(Baonghean.vn) - Thời gian thấm thoắt đã kịp đi chặng dài 60 năm, cũng là chừng ấy năm Thủ đô linh thiêng trở về trọn vẹn trong lòng Tổ quốc. Tìm về không khí của những ngày "Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về. Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào", chúng tôi đã gặp lại những người lính xứ Nghệ năm xưa, trong các cánh quân, hào hùng và tự tin về tiếp quản Hà Nội thân yêu, trái tim của cả nước.
Trong số những đoàn quân chiến thắng về với Thủ đô giữa niềm vui rạng rỡ của ngày chiến thắng cách nay 60 năm, có không ít người lính là người con quê hương xứ Nghệ. Từ Đại đoàn Quân tiên phong (sư đoàn 308), sư đoàn 350, 316 đến Trung đoàn 57 (đơn vị thành lập trên quê hương Xô Viết)... những người lính quê hương Bác kính yêu đã dằng dặc bước trường chinh qua Tu Vũ, Phay Khắt, Nà Ngần, qua chiến dịch Thu Đông, Biên giới, Thượng Lào để hội quân làm nên một Điện Biên lịch sử. Khép lại "thiên sử vàng" lừng lẫy, một ngày Thu tháng Mười, cùng với đại quân từ mọi nẻo đường, họ hành quân về tiếp quản Hà Nội thân yêu.
|
Đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô ngày 10-10-1954
|
Sống khiêm nhường cùng với người con trai thứ (anh Bùi Xuân Dương) trong con ngõ Bùi Huy Bích, tĩnh lặng ở xóm Phúc Lộc (Hưng Lộc), cụ Bùi Văn Hòe (năm nay đã 87 tuổi) giống một người về già ẩn dật hơn là một vị đại tá đã đi qua bao trận chiến lẫy lừng. Để rồi, khi đất nước im tiếng đạn bom, cụ nghỉ hưu với quân hàm đại tá, là Cục phó Cục Chính trị Quân đoàn 3. Trong căn nhà thoáng đãng, bình dị của cụ một chiều nắng nhẹ, chúng tôi được trở về những ngày cách đây 60 năm, các cánh quân rầm rập trong niềm vui, hướng về Hà Nội.
|
Cụ Bùi Văn Hòe (bên phải) và cụ Phạm Đức Minh cùng xem lại hình ảnh của những ngày về tiếp quản Thủ đô
|
Từ những ngày đầu tháng 10 năm 1954, quân Pháp phải rút khỏi Hà Nội. Pháp bàn giao lại cho chúng ta Thủ đô Hà Nội, các thị xã đồng bằng, khu 300 ngày gồm Hải Phòng và Quảng Ninh (sau 300 ngày mới làm xong công việc tiếp quản). Tình hình Thủ đô lúc đó khá lộn xộn. Toàn Hà Nội có chừng 60 - 70 vạn dân nhưng đi hết chỉ còn lại chừng gần 30 vạn người ở lại. Đa phần là những người có chồng, con đi kháng chiến, những người dân nghèo.
Đúng sáng ngày 10/10/1954, nằm trong đội hình của đại đội 11 (Tiểu đoàn 3 - Trung đoàn 53 - Sư đoàn 350), người lính Bùi Văn Hòe cùng đồng đội xuống ga Đồng Văn (Hà Nam) bắt đầu hành quân bộ về Thủ Đô. Lúc đó, bộ đội ta đều mặc cùng một loại áo trấn thủ "36 đường gian khổ", mũ đan bọc vải dù, quân hiệu làm bằng vải, thế nhưng khí thế và niềm vui thì sáng tươi trên khuôn mặt của tất thảy những người vừa trải qua cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc với một bầu trời vừa được sáng trong trở lại.
Cụ Hòe nhớ lại rằng, lúc đó chừng cuối chiều, đơn vị của ông cùng nhiều đơn vị bạn mới về đến Hà Nội. “Đi qua khu vực Hà Đông, nhân dân đứng sẵn hai bên đường, cờ hoa rực rỡ chào đón bộ đội, nhưng khi ra đến khu vực Thanh Xuân thì không khí khá tĩnh lặng, vì thực tế nhân dân khu vực này vẫn đang trong vùng quân Pháp kiểm soát. Nhưng chỉ một lát sau, khi thấy bộ đội về ngày một đông thì nhân dân bắt đầu ùa ra. Suốt hai bên đường men theo các phố phường, nơi chúng tôi hành quân qua, đâu đâu cũng thấy bà con, tiếng chạy, tiếng gọi nhau reo mừng: “Các anh về thật rồi! Hoan hô các anh đã về!”, “Quân ta đã về! Quân ta đã về!”. Có những phụ nữ đã lớn tuổi, nhưng vẫn nhảy lên như con trẻ. Người mang ghế, người mang bàn, hoa quả, ai cũng cố gắng mang một thứ gì đó tiếp đãi bộ đội… Những nồi nước nhân dân mang ra cho bộ đội, nồi nào cũng đen thui vì ám khói. Chúng tôi thấy trong khóe mắt nhiều người đều ướt lệ".
Đến ngã tư Vọng, đơn vị ông rẽ trái về sân bay Bạch Mai và nghỉ tạm. Chiều tối đó, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm ngay. Câu đầu tiên Tổng tư lệnh hỏi là "Anh em có khỏe không? Thủ đô mong anh em về, còn nhiều việc lắm đấy". Cụ Hòe bồi hồi "Tôi đã tham dự cả 2 lần tiếp quản: Thủ đô và Thành phố Sài Gòn. Nhưng khi về với Thủ đô, sao mà tha thiết, mà rưng rưng đến lạ. Có lẽ vì trong những người dân vẫy chào, nhảy lên vì vui sướng đón mừng đoàn quân trở về đó, họ đón mừng cả cha, chồng, con của họ đi giữa đoàn quân chiến thắng. Đến đâu cũng thấy niềm vui vỡ òa. Cờ đỏ sao vàng trên tay em nhỏ, cụ già, trên mỗi góc tường, tầng nhà, hàng cây".
Tiếp mạch chuyện, ông Phạm Đức Minh, hàng xóm và là đồng đội của cụ Hòe, nguyên chiến sỹ thuộc đại đội 3 (Tiểu đoàn 11 - Trung đoàn 600 - đơn vị bảo vệ T.Ư Đảng) tự hào kể về những năm tháng trong quân ngũ, chung tiểu đội với anh hùng Bế Văn Đàn, Chu Văn Mùi.
Ngày 10/10/1954, trong đội hình Trung đoàn 600, từ Sơn Tây đơn vị hành quân về Hà Nội. Đi dài theo cờ hoa, niềm hân hoan của người dân Thủ đô ngày giải phóng, đơn vị bắt tay ngay vào việc tiếp quản các vị trí Đồn Thủy, Bộ tư lệnh Công an vũ trang, Viện 108 (bây giờ). Tiểu đoàn 11 của ông được vinh dự bảo vệ các cơ quan quan trọng của TƯ. Ông Phan Đức Minh nhớ lại :"Một đêm, trong phiên tôi gác, có người lạ xin vào, tôi dứt khoát không đồng ý. Đồng chí đốc gác ra, mới nhận ra đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thì nào tôi đã biết mặt, tôi không cho vào, vậy thôi. Lúc đó, Đại tướng khen ngay :"Các đồng chí bảo vệ mục tiêu rất tốt. Cảm ơn các đồng chí".
Trong những đoàn quân về tiếp quản Thủ đô ngày ấy, có những đơn vị không được hòa trong không khí rợp cờ hoa chiến thắng và đẫm lệ mừng vui. Đó là những người làm nhiệm vụ đặc biệt. Đại tá Trần Quốc Hanh, nguyên Hiệu phó Chính trị Trường Trung cao Không quân, khi đó là cán sự Tuyên giáo Trung đoàn 57 kể rằng: Đơn vị tôi là Chi đội Đội Cung, được thành lập trên đất Nghệ An từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (hậu duệ của các chiến sĩ tự vệ Đỏ trong Phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh). Đến năm 1950 khi quân đội ta thành lập các đại đoàn chủ lực thì chi đội được biên chế vào Đại đoàn 304 và mang phiên hiệu là Trung đoàn 57. Đơn vị được giao nhiệm vụ hết sức quan trọng: Tiếp quản Thủ đô ngày 9/10/1954, tiền trạm cho Đại đoàn 308 chính thức tiếp quản vào hôm sau.
Đúng 6 giờ sáng 9/10/1954, Trung đoàn 57 nhận lệnh xuất phát tiến về Hà Nội. Từ Chúc Sơn, cả trung đoàn đội ngũ chỉnh tề hành quân qua thị xã Hà Đông giữa rừng người tưng bừng cờ hoa chào đón. Đến Phùng Khoang, trinh sát của ta báo về: Địch đang dàn 1 đoàn xe tăng, xe bọc thép ở Ngã Tư Sở. Tại đây, sau khi sĩ quan của ta trong Ban Liên hiệp đình chiến phản đối phía Pháp cho xe tăng, xe bọc thép dàn ra trước đường tiến quân của ta là không thiện chí, phía Pháp thanh minh là “làm theo nghi thức bàn giao của quân đội họ”, song vẫn cho rút ngay những xe đó ra khỏi khu vực tiếp xúc, cuộc bàn giao mới được bắt đầu. Quân ta súng trong tay tiến bước dưới sự hướng dẫn của các sĩ quan Việt - Pháp trong Ban Liên hiệp đình chiến lần lượt đến thay thế lính Pháp đang đứng gác ở từng vị trí thuộc 21 vọng gác và các cơ sở trống rỗng của sân bay Bạch Mai. Việc ký kết biên bản bàn giao được thực hiện trong một ngôi nhà để máy bay khá rộng. Có khá đông nhà báo các nước chứng kiến cuộc bàn giao này, họ tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy người chỉ huy của ta giao tiếp bằng tiếng Pháp rất thành thạo và liên tục chụp ảnh các trang bị của bộ đội ta từ giày vải, mũ nan, bi đông đựng nước đến súng tiểu liên…
Đến 12 giờ trưa 9/10, việc tiếp quản các khu vực chính đã xong, Trung đoàn đã vào vị trí chiến đấu, sẵn sàng bảo đảm an toàn, an ninh trật tự cho ngày 10/10/1954, đại quân ta chính thức tiến vào Thủ đô.
Ông nhớ lại: "Bộ đội ta đi đến đâu, nhân dân reo hò vang dội: “Hoan hô, hoan hô Bộ đội Cụ Hồ”. Việc “tiền trạm” tiếp quản của Trung đoàn 57 ngày 9/10 khác với các đơn vị tiếp quản ngày 10/10 ở chỗ: Chúng tôi tiếp quản trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, trực tiếp tiếp xúc với lính Pháp thông qua giám sát của Ủy ban Quốc tế, Liên kiểm Việt - Pháp để làm nhiệm vụ, tạo bàn đạp đứng vững chân và bảo vệ cho đại quân hôm sau đi nghiêm trang, an toàn… Một điều đặc biệt là tiếp quản Hà Nội có 2 Trung đoàn tiêu biểu: Trung đoàn 102 - Trung đoàn Thủ đô được thành lập ngay trong lòng Hà Nội, khi Toàn quốc kháng chiến nổ ra; thứ hai là Trung đoàn 57 được hình thành trên quê hương Bác Hồ, từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chủ yếu là con em các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, hậu duệ của các chiến sĩ tự vệ Đỏ.
Ông Kiều Hữu Tố (nay ở Hưng Chính - Hưng Nguyên) đã từng là 1 trong 8 người Nghệ An được Phủ Thủ tướng chọn về làm việc từ cuối năm 1952. Đội hình 8 người lính xứ Nghệ ấy, có người làm bảo vệ, người tiếp phẩm, người làm công tác cơ yếu. Riêng ông Tố đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ vòng trong. Cùng đồng đội, ông đã từng đưa phu nhân ông La Quý Ba (đại sứ đầu tiên của nước CHND Trung Hoa tại Việt Nam) về nước an toàn. Ông cũng đã từng tham gia đoàn sang Sầm Nưa (Lào) để đón gia đình Hoàng thân Xuphanuvong về chiến khu Việt Bắc.
Trước ngày tiếp quản Thủ đô chừng 1 tuần, đơn vị của ông được lệnh hành quân bằng cơ giới từ Sơn Tây về Hà Nội, nghỉ tại bệnh viện của lính Pháp trước đây (nay là BV Việt - Xô). Đơn vị của ông về lúc Thủ đô đã ngủ yên. Lặng lẽ, những người lính với nhiệm vụ phục vụ, bảo vệ Phủ Chủ tịch, các cơ quan quan trọng của TƯ Đảng đã nhanh chóng triển khai nhiệm vụ của mình, chờ ngày đại quân tiến về với khúc khải hoàn ca chiến thắng. Ông bảo:" Lúc đó, anh em chúng tôi cũng có thoáng chút chạnh lòng. Mình về âm thầm, có được đón đưa như đồng đội đâu. Nhưng rồi, lại thấy tự hào hơn ai hết, bởi được làm nhiệm vụ rất quan trọng mà có dễ mấy ai được giao là bảo vệ Phủ Chủ tịch, các cơ quan quan trọng khác". Sau này 1 tuần, khi Hồ Chủ tịch chính thức ra mắt quốc dân đồng bào, ông Kiều Hữu Tố mới được xuất hiện cùng đồng đội, với nhiệm vụ người lính bảo vệ, dưới trời Thu Hà Nội lồng lộng và trang nghiêm ngày Bác ra mắt.
(Còn nữa)
Trần Hải
Theo Baonghean.vn
|