Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 08/02/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Hương vị ngày Tết Hương vị ngày Tết , Người xứ Nghệ Kiev
 

(Baonghean) - Không biết từ bao giờ Tết Nguyên đán với những hương vị đặc trưng đã hình thành trong tâm thức của người Việt. Đó là hương vị của dưa hành, của bánh cà giòn tan, thơm phức của các bà, các chị ở xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) hay món giò thủ hảo hạng do bàn tay ngoại làm, chắt chiu trong đó cả tình yêu thương... Những món ngon đó góp phần làm cho hương vị tết quê đậm đà, nhắc nhớ những người con xa quê về sum họp…

Xã viên Hợp tác xã xóm 3 (Hưng Tân, Hưng Nguyên) làm bánh cà.                    Ảnh: P. Ngân

Xã viên Hợp tác xã xóm 3 (Hưng Tân, Hưng Nguyên) làm bánh cà. Ảnh: P. Ngân


Thảo thơm bánh cà Hưng Tân

Khi hoa đào hé nụ, đến với xã Hưng Tân (Hưng Nguyên), sẽ bắt gặp không khí tấp nập và rộn rã đón Xuân trong từng nhà, từng ngõ xóm. Các thế hệ ông bà, con cháu và bà con xóm giềng cùng nhau quây quần làm bánh cà, nấu rượu nếp. Mùi thơm bánh cà phảng phất từ đầu gõ đến cuối thôn.

Chị Nguyễn Thị Dung, Chi hội trưởng phụ nữ xóm 3 kiêm Chủ nhiệm Hợp tác xã bánh cà của xóm niềm nở đón và đãi khách bằng món bánh cà, rượu nếp do chính mình làm ra. Cắn một miếng bánh cà, giòn tan, thơm, bùi, óng ánh vàng ươm, rồi uống một ngụm nước chè xanh, cảm nhận mùa Xuân, sự sum họp đang đến rất gần. Chị Dung vui vẻ cho biết, với nguồn nguyên liệu sẵn có, Hưng Tân nổi tiếng với nghề truyền thống chế biến rượu nếp, bánh cà…

Không ai biết rõ bánh cà Hưng Tân xuất hiện từ lúc nào. Chỉ biết rằng đã từ rất lâu, gần Tết, phụ nữ Hưng Tân lại tự tay chuẩn bị cho gia đình thức quà quê đặc biệt này. Tết đến mọi người bắt đầu lo nguyên liệu làm bánh. Từ học sinh đến cụ già, thanh niên, phụ nữ đều xắn tay mỗi người một việc, làm theo kiểu dây chuyền, người đánh trứng, người nhào bột… cứ thế cho đến khi những hạt kẹo tròn vo nhỏ xinh đầy trên mâm. 

Cụ Hồ Thị Hòa, 74 tuổi, xóm 2, đang cùng con cháu làm bánh cà, trò chuyện rằng “thâm niên” làm bánh của cụ tính ngót gần bằng tuổi đời. Cụ nói mỗi lần làm bánh cà, cụ có cảm giác như mình đang gửi cái tình và hồn cốt người quê vào mỗi chiếc bánh. Tôi cười, bảo cụ nói sao văn vẻ thế, nhưng ngẫm mới thấy cụ nói đúng. Bởi bánh cà làm từ nguyên liệu chính là nếp lúa – hương đồng, ruộng làng, lại thêm trứng của con gà mái ghẹ nhảy ổ đầu hồi… Tất cả được bàn tay của người nông dân nhào nặn... theo cụ Hòa thì làm bánh cà không khó nhưng đòi hỏi khéo léo, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Bánh được làm từ 3 loại nguyên liệu chính: bột nếp, trứng gà và đường cát trắng. Có lẽ do kích cỡ mỗi viên bánh nhỏ xinh như quả cà pháo nên loại bánh này được người dân đặt tên là bánh cà. Để làm được một mẻ bánh cà ngon, giòn, tơi, sáng, đòi hỏi người làm phải trộn nguyên liệu đúng tỷ lệ, nhào thật nhuyễn, dẻo, ủ đủ thời gian. Trước khi làm bánh, gạo nếp phải đem xay thành bột thật mịn màng, sau đó pha theo tỷ lệ cứ 1 kg bột thì  8 - 10 quả trứng.  Viên bánh phải vo tròn đều tăm tắp thì khi rán bánh mới chín đều. Làm bánh cà phải thật tập trung, lúc ngào đường để bánh giòn, lên màu vàng, đường phủ không kết hạt quanh bánh, thì  phải giữ lửa đỏ đều. Bánh cà chất lượng là loại bánh khi ăn ta cảm nhận được cái đậm đà, thơm nồng dịu, cảm giác ăn mãi không biết chán. 

Để duy trì và phát triển nghề truyền thống, hàng năm vào mồng 3 Tết, xã đã tổ chức những cuộc thi làm bánh cà, mời khách đến tham dự. Qua cuộc thi nhằm tìm được người làm bánh giỏi, ngon và đặc biệt là tiếp thị kêu gọi đầu tư. Nhờ đó, đến nay, bánh cà Hưng Tân là địa chỉ tin cậy cho người tiêu dùng. Sau một thời gian quen thuộc, người dân đã truyền tai nhau về làng làm bánh cà dẻo thơm, chất lượng, có được những đơn đặt hàng của khách xa gần. Bánh cà Hưng Tân đã có mặt khắp trong Nam, ngoài Bắc. Đặc biệt, những ngày cuối năm, cả xóm nghề phải làm bánh suốt ngày để kịp giao hàng cho khách đặt trước. Bánh cà Hưng Tân cũng được đưa đến nhập cho các khách sạn, nhà hàng.

Ngày nay, trên thị trường, bánh kẹo làm sẵn vô cùng phong phú, mẫu mã bắt mắt, nhiều loại vừa ngon, vừa đẹp, tuy vậy món bánh cà vẫn có chỗ đứng riêng trong lòng người quê, làng quê - nơi sản sinh ra thức bánh thảo thơm tình thôn dã ấy. 

Nhớ Món giò thủ của ngoại

Chắc hẳn đối với mỗi người con xa quê, niềm khao khát lớn nhất trong những ngày cuối năm này là được trở về nhà đoàn tụ bên gia đình trong bữa cơm nhỏ ấm tình ngày Tết.  Ở quê tôi, dù cuộc sống còn thiếu thốn trăm bề, nhưng đến ngày Tết, nhà nào cũng cố gắng bày biện, mâm cơm thật đủ đầy, hấp dẫn và ngon mắt với những món ăn truyền thống như: cá bể kho mật, thịt gà lá chanh, thịt lợn kho tàu hay dưa hành muối… Nhưng tôi thích nhất là món giò thủ giản dị tự tay ngoại chế biến.

Nhớ khi xưa, cứ qua ngày 23 tháng Chạp tiễn ông Táo về trời, chiều hôm sau đã thấy ngoại lom khom trong chái bếp tất bật làm món giò thủ. Mớ tai lợn được ngoại rửa sạch bằng nước sôi pha chút muối rồi cho vào nồi cùng một ít gừng giã dập đem luộc trong liu riu lửa nhỏ. Tai lợn chín tới, ngoại đem thái thành những sợi mỏng dính trộn với mộc nhĩ xào, thính gạo rang, bột quế và một chút ít gia vị khác đã chuẩn bị sẵn đảo đều rồi gói lại thật chặt trong những tấm lá chuối xanh nõn như những chiếc bánh tét nhỏ. Mùa Xuân ở quê tôi, thời tiết hãy còn lạnh, chờ qua một đêm dài, những chiếc giò thủ xinh xắn đã đông lại, chắc nịch.

Mâm cơm Tết của gia đình tôi trở nên sung túc, phong phú hơn nhờ món giò thủ ngoại gói. Những miếng giò mịn màng thái lát nhỏ được xếp đều trên đĩa sứ trông thật hấp dẫn làm sao! Mấy ngày Tết, tôi ăn mãi giò thủ mà không biết chán. Gắp từng miếng giò mịn chấm tương ớt ăn kèm với chút rau thơm vườn nhà thì còn gì tuyệt bằng. Khi nhai, những âm thanh giòn giòn, sần sật vang lên trong miệng nghe rất thú vị. Hương vị giò thủ béo thơm, đậm đà vấn vương đầu lưỡi. Ngoại nhìn tôi ăn ngon lành với đôi mắt trìu mến. Ẩn chứa trong từng lát giò nhỏ ấy là tất cả sự tảo tần và tấm lòng thảo thơm của ngoại. Thương ngoại đã già, răng yếu không ăn được món giò tự tay mình chế biến, ngoại móm mém cười bảo: “Thấy các con, các cháu ăn ngon miệng, hợp khẩu vị là ngoại mừng rồi!”  Chợt khóe mắt tôi cay cay…

Rồi ngoại ra đi trong một ngày cuối xuân nắng ấm. Khi tôi vượt hơn hai nghìn cây số trở về thì ngoại đã mãi mãi nằm yên dưới sự bao bọc của đất cát quê hương. Còn nhớ, trước lúc tôi ra thành phố trọ học, ngoại ốm mấy ngày liền chưa khỏi. Nhưng khi tôi hỏi thì ngoại bịn rịn nắm bàn tay tôi và nhẹ nhàng nói: “Ngoại chỉ ốm vặt thôi. Con cứ yên tâm đi học. Tết con về, ngoại lại làm giò thủ cho con”. Vậy mà lời hứa ấy giờ đã hóa thành màu xanh trên cỏ…

Thấm thoắt đã gần 1 năm ngoại rời xa tôi. Hai mươi tám Tết, tôi trở về quê. Thôn xóm đang hân hoan đón Xuân, sao lồng ngực tôi nhói lên nghẹn thắt? Đặt chân lên từng ô gạch vuông nhuốm màu rêu cũ, tôi đưa mắt ngóng nhìn vào chái bếp mà bỗng thấy thèm một vòng ôm từ tay ngoại biết bao. Nhưng tất cả chỉ còn là hoài niệm. Chiều hôm ấy, tôi chở mẹ đi chợ phiên sắm Tết. Khi dạo qua hàng thịt, tôi thì thầm vào tai mẹ: “Mẹ ơi, mẹ nhớ mua thêm một cân tai lợn mẹ nhé.” Mẹ khẽ “ừ” mà khóe mắt hằn in nếp nhăn thời gian chợt ầng ậc nước. Tối về, lật lại từng trang ký ức năm nào, tôi bắt chước ngoại, cặm cụi làm giò thủ.

Đúng hôm tất niên, những chiếc giò thủ của tôi làm cũng đông lại chắc nịch như giò ngoại gói năm xưa. Cẩn thận thái giò thành từng miếng mỏng thật mỏng, tôi nâng niu đặt chúng vào chiếc đĩa sành tráng men xanh rồi bày lên bàn thờ ngoại: “Thưa ngoại, đây là món giò thủ con tự tay làm. Ngoại là người đầu tiên được thưởng thức đấy ạ. Nếu chưa vừa miệng, ngoại đừng chê con, ngoại nhé!” Bất chợt tôi thấy trong di ảnh, ngoại đang mỉm cười với tôi, nhân từ và phúc hậu…

Phạm Ngân - Phan Đức Lộc

Theo baonghean.vn:

http://baonghean.vn/xa-hoi/201502/huong-vi-ngay-tet-584675/


  Các Tin khác
  + THƠ HỒ SỸ TRÚC Xứ Nghệ trong tôi. (24/01/2025)
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 67005850

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July