Nhà thơ Phạm Tiến Duật
PHAN THẾ HẢI
Với tôi, nhà thơ Phạm Tiến Duật là một thần tượng một thời. Ông là cây đại thụ trong làng thơ ca, đặc biệt là thơ về chiến tranh. “Khói bom lên trời thành một cái vòng đen/Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng…. Có mất mát nào lớn bằng cái chết /Khăn tang vòng tròn như một số không…” Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa thấy có ai diễn đạt về nỗi đau của chiến tranh hay và xúc động như Phạm Tiến Duật.
Không chỉ viết về súng ống, lửa đạn, thơ anh viết về tình yêu cũng rất hay. “Hồng hồng gương mặt xinh quen/ Nón bài thơ- cái chao đèn của anh”… “…Em ở Thạch Kim, sao cứ đùa anh là Thạch Nhọn/Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón/Em đóng cọc dài quanh quanh hố bom/Cái miệng em ngoa cho bạn cười dòn…/Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để…
Một người làm thơ, để cho đời dăm câu thơ hay đã là quý lắm rồi, riêng với Phạm Tiến Duật, thơ anh có hàng ngàn câu buộc người đời phải nhớ. Dẫu đời sống có người yêu người ghét, có khen, có chê nhưng thơ của anh không ai có thể phủ nhận được.
Thế rồi, như định mệnh dun dủi, tôi cũng đã được gặp anh. Không chỉ gặp mà còn trở thành bạn tâm giao. Một ngày cuối tháng 3 năm 2 ngàn, khi những cơn gió mùa đông bắc lụi dần, nhường chỗ cho cái nắng vàng của tiết xuân. Hôm đó, nhà thơ Hoàng Trần Cương, Tổng biên tập tờ Thời báo Tài chính, trong một lần đặt bài viết đã mời tôi uống bia ở đường Trần Hưng Đạo.
Ngồi được một lúc, anh Cương rút máy điện thoại gọi cho Phạm Tiến Duật. Một lúc sau, anh Duật đến, hai nhà thơ trao đổi với nhau một vài câu chuyện trong giới thơ ca, liên quan đến giải thưởng giải thiếc gì đó. Tôi như người mộng du, nghe họ nói chuyện mà không hiểu mấy.
Vài lần sau có gặp Phạm Tiến Duật, anh vẫn nhớ mặt, nhưng không nhớ tên tôi. Đó cũng là chuyện bình thường. Với một người như anh, nổi tiếng, lắm bạn bè chẳng hơi đâu để nhớ đến một tay nhà báo không mấy đam mê văn chương.
Thế rồi, vào cuối năm 2001, tôi nhận được điện thoại của anh. Anh hẹn tôi cùng gặp nhau ở phố Tuệ Tĩnh, cùng với nhà thơ Hoàng Trần Cương để uống bia. Lý do là nhà thơ vừa mới đọc xong cuốn sách của tôi mới xuất bản lúc đó: “Đặng Tiểu Bình- Nhà cải cách kinh tế hàng đầu thế kỷ XX”. Theo anh, đọc xong, mới thấy vỡ ra nhiều điều và không thể không gặp tác giả.
Khi bia đã rót tràn ly, cùng nhau nâng lên uống cạn ly đầu, anh châm một điếu thuốc, rít liên tục mấy hơi rồi bắt đầu chậm rãi. Anh không nói về thơ ca như thường lệ mà bày tỏ những trăn trở của mình về hiện tình đất nước. Rằng đã đi nước ngoài, không thể vô cảm với cái nghèo, cái đói kéo dài của nước mình, rằng đâu là nguyên nhân để xứ ta chung sống lâu với cái đói, cái nghèo đến thế. Làm thế nào để thoát khỏi tình trạng đó….
Những băn khoăn đó, anh cho rằng, người ta có thể tìm được câu trả lời trong cuốn sách của tôi. Rồi anh giành cho tôi những lời khen thật hào phóng. Anh cho rằng, cuốn sách là một rừng thông tin từ cổ chí kim, từ đông sang tây, được bố cục một cách chặt chẽ, hợp lý. Dẫu có đọc thiên kinh vạn quyển nhưng không hiểu được, không hấp thụ được, không đúc rút đâu là cốt lõi của vấn đề đều không thể viết được.
Là người làm công tác đối ngoại cho Hội Nhà Văn, Anh cũng đã nhiều lần đi Trung Quốc và cũng là người đọc nhiều sách Trung Quốc, nhưng hiểu thế nào về nước này là điều không dễ. Anh cho rằng, TQ là một quốc gia đầy bí ẩn, cả về lịch sử, chính trị lẫn đường lối. Quan hệ Việt Nam- TQ có lịch sử hàng nghìn năm nhưng bao giờ vẫn có những điều không tiên lượng. Viết thế nào đúng mức về TQ, để người đọc hiểu TQ là một vấn đề hết sức khó.
Kiến thức văn học, hiểu biết đấy, thông tin đấy, nhưng không biết diễn đạt, không biết bố cục thì tác phẩm không thể tiêu hoá được… Cách trình bày của tác phẩm giản dị, trong sáng, dễ hiểu. Nói rồi, anh chỉ vào tôi: Mày phải vào Hội nhà văn.
Nghe ông nói vậy, tôi chỉ ậm ừ. Một điều duy nhất tôi hứa với anh là sẽ cộng tác bài vở với tạp chí Diễn đàn Văn Nghệ do anh làm Tổng biên tập. Mấy hôm sau, tôi ghé qua thăm anh tại văn phòng tạp chí 51 Trần Hưng Đạo. Đó vừa là nơi làm việc, vừa là nơi ở của anh. Thời kỳ này, chuyện gia đình của anh có nhiều trục trặc. Hai đứa con trai không mấy tu chí. Vợ đầu của anh bênh con nên hai người ly thân. Anh “cơm niêu nước lọ” sống luôn ở văn phòng.
Mở cửa vào phòng, ngoài sách vở là một số vỏ chai và vô số bao thuốc lá. Tôi bảo: anh hút nhiều thế, không tốt cho sức khoẻ. Anh bảo, nếu ai đó khuyên người ta bỏ thuốc thì vẫn chừa các nhà văn ra. Anh vừa nói vừa rút một điếu, châm lửa rồi rít liên tục. Ngay lúc đó, tôi đã linh cảm thấy một điều rằng, những vỏ bao kia chính là căn nguyên của căn bệnh ung thu phổi mà ông vướng phải mấy năm sau đó.
Theo lời động viên của anh, tôi gửi cho tạp chí một số truyện ngắn. Anh đọc cẩn thận, cho đăng rồi động viên tôi tiếp tục viết. Nhưng rồi, nghiệp viết như một trò chơi, nếu sa lầy vào đó thì khoảng trống trách nhiệm với gia đình, vợ con lấy gì để lấp đầy. Cũng vì mưu sinh mà bẵng đi một thời gian, tôi và anh không gặp nhau.
Khoảng cuối năm 2 lẻ bảy, được tin anh ốm, tôi vội rút máy gọi cho anh. Đầu dây bên kia, không nghe tiếng ông mà là tiếng chị Bình, bạn gái Nhà thơ. Tôi linh cảm thấy chuyện chẳng lành. Theo chỉ dẫn của chị Bình, tôi rủ Trần Tuấn đến bệnh viện Việt Xô thăm anh.
Đến nơi, chị Bình đón chúng tôi ở sân bệnh viện. Qua trao đổi, được biết, căn bệnh ung thư của anh đã ở vào giai đoạn cuối. Anh đang được chăm sóc đặt biệt ở tầng 4. Lên thăm anh, không còn là anh Duật trẻ trung, hồn nhiên châm thuốc, hào hứng đọc thơ như vẫn thường thấy. Thay vào đó là một thân hình da bọc xương nằm bất động với vô số ống thở, ống truyền dịch. Biết có người thân đến thăm, anh đưa mắt rồi khẽ gật đầu.
Không lâu sau đó, anh qua đời, để lại nỗi tiếc thương vô hạn của những người yêu thơ. Bạn bè, thân hữu cũng đã kịp xuất bản Tuyển tập thơ Phạm Tiến Duật. Trong đám tang anh, tôi nhớ có lần, ngồi uống riệu với Phạm Tiến Duật ở Câu lạc bộ Thanh biên cạnh hồ Ơ le, anh nói đại ý: vẫn biết rằng, rượu và thuốc lá sẽ làm cho tuổi đời ngắn lại, nhưng đã là nhà thơ, thì phải thoả chí tang bồng.
Căn bệnh ung thư quái ác đã hành hạ anh trong những ngày cuối đời, nhưng, mấy ai dám sống và dám cháy hết mình như Phạm Tiến Duật. Phải chăng, để có những vần thơ được người đời nhớ đến, Phạm Tiến Duật đã cháy hết mình, dẫu biết rằng, phía trước là những hiểm hoạ đang rình rập. Xin được giới thiệu một vài bài thơ của anh mà tôi nhớ.
Trường Sơn đông, Trường Sơn tây
Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Ðường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Ðông nhớ Trường Sơn Tây.
Một dãy núi mà hai màu mây
Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác
Như anh với em, như Nam với Bắc
Như Ðông với Tây một dải rừng liền.
Trường Sơn tây anh đi, thương em
Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo
Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
Rau hết rồi, em có lấy măng không.
Em thương anh bên tây mùa đông
Nước khe cạn bướm bay lèn đá
Biết lòng Anh say miền đất lạ
Chắc em lo đường chắn bom thù
Anh lên xe, trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua tan nỗi nhớ
Em xuống núi nắng về rực rỡ
Cái nhành cây gạt nỗi riêng tư.
Ðông sang tây không phải đường như
Ðường chuyển đạn và đường chuyển gạo
Ðông Trường Sơn, cô gái “ba sẵng sàng” xanh áo
Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh.
Từ nơi em gửi đến nơi anh
Những đoàn quân, trùng trùng ra trận
Như tình yêu nối lời vô tận
Ðông Trường Sơn, nối tây Trường Sơn.
Vòng trắng
Khói bom lên trời thành một cái vòng đen
Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn tôi đi trong im lặng
Cái im lặng bình thường đêm sau chiến tranh.
Có mất mát nào lớn bằng cái chết
Khăn tang vòng tròn như một số không
Nhưng bạn ơi, ở bên trong vòng trắng
Là cái đầu bốc lửa ở bên trong
Theo Nguyễn Trọng Tạo
|