con đi
Tiễn con trai – vạt áo mẹ ướt đầm
Tôi con gái – cũng ra đi một sáng thu thầm
Mẹ đứng lặng tiễn tôi bên hàng chuối cổ
Mẹ nén khóc
Nhưng tôi biết khi bóng tôi xa khuất
Bảy ngày mẹ bỏ cơm, vạt áo lại ướt đầm....
IV.
Tôi vốc lên tay những hạt cát trắng ngần
Cát trắng thế mà bao máu xương đã đổ
Nước mắt mẹ từ tận miền Kinh Bắc
Cũng chảy về đây nhuộm cát trắng trong
Tôi bỗng hiểu vì sao tôi đã yêu những hòn
đảo kia với những cái tên Nôm
Đảo Chim Rơi, núi Tổ Chim, hòn Lợn...
Thêm một lần tôi khe khẽ kêu lên:
Tổ quốc là đất đai mang dáng hình của mẹ
Một tình yêu nguyên thủy
Những người đàn bà gìn giữ
Qua ngày, qua tháng, qua năm...
Biên giới Móng Cái (QN) tháng 7/2000
-------------------------
* Sa Vĩ: Còn gọi là Tràng Vĩ thuộc phường Trà Cổ, Móng Cái, vùng biên giới phía Đông Bắc, mũi đất đầu tiên trên bản đồ Việt Nam hình chữ S.
Theo Hoinhavanvn