VĂN HỌC NGA ĐỨNG TRƯỚC “VÀNH MÓNG NGỰA”CỦA LỊCH SỬ
Sergei Filatov – Chủ tịch hội nhà văn thủ đô Moscow, Chủ tịch Quỹ các chương trình trí tuệ, xã hội và kinh tế;
Đại văn hào Lép Tônxtôi
Khoảng chân không văn hóa là một thực tế của xã hội hiện đại.
Chúng ta hãy cùng nhau thừa nhận : trong nhận thức xã hội hiện đại (và cả trong vô thức) một cảm giác trống rỗng về tư tưởng đang dần dần bành trướng. Cảm giác này xuất hiện đã khá lâu, khoảng mươi mười lăm năm trước và không hề yếu đi, trái lại,có xu hướng tăng lên. Cảm giác đó được cảm nhận bởi từng cá thể mà mục đích sống của anh ta,trong đại đa số các trường hợp, đều mang đặc tính cá nhân sâu sắc và được giới hạn trong phạm vi gia đình, trong những mối quan hệ riêng tư, và nếu có rộng hơn nữa thì cũng là các tham vọng công danh ở trong công sở hay cơ quan nào đó. Chắc chúng ta sẽ cùng nhau đồng ý khi cho rằng quả là nhỏ nhoi với cái tương lai của đời công chức, nó chẳng làm hài lòng những ai biết suy nghĩ. Cái cảm giác trống rỗng này còn hiện diện cả trong tâm trí của giới làm chính trị, những người luôn cố gắng tìm kiếm những “ tư tưởng Nga” được chia sẻ bởi xã hội và định hướng cho nó trong không gian lịch sử. Hay nói theo cách khác, hiện diện một khoảng chân không về các khái niệm, bản sắc dân tộc của chúng ta là gì? Cái gì hình thành nên nó? Ngoài ra, còn tồn tại một khoảng chân không nữa về hệ tư tưởng, cái mà có thể xác định được bản chất của con đường lịch sử đã trải qua, vị trí ngày hôm nay của chúng ta trong không gian lịch sử - dân tộc và thậm chí những triển vọng xa và gần của con người hiện đại cũng như xã hội nói chung.
Hiện nay, chúng ta rất sợ khái niệm “ý thức hệ”. Nỗi khiếp sợ trước hệ tư tưởng Macxít-Leninít “ duy nhất đúng” đe dọa trở thành hệ tư tưởng di truyền lại cho các thế hệ sau. Trong khí đó, sự thiếu vắng tư tưởng ( hay phản ánh trong một hệ thống các ý tưởng phức tạp gọi là ý thức hệ) cũng chính là sự thiếu vắng các quan điểm lịch sử trong nhận thức. Việc hình thành và tuyên bố một số ý tưởng mang tính chất xã hội cũng như quốc gia là quan trọng và cần thiết. Nếu thiếu chúng thì không thể hình thành được khối thống nhất của những người cùng nòi giống, cùng quốc gia. Chính đây là điều duy nhất tương phản lại quá trình “nguyên tử hóa” xã hội và sự biến đổi của một bộ phận giới trẻ trở thành những “sinh vật văn phòng” phù du vô nghĩa, những sinh vật đó đang tràn ngập các thành phố lớn và đầu tiên là thủ đô Moskow.
Trên cơ sở cái gì để có thể hình thành được tư tưởng dân tộc chung có ý nghĩa?
Thứ nhất. sự hồi sinh của bộ nhớ lịch sử như một thành phần cấp bách của cuộc sống hàng ngày của con người. Con người Nga hiện đại có thể và cần phải hàng ngày cảm thấy mình là kẻ thừa kế một truyền thống lịch sử và văn hóa hàng ngàn năm.
Thứ hai. Con người hiện đại, cũng giống như ở mọi thời đại, cần phải hiểu cái sứ mệnh lịch sử của nền văn hóa Nga và sự tham dự của cá nhân vào sứ mệnh đó. Chỉ có như thế, con người mới cảm thấy mình là một bộ phận của xã hội, là thành viên của quốc gia.
Trên thực tế, mười năm đầu tiên của thế kỷ XXI, trong cái không gian văn hóa –lịch sử, xã hội và tồn tại – bản thể học, Cái gì đã thống nhất và liên kết tất cả chúng ta lại, mặc cho bị mất phương hướng và tản mạn khắp mọi nơi, mặc cho không đủ khả năng thoát ra khỏi những lề thói, giới hạn của môi trường sống xung quanh? Thực chất, có hai yếu tố : Ngôn ngữ và lịch sử lâu đời nhiều thế kỷ, đã tạo nên một văn hóa mà chúng ta thường không nhìn thấy hoặc không biết cách đánh giá. Nếu như chúng ta đã không khó khăn gì để nắm vững ngôn ngữ mẹ đẻ từ lúc còn trong nôi, thì việc thông thạo và hiểu biết lịch sử và văn hóa lại đòi hỏi công sức đáng kể - cả của mỗi cá nhân trong quá trình trưởng thành cũng như trong suốt cả cuộc đời, cả của môi trường xã hội gần gũi nhất đến trường học là nơi mười năm của cuộc sống có ý thức, gắn bó.
Và, ở đây đã nảy sinh một vấn đề lớn : trường học không thực hiện được nhiệm vụ chính của mình là xã hội hóa con người trên bình diện văn hóa và lịch sử, không gắn con người vào trong bối cảnh lịch sử hàng ngàn năm và cũng không đặt số phận của anh ta trong mối liên hệ với tương lai của lịch sử nước Nga. Với lý do, xã hội không có nhu cầu cấp bách với những mối quan hệ đó. Vì vậy, những người ở vào tuổi ba mươi sẽ cảm thấy mình không phải là công dân của đất nước Nga mà là một nhân viên quản trị phục vụ cho các lợi ích của các công ty xuyên quốc gia.
Ngôn từ và mã số văn họcNga
Chúng ta có thể suy xét việc này theo văn học. Chính văn học đã chuyển tải đến chúng ta qua hàng chục năm thậm chí cả thế kỷ khái niệm về các chuẩn mực của đời sống quốc gia, về hệ thống các giá trị đã từng được xã hội chấp nhận,và còn chỉ ra cái lý tưởng và phi lý tưởng của con người. Văn học giúp chúng ta có cái nhìn bao quát về các sự kiện lịch sử và về những con người tham gia vào các sự kiện đó.Chúng ta có thể biết được họ nghĩ gì, cảm thấy gì trong cái khoảng không gian văn hóa và lịch sử Nga, cái gì thúc đẩy và buộc họ phải hành động thậm chí trái ngược cả với lợi ích của chính bản thân mình.Chính nhờ Tolstoy chúng ta biết được về cuộc chiến tranh năm 1812, chính nhờ Griboedov – chúng ta biết được cảm quan của các nhà cách mạng Tháng Chạp trước khi bước ra nhận án tử hình trên quảng trường Nghị viện, chính nhờ Alekcay Tolstoy – chúng ta biết được các cải cách của Vua Piod và chính nhờ Dostoyevski – chúng ta biết được cái con người trong giai đoạn tiền tư bản nó như thế nào.
Văn học là phương tiện truyền tải mã di truyền hết sức độc đáo, không có nó thì con người và xã hội mất đi những liên kết mang tính kế thừa theo chiều dài của thời gian. Thông qua văn học, con người nhận được một kho kinh nghiệm được tích lũy hàng thế kỷ về đời sống của đất nước, về cách ứng xử cũng như phương pháp tư duy và cảm thụ thế giới. Nếu như cho rằng kinh nghiệm này cổ hủ không phù hợp với các điều kiện hiện đại ( viện lý do là qua trình toàn cầu hóa) tức là đồng nghĩa với việc chối bỏ nền văn hóa dân tộc của chính mình. Trong thực tế, tại sao không phù hợp? bởi vì nó không cần cho công việc trong một tập đoàn dầu khí chăng? Hay trong các tập đoàn xuyên quốc gia thì chỉ cần tiếng Anh thông thạo là đủ? Chắc hẳn, trong các công ty đó, sùng bái thành tích cá nhân, bằng bất cứ giá nào, được trọng vọng hơn cả. Vậy thì văn học Nga đã dạy bạn đọc được điều gì trong hai trăm năm nay? Có thể nói ngắn gọn là: Có trách nhiệm với chính cuộc đời mình và số phận của dân tộc mình.
Song chức năng của văn học trong các điều kiện của nhà nước chuyên chế là hình thành là tạo nên các hình tượng nhân vật điển hình, để làm cho lịch sử sinh động hơn, dễ hiểu hơn và gần gũi hơn. Văn học cũng tạo nên các tiêu chuẩn đạo đức và hành xử trong các tình huống khác nhau, hình thành nên một hệ thống các giá trị và các nhân vật văn chương trở thành các tiêu chuẩn của nhận thức dân tộc.
Văn học giai đoạn Xôviết cũng đóng một vai trò tương tự, trong đó chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã định hướng cho con người bị cách mạng tước đi những chỗ giựa về tôn giáo, văn hóa và pháp luật. Trong cái khoảng không gian lịch sử của mình, văn học giai đoạn này đã tạo nên các huyền thoại của một thế giới mới, các nhân vật văn hóa mới ( Paven Kotragin) trong khi lý giải ý nghĩa của những biến động lịch sử. Văn học, trong khi tạo dựng huyền thoại, định hướng cho con người trong không gian lịch sử của thế kỷ 20, xây dựng nên những giá trị tinh thần lý tưởng, đồng thời phản kháng lại cái hệ thống quan liêu, phi pháp lý và trấn áp ngày càng tăng của chế độ Stalin. Văn học còn tạo nên một không gian vũ trụ Xôviết riêng và đặt vào đó con người, đồng thời mở ra trước mắt anh ta cái ý nghĩa của sự tồn tại mang tính lịch sử của mình. Có thể nói rằng, cái vũ trụ này hóa ra rất không bền vững, các mục tiêu lịch sử không đạt được, song chính các nhà văn lại tạo nên một hình tượng đầy sức lôi cuốn của thế giới Xôviết và nó trở thành lý tưởng của cả một quốc qia, một cường quốc thế giới trong vòng hàng chục năm liền. Văn học Xôviết đã tạo nên cái lý tưởng của cuộc sống và kèm theo đó là các mục tiêu lịch sử cho vài thế hệ người dân Liên Xô qua các tiểu thuyết với các đề tài về sản xuất và hợp tác hóa. Mặc dù lý tưởng này không đạt được, nhưng nó có một giá trị không thể phủ định. Liệu, thế hệ trẻ bây giờ, khinh khỉnh quay mặt đi, có nghĩ ra nổi một cái gì đó có chút tương lai mà không dính dáng đến ngoại tệ hay dầu khí hay không? Tất nhiên, lịch sử sẽ đòi hỏi phải tính sổ với văn học Nga thế kỷ XX. Rất rất nhiều các vấn đề trong đời sống của đất nước không được động chạm và phản ánh tới – cả trong dòng văn học chính thống, cả trong dòng văn học lưu vong và phi pháp. Và như vậy, những người sống vào những năm đầu của thế kỷ XXI đã không thấu hiểu được ý thức lịch sử quốc gia. Không được phản ánh trong bộ nhớ của quốc gia, nhưng cũng không bị khúc xạ nghệ thuật : Đó là các cuộc binh biến của quân đồn trú ở Kronstadt và một số chiến hạm thuộc hạm đội Baltic chống lại những người Bolsevich, đó là các cuộc nổi dậy của đội quân nông dân dưới sự lãnh đạo của Ataman Antonov tại tỉnh Tambov và đã bị đàn áp bởi hồng quân dưới sự chỉ huy của Tướng Tukhachevsky ( được phản ánh qua hai truyện ngắn của Solzhenitsyn năm 1990) rồi nạn đói tại miền nam nước Nga năm 1930 ( chỉ có trong truyện ngắn của Tendryakova) cuộc đàn áp nhà thờ và tiêu diệt linh mục ( trong các bài báo của Soloukhina) và sự tham gia của Nga vào trong đại chiến thế giới thứ I ( trong truyện ngắn Tháng Tám năm Mười bốn - 1914 của Solzhenitsyn)
Văn chương – Đấy là công việc mang tầm quốc gia
Vai trò tương tự như vậy của văn học là hoàn toàn có thể dưới các chế độ toàn trị của văn hóa Nga. Khi vai trò đó bị loại bỏ, nảy sinh một khoảng chân không mà hiện nay chưa có gì để lấp đầy. Ở đây, chúng ta không thể trốn tránh việc nói về vai trò của nhà nước trong việc bảo tồn và giúp đỡ sự tồn tại và phát triển của văn học cũng như ảnh hưởng của nó đến con người đương đại. Сhúng ta thử ngoảnh nhìn lại thời kỳ Xô viết . Đã qua rồi cái thời la mắng Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, quyền lực của Liên Xô, cũng như các bất đồng quan điểm trong văn học. Các tác động tiêu cực lên văn chương của quá trình mà giới phê bình văn học hiện đại gọi là " quốc hữu hóa " văn học, cũng đã được minh bạch. Nhiều trào lưu văn học trở thành nạn nhân của quá trình trên ( trào lưu nông dân mới, đại diện bởi các tên tuổi như S. Yesenin , P. Vasiliev , S. Klyuyeva , A. Ganin hoặc chủ nghĩa phi lý với tên tuổi D. Harms, K. Vaginov A. Vedenskogo ) . Tuy nhiên,chúng ta nên nhớ rằng, sự đàn áp các nhà văn (mặc dù không phải luôn luôn ) thường có cả lý do văn chương cả lý do chính trị.Cuộc đấu đá chính trị kết thúc vào năm 1937 được gọi là " phản cách mạng từ trên cao" để tiêu diệt các thành viên cuối cùng của Ủy ban Trung ương do Lenin đề cử và khẳng định quyền lực hoàn toàn của Stalin, đã hút vào quỹ đạo của nó không ít các nhà văn. Ví dụ, AK Voronsky , nhà phê bình văn học và lịch sử , là một thành viên của phe đối lập Trotskyist, việc này đã ảnh hưởng đến số phận của mình cũng như các bạn văn bút trong nhóm vào những năm 1930. Song, sự chú ý của nhà nước đối với văn chương không chỉ có chuyện kiểm duyệt gắt gao hay o ép. Đại hội đầu tiên của các nhà văn Xôviết năm 1934 đã đánh dấu về nguyên tắc cơ bản đặc tính mới trong mối tương hỗ giữa văn học và chính quyền khi văn chương là công việc mang tầm quốc gia còn lao động nhà văn là cần thiết và có ý nghĩa xã hội quan trọng. Hội nhà văn được hình thành và cũng là lần đầu tiên trên thế giới, đại học văn chương được thành lập, nơi đào tạo các nhà văn chuyên nghiệp và Học viện văn học thế giới mang tên M. Gorki ra đời. Các sự kiện này tâm điểm chú ý của toàn xã hội, được người dân của những năm 30 xem như một niềm tự hào chẳng kém gì con người từ Nga đã bay sang Mỹ qua Bắc cực vậy.
Văn học Nga có tương lai hay không?
“ Tôi ái ngại rằng – E. Zamiatin viết – văn học Nga chỉ có một tương lai duy nhất – Đó là quá khứ của nó. 90 năm sau, chúng ta biết là ông đã nhầm. Lúc đó văn học Nga đã có tương lai. Còn văn học Nga hiện nay thì sao, có tương lai không?
Chúng ta thấy ở đây nổi lên hai vấn đề có tính nguyên tắc:
- Giới chính trị hiện nay có hiểu hay không rằng thật không tự nhiên và vô cảm đối với tâm hồn Nga nếu như đánh mất đi các giá trị văn hóa, văn học?
- Nếu hiểu thì liệu họ có khả năng gì đó để chống lại tình trạng này không?
Thật là nghịch lý, trong nhiều thế kỷ liền, hiện tại của nước Nga luôn luôn được đánh giá như đang trong tình trạng khủng hoảng. Tuy nhiên, khủng hoảng của ngày hôm nay không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn ở các lĩnh vực khác của cuộc sống. Trong đó có cả văn học. Chúng ta bỗng cất cao giọng lên mà phán rằng đất nước đã thôi không còn thích đọc sách nữa, Internet đã làm thỏa mãn tính tò mò của con người về thông tin, cho họ khả năng đọc, viết, chơi game và xem tất cả mọi thứ…
Chúng ta bỗng nhiên lo lắng đến chuyện, không chỉ khủng hoảng văn hóa đọc đã hiện hữu mà còn khủng hoảng cả văn chương thứ thiệt. Như nhà văn Alla Latynhina nhận định : “ mười năm đầu của thế kỷ XXI, văn học đã thất bại. Mặc dù nó đã được trao vào tay con át chủ bài – Tự do ngôn luận. Chúng ta bước vào kỷ nguyên xế chiều của văn chương”.
Một quan điểm khác của nhà phê bình Andrew Nemzer cho rằng các tiểu thuyết của V. Astafijeva , Yu Davydov , V. Makanina , A. Dmitriev , M. Vishnevetskaia có giá trị nghệ thuật không thể chối cãi " . Ông đã đặt tên cho bài báo và cuốn sách của mình là " Thập kỷ văn học tuyệt vời của Nga".
Tồn tại một quan điểm thứ ba của nhà phê bình Natalia Ivanova , nói rằng : . " Tôi không tin rằng thập kỷ này là " tuyệt vời ". Tôi cho rằng đây là thời kỳ quá độ, giao thời. Quá trình này chưa bao giờ được xem là tuyệt vời vì người ta chỉ mới rời điểm xuất phát và cũng chưa đến được đích cần tới"
Có lẽ, đây là một quan điểm cần phải đồng tình. Quả thật, chúng ta đang sống trong một giai đoạn chuyển tiếp, từ một hệ thống chính trị này sang một hệ thống chính trị khác, từ một hình thái kinh tế này sang một hình thái kinh tế khác. Trên con đường này còn rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết, nhiều lệch lạc, do dự, bất cập của pháp lý, thiếu tính kế thừa…song, cái quan trọng nhất là chúng ta vẫn chưa sẵn sàng sống trong một thế giới mới. Thế giới văn chương cũng không phải là ngoại lệ : Nó cũng chưa sẵn sàng nhận thức được một cách đầy đủ những điều đang diễn ra và vẫn đang trong giai đoạn tìm kiếm nhân vật điển hình của thời đại mới.
Trong cái kỷ nguyên mà chúng ta vừa bước ra, nhà văn chỉ có quyền lựa chọn : đối với một bộ phận, họ tin tưởng và sẵn sàng phục vụ chính quyền Xô viết, hay chính xác hơn là hệ tư tưởng của nó bằng ngòi bút của mình, còn một bộ phận khác thì ra sức chống lại sự độc tài của chính quyền – có thể là rất tích cực ( khi đó chính quyền xếp họ vào hàng phản động, kẻ thù và cần phải thanh lọc) có thể là thụ động bằng cách trốn vào công việc dịch thuật, nghiên cứu văn học để kiếm sống và có được một vị trí xã hội nhất định, hoặc tập trung “ đóng cửa một mình” viết cho bản thân, cho Thượng Đế hoặc để lại cho hậu thế.
Thời đại đó đã chấm dứt nhưng sự lựa chọn thì vẫn còn. Tuy nhiên có sự sửa đổi, vai trò của chính quyền đã chuyển sang vai trò của thị trường. Chúng ta đã chứng kiến, điều kiện sống đã buộc nhiều nhà văn phải nhanh chóng thích nghi và đào tạo lại mình trở thành các nhà cung cấp các loại sách thương mại, trinh thám và thậm chí cả sách khiêu dâm. Các nhà thơ tinh tế chuyển sang làm tuyên truyền cho các tập đoàn, các nhà ngôn ngữ học làm PR công chúng, các cây bút có tay nghề cao trong văn xuôi cố gắng kiếm sống bằng các loại tiểu thuyết ái tình ướt át hoặc viết kịch bản cho các bộ phim truyền hình dài tập.
Song, có một nhóm nhà văn mang vóc dáng đặc biệt hơn. Nếu như một tác giả văn xuôi cố gắng chạy theo thị hiếu thị trường, cho ra 2-3 đầu sách mỗi năm, thì nhà văn thuộc nhóm này, vài năm liền, trốn khỏi cuộc sống xô bồ, chen vai thích cánh hàng ngày, để ôm lấy bàn viết, rồi sau đó trở lại với công chúng bằng một tác phẩm tầm cỡ. Đây là sự lựa chọn mang tính chiến lược, có ý thức. Tôi đinh ninh rằng và cũng không lầm mà nói rằng, chính nhóm văn chương này có trọng lượng hơn cả và chính ở đây, cái dòng chảy hàng thế kỷ của văn học Nga vẫn róc rách tuôn trào – Họ mơ ước về một tương lai tốt hơn, có cách tiếp cận phê phán với thực tại, và say mê tìm kiếm con đường cho một xã hội công bằng. Trong văn học của chúng ta hiện nay, còn thiếu những hướng dẫn về quá trình đổi mới đạo đức, thiếu cái mà Pushkin đã thể hiện một cách hình tượng là “ Tinh thần phản biện, tinh thần hoài nghi” trong việc đánh giá những điều đang diễn ra trong đất nước và trên thế giới, thiếu tính phê bình hài hước theo kiểu Gogol : “ anh cười cái gì? Hãy cười chính bản thân mình đi!” Lòng tin và Hoài nghi là hai thực thể có liên hệ qua lại với nhau, là những thuộc tính cố hữu của văn học Nga ngay từ những bước đi đầu tiên của nó. Chúng thường đặt văn học Nga ở vị trí đối lập với chính quyền.
Nhà văn Chekhov trong truyện vừa “Thảo nguyên” đã đưa ra một nhận định rất tinh tế và chính xác : “ Người Nga thích hồi tưởng nhưng không thích sống”. Điều này có nghĩa là : Người Nga không sống bằng hiện tại mà sống bằng quá khứ và tương lai. Đây là một đặc điểm dân tộc rất đặc trưng của nước Nga, nó vượt qua danh giới chỉ có trong văn chương. Điều này đã được các nhà cai trị của quá khứ cũng như hiện tại đôi khi lợi dụng. Chúng ta thử lấy cải cách của Piot Đại đế ra làm thí dụ. Một khi cần tới sự xích gần đối với Châu Âu, thì cần phải khẳng định rằng nước Nga hoàn toàn bị cách biệt với Châu Âu. Nếu một khi cần phải chuyển động nhanh lên phía trước thì cần phải tạo nên một huyền thoại về một nước Nga ù lì, chậm chạp, nếu cần một nền văn hóa mới, điều đó có nghĩa là văn hóa cũ không còn hợp thời…điều này thường xuyên diễn ra trong đời sống dân Nga, để chuyển động lên phía trước, cần phải có một cú giáng cực mạnh vào toàn bộ cái cũ, với một sức mạnh đến mức lịch sử cả bảy thế kỷ của văn hóa Nga cần phải được đảo ngược lại và bôi gio trát chấu. Về những huyền thoại mang tính quốc gia như vậy, chúng ta biết được qua thời Xôviết, đặc biệt dưới thời Stalin trị vì. Một trong những “huyền thoại” nổi tiếng nhất là về sự lạc hậu của văn hóa Nga trước cách mạng “ nước Nga từ một nước thất học trở thành tiên tiến”….
Chúng ta cũng cần phải lưu ý một điều rằng, trong một xã hội cởi mở và dân chủ thì con người hoàn toàn có quyền tự mình đánh giá và phân tích lịch sử cũng như hiện tại của đất nước mình, cho dù nó không trùng hợp với các đánh giá của chính quyền. Và văn học đã cho chúng ta những ví dụ điện hình. Khi chúng ta muốn xây dựng lịch sử của bất cứ môn nghệ thuật nào, hay lịch sử của văn học, chúng ta đều phải tìm được những điểm tựa vững chắc trong các tác phẩm xuất sắc, dừng lại ở các tác giả thiên tài. Nguyên tắc này vô cùng quan trọng và không thể phủ nhận. Văn học cổ điển của các dân tộc Nga là suối nguồn không bao giờ cạn kiệt tạo nên sức mạnh trí tuệ cũng như thẩm mỹ và đạo đức cho nhân dân Nga. Mỗi thời đại đều sản sinh ra các nhà cổ điển của mình. Và tất nhiên, thời đại của chúng ta sẽ trở nên giàu có hơn bởi các nhà cổ điển đang âm thầm vững bước trên con đường sáng tạo đã lựa chọn.
Trong bất cứ nền văn hóa nào, chính văn học, chữ viết biểu hiện các lý tưởng của dân tộc rõ ràng hơn cả. Văn học cất tiếng thay mặt cho cả nền văn hóa của đất nước và gián tiếp, lãnh trách nhiệm cho tất cả mọi sự sống trên hành tinh này.
Vũ Tuấn Hoàng dịch
|