Hình ảnh những đoàn quân trong ngày 10 tháng 10 năm 1954, theo nhiều ngả đường từ ngoại thành tiến vào thủ đô Hà Nội chia thành nhiều cánh quân tiến vào năm cửa ô chính rồi từ đó tỏa đi các phố phường là hình ảnh lịch sử không thể phai mờ trong tâm trí những người dân Việt Nam nhiều thế hệ. Lần lượt bộ đội ta tiếp thu nhà Ga, phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, phủ Thống sứ… Thủ đô rực sắc cờ hoa.
Một hình ảnh ngược chiều với những người chiến thắng, cũng thời khắc ấy, đó là hình ảnh quân đội Liên hiệp Pháp rời khỏi thành phố, lặng lẽ, lầm lũi rút sang phía Bắc cầu Long Biên. Những người Pháp im lìm, lạc lõng, ai cũng co mình lại như không muốn đối diện sự thật. Một sự thật lịch sử không dễ gì chấp nhận với nước Pháp. Một sự thật lịch sử cả thế giới đang hướng nhìn. Người Pháp, thể chế Pháp, nền văn minh Pháp đã có những bước ngoặt lịch sử ở những nơi họ đặt chân tới như thế. Đó cũng là một tất yếu của lịch sử.
Bộ đội ta tiến đến đâu, nhân dân ta đổ ra hai bên đường, tưng bừng chào đón, phất cờ tung hoa, reo mừng không ngớt. Cổng chào, khẩu hiệu dựng lên khắp các đường phố, cờ đỏ sao vàng rực rỡ tung bay trên khắp các tầng nhà. Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi vui sao lúc quân thù đầu hàng cờ rợp trời tung bay trên mũ… Lời người như sóng. Rừng cờ hoa như sóng mênh mông, trải dài, vươn cao bất tận. Trời xanh đây là của chúng ta/ Những nẻo đường bát ngát/ Những dòng sông chở nặng phù sa. Hạnh phúc được trả bằng máu xương của biết bao anh hùng liệt sĩ. Ôi Thủ đô! Đoàn quân chiến thắng đã trở về.
Nhân dân thủ đô quần áo chỉnh tề, tươm tất. Người người mang cờ, ảnh Bác Hồ, những bó hoa tươi thắm, đứng thành đội ngũ trật tự theo từng công sở, xí nghiệp, trường học, khu phố..., kéo tới những con đường đón bộ đội hành quân qua.
Đoàn xe đầu tiên do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính và bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính dẫn đầu đi qua phố Hàng Đường, Hàng Đào vào trung tâm thành phố. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, từng ngày nào chỉ huy những chiến sĩ Thủ đô trong mùa đông năm 1946 Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Người chiến sĩ Thủ đô chiến đấu anh dũng trong từng căn nhà, góc phố. Máu các chị các anh đã thấm xuống mảnh đất thiêng liêng Thăng Long - Hà Nội. Đoàn quân ấy đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Đoàn quân ấy đã vượt sông Hồng lên chiến khu kháng chiến để làm lên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Chín năm làm một Điện Biên/ Lên vành hoa đỏ lên thiên sử vàng.
|
Cột Cờ Hà Nội - Ảnh: TL
|
Hôm nay, vẫn là đoàn quân ấy, đoàn quân chiến thắng trở về. Đó là những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô. Các chiến sĩ diễu binh qua Kim Mã, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang… tiến vào Cửa Đông thành Hà Nội. Năm cửa ô đón chào đoàn quân tiến về. Người chen người. Cờ hoa tràn ngập cờ hoa. Tiếng hát nụ cười vang không dứt đón đoàn quân chiến thắng.
Cánh quân phía Nam xuất phát từ Việt Nam học xá tiến qua Bạch Mai, sang phố Huế, vòng quanh hồ Gươm chiếm lĩnh toàn bộ khu vực Đồn Thủy và Đấu Xảo.
Đoàn cơ giới và pháo binh xuất phát từ Bạch Mai, qua phố Bạch Mai, sang phố Huế, tiến đến Bờ Hồ, qua Hàng Đào, Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân, rẽ sang đường Cửa Bắc tiến vào thành lúc 10 giờ 45.
Còi Nhà hát Lớn thành phố nổi lên một hồi dài. Mấy chục vạn nhân dân Hà Nội đã trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị quân đội. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.
Lời Người một lần nữa vang lên đĩnh đạc, đàng hoàng, chứa chan tình cảm với những lời lẽ giản dị nhất. Ngay từ khi Người đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, toàn dân ta đã tin tưởng sẽ có được ngày này. Kháng chiến dù gian khổ đến đâu cũng đã thành công. Người dân Việt Nam đã vượt bao đau thương để bảo vệ nền độc lập, tự do, dân chủ theo sự dẫn dắt, chèo lái của một con người vĩ đại - Hồ Chủ Tịch.
Mỗi người dân Việt Nam, mỗi người dân Thủ đô dường như ai cũng đang nhìn ra ngoài trời qua ô cửa nhỏ cảm nhận sự rạo rực của riêng mình. Ngoài xa kia, tiếng sóng lúa, hương lúa tháng mười xây hạt nơi những chân ruộng rì rào khe khẽ. Tiếng hát của đất đai, làng mạc nghìn đời. Ngoài kia tiếng máy đang reo, miên man, đan cài không dứt. Cuộc sống từ hôm nay đã sang trang, từ lúc này đang chuyển mình từng phút từng giờ. Mỗi người dân Thủ đô, mỗi người chiến sĩ Thủ đô đang góp phần vạch lên từng kẽ nhỏ, từng đường gân thớ thịt của cuộc sống. Cuộc sống vốn có lý lẽ riêng mà mỗi con người như những ô cửa nhỏ đang mở ra trước bầu trời rộng lớn. Bầu trời ngoài ô cửa của những ngày làm chủ đất nước của người chiến thắng dường như đang xanh hơn, thăm thẳm vẫy gọi những bàn tay khối óc trẻ trung, vững vàng của mỗi người dân, chiến sĩ Thủ đô. Trong bộn bề cuộc sống đời thường, những ngày mới mẻ nhất, nhiều cảm xúc nhất đang dào dạt âm thanh trong trẻo, lắng sâu, khe khẽ ngân rung.
Hôm nay, sau đúng 60 năm, không hiểu sao, thế hệ cầm bút lứa hậu sinh chúng tôi mỗi khi nhớ về ngày Giải phóng Thủ đô, ngày 10 tháng 10 lịch sử vẫn như đang nghe thấy tiếng chim lích rích đâu đó vọng về. Tại sao trong trí óc, tâm tưởng không phải là tiếng súng đại bác bắn chào, tiếng kèn hùng tráng của đoàn quân chiến thắng mà lại là tiếng chim lích rích buổi bình minh được nhỉ? Tiếng chim sẻ, chim ri, chích bông, sáo sậu tuổi thơ khắp các vùng miền đồng hành hướng về Thủ đô Hà Nội thân yêu. Tiếng chim từ cây khế góc vườn mỗi người dân bình thường ở các vùng quê khắp miền đất nước, từ Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hoà Bình, Yên Bái... Từ Cà Mau, Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng… Từ Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Quảng Bình, Quảng Ngãi… Từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình… vọng dồn về, thấm dần, lan toả trong mái nhà chung, trái tim chung - Thủ đô Hà Nội. Không biết từ đâu, tiếng chim lích rích, lích rích len vào tâm trí chúng tôi, thế hệ cầm bút và cầm súng nối tiếp con đường cha anh lựa chọn. Tiếng chim ấm áp, da diết, vang sâu trong tâm hồn mỗi người trong thời khắc lịch sử. Có những lúc, mọi người đều im lặng để tiếng chim thầm hót trong mỗi trái tim mình, riêng chung, ngọt ngào, thấm đẫm.
Và, thật kỳ diệu, sau tiếng chim là ánh nắng chan hòa ùa đến. Nắng tràn lên những cỏ cây, bảng đồng, bia đá. Nắng bừng lên dưới sắc cờ đỏ sao vàng. Nắng tràn lên các nóc phố, góc nhà, vạt đồi, đỉnh núi, đáy khe. Nắng tung tăng bước chân em nhỏ tới trường, anh chị công nhân vào nhà máy, ngôi sao chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo. Nắng dọi vào những số phận được mất, hy sinh, lẫm liệt, vinh quang...
Nắng bình yên dưới sắc cờ thu Hà Nội.
Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội
|