Có lẽ không ai yêu thích nghệ thuật thư pháp ở Hải Phòng lại không biết nhà thư pháp Lê Ðức Ðôn. Ông sinh năm 1938, trong gia đình nho học thôn Tư Sinh, xã Hợp Ðức, huyện Kiến Thụy. Hai cụ thân sinh ra ông đều biết chữ nho, nên từ nhỏ ông đã được bố dạy chữ cho. Do sáng dạ, nên chỉ vài năm học, Ðôn đã đọc được từ đầu đến cuối hai quyển sách chữ nho: "Sự học vấn tâm" và "Minh đạo giáo huấn", đến khi học sang quyển "Thái công gia huấn" thì cụ thân sinh ra Lê Ðức Ðôn qua đời.
Bẵng đi thời gian dài ông Ðôn không có điều kiện quay lại với chữ nho. Mãi sau khi thống nhất đất nước, ông mới lại có dịp tiếp xúc với chữ Hán và theo đuổi ước mơ xưa. Nhưng lần này thì ông đi bằng con đường tự học. Một người quen từ miền nam ra mang cho một số sách có in cả phần chữ Hán, chữ Việt như "Tam thiên tự", "Ngũ thiên tự"; thế là ngày đi làm thợ cắt may quần áo ở Công ty bông vải sợi Hải Phòng, tối về ông lại mày mò đọc từng chữ và cố gắng nhập tâm, rồi sau đó viết ra giấy. Rồi tình cờ có anh bạn đến chơi, biết ông thích chữ Hán, đã về nhà lấy cuốn "Nhật ký trong tù" của Bác Hồ, có in cả phần chữ Hán, chữ Việt, mang đến tặng ông Ðôn.
Lần này thì ông Ðôn không chỉ cặm cụi đọc, mà còn chăm chỉ luyện viết chữ; nhiều đêm mất điện, ông đốt đèn dầu lên giường buông màn ngồi luyện viết chữ Hán theo bản "Nhật ký trong tù". Vì ông coi "Nhật ký trong tù" của Bác Hồ, phần chữ Hán, như một chuẩn ngữ. Hôm nào cũng vậy, ngày đi làm, tối về ông Ðôn lại cặm cụi viết hết các bài thơ Bác Hồ làm bằng chữ Hán trong tập "Nhật ký trong tù", mỗi bài viết đẫy một trang vở, viết đi viết lại tới ba lần. Cứ thế, từ 1990 đến 1995, ông mới luyện chép xong toàn bộ phần thơ chữ Hán của Bác Hồ từ "Nhật ký trong tù".
Cũng suốt 5 năm ấy, ông vừa luyện viết theo mẫu chữ của Bác Hồ, vừa tập trung suy ngẫm để hiểu từng chữ, từng câu trong mỗi bài thơ ở "Nhật ký trong tù". Qua đó, ông càng hiểu sâu hơn tâm hồn và đạo đức của lãnh tụ vĩ đại, nhà thơ lớn Hồ Chí Minh. Từ cách hiểu của ông khi luyện chữ qua thơ Bác Hồ, ông cũng muốn làm thế nào để mọi người được đến với thơ Bác, được đọc thơ Bác mỗi khi có dịp, như hội hè, triển lãm hay hoạt động văn hóa cộng đồng.
Do yêu thích và trân trọng các bài thơ của nhà thơ lớn Hồ Chí Minh, ông Ðôn luôn có ý thức sưu tầm thơ Bác. Hiện nay tủ sách của ông có tới gần chục tập thơ của Bác Hồ in ở nhiều thời điểm khác nhau; ấy là chưa kể hàng trăm bài thơ, câu thơ và những tấm ảnh về Bác Hồ đăng trên báo chí mà ông cắt lưu, từ năm 1960 đến nay. Hôm tôi đến nhà, ông bê ra cái hộp to, mở ra toàn ảnh Bác Hồ, tất cả gần 500 tấm. Ðấy chính là nguồn tư liệu quý để ông hình thành những bức thư pháp trang trọng và khoáng đạt thể hiện thơ chúc Tết của Bác Hồ.
Quá trình viết thư pháp toàn bộ 21 bài thơ chúc Tết, mừng Xuân của Bác Hồ từ Tết Bính Tuất 1946 đến Tết Kỷ Dậu 1969 (Theo "Thơ chúc của Tết của Bác Hồ" - TS Trần Viết Hoàn, Nxb Chính trị quốc gia - 2005, ba Tết: Ất Mùi 1955, Ðinh Dậu 1957, Mậu Tuất 1958, Bác Hồ có thư chúc Tết chứ không có bài thơ riêng) là cả một công việc đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì, từ lùng mua mực tốt, giấy mầu sơn đến chọn ngày nắng ráo, để khi viết bút không dính, mực nhanh khô... Khó thế, nhưng cứ nhớ tới câu nói của Bác Hồ mà ông mới thể hiện trên một bức thư pháp mấy tháng trước "Ðào núi và lấp biển, quyết chí cũng làm nên", ông Ðôn lại tìm cách thể hiện bằng được ý tưởng nghệ thuật của mình.
Khi lùng mua được giấy mầu sơn với hai loại đỏ, vàng, loại giấy viết thư pháp treo khá sang trọng, và mực tàu dính, có thể để vài chục năm chữ cũng không phai, ông Ðôn dành thời gian ngồi sắp xếp những bài thơ dài, ngắn để từ đó phân dòng sao cho đều, tính cỡ chữ sao cho vừa dung lượng, để khi viết xong mỗi bức lại có nét riêng, dẫu đều là mực đen trên giấy đỏ, vàng và khuôn khổ đều giống nhau. Cứ cần mẫn và chăm chỉ như thế, hàng mấy tháng trời ông Ðôn mới hoàn thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo: 21 bức thư pháp thơ Bác Hồ chúc Tết, mừng Xuân trên khổ giấy 0,6 x 0,8 m.
Không chỉ viết trên giấy, ông Ðôn còn ra hiệu chuyên làm khung tranh ảnh thuê đóng 21 tấm khung, mỗi tấm có kích thước 0,8 x 1 m. Và niềm vui lớn là đúng dịp mừng Xuân dân tộc, mừng Ðảng quang vinh mồng 3 tháng 2 năm 2011, bộ thư pháp thể hiện toàn bộ 21 bài thơ chúc Tết của Bác Hồ, một kiệt tác nghệ thuật thư pháp - thơ, mà có lẽ ở nước ta cho đến nay chưa ai làm, đã được trưng bày trang trọng tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Tiệp (Hải Phòng) hàng tháng trời, thu hút rất đông người xem.
Cùng với bộ thư pháp - thơ đóng khung gỗ, ông Ðôn còn viết thơ chúc Tết của Bác Hồ trên giấy điệp, tráng kim tuyến vàng, khổ 0,3 x 0,9 m, cũng 21 bức, dạng câu đối, cách bố cục gần giống bộ thư pháp - thơ đóng khung. Trên bức thư pháp nào, dù đóng khung hay dạng câu đối, ông cũng phô-tô từ sách báo ra bài thơ chúc Tết của Bác Hồ, rồi cặm cụi đính vào bên trái cuối mỗi bức thư pháp, để mọi người khi xem thư pháp cũng có thể đọc cả bài thơ một cách dễ dàng. Ðó cũng là cách nhà thư pháp Lê Ðức Ðôn thực hiện mong ước của mình: đưa thơ Bác Hồ đến với công chúng, để qua thơ, mọi người có thể hiểu sâu sắc hơn tâm hồn và đạo đức của lãnh tụ vĩ đại, nhà thơ lớn Hồ Chí Minh.
CAO NĂM - theo nhandan.com.vn