Cây đàn bằng khúc tre bương như hóa lũa gỗ, chắc đanh lại với thời gian. Không biết cây đàn mộc mệch đã nối, đã chuốt bao nhiêu lần dây đàn lúc bằng sợi cước, lúc bằng sợi dây phanh xe đạp… mà tiếng đàn vẫn rung động đêm khuya? Ngón tay ông cụ run run gẩy vào sợi dây, thổn thức, ngân nga từng tiếng Tình tính tang là tang tính tình…Cô mình rằng ấy anh chàng ơi…
Một nhà sáu miệng ăn chứ ít ỏi gì đâu. Sông biển mênh mông, muốn vớt của cải lên phải có thuyền to lái lớn!... Ông Trà bàn với bà Thâu như vậy. Sau bao năm trời bồng bênh kiếm sống bằng nghề lưới dụi ven sông Chanh, vợ chồng ông quyết định bỏ chiếc thuyền nan, sắm một con thuyền gỗ lớn chuyên đánh chã ván ngoài khơi Cát Hải, Cát Bà, ra tận Cô Tô… Cuộc sống khá giả dần lên. Mải mê ngoài rừng bãi, miệt sóng, thỉnh thoảng kỳ nước kém, ông bà mới về đáo qua nhà thăm bọn trẻ, dặn dò chúng vài lời rồi lại vác chèo quẩy lưới ra đi. Ông Trà vẫn không quên bảo đám con trai:
-Anh em ở chung một nhà, cấm chúng bay không được cãi nhau, không được dể em Thấm để bố mẹ còn yên tâm kiếm gạo… Bà Thâu cũng nhỏ nhẻ dặn đứa con gái:
-Thấm này! Con gái con lứa lớn rồi, phải thức khuya dậy sớm, siêng năng tập ăn tập làm, giúp các anh cơm nước, chợ búa, giặt giũ rồi dọn nhà dọn cửa. Tắm phải nhìn trước ngó sau, che chắn cho kín đáo. Không được sang nhà hàng xóm đêm hôm…
Chuyến ấy, vào mùa rộ cá tôm, mấy kỳ nước kém trôi qua, ông bà mới lại lên bờ về nhà. Đang ngồi nói chuyện tỉ tê với con gái, chợt bà Thâu phát hiện thấy cái Thấm chốc chốc lại chạy ra ngoài sau hè. Lấy làm lạ, bà nghiêm giọng hỏi:
-Thấm! Sao lại hay nôn ọe thế? Trong người thế nào?
-Nôn nao, chóng mặt mẹ ạ!
-Thôi chết rồi! Hay mày có chửa? Vào đây mẹ hỏi.
Bà kéo con bé vào buồng, hốt hoảng sờ nắn khắp người:
-Cái cổ nổi gân xanh ngắt lên rồi! Con phải nói thật! Đứa nào ngủ với con?
-Anh Đường anh ấy đè con ở đống rơm nhà bếp… làm con tê liệt cả người…
-Thôi chết mẹ rồi, Thấm ơi! Giời ơi là giời! Ai lại thế này, anh em ngủ với nhau! Bà quệt mồ hôi vã ra trên trán: Biết ngay mà… Lửa gần rơm. Anh trai em gái ở cạnh nhau… Khốn nạn rồi Thấm ơi! …
-Nhưng mà anh ấy thích con. Con cũng thích anh ấy! Thích lắm mẹ à…
-Tiên sư bố chúng mày! Mới mười sáu mười bẩy tuổi đời. Thích… thích mà chết à? Bà ấn Thấm ngồi xuống giường, đay nghiến: Ở nhà kể chuyện với hát hò cho lắm vào… Con gái vô duyên… không biết giữ mình giữ mẩy…
-Nhưng anh ấy cứ đòi…
-Thì phải bỏ chạy chứ! Làm sao bây giờ? Con ơi là con ơi…
-Mẹ còn chết vì tiếng đàn bầu nữa là… Đột nhiên con bé làu bàu làm bà Thâu ớ người:
-Tao khác! Mày khác! Làm sao bây giờ? Hả giời?
-Thì đằng nào thầy với ví cũng là thầy ví của chúng con…
Ông Trà biết chuyện, cũng sững lại. Thằng Đường giỏi thật! Vắng chúa nhà gà mọc đuôi tôm! Rồi ông tặc miệng: Thôi! Dê dê về nhà cái. Cá chung ao đi đâu mà thiệt! Tôi chăm con bà bà chăm con tôi… Ngẫm nghĩ vậy, ông chỉ cười cười rồi bảo bà Thâu: -Bà ơi! Một cây hai mạch. Khác họ khác máu. Chuyện đã trót. Nước đổ thôi đành. Đội cũng vào chợ, gánh cũng vào chợ. Ta cho chúng nó lấy nhau càng ấm chỗ nằm! Chả ảnh hưởng gì! Chả vơi bát cơm con cá nào ra ngoài…
-Không được! Ông chỉ cái khéo nói, dẻo tay dẻo mồm… Thiên hạ họ chửi cho…
-Không dẻo thì làm sao tôi có được bà? Với lại… Thiên hạ cũng chỉ trong cái làng chài nhỏ như cái xẻo bướm. Kệ họ!
-Tại cái đàn bầu… chứ ngữ như ông… đây chả thèm!
-Chả thèm mà hồi ấy đêm nào bà cũng sát sàn sạt, tưởng cháy cả mạn thuyền…
-Nỡm. Chỉ khéo…
Hồi ấy… Đêm khuya. Vòm trời đầy sao lấp láy. Dòng sông phẳng lặng như tờ. Sóng róc rách vỗ nhẹ mạn thuyền nan. Sông nước mênh mang quá. Buồn nẫu ruột. Ông Trà bèn lấy chiếc đàn bầu làm bằng mõ tre giấu trong góc mui thuyền ra gẩy. Tiếng độc huyền ngân lên, từng giọt theo nhau buông trên mặt sông đêm. Tiếng đàn gợi nhớ những cánh cò chấp chới, để đàn con trong tổ, bay tới những miệt bãi, đồng xa lặn lội kiếm mồi. Thả hồn vào cây đàn, thỉnh thoảng ông Trà lại khe khẽ hát mấy câu lúc rõ lúc mờ: Tình tính tang tang tính tình…Con cò bay lả bay la… Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng… Chân trời ruộng lúa mênh mông… Cò bay mỏi cánh mà không thấy bờ… Tình tính tang tang tính tình…
Tiếng sóng đều đặn dưới mạn thuyền nan như nhịp đệm cung trầm nâng tiếng đàn them thánh thót, ngân xa. Đã mấy năm nay, ông Trà phải cam chịu cảnh gà trống nuôi con bao nỗi khó khăn. Vợ mất vì một lần tai nạn thuyền đắm, do một chiếc xà lan chở dằm than đâm vào, bỏ lại cho ông ba đứa con trai, đứa lớn lên mười, đứa bé lên sáu. Ông phải để chúng ở nhà, ra các ngả sông quăng chài thả lưới. Thỉnh thoảng kỳ nước kém ông mới chèo thuyền về mua gạo mua rau cho chúng. Bọn trẻ quấn túm lấy nhau như đám chó cúc dưới túp lều tranh. Trời sinh voi trời sinh cỏ, có gì ăn nấy, bữa đực bữa cái mà chúng lớn nhanh như thổi, chả ốm đau gì…
Đang miên man trong dòng nghĩ ngợi, thả lời hát dân dã theo cùng giai điệu cung đàn, bỗng mạn thuyền có tiếng va đánh khựng. Ông gật thót mình, nhìn ra. Đôi mắt lấp lánh trong vành khăn đen che kín mặt của một người đàn bà trẻ đã sát ngay cạnh thuyền: -Này! Cái nhà anh kia có quẳng chiếc đàn chết tiệt đi không, để cho xóm chài người ta còn ngủ chứ!
-Ôi! Làm tôi hết cả hồn vía!
-Mỗi thế mà cũng… hết hồn hết vía. Anh chớp hết… cả hồn… người ta thì có! Giọng người đàn bà ấm ới trong vành khăn.
-Tôi gẩy tôi nghe cho đỡ buồn. Động chạm gì đến cô?
-Ở đâu phải gió lại đem đàn bầu tới khúc sông này mà gẩy. Làm người ta không sao chợp mắt được… Buồn quá… nên chèo đến đây nghe…
-Có hay không? Sao không nhắm mắt lại mà ngủ?
-Hay! Ai chả biết! Mắt nhắm… bụng vẫn bổn thển…
-Cô ở đâu ta?
-Gần ngay trong bờ, bên kia sông đây thôi! Sao anh lại hay gẩy đàn? Đi lại cũng chỉ tình tính tang…
-Làm lụng cả ngày vất vả, lấy tiếng đàn làm khuây… Với lại nhớ vợ thì gẩy… cho cô ấy nghe…
-Chị ấy ở nhà cũng nghe được cơ à? Người đàn bà thật thà hỏi.
-Nghe được chứ! Bà ấy đang ngồi trên các vì sao kia để nghe…
-Cuội! Anh nói gì tôi không hiểu? Sao lại ngồi trên các vì sao?
Ông Trà lặng đi một lúc. Đôi mắt rơm rớm. Định gẩy một đoạn nữa, nhưng ông chợt buột miệng: -Bà ấy nhà tôi đã bỏ bố con tôi mà ra đi… Không bao giờ về nữa…
-Theo giai à?
-Không! Cô đừng có mà nghĩ bậy bạ! Về giời…
-Ôi! Em xin lỗi…
Từ đấy, vẫn cứ đêm đêm sau buổi ra khơi, về mé góc rừng này đậu tạm, ông Trà lại bỏ đàn bầu ra chơi. Trong ánh leo lét của cây đèn dầu hỏa, hoặc dưới ánh sáng những đêm trăng, chả nhìn thấy rõ dây đàn đâu mà ông vẫn gẩy từng tiếng, từng giọt lăn tròn vào không gian. Vào những đêm hiu hiu gió, tiếng đàn càng ngân xa như bỏ bùa mê. Và người nghe sát gần, không ai khác, lại là người đàn bà tên Thâu chèo thuyền đến bên cạnh, lặng yên. Đâm quen, cô gác mái chèo, lấy dây buộc luôn mạn thuyền mình áp vào mạn thuyền ông Trà. Như sợ nghe chưa đủ, chưa rõ, nhiều lần cô còn đánh bạo bước sang thuyền ông cùng ngồi, quay mặt ra sông. Mắt Thâu nhìn xa xăm vào màn đêm thăm thẳm. Cảnh Thâu cũng chẳng khác gì Trà. Chồng Thâu chết sau một trận bão khi đang vít dây lèo buồm, gió đập cánh buồm đánh ngã lộn xuống sông. Mấy ngày sau mới tìm thấy xác trôi dạt vào mé bãi Trương Lửa. Anh để lại cho Thâu một đứa con gái lên sáu. Bơ bải mất mấy năm trời, Thâu chẳng thiết làm ăn gì.
Thâu gửi con chỗ bà ngoại rồi cũng lênh đênh một chiếc thuyền nan đi mua hàng bỏ mối cho các thuyền bè trên sông. Cả ngày không ngớt tay chèo, hai vai Thâu mỏi rã rời. Chị thường đưa thuyền về bến đầu khúc sông Cống Mương neo đậu. Một hôm, trăng thượng tuần đã mọc đầu sông, chờ niêu cơm trên khuôn bếp đang sôi, Thâu ngủ quên lúc nào không biết. Chợt mùi cơm cháy xộc vào mũi, cũng là lúc có tiếng đàn đâu đó ngân nga trong đêm vắng vọng tới. Thâu vột dậy. Nồi cơm đã cháy nửa vàng nửa xém đen. Tiếng đàn theo gió đưa đến, thánh thót. Đàn bầu. tiếng đàn bầu! Ai gẩy mà khéo thế? Từng giọt âm thanh như càng rõ hơn khi ánh trăng lặn xuống phía ngọn con sông Chanh giáp với sông cái Bạch Đằng. Tình tính tang là tang tính tình/ Ới cô mình rằng… ấy anh chàng ơi… Tiếng đàn như khơi như gợi, như rốn nước ngầm xoáy vào lòng Thâu. Không biết ai tự dưng lại đến khúc sông này mà gẩy đàn bầu? Có dở hơi không đấy?
Như trêu ngươi, liền mấy đêm sau, cứ lúc mảnh trăng bắt đầu đầy dần trên vòm trời, tiếng đàn bầu lại từ cửa sông theo gió bay tới bến sông nơi thuyền Thâu đang đỗ. Tiếng đàn tưởng vu vơ trong không gian sông nước mênh mông mà sao nó lại gieo thành ngấn vào cái bến này? Tiếng đàn như có mắt, rót đâu không rót lại rót xuống đúng đáy lòng Thâu. Tiếng đàn trong đêm, nó thành tiếng kim tiếng sắt cứa vào ruột gan Thâu. Và lại tiếp, sau một ngày mệt nhọc, gác mái chèo, nổi lửa, vừa xong bữa cơm, Thâu lại tự dưng chờ đợi… Đằng kia, giọt đàn đầu tiên đã như không hẹn mà ngân lên, khiến cô càng rạo rực, buồn da diết…
-Này! Nghĩ gì mà ngẩn tò te ra thế? Nhớ chồng à? Trà ngừng tay gẩy đàn, véo vào đùi Thâu một cái.
-Khỉ gió cái nhà anh này! Tự dưng đem đàn bầu đến đây mà gẩy, làm người ta não nuột từng khúc ruột…
Thỉnh thoảng có mấy chiếc thuyền chèo qua. Thấy người đàn bà trẻ ngồi bên người đàn ông gẩy đàn, họ dấm dẳn buông lời: Đàn bầu tiếng tịch tiếng tè. Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu…Đàn bầu chỉ có một dây. Ai mà nghe nó có ngày tọ bung… Đám thuyền chài lại nói đổng trong gió: Này! Đang gẩy, sao nó lại tắt ngấm? Khéo phen này chiếc thuyền cũng đắm mất thôi! Mình nghe còn chết mệt chứ nói gì lòng dạ đàn bà con gái!
Thế rồi hai người lấy nhau, chỉ có “ông Sông bà Nước” biết và chứng giám cho cuộc tình trong chiếc thuyền nan nhỏ bé.
Đêm đêm, trước khi nằm bên người vợ trẻ, ông Trà vẫn không quên đem cây đàn bầu ra gẩy. Xóm chài được dịp kháo nhau: Đúng là làm thân con gái chớ nghe đàn bầu! Tưởng các cụ ngày xưa chỉ bóng gió. Ai ngờ làng chài mình… đùa mà hóa thật các ông các bà nhỉ! Đấy!
Như đệm theo những lời đưa đẩy, tiếng đàn bầu lại thánh thót: Con cò mày đi ăn đêm…Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao… Ông ơi ông vớt tôi nao… Tôi có lòng nào ông sẽ xáo măng… Có xáo thì xáo nước trong…
Để một thể thuận hòa nuôi nấng, chăm sóc đám trẻ “con anh con tôi”, hai người cùng hùn vốn mua đất cất dựng một căn nhà tranh với gian bếp, sắm thêm chum vại, mâm bát rồi đưa chúng về thổi cơm chung. Gọi cả bọn trẻ đến trước mặt, ông Trà giảng giải: Từ nay cô Thâu là mẹ các con. Tuy mẹ gà con vịt, nhưng các con là anh em một nhà. Thằng Đường lớn tuổi nhất là anh, sau đến thằng Diễn. Thằng Thành với con Thấm đồng niên. Nhưng con Thấm đẻ sau một tháng, nên con Thấm làm em út. Anh em phải thương yêu nhau, nhất là phải quý đứa em út. Ai nói mặc ai. Cứ bụng chí rốn…
Ban đầu còn lạ, ba thằng con trai một góc, mình đứa con gái một góc. Chả bên nào chơi với bên nào. Dăm bữa nửa tháng, chúng mới lân la làm quen. Về sau, biết là hai bố mẹ lấy nhau, chúng mới nhận nhau làm anh em. Từ đó chúng bắt đầu quấn quít bên nhau. Tự dưng ba anh em trai trùng trục có thêm một đứa em gái nồi cơm ấm nước, quét nhà quét sân, nên đứa nào cùng chiều chuộng Thấm, nhường nhịn đủ điều. Tuổi thơ với những trò chơi thả diều, bịt mắt bắt dê, chồng nụ chồng hoa, nhảy cò nhảy dây… cứ thế trôi đi, theo vầng trăng khi tròn lại khuyết, theo con nước lúc vơi lại đầy. Chúng vô tư như bầy gà bầy vịt cùng bố cùng mẹ ấp ra, cùng nằm một ổ…
Thế rồi! Vâng! Thế rồi… Anh Đường, con lớn ông Trà ngày một phổng phao, cao ráo. Tiếng ồm ồm như tiếng vịt bầu. Được học đến cấp ba, nên anh có rất nhiều chuyện cổ tích và nhiều bài hát hát cho các em nghe. Nhất là cái Thấm thích nghe anh kể chuyện và hát lắm. Anh hát chèo, hát trống quân, hát nhạc vàng và cả hát cải lương, nghe mùi mẫn đáo để. Tối nào Thấm cũng bắt anh kể chuyện và hát một hai bài mới chịu về chỗ đi ngủ …
Theo gió cửa sông thổi về, mùa xuân nối tiếp mùa xuân. Tiếng trống hội làng thúc giục đây đó. Từng lớp con trai con gái cũng theo nhịp điệu cuộc sống làng quê mà lớn lên. Cô bé Thấm cũng nở nang lúc nào không biết. Khuôn ngực có hai núm trái cau dính vào làn áo, rồi nổi phồng, tròn trặn. Mái tóc như dòng suối chảy dài dần, tha thướt nhún nhẩy theo dáng đi. Thấy anh Đường hay nhìn trộm ngực mình, Thấm thẹn thùng, nóng ran cả mặt mũi, bỏ chạy ra sau hè. Những lúc không có ai, soi xuống chum nước, Thấm thấy rõ ràng gương mặt hồng hào một cô gái trắng trẻo, xinh tươi
-Bà cũng phải nghĩ cái thai, đứa trẻ nó vô tội… Ông Trà lại nhẩn nha từng lời như từng khúc đàn bầu rót vào đêm khuya thuyết phục bà Thâu.
Đến nước này bà cũng chẳng nói được câu nào nữa! Còn biết nói gì nữa khi cái bụng con Thấm ngày qua ngày cứ nhủm dần lên!
Từ đấy, ngoài chợ, mấy con mẹ phản thịt, hàng cá chuyên ngồi lê mách lẻo lại được dịp râm ran: “Thầy tớ lại lấy ví ngươi. Tớ lại lấy người, bốn đứa lấy nhau…”
Bọn trẻ con hễ thấy bóng Thấm, lại nâng đoạn tre chăng sợi dây chuối làm bộ chiếc đàn bầu, tay gẩy mồm hát nghêu ngao: Tình tính tang là tang tính tình…Con tớ lại lấy con mình... Bởi chăng mình tớ tang tình bến sông…Con bà lại lấy con ông… Mía quê đôi cụm cùng trồng một nong… Tình tính tang là tang tính tình... Ới cô mình rằng… ấy anh chàng ơi… Rằng ta cố…
Hát thì hát. Cười thì cười. Cười hở mười cái răng. Đố người cười đủ ba năm. Cuộc sống trong làng vẫn cứ đi lên. Dưới mái nhà nhỏ và chiếc thuyền chã ván, cái gia đình “Thầy tớ lại lấy ví ngươi” ấy vẫn kế tục sinh sôi thành một tế bào làng. Ngọn lửa vẫn nhen cháy thổi chín những bữa cơm trong vuông bếp con thuyền gỗ và ngôi nhà ấm áp ven sông. Tuổi già, không lênh đênh sông nước nữa, ông bà Trà chuyển con thuyền chã ván cho vợ chồng anh Đường ra ở riêng. Đôi chim đã đến ngày đủ lông đủ cánh bay ra ràng trên biển. Có thế chúng nó mới tự làm tự giữ được cái tổ ấm của mình!
Vợ chồng anh Đường tiếp tục ra khơi. Hai người con trai kia cũng học hành, đỗ đạt và công tác ở cơ quan xí nghiệp ngoài mỏ than. Đám cháu như bầy chim thỉnh thoảng lại về thăm căn nhà nguồn cội. Tiếng nói tiếng cười rối rít cả bến sông.
Tháng năm theo bao mùa trăng cùng những con nước xổ nước kém. Nhớ sông nhớ sóng, nhớ thuở hàn vi, đêm đêm, ông cụ Trà lại đem cây đàn bầu cũ kỹ, nhẵn bóng mồ hôi ra gẩy. Cây đàn bằng khúc tre bương như hóa lũa gỗ, chắc đanh lại với thời gian. Không biết cây đàn mộc mệch đã nối, đã chuốt bao nhiêu lần dây đàn lúc bằng sợi cước, lúc bằng sợi dây phanh xe đạp… mà tiếng đàn vẫn rung động đêm khuya? Ngón tay ông cụ run run gẩy vào sợi dây, thổn thức, ngân nga từng tiếng Tình tính tang là tang tính tình…Cô mình rằng ấy anh chàng ơi…
Tiếng đàn như những giọt sương buông xuống đêm làng quê nơi cửa sông sâu thẳm./.
(Theo Tacphammoi.net)
|