Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 25/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Cõi thiêng Hoàng Sa - Lê Mạnh Thường Cõi thiêng Hoàng Sa - Lê Mạnh Thường , Người xứ Nghệ Kiev
 

Nhà báo, đại úy Lê Mạnh Thường là phóng viên của Bản tin – Trang Thông tin Điện tử Cảnh sát biển Việt Nam. Hơn một tháng qua, anh vẫn luôn cùng đồng đội trên tàu CSB 4033 làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển, tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan HD 981 trên thềm lục địa đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Anh vừa trở về sau chuyến công tác dài ngày trên biển, nhưng chỉ sau 2 ngày lại có lệnh phải lên đường ngay. Khi trái tim của hàng triệu triệu người dân Việt Nam cùng với tất cả những ai có lương tri trên thế giới đang từng giờ từng phút hướng ra biển Đông, thì cuộc sống của người cảnh sát biển cũng luôn sôi sục, khẩn trương như một người lính thực sự

 

Là người lính biển, lại là người làm báo. Biển là hơi thở, là cuộc sống của Thường. Do vậy, khi biển có sóng dữ tràn về, trong lòng anh cũng như bao người đồng đội khác cứ nôn nao, day dứt và mong được sớm ra với biển, để được đương đầu với sóng gió đang hoành hành trên biển quê hương. Mặc dù cũng đã quá quen thuộc với những chuyến công tác dài ngày trên biển, nhưng chuyến công tác lần này của Lê Mạnh Thường không giống những lần trước. Anh không chỉ cảm thấy bâng khuâng và trằn trọc trong sự im lặng và yên tĩnh đến se sắt của trời đêm trước buổi lên đường, bởi ý nghĩ “Có thể mọi lời động viên của tôi bây giờ là vô ích khi hàng ngày, hàng giờ, trên các phương tiện thông tin đại chúng đang tràn ngập những hình ảnh, thông tin về sự ngang ngược của các tàu Trung Quốc đối với các lực lượng chấp pháp của Việt Nam ngoài vùng biển Hoàng Sa... Có lẽ, không chỉ vợ tôi mà biết bao người vợ, người mẹ của các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài vùng biển nóng đều có chung tâm trạng ấy đối với chồng, với con của họ…” như Thường đã viết trong một bài báo gần đây nhất của mình; mà đằng sau cái bâng khuâng, trằn trọc ấy vẫn là tiếng gọi khẩn thiết của Tổ quốc, nơi mà không chỉ riêng Thường, không chỉ riêng những người đồng đội của anh, mà tất thảy những người con đất Việt đều coi là một “Cõi thiêng” của lòng mình…

Và khi cái cõi thiêng ấy bị ngang nhiên xâm phạm một cách trắng trợn, thì những cảm xúc như thế này của người cảnh sát biển Lê Mạnh Thường không phải là điều khó hiểu:

“… Cảm giác đầu tiên của tôi khi tận mắt thấy những gì đang diễn ra trên thực địa khiến cho lồng ngực nhói đau. Nó khác hẳn với cảm xúc của những lần trước đó khi tôi đến vùng biển Trường Sa. Chiếc giàn khoan HD 981 đỏ rực như một bọng máu nằm nghễu nghện như đang trêu ngươi, thách thức các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam trên biển Hoàng Sa. Xung quanh nó là vô số tàu hàng, tàu dịch vụ, tàu hải cảnh, tàu kéo, tàu cá, tàu chiến của Trung Quốc nằm thành nhiều vòng nhằm che chắn, bảo vệ cho con quái vật khổng lồ này… Mặt biển Hoàng Sa bị băm nát bởi lực lượng tàu hộ tống các loại của Trung Quốc đang ngang nhiên giày xéo. Khi con tàu CSB 4033 vừa ra đến nơi, lập tức chiếc máy bay trinh sát của Trung Quốc phi ra, đảo mấy vòng trên đầu hòng uy hiếp, đe dọa tàu ta. Tôi nheo mắt nhìn vào ống kính tele của máy ảnh mà ngậm ngùi, cách chiếc giàn khoan quái gở kia chỉ 17 hải lý thôi là Tri Tôn, hòn đảo nằm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép. Lòng tôi chợt trào dâng lên nỗi uất nghẹn, xót xa…”

Hình ảnh chiếc giàn khoan “đỏ rực như một bọng máu” nằm nghễu nghện trên vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với hàng loạt những hình ảnh hàng trăm con tàu các loại của Trung Quốc ngang nhiên chèn ép, đâm húc, phun vòi rồng vào những con tàu chấp pháp của Việt Nam, thậm chí là cả tàu cá của ngư dân Việt Nam cũng trở thành nạn nhân của sự hung hãn này, thực sự đã động chạm đến lòng tự tôn dân tộc, đến tinh thần yêu nước, khiến cho hàng triệu triệu người dân Việt bỗng xích lại gần nhau hơn, trở thành những người lính kiên trung nơi đầu sóng…

Mỗi hành động, mỗi tình huống xử trí của cán bộ, chiến sĩ trên những con tàu Cảnh sát biển được thể hiện qua những trang viết của các nhà báo, nhà văn có mặt tại đây đã giúp cho chúng ta và toàn thế giới càng thấy rõ hơn bản lĩnh, trí tuệ, sự bình tĩnh và tỉnh táo, tôn trọng luật pháp quốc tế, tinh thần chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, Nhà nước ta của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam nơi đầu sóng ngọn gió. Qua đó, càng khẳng định rõ ý chí, quyết tâm sắt đá của chúng ta trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Bài viết dưới đây là những cảm xúc của người lính, nhà báo Lê Mạnh Thường, viết trong đêm trước ngày lên đường thực hiện nhiệm vụ. Anh gửi lại cho Văn nghệ kèm theo lời nhắn: ... Chiều nay anh rời bến. Xin chào và hẹn gặp lại!

 

Đại úy Lê Mạnh Thường

Vừa trở về từ Hoàng Sa chưa được bao lâu, chiều nay tôi lại nhận được lệnh tiếp tục lên đường ra ngoài đó vào sáng mai để thực hiện nhiệm vụ được giao. Tôi chẳng có gì bất ngờ trước thông tin trên mà trái lại, thật vui và có phần hãnh diện, tự hào bởi tôi nghĩ, không những tôi mà tất thảy con dân đất Việt đều sẵn sàng lên đường khi nghe Tổ quốc gọi tên mình, để được cống hiến sức lực, trí tuệ. Và có thể, sẽ phải đổ cả máu mình nơi cương thổ địa đầu để quyết bảo vệ bằng được chủ quyền tối thượng của quốc gia dân tộc.

Đêm nay sao mà dài đến thế! Nằm trằn trọc mãi mà tôi vẫn không thể nào ngủ được. Phải chăng vì tâm trạng háo hức, bồn chồn? Cái háo hức y như cảm xúc của một cậu trai mới lớn, lần đầu tiên được khoác trên mình bộ quân phục còn thơm mùi hồ đang mong chờ giây phút được gọi lên đường ra trận, để được chiến đấu, được hi sinh. Sự hi sinh nhỏ nhoi ấy sẽ góp thêm chút nắng cho bầu trời quê hương xanh thắm hơn, cho đất đai Tổ quốc thêm cao hơn bản hùng ca sẽ luôn vang vọng mãi. Bồn chồn ư? Có phải anh lính trẻ kia đang nhớ về quê hương, nhớ mẹ cha, nhớ dáng hình một người con gái mà anh đã thầm yêu trộm nhớ? Nỗi nhớ của người sắp sửa được lên đường làm nhiệm vụ cao cả mà dân tộc giao phó thật mênh mông, vô tận. Ai sinh ra mà chả có một quê hương. Phải chăng đó là nỗi nhớ cánh cò, nhớ làng quê, thôn xóm - nơi một đời mẹ ta dầu dãi nắng mưa để cấy cày, gieo hạt, trỉa mầm, làm nên hạt lúa, ngọn rau nuôi ta khôn lớn từng ngày?

Đêm khuya, phố phường đã rệu rã sau cả ngày ồn ào, náo nhiệt. Lúc này đây, những thanh âm từ biển lại dội về bên tôi. Những hình ảnh của chuyến công tác Hoàng Sa đợt trước cứ tuôn trào liên tục. Những câu chuyện cảm động của những người lính Cảnh sát biển, Kiểm ngư cũng quay trở lại như vừa mới hôm qua.

Những con sóng dữ vẫn liên tiếp bủa vây lấy biển Hoàng Sa. Bầy thủy quái vẫn lượn lờ, nhảy múa, thi nhau xéo giày mặt biển mà ông cha ta đã để lại suốt bao đời nay. Chiếc giàn khoan HD 981 đỏ rực như một bọng máu nằm nghễu nghện như đang trêu ngươi, thách thức các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam trên biển Hoàng Sa. Xung quanh nó là vô số tàu hộ tống các loại  nằm thành nhiều vòng nhằm che chắn, bảo vệ cho con quái vật khổng lồ này. Những gì mà tôi tận mắt thấy ngoài thực địa ấy khiến cho trái tim mình thắt lại. Nỗi uất nghẹn, xa xót cứ trào dâng. Hàng chục con tàu hải cảnh cứ lao ra như một bầy kền kền trắng hễ thấy tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư tiếp cận giàn khoan để uy hiếp, truy đuổi và tấn công. Phía trên trời, máy bay Đại Hán thi nhau quần đảo ra oai. Bầy kền kền đói ăn đó đang làm cái việc mà các vị tiền nhân phương Bắc xưa kia đã làm trên lãnh thổ thiêng liêng của người Việt. Và tất nhiên, những kẻ mang ước mộng bá quyền đó sẽ luôn phải nhận những kết cục đớn đau. Hẳn lịch sử dân tộc là một thứ gì đó rất đỗi xa vời và chẳng có gì đáng phải nhớ đối với những kẻ mang dòng máu xâm lăng?

Tôi đã từng dõi mắt ra xa để ngắm biển Hoàng Sa. Biển Hoàng Sa mang một màu đen thẫm. ở đằng kia, chiếc giàn khoan sáng rực như một bó lửa khổng lồ. Xung quanh nó, những chiếc đèn pha công suất lớn gắn trên các tàu hộ tống như những ánh mắt cú vọ đang soi mói, đảo điên tứ phía rình mồi. Chợt một cơn gió lạnh luồn vào da thịt làm tôi rùng mình. Dưới làn nước đen thẫm kia là đất đai hương hỏa của Tổ tiên, ông bà ta, nơi có cả một nghĩa trang rộng lớn, nơi yên nghỉ của biết bao vị tiền nhân và cả những người lính, người dân bao đời nay thay nhau ngã xuống để xác lập chủ quyền cương vực quốc gia. Vậy mà, mặt biển quê hương đang bị thế lực ngoại bang ngày đêm diễu võ dương oai, thể hiện những hành động bất nhân, bất chấp đạo lý và coi thường luật pháp quốc tế. Đau đớn vô cùng.

Lòng tự hào, niềm tự tôn dân tộc đã ngấm sâu vào trong dòng máu đỏ của mỗi người con đất Việt. Lá cờ Tổ quốc cũng đã được nhuộm đỏ thắm từ những dòng máu ấy. Những hành động ngang ngược, điên cuồng của Trung Quốc gây ra trên biển Hoàng Sa hơn một tháng nay đã làm cho lòng tự hào, tự tôn của người Việt bị tổn thương sâu sắc. Những trái tim yêu nước đã xích lại gần nhau, kiêu dũng đứng lên và xung phong ra Hoàng Sa đương đầu với sóng dữ để bảo vệ biển cả thiêng liêng. Có ai biết rằng, mẹ của người thuyền trưởng trẻ bị ung thư vòm họng đang phải xạ trị ở bệnh viện ung bướu đã động viên con trai hãy quay trở lại đơn vị để ra khơi mặc dù anh vừa mới đi biển về và xin nghỉ phép vào viện chăm mẹ được hơn một ngày? Có ai biết rằng, vì bận nhiệm vụ cản phá việc hạ đặt cái giàn khoan quái gở kia mà chàng sĩ quan máy quê thành Vinh đã phải hoãn đám cưới - công việc hệ trọng của đời người đến lần thứ hai?

Những người lính Cảnh sát biển Việt Nam, những cán bộ Kiểm ngư Việt Nam vẫn biết cách gác lại tình riêng của mình, vượt qua mọi khó khăn thường nhật để can trường bám biển, sát cánh cùng nhân dân cả nước đấu tranh bảo vệ chủ quyền tối thượng của quốc gia… Nhìn gương mặt đen sạm, rắn rỏi và ánh mắt cương nghị mỗi cán bộ, chiến sĩ tôi hiểu, anh em đã sẵn sàng ra khơi với quyết tâm cao nhất để thực hiện điều đó.

Chỉ còn một khắc nữa thôi, sáng sớm mai tôi lại tiếp tục ra với Hoàng Sa, cõi thiêng của Tổ quốc, cõi thiêng trong mỗi con người...!

2h ngày 11/6/2014

(Nguồn: Văn nghệ số 25/2014)


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 11
Total: 65229463

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July