Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 25/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Ghi chép: "Lính mới trên biển khơi" - Việt Hà Ghi chép: "Lính mới trên biển khơi" - Việt Hà , Người xứ Nghệ Kiev
 

Описание: http://vanvn.net/upload/news/admin/logo.jpgVanVN.Net - Dùng facebook, ngôn ngữ xì-tin, các chiến sỹ thực hiện nghĩa vụ quân sự là những gương mặt trẻ trung nhất tại các đơn vị đóng quân trên biển đảo Tây Nam. Họ là hình ảnh đại diện cho thế hệ hiện đại nhất, thế hệ 9x, đang góp phần canh giữ biển trời. Họ không mảy may cân đong, tính toán thiệt hơn khi tự nguyện khoác lên mình màu xanh áo lính ở cái tuổi mười tám, đôi mươi. Với những tân binh này, được làm nhiệm vụ canh gác biển khơi Tổ quốc là một vinh dự lớn, cũng là cơ hội để luyện rèn, trưởng thành, để chứng tỏ “chí làm trai” trong thời đại mới. Trong chuyến công tác dài ngày nơi biển đảo Tây Nam vào đầu năm 2014 vừa rồi, tôi đã gặp rất nhiều những gương mặt tân binh tươi tắn, rạng ngời như thế.

Quyết định bất ngờ

Trung sỹ Nguyễn Khánh Đức, 24 tuổi, là chiến sỹ trẻ nhất của trạm ra-đa đảo Hòn Đốc. Mặc dù nhập ngũ đã hơn 1 năm, gương mặt bầu bĩnh, thư sinh của Đức vẫn khiến cậu có dáng dấp của một cậu học trò. Trước khi nhập ngũ, Đức đang là sinh viên năm thứ 3 ngành dầu khí của trường Đại học  Bà Rịa – Vũng Tàu. “Gia đình em đầu tiên không tin được là em có quyết định này. Còn bạn bè ở lớp, tới tận trước ngày đi, liên hoan chia tay em mới thông báo, bạn em nói “thằng này ngất ngưởng”, mặc cho tôi hết sức ngạc nhiên, Đức chỉ cười mỗi khi nhớ lại ngày thông báo việc nhập ngũ với người thân, bạn bè.  Ai cũng bất ngờ với quyết định này của Đức vì con đường của những sinh viên như cậu thường đi theo một lối chung: học xong đại học, ra trường kiếm việc làm, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ được gác lại theo một cách nào đó cho đến khi hết tuổi. Hơn thế nữa, ngành dầu khí mà cậu theo học lại là một ngành “hot” đối với giới trẻ hiện nay.

Không ai biết được rằng Đức đã nung nấu ý định sẽ vào quân ngũ từ khi còn học phổ thông. Yêu thích hình ảnh người lính, ham tìm hiểu về lĩnh vực quân sự, Đức quyết tâm sẽ theo con đường binh nghiệp hoặc ít nhất là thực hiện 2 năm nghĩa vụ quân sự. Tốt nghiệp cấp 3, như tất cả bạn bè cùng trang lứa, Đức thi vào đại học. Những tháng ngày trên giảng đường không làm thui chột đi mong muốn này của Đức. Tới khi học hết năm thứ 3, Đức thấy không thể để lâu hơn được nữa vì đợi đến khi tốt nghiệp thì có thể hết tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự nên Đức bảo lưu kết quả học, xin thực hiện nghĩa vụ của mình. Gia đình không có truyền thống quân ngũ, ba làm nghề biển, mẹ ở nhà nội trợ như rất nhiều gia đình ngư  dân khác, Đức  nhập ngũ chỉ vì cậu muốn vậy, với một lý do không thể nào đơn giản hơn: “Em là một công dân và em muốn thực hiện nghĩa vụ của mình với đất nước”. Giờ đây, mơ ước được toại nguyện, Đức rất tự hào trên tuyến đầu Tổ quốc, canh giữ biển trời của đất nước, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền Việt Nam.

Không chủ động xin đi bộ đội như Nguyễn Khánh Đức, song khi đang làm nhân viên bưu chính tại quận 7, TP. Hồ Chí Minh, nhận giấy gọi nhập ngũ, Hà Quốc Thanh cũng vui vẻ gác lại công việc để lên đường. Thanh năm nay cũng 24 tuổi, mới nhập ngũ được 4 tháng, trong đó 3 tháng huấn luyện tân binh tại đảo Phú Quốc và Thanh mới lên đảo Thổ Chu nhận nhiệm vụ từ ngày 20-12-2013. Với Thanh, việc tạm dừng công việc, cuộc sống ở đất liền để bước vào cuộc sống mới trong quân ngũ cũng rất bình thường, không có nhiều băn khoăn trăn trở.

Nhập ngũ khi đang học, đang làm, Đức và Thanh vẫn là những tân binh thuộc diện “già” nhất. Trẻ nhất phải là những chàng trai sinh năm 1993, 1994, nhập ngũ ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học. Quyết định nhập ngũ với họ là bước đi lớn đầu tiên qua ngưỡng cửa vào đời. “Khi nhập ngũ, thanh niên ở địa phương em có thể chọn để đóng quân gần nhà hơn, nhưng em thích đi xa hẳn nên em vào Phú Quốc”, binh nhì Nguyễn Xuân Bắc ở Hải đội 511, lữ đoàn 127, Vùng 5 hải quân tâm sự. Cũng giống như Bắc, vào bộ đội là lần xa nhà dài ngày đầu tiên của hạ sỹ Nguyễn Tân Minh đóng quân trên đảo hòn Khoai.  Nhà Minh ở huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ, ba mẹ làm nghề kinh doanh vật liệu xây dựng, công việc rất bận rộn nên họ muốn Minh học xong phổ thông thì ở nhà phụ việc buôn bán. Xin đi thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành động có chút gì mang tính phản kháng, muốn khẳng định bản thân của Minh. Những quyết định đó của Minh, của Thanh cũng đều khiến gia đình ngạc nhiên vì họ không ngờ tới đứa con bé bỏng ngày nào đã bắt đầu trưởng thành thực sự. Bên cạnh những ngạc nhiên đó là lòng tự hào vô bờ bến. Không tự hào sao được khi những chàng trai đó đã xác định đặt nghĩa vụ và lòng yêu Tổ Quốc thiêng liêng lên trên tất cả!

 

Cực khổ mà vui

Bước vào đời sống quân ngũ một cách chủ động như thế, song những ngày đầu các tân binh đều trải qua cảnh nhớ nhà và có phần chán nản bởi chưa quen cuộc sống mới với những nề nếp, khuôn khổ rất “quân sự” và những ngày tháng luyện tập không ngừng nghỉ. “Mấy tuần đầu nhớ nhà lắm, hầu như đứa nào cũng xa nhà lần đầu tiên. Huấn luyện thì cực khổ nên 10 thằng thì tới 9 thằng muốn bỏ về.”, Nguyễn Xuân Bắc nhớ lại thời gian tập luyện làm quen với quân ngũ.

Từ cuộc sống của những học sinh vô lo vô nghĩ, bước vào môi trường có tính kỷ luật cao từ giờ giấc tới tác phong sinh hoạt, các tân binh đều cảm thấy gò bó và mệt mỏi. Nhưng một thời gian sau, khi mọi thứ đều đã đi vào nề nếp thì cuộc sống ấy với họ trở nên thật nhẹ nhàng, đơn giản. Dần dần, ai cũng cảm thấy gắn bó với đơn vị của mình và đời sống quân ngũ cũng có nhiều niềm vui. ở Cụm chiến đấu 2, đảo Thổ Chu, Hà Quốc Thanh gặp nhiều bè bạn cùng trang lứa đến từ nhiều tỉnh thành. Các hoạt động văn nghệ, thể thao đều rất xôm trò với sự tham gia nhiệt tình của các chàng lính trẻ. ở lứa tuổi vừa ngoài 20, họ mang vào quân ngũ tinh thần trẻ trung, sôi nổi của thế hệ mình. Sau những tháng huấn luyện đầu tiên bị cấm dùng điện thoại, khi đã nhận nhiệm vụ, công việc vào nề nếp, trong giờ nghỉ giải lao, các cậu lại xúm xít ngồi chơi cờ hay vào mạng, lên facebook giao lưu với bạn bè ở đất liền.

Các chiến sỹ thực hiện nghĩa vụ quân sự đều chỉ có 1 đến 2 cái Tết trong quân ngũ. Gắn bó với đơn vị, yêu quý các đồng đội, nhiều người được nghỉ phép cũng xin ở lại để biết thế nào là “Tết bộ đội”. “Có mấy anh mới ra quân được 2 ngày, lên thuyền vào đất liền rồi còn điện hỏi tàu sửa chữa ra sao, hỏi máy phát điện chạy chưa. Ra quân rồi mà còn lưu luyến vậy nữa”, Nguyễn Xuân Bắc kể. Chàng trai 20 tuổi ấy cũng đã nhìn thấy trước sự lưu luyến ấy là tương lai của mình cũng như các đồng đội khác khi chia tay cuộc sống quân ngũ tuy vất vả nhưng thật đáng nhớ này.

 

Lớn lên trong quân ngũ

“Em thấy em còn được nhiều hơn những gì mình nghĩ và tưởng tượng sẽ nhận được trong quân đội: hiểu biết thêm, rèn luyện bản thân, biết rõ hơn về biển đảo quê hương đất nước, về quân đội nhân dân Việt Nam. Cái hay nhất là mình rút được rất nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Trước Tết 1 tháng, em về thăm nhà, bố mẹ không nói gì nhưng thấy bố mẹ tỏ ra vui vẻ, hài lòng, có lẽ bởi thấy em chững chạc hơn nhiều” – Nguyễn Khánh Đức tâm sự.

Họ được học nhiều điều, biết thêm nhiều việc mà nếu không nhập ngũ có lẽ không ai nghĩ tới. Nguyễn Xuân Bắc hào hứng kể về việc học bơi: “Vào hải quân nên bọn em được học bơi, mà mấy bữa đầu học trên… vườn tràm, học lý thuyết và thực hành thao tác trên cạn. Học vậy mà hay lắm, mấy bữa sau xuống biển học là  biết bơi luôn. Trước em biết bơi chút xíu và giờ bơi ở biển được rồi”. Với Nguyễn Tân Minh thì kinh nghiệm mới là biết cách trồng rau. Gia đình làm nghề buôn bán, Minh chưa bao giờ biết làm vườn, làm ruộng. Nhờ được các anh trong đơn vị hướng dẫn, giờ Minh trồng rau cải, đu đủ, rau muống “siêu” lắm rồi. Sau vài tháng luyện tập, hầu như chiến sỹ nào cũng tăng cân và dẻo dai hơn trước nhiều. Nhiều cậu về phép thăm nhà mà  bố mẹ phải ngỡ ngàng, không ngờ thằng bé mới đây còn thư sinh, lẻo khoẻo mà giờ rắn rỏi thế này.

Nhưng hơn tất cả, điều các chiến sỹ cảm nhận được rõ ràng và thấy quý giá nhất chính là sự chững chạc, trưởng thành hơn của mình khi được rèn luyện trong quân ngũ. “Em thấy mình chững chạc hơn ở nhà, vì được học cách ăn nói, tác phong, các cư xử trong cuộc sống, những điều không được học ở ngoài. Em thấy mình lớn lên  gấp đôi ở ngoài, đi 2 năm chắc như già thêm 4,5 tuổi”, Nguyễn Tân Minh tự nhận xét. Đó cũng là cảm nhận chung của Bắc, của Đức, của Thanh. Qua lần về thăm nhà hoặc đơn giản là những cuộc trò chuyện trên điện thoại, gia đình của các chàng lính trẻ đều cảm thấy yên tâm và phấn khởi vì sự trưởng thành của con trai mình. Trên gương mặt các chiến sỹ vẫn còn những nét hồn nhiên của tuổi học trò mà họ vừa đi qua nhưng tác phong, suy nghĩ của họ đã chín chắn hơn rất nhiều. “Sau Tết này em sẽ về thăm quê nội ở Tứ Kỳ, Hải Dương. Trước đây em cũng muốn đi một mình nhưng ba mẹ không cho. Lần này chắc chắn em sẽ được tự về thăm quê vì ba mẹ yên tâm, tin tưởng ở con rồi”, Nguyễn Xuân Bắc cười toe khoe như thế.

(Nguồn: Văn nghệ số 21/2014)

 Theo Hội nhà văn Việt Nam


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 65231977

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July