Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 25/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Dấu ấn thế hệ nhà thơ chống Mĩ từ Trường Sơn đến thành phố mang tên Bác - 30/09/2014 - NGUYỄN HỮU QUÝ Dấu ấn thế hệ nhà thơ chống Mĩ từ Trường Sơn đến thành phố mang tên Bác - 30/09/2014 - NGUYỄN HỮU QUÝ , Người xứ Nghệ Kiev
 

Từ “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”...

Đường Trường Sơn, gạch nối hậu phương lớn với tiền tuyến lớn thời chống Mĩ là huyền thoại của dân tộc ta trong thế kỷ 20. Con đường mang tên Bác đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước cao cả với những kì tích và hi sinh không thể nào kể xiết. Mười sáu nghìn cây số đường ngang dọc, kín mở toả khắp núi rừng Trường Sơn trùng điệp (bằng chiều dài sông Trường Giang, Trung Quốc) là một công trình vĩ đại cũng là nguồn cảm xúc dào dạt của thơ ca thời ấy.

Nhắc đến địa danh này chúng ta lại nhớ tới giai đoạn lịch sử cả dân tộc Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai (Tố Hữu). Một đặc điểm dễ nhận ra là thơ ca chống Mĩ được sự cộng hưởng rất lớn của không khí thời đại. Những bài thơ cổ vũ lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc có vị thế rất cao trong văn học thời đó. Những bài thơ đánh giặc (theo cách gọi của Chế Lan Viên) dễ dàng đi vào lòng công chúng như món ăn tinh thần không thể thiếu của người lính và người thân của họ ở hậu phương bao la. Trong hoàn cảnh đó thì Trường Sơn, với vị trí địa chính trị và quân sự của nó như một lẽ tự nhiên trở thành tâm điểm và nguồn cảm hứng lớn của thi ca. Một số bài thơ hay viết về Trường Sơn ra đời, đã tạo được âm hưởng mới, phong cách mới cho dòng thơ cách mạng.

Thời chiến tranh chống Mĩ, số nhà thơ viết về Trường Sơn thật đông đảo. Từ những ngôi sao của phong trào Thơ mới đến các nhà thơ cách mạng tiền khởi nghĩa, tới thế hệ thi sĩ chống Pháp, chống Mĩ, nhiều người viết về Trường Sơn. Tuy nhiên, lực lượng nhà thơ viết nhiều và có thành tựu nhất về Trường Sơn vẫn là thế hệ cầm bút thời chống Mĩ. Nhân đây, xin được sơ bộ điểm danh những tên tuổi và tác phẩm của họ. Đó là: Đặng Tính với Qua đèo 700, Xe đi trên Trường Sơn, Thuyền chiến trên sông cao nguyên, Phạm Ngọc Cảnh với Cơm chiều binh trạm, Thanh Hải với Dấu võng Trường Sơn, Giang Nam với Đất mùa xuân, đất tiến quân, Ngô Văn Phú với Một người anh hùng, Thu Bồn với Canh Trường Sơn, Liên Nam với Đi trên đường Hồ Chí Minh, Nguyễn Trọng Oánh với Buổi chiều trên đỉnh Trường Sơn, Nam Hà với Kỉ niệm, Nguyễn Khoa Điềm với Bếp lửa rừng…, Hoàng Phủ Ngọc Tường với Tôi đi trên những con đường rừng cũ…, Bùi Minh Quốc với Hành quân trên đường Hồ Chí Minh, Bằng Việt với Trên đường mang tên Bác, Vũ Quần Phương với Những câu thơ trong đêm, Nguyễn Mỹ với Hơi ấm đường rừng, Trọng Khoát với Niềm vui bám trụ, Phạm Lê với Viết từ Tà Lê, Trịnh Quý với Bài ca đường ống, Hoàng Nhuận Cầm với Anh bộ đội và tiếng nhạc la…, Anh Ngọc với Khoảng đất dưới võng…, Nguyễn Đức Mậu với Hành quân thần tốc, Khúc hát ở rừng…, Vương Trọng với Bài thơ nằm võng, Đợi em trong hội, Duy Khán với Thị trấn 42, Lâm Thị Mĩ Dạ với Khoảng trời hố bom…, Xuân Quỳnh với Viết trên đường 20…, Lê Thị Mây với Khúc hát rừng…, Thuý Bắc với Sợi nhớ sợi thương, Trần Nhật Thu với Cái điểm sáng ấy…, Đoàn Việt Bắc với Lá trung quân, Nguyễn Duy với Bầu trời vuông, Người con gái…, Dương Trọng Dật với Đi trong tiếng em cười, Hữu Thỉnh với Giấc ngủ trên đường ra trận…, Gia Dũng với Bài ca Trường Sơn, Thanh Thảo với Các anh nằm giữa Trường Sơn… và đặc biệt nhà thơ Phạm Tiến Duật với chùm thơ hay về Trường Sơn đã toả ánh sáng mới, luồng gió mới hào sảng, tươi trẻ đầy chất đời sống cho thơ chống Mĩ.

Trường Sơn anh hùng - Trường Sơn lãng mạn, đó là những gì tôi cảm nhận được từ những bài thơ viết về vùng đất đông nắng, tây mưa/ Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình (Tố Hữu - Nước non ngàn dặm).

 

Hiện thực cuộc sống đậm chất huyền thoại và anh hùng ca là mảnh đất màu mỡ cho thơ toả sáng. Núi rừng, con đường, người lính lái xe, bộ binh, pháo binh, cô giao liên, cô thanh niên xung phong... bước vào thơ thật nét. Thơ cho ta những hình dung khá rõ về cuộc sống chiến đấu, lao động ở Trường Sơn thời ấy. Đó là một Trường Sơn hoành tráng, phi thường như nhiều nhà thơ ca ngợi. Khi lí tưởng cao đẹp thấm nhuần và trở thành sức mạnh tinh thần thì tâm hồn con người trong sáng hơn: Con suối gặp bom/ Con suối đục ngầu/ Con người gặp bom/ Con người trong suốt (Trọng Khoát - Niềm vui bám trụ). Viết như thế không dễ được thấu hiểu, chia sẻ và đồng cảm ở thời nay, cũng như người ta đã từng nghi ngờ tính chân thực câu thơ Đường ra trận mùa này đẹp lắm của Phạm Tiến Duật nhưng tôi tin các nhà thơ thế hệ chống Mĩ thời ấy không hề lừa dối ta. Họ nhận ra bản chất của cuộc chiến tranh ở phía chính nghĩa, mà sự dấn thân quả cảm và lòng lạc quan của người lính là tấm gương thiêng soi lọc phẩm hạnh con người như Trần Trung Hiếu đã viết: Ta cắt tóc cho nhau/ Mảnh gương con không có/ Chính đồng đội là gương/ Soi thấy mình trong đó (Cắt tóc). Trường Sơn in dấu chân hàng triệu người ra trận, từ thuở đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng đến mùa xuân 1975 hành quân thần tốc giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu: Nước chưa kịp nấu bi đông cạn/ Ngầm rộng: xe đi chậm đội hình/ Ta múc sông mời nhau uống tạm/ Mũ cối chuyền tay tôi với anh (Nguyễn Đức Mậu – Hành quân thần tốc). Trường Sơn toả sáng với hình ảnh rất đẹp của các cô giao liên, cô thanh niên xung phong: Em nhỏ xíu như cây nứa tép/ Và mong manh như một chấm nắng thu/ Em nhìn từ sau chỉ thấy chiếc ba lô/ Một nhành lá cũng làm em chậm bước (Nguyễn Mỹ - Hơi ấm đường rừng); Mấy năm rồi chạy trên tuyến Trường Sơn/ Có đêm nào như đêm nay nhớ mãi/ Những cọc tiêu là những cô em gái/ Thanh thản đứng bên đường trọng điểm xe lên (Trần Nhật Thu – Cái điểm sáng ấy)… Đặc biệt bài Khoảng trời hố bom của Lâm Thị Mĩ Dạ đã nâng hình tượng cô gái thanh niên xung phong lên một tầm cao lung linh ánh sáng nhân văn: Em nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời đã nằm yên trong đất/ Đêm đêm tâm hồn em toả sáng/ Những vì sao ngời chói lung linh/ Có phải thịt da em mềm mại trắng trong/ Đã hoá thành những vầng mây trắng/ Và ban ngày khoảng trời ngập nắng/ Đi qua khoảng trời em/ Vầng dương thao thức…

Cuộc sống bước vào thi ca thật giản dị tự nhiên, hay hiện thực ấy đã mang chất thơ đích thực rồi: Nơi tắt lửa là nơi dài tiếng hát/ Đoàn thanh niên xung phong phá đá sửa đường;/ Dẫu hố bom kề bên còn bay mùi khét/ Tóc lá sả đâu đó vẫn bay hương/ Đêm tắt lửa trên đường/ Khi nghe gần xa tiếng bước chân rậm rịch/ Là tiếng những đoàn quân xung kích/ Đi qua (Phạm Tiến Duật - Lửa đèn). Cái sự tự tin, đĩnh đạc pha chút ngang tàng của những lái xe Trường Sơn được Phạm Tiến Duật đưa vào thơ rất sinh động: Không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi/ Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất nhìn trời, nhìn thẳng/ Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng/ Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim/ Thấy sao trời và đột ngột cánh chim/ Như sa như ùa vào buồng lái/ Không có kính, ừ thì có bụi/ Bụi phun tóc trắng như người già/ Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc/ Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha (Bài thơ về tiểu đội xe không kính). Thay lời một chiến sĩ lái xe, Phạm Tiến Duật đã có bài thơ Nhớ thật ấn tượng, chỉ 4 câu thôi mà sức bùng nổ toả lan của nó chẳng bé nhỏ chút nào: Cái vết thương xoàng mà đưa viện/ Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo…/ Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến/ Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo. Khí phách, bản lĩnh, tâm hồn người lính Trường Sơn nén chặt trong đó, chặt không thể chặt hơn được nữa; chính vì thế khi mở ra nó ào ạt mênh mông. Chưa hết, Phạm Tiến Duật còn có những thi phẩm Trường Sơn xuất sắc nữa, những bài thơ khi đọc lên ta không thể không xôn xao thương mến như Gửi em, cô thanh niên xung phong, Áo của hôm nào, người của hôm nay, Đồng chí lái chính, đồng chí lái phụ và tôi… Cô thanh niên xung phong là một hình tượng đẹp trong thơ anh. Phạm Tiến Duật đã từng tâm sự: Bài thơ thật thà như một bút kí, chỉ có giấc mơ chập chờn lẩn quất giữa dòng thơ là ảo mà thôi - Cạnh giếng nước có bom từ trường/ Em không rửa ngủ ngày chân lấm/ Ngày em phá nhiều bom nổ chậm/ Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà/ Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa/ Thương em, thương em, thương em biết mấy… Mãi sau này khi hết chiến tranh rồi, nhìn thấy những chiếc áo thanh niên xung phong phơi ở nông trường, Phạm Tiến Duật còn thẫn thờ vương vấn: Áo có quen anh không, áo có nhớ anh không?/ Dẫu có gặp rồi mà giờ nhìn chẳng biết/ Cái đêm mưa bến phà cả đoàn người ướt hết,/ Bao dáng áo làm đường, ở đó có em không?/ Cái hôm con đường chiến dịch mới làm xong/ Bộ đội với thanh niên nhìn nhau cười mặt lấm,/ Áo khét thuốc bom, áo nồng bụi bậm/ Giờ áo giặt rồi, hơi cũ khó tìm ra… (Áo của hôm nào, người của hôm nay).

Có thể nói Phạm Tiến Duật là hiện tượng của thơ Trường Sơn và thơ chống Mĩ. Nếu không có những bài thơ về Trường Sơn của anh, chắc chắn thơ chống Mĩ sẽ thiếu đỉnh, sẽ không tạo được âm vang dài rộng, mới mẻ. Trong dàn thơ chống Mĩ, Phạm Tiến Duật nổi lên như một người lĩnh xướng, có sức hút kì lạ đối với công chúng và cả với bạn sáng tác.

Sinh ra trong khói lửa đạn bom, từng phút từng giây đối mặt với mất mát hi sinh, điều rất kì lạ là thơ chống Mĩ nói chung và thơ Trường Sơn nói riêng vẫn rất yêu đời và lãng mạn. Tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống đã nâng cánh cho không ít bài thơ bay bổng. Chất trữ tình làm cho những bài thơ chính trị không còn khô khan và ta nhận ra trong đó chiều sâu tâm hồn dân tộc cũng như văn hoá Việt Nam. Từ Lửa đèn mà Phạm Tiến Duật rưng rưng suy ngẫm về nguồn cội và sức sống dồi dào của dân tộc: Trên đất nước đêm đêm/ Sáng những ngọn đèn/ Mang lửa từ nghìn năm về trước,/ Lấy từ thuở hoang sơ,/ Giữ qua đời này đời khác/ Vùi trong tro trong trấu nhà ta/ Ôi ngọn lửa đèn/ Có nửa cuộc đời ta trong ấy! Và, Trường Sơn thuở ấy đâu chỉ có đạn bom chết chóc tro bụi mà còn có những thời khắc nên thơ, như là những minh chứng đẹp đẽ cho tâm hồn người lính. Vì sao, trong hoàn cảnh nghiệt ngã của chiến tranh, cái nhìn của người lính vẫn tươi trẻ dịu lành đến thế này: Gió từng hồi se sẽ đưa nôi/ Trăng tủm tỉm như miệng người sắp hát/ Qua binh trạm nhiều thang dây bậc đất/ Tiếng chim ngon như ngụm nước lưng đèo (Hữu Thỉnh - Giấc ngủ trên đường ra trận). Phải được trang bị bằng nhân sinh quan trong sáng, được chiếu rọi bởi hào quang lí tưởng cao cả con người ta mới sống đẹp đến độ huyền thoại như vậy. Cũng như, giữa sục sôi bom lửa chiến trường, dưới mái tăng (được ví là bầu trời vuông) người lính chợt trở nên mơ mộng: Mặt trời là trái tim anh/ Mặt trăng vành vạnh là tình của em/ Thức là ngày, ngủ là đêm/ Nghiêng nghiêng hai mái hai miền quê xa (Nguyễn Duy - Bầu trời vuông). Trên vạn dặm Trường Sơn, rõ ràng không phải chỉ có những bản anh hùng ca rực lửa mà còn có những bài tình ca dịu mát với những Sợi nhớ, sợi thương của Thuý Bắc, Trường Sơn đông, Trường Sơn tây của Phạm Tiến Duật… Tình yêu trong bom đạn đầy chấp nhận, chăm chút, lắng sâu: Trường Sơn tây anh đi, thương em/ Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo/ Muỗi bay rừng già cho dài tay áo/ Rau hết rồi, em có lấy măng không?/ Em thương anh bên tây mùa đông/ Nước khe cạn bướm bay lèn đá/ Biết lòng anh say miền đất lạ/ Chắc em lo đường chắn bom thù (Phạm Tiến Duật - Trường Sơn đông, Trường Sơn tây).

Mạch thơ Trường Sơn vẫn được tiếp nối cho đến hôm nay, khi đất nước không còn bom rơi đạn nổ, đường Hồ Chí Minh thành con đường hiện đại của thời công nghiệp hoá. Trường Sơn trận mạc vẫn còn ám ảnh trong thơ và trường ca của Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Duy, Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu, Lê Thị Mây… Thơ Trường Sơn được bổ sung thêm những phần bi thương, tâm linh, những góc khuất của cuộc đời số phận người lính và người thân của họ.

... đến “Năm cánh quân từ năm hướng trở về. Thành phố đầy áo trận”

Trên con đường dài dựng nước và giữ nước của dân tộc, năm 1975 là một mốc son chói lọi. Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã toàn thắng khi lá cờ giải phóng tung bay phấp phới trên dinh Độc Lập ở Sài Gòn vào trưa 30 tháng 4 năm ấy. Ba mươi ba năm đã đi qua, những ai đã trải qua tháng ngày ấy bây giờ nhớ lại vẫn không khỏi bồi hồi xúc động. Dường như âm hưởng mùa xuân đại thắng vẫn còn đâu đây.

Vâng, vẫn còn đó tấm bản đồ Việt Nam đỏ thắm những mũi tấn công vũ bão và những vùng đất giải phóng thay đổi từng ngày, từng giờ. Vẫn còn đó tin thắng trận dồn dập từ miền Nam bay về. Vẫn còn đó niềm vui vỡ òa, nụ cười rạng rỡ và giọt nước mắt lóng lánh trên gương mặt bao người.

Vâng, vẫn còn đây những vần thơ dạt dào âm hưởng toàn thắng cuốn theo bước chân anh giải phóng quân và hòa trong nắng gió phương Nam. Những bài thơ cuồn cuộn hào khí thần tốc, rạo rực niềm vui chiến thắng còn để lại cho con cháu hôm nay những hình dung hoành tráng về mùa xuân đại thắng 1975. Hầu như nhà thơ thế hệ chống Mĩ nào cũng có thi phẩm viết về sự kiện này với sự cộng hưởng rất lớn của thế trận thần tốc, táo bạo và không khí tưng bừng hân hoan của chiến thắng vĩ đại.

Với niềm tin tất thắng son sắt ấy, trong trận đánh cuối cùng quân và dân ta đã làm nên một cơn lốc hùng vĩ. Khí thế ào ạt đó đã tràn cả vào thơ Phạm Tiến Duật: Khi lên xe ta chưa quen nhau/ Lúc xuống xe ta đã thành bè bạn./ Ta tựa lưng vào bốn năm tấn đạn/ Chúng ta đi đường dài/ Mấy trăm xe và mấy trăm người/ Nhằm mặt trận tiến vào như cơn lốc./ Những trái tim xếp theo hàng dọc/ Suốt đường dài hồi hộp biết bao nhiêu (Chim Lạc bay).

Vốn là một người lính thiết giáp, nhà thơ Hữu Thỉnh vừa tài hoa vừa nhạy cảm đã dựng thành công chân dung người chiến sĩ trong chiến dịch mang tên Bác với một chiều sâu tâm hồn rất trung thực và cảm động: Chiến dịch này ăn cơm không phải độn/ Mừng thì mừng mà thương mẹ bao nhiêu/ Ngày mai chúng ta đánh trận cuối cùng/ Đêm còn lạnh ở ngoài ta đấy bạn/ Ngoài ta độ nay đang giáp hạt/ Cây rơm gầy xay giã cũng thưa đi/ Ngày mai chúng ta đánh trận cuối cùng/ Một nửa nhân dân ngày mai ta nhận mặt/ Nhân dân trở về từ bên kia mặt trăng/ Lại vằng vặc những bến bờ thương nhớ (Đường tới thành phố).

Trước ngày 30 tháng 4 lịch sử là những cuộc chuyển quân rậm rịch, là một đêm đợi chờ hồi hộp: Anh đang ở bên này thành phố/ Cách một mệnh lệnh/ Cách một trận đánh/ Cách một cây cầu/ Cách một đêm nay…/ Thành phố càng gần/ Càng không dám nghĩ nhiều đến mẹ/ Phải cố quên mẹ ngồi đứng không yên/ Dù chỉ có anh và ngọn cỏ lúc này (Đường tới thành phố).

Bao nhiêu người lính như thế đã không được trở về với mẹ, họ chấp nhận hi sinh để cho Sài Gòn òa vỡ ra trong niềm vui giải phóng: Năm cánh quân từ năm hướng trở về/ Thành phố đầy áo trận/ Ở cuối đường một vành lá vút qua/ Chỉ chờ thế là người xô như sóng… Và, trong cái nhìn cận cảnh hình ảnh anh bộ đội phong trần trận mạc xiết bao: Tháp pháo để trần lăm chăm vết đạn/ Dằng dặc đường về/ Mòn xích sắt vẫn quay nồng mùi đất/ Mặt đường hăng mùi cỏ ngoại ô/ Đồng chí trưởng xe/ Mình quấn đầy băng trắng/ Anh giơ tay cả thành phố động lòng/ Xạ thủ trung liên/ Quần áo màu rừng ngả sang màu đất/ Đôi dép râu dẫn trước đội hình/ Hoa nhiều quá nhưng anh không kịp nhận… (Đường tới thành phố).

Hình ảnh anh bộ đội giải phóng trong ngày Sài Gòn giải phóng được khắc họa khá nhiều trong thơ ca thời ấy. Nguyễn Thành Vân trong bài thơ Ngôi sao trên đầu, khẩu súng trên vai đã rưng rưng ghi lại: Tôi bị vây tròn vòng ngoài vòng trong/ Tôi bị hỏi dồn, phía sau phía trước/ Cô bác nhìn tôi từ đầu đến chân/ Tôi phải trả lời bằng tay bằng mắt.

Hoàn toàn không có cảnh Sài Gòn bị dìm trong biển máu bởi lòng thù hận của cộng sản như sự xuyên tạc của kẻ thù. Một Sài Gòn giải phóng, một Sài Gòn hòa bình đã trở về với Tổ quốc thân yêu. Ước mơ Việt Nam thống nhất đã trở thành hiện thực với mùa xuân đại thắng 1975.

Ngày 30 tháng 4 và Sài Gòn giải phóng đã trở thành bản giao hưởng chiến thắng sau những tháng năm chiến đấu bất khuất kiên cường và bi thương khổ đau của dân tộc. Bao nhiêu máu, bao nhiêu mồ hôi đã đổ xuống đầm đìa trên con đường giải phóng đất nước. Cái giá của độc lập tự do, hòa bình thống nhất đất nước vô cùng to lớn. Có phải vì thế mà khi được thưởng thức một đêm giao hưởng giữa Sài Gòn nhà thơ Anh Ngọc đã xao xuyến với những liên tưởng rất đẹp: Cát bụi đường xa khẩu súng ngọn cờ/ Ngửa bàn tay gặp bàn tay nhạc trưởng/ Mở tấm lòng gặp tấm lòng giao hưởng/ Bổng trầm cung bậc tìm nhau/ Sài Gòn trong ta là trái chín vẹn nguyên/ Chiến thắng đặt vào lòng hai đứa/ Một nửa anh và em một nửa (Sài Gòn đêm giao hưởng).

Khẩu súng ngọn cờ đã trở thành linh vật tượng trưng cho một giai đoạn lịch sử bi tráng đã qua của dân tộc. Những bông sen đã mọc lên từ mảnh đất Việt Nam thấm máu trở thành thông điệp giao hòa thân thiện của chúng ta. Sự tốt đẹp ấy đã được bắt đầu, được tính từ ngày 30 tháng 4 lịch sử mà âm hưởng hào hùng của nó còn vang vọng trong những vần thơ sinh ra cùng cái thời mãi mãi không bao giờ quên ấy.

Và góp phần làm nên chiến thắng hào hùng ấy không thể không tính đến những bài thơ đánh giặc của thế hệ thi sĩ thời chống Mĩ

N.H.Q

 Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65220215

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July