- Những câu thơ: “hổn hển như lời của nước mây”, “tiếng ca vắt vẻo”, “sột soạt gió trêu tà áo biếc”, rồi cả đến câu thơ cuối cùng: “sông trắng nắng
chang chang”… đều là những hình ảnh của thơ tượng trưng cảm quan, để bộc lộ thay cho tâm trạng, tình cảm con người, hay một hiện thực đời sống.
MÙA XUÂN CHÍN
Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý, bóng xuân sang.
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.
Bao cô thôn nữ hát trên đồi;
- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây…
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây…
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng.
- Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
Hàn Mặc Tử
“Mùa xuân chín ” được rút ra từ trong thơ điên của Hàn Mặc Tử (đề mục Hương Thơm). Trong Thi nhân Việt Nam , Hoài Thanh có nhận xét bao quát về mảng Hương Thơm này như sau: “Ta bắt đầu bước vào một nơi ánh trăng, ánh nắng, tình yêu và cả người yêu đều như muốn biến ra hương khói”. Nhưng đã xem Mùa Xuân Chín ta thấy chẳng những thơ không điên, lòng thi nhân thanh tao, cõi hồn siêu thoát, tựa thể ông đang ngồi thụ cảnh thiên thai của bậc khách tiên sa. Mạch thơ cũng tách bạch ra khỏi hẳn cõi sao trăng, ảo tình sương khói ấy:
Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Đây hẳn là những mái nhà đã được lợp bằng rạ vẫn còn mới ở thôn quê, bởi những sắc màu của rơm rạ còn ánh lên lấm tấm vàng, dưới làn nắng sớm ban mai. Cảnh thơ như bức gấm thêu, đây đó vấn vương vài làn sương mỏng. Toát lên tấm tình của thi nhân với nơi thôn dã rất thân thiết. Đến hai câu sau đó:
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý, bóng xuân sang
“…tà áo biếc” ở đây để chỉ cái dáng xanh mềm mại của giàn thiên lý, khi gió thổi qua giàn mới phát ra tiếng kêu “sột soạt”. Nếu gió thổi ngoài trời: nhẹ thì hiu hiu, vi vút… gió to sẽ rít lên ào… ào…
Nhưng cũng chưa hẳn là khi gió thổi qua giàn thiên lý có tiếng kêu “sột soạt” như thế? vì giống lý lá nhỏ, âm điệu chỉ reo… reo… thôi. Hai tiếng “sột soạt” như tiếng của những tấm áo cánh mỏng, mặc hơi căng cọ mài lên da thịt của các nàng thôn nữ mà phát ra vậy. Cảm giác ấy đã dấy lên trong tâm thức của thi nhân để vận vào tả cảnh giàn cây. Chất thơ hơi da thịt này cũng thường có trong Hàn Mặc Tử (HMT)! Các hình tượng thơ miêu tả, nhưng lại đầy cảm giác tình ái. Nào thì “gió trêu”; âm thanh “sột soạt”; còn giàn thiên lý lại được ví như “tà áo biếc”… Thành thử, thơ tả thực mà rất sống động.
Tất cả những hình ảnh: nắng ửng, khói mơ, mái nhà tranh lấm tấm vàng, thiên lý và gió… hòa hợp, được khoác lên chiếc áo tân thanh mùa xuân mà tạo thành “bóng xuân sang”. Sang đoạn thơ thứ hai:
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
“cỏ” gặp gió lượn thành sóng, nghĩa là cỏ mọc đã hơi cao. Ở đây ta liên tưởng tới một câu thơ của cụ Nguyễn Du: Cỏ non xanh rợn chân trời /- “xanh rợn” là cỏ mới chỉ mọc nhú, lún phún. Nhưng cả một miền cỏ dầy, phẳng, non mướt và xa hút tạo nên một độ sắc gai người, tựa thể sờ vào có thể đứt tay. Còn “sóng cỏ xanh tươi” trong câu thơ HMT : thì màu xanh đã lả lướt để “gợn tới trời ” chứ không ” rợn” như trong thơ cụ Nguyễn Du. Vậy là, tuy cũng tả về miền cỏ hút đến chân trời… nhưng miền cỏ trong thơ HMT vẫn mang sắc thái riêng.
Bao cô thôn nữ hát trên đồi;
- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy:
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…
Một mảng đời sống dân gian đã tràn vào trong bức tranh cảnh mùa xuân của Ông: rằng, ngày mai trong đám xuân xanh ấy… có kẻ lấy chồng, theo chồng – sẽ không còn sự vô tư, nhàn nhã mà đi dạo mùa xuân như thế nữa! Ý nói: “bỏ cuộc chơi”/- Nhưng câu thơ chưa hẳn đã phải là nuối tiếc cho cô thôn nữ kia, mà chính trong lòng thi nhân đang nuối cảm? Bộc lộ một tâm trạng bâng khuâng, hiu hắt, có phần xa xót. Bệnh tật đã không cho Ông được hưởng cái hạnh phúc đời thường ấy! Cảnh đời thanh thái của mùa xuân ấy… như thể đã cách xa hàng thế giới. Cái ước muốn nho nhỏ: có một tổ ấm gia đình, vợ chồng hạnh phúc… với Ông, cũng không bao giờ có. Tâm khảm thi nhân dồn vào tình thơ đằm thắm, thiết tha. Đến đoạn thơ ba:
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Thơ nghe như lời đồng dao chốn dân gian:
Hổn hển như lời của nước mây…
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây…
Trước cảnh xuân đẹp chứa chan, không phải là nước mây “hổn hển” đâu, chính là lòng thi nhân đang hổn hển!…
Đến đây tôi xin nói ít lời về thi pháp tượng trưng trong thơ hiện đại Pháp, mà HMT đã ảnh hưởng khá sâu sắc. Thơ tượng trưng của nền thơ hiện đại Pháp nửa sau thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, ( dựa theo tuyển dịch và giới thiệu của Đông Hoài, NXB Văn học 1992 ) là thứ thơ diễn tả theo phép loại suy -Tức là quan hệ tương đồng giữa hai sự vật, nhìn nhận mọi sự vật bằng biểu tượng. Nhưng trường phái thơ tượng trưng Pháp được hình thành và phát triển theo khuynh hướng của hai thuyết tương ứng: tương ứng cảm quan và tương ứng trí năng!
Về thuyết “Tương ứng cảm quan” do Charles Baudelaire ( 1821-1867) khởi xướng. Ông là tác giả của tập “Những bông hoa ác” nổi tiếng. Ông đã được các nhà thơ sừng sỏ nhất trong văn học hiện đại Pháp coi là bậc thầy mở đường, nhà tiên khu của trường phái thơ tượng trưng! Baudelaire đã từng định nghĩa trong “Tương ứng”, một trong sáu bài thơ danh giá nhất của ông như sau:
Thiên nhiên là một ngôi đền mà trong đó những cột sinh linh
Thỉnh thoảng phát ra những ngôn ngữ mơ hồ,
Con người đi trong thiên nhiên qua những rừng biểu tượng
… Hương thơm, màu sắc và thanh âm tương ứng.
Nghĩa là: giữa vật này với vật khác, giữa con người – cuộc sống với thiên nhiên, đều có thể thay thế nhau bằng biểu tượng. Để phản ảnh một cách tương ứng, nhưng dựa vào cảm thụ được phát ra từ các giác quan (gọi là cảm quan), hay từ trong tâm linh. Cho nên thỉnh thoảng ngôn ngữ mơ hồ…
Thuyết “Tương ứng trí năng” – Người tiêu biểu là Stéphane Mallarmé (1842-1898), cũng là một nhà thơ Pháp đứng đầu trường phái tượng trưng đã chủ xướng. Quan điểm cơ bản về thuyết “Tương ứng trí năng” của Mallarmé là: Biểu tượng được tượng trưng phải rành mạch, rõ ràng, bằng một sự áp đặt hợp lý của lý trí, chứ không theo khuynh hướng cảm quan như Baudelaire.
Đài tưởng niệm Hàn Mặc Tử ở Gành Ráng - Qui Nhơn
Nhớ tới lời của cố Chế Lan Viên đã viết tựa trong Tuyển thơ Hàn Mặc Tử xuất bản 1988 rằng: “Tử trong thời gian chúng tôi gần, chỉ thấy Anh nói về Baudelaire…”! Bởi vì những yếu tố thơ tượng trưng được HMT sử dụng rất nhiều, đã nhuần nhuyễn trong thi pháp thơ Ông, nhưng hầu hết đều theo khuynh hướng “Tương ứng cảm quan” của Baudelaire.
Trở lại với Mùa Xuân Chín – Những câu thơ: “hổn hển như lời của nước mây”, “tiếng ca vắt vẻo”, “sột soạt gió trêu tà áo biếc”, rồi cả đến câu thơ cuối cùng: “sông trắng nắng chang chang”… đều là những hình ảnh của thơ tượng trưng cảm quan, để bộc lộ thay cho tâm trạng, tình cảm con người, hay một hiện thực đời sống. Ngay đến tên đề của bài thơ: Mùa xuân chín, cũng mang tính tượng trưng đó rồi. Trong nhiều bài thơ khác của Hàn Mặc Tử ta cũng hay gặp những yếu tố của loại thơ tượng trưng này. Thí dụ:
Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi…
Hay là:
Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm,
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.
Đặc biệt với các giác quan cảm thụ rất nhậy bén của thi nhân: Ngôn ngữ chứa đầy hồn, cảnh trí thiên nhiên rất sống động. Ở trong câu ba của đoạn thơ thứ ba, ta còn thấy một cụm hình ảnh: Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc /- Tiếng “trúc” ở đây, với hình ảnh “lá trúc” trong bài Đây Thôn Vĩ Dạ:
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Đều thuộc loại ngôn từ mỹ học, để làm biểu tượng về làng quê! Tôi xin phân tích tiếp đoạn thơ cuối:
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:
- Chị ấy năm nay còn gánh thóc,
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
Sắc điệu “…trắng nắng chang chang?” vẽ ra cảnh trắng toát bên con sông mộng. Cảnh thực trong hồi ức mà như ảo ảnh. Thi nhân đã mô tả những hình ảnh đó bằng ngôn ngữ thông qua cảm xúc nhớ làng da diết, đưa tình cảm bài thơ lên tới tột cùng, không chỉ thuần tuý là bức tranh tả cảnh mùa xuân nữa.
Cũng đã nhiều nhà bình luận đã bàn về hình ảnh “chị ấy” trong bài thơ là ai? Người thì nói: “chị ấy” là người yêu xưa mà thi nhân nhớ lại? Kẻ lại bảo: Đó là chị ruột của thi nhân?…Tôi nghĩ: Xét về đời sống riêng tư của HMT, những người thân thiết nhất của thi nhân không thể không nhắc đến người mẹ, cùng người chị ruột hiền từ vẫn thường chăm bẵm Ông trong cuộc sống. Như ở bài hồi ký “Nhớ Hàn Mặc Tử” của anh Nguyễn Văn Xê, người đã chăm sóc thi nhân trong thời gian bị bệnh, cho đến khi tạ thế tại nhà thương Qui Hòa, kể rằng:
Sau khi Trí (tên thường gọi của nhà thơ) chết chôn được ba ngày, qua ngày hôm sau… mẹ và chị Lễ của Trí tức tốc vào Qui Hòa. Tôi hướng dẫn gia đình Trí đi thăm mộ. Nơi đây tôi không thể cầm được giọt lệ trước một người mẹ khóc đứa con yêu, một người chị khóc em trong buổi chiều mùa đông se se lạnh… Tôi đã chứng kiến có một mẹ tiên và một chị tiên đến khóc nức nở bên mộ Trí.
Phải chăng người “chị ấy” trong thơ của thi nhân chính là chị Lễ! Mùa Xuân Chín chẳng những chỉ là một bức tranh thiên nhiên đẹp, còn trắc ẩn cả tình làng và đây đó quấn quít đôi chút lòng nhi nữ. Một bài thơ chân quê. Từ biểu tượng của ngôn ngữ, nhạc điệu đến cảnh tình qua cảm xúc… đã dan díu quyện lấy nhau mà tạo nên một bản xô-nát về “khối tình đời” độc đáo và hoàn bích.
Phạm Ngọc Thái
|