Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 25/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Điểm qua những bài thơ hay về Điện Biên Phủ - MINH HÀ Điểm qua những bài thơ hay về Điện Biên Phủ - MINH HÀ , Người xứ Nghệ Kiev
 

Chủ nghĩa yêu nước là một trong những nguồn cảm hứng lớn của văn học Việt Nam từ trước đến nay. Trong đó, những chiến thắng oanh liệt của dân tộc trước những quân xâm lược hùng mạnh, bạo tàn luôn là niềm cảm hứng sáng tác bất tận cho các văn nghệ sĩ. Thời trung đại, chiến công oanh liệt thiên thu ba lần đại phá Nguyên Mông của nhà Trần là cở sở để Trương Hán Siêu viết nên Bạch Đằng giang phú, Sử Hy Nhan viết Trảm xà kiếm phú, Phạm Ngũ Lão viết Thuật Hoài, Trần Quang Khải viết Tụng giá hoàn kinh sư…Trận Bồ Đằng “sấm vang chớp giật”, trận “Trà Lân trúc chẻ tro bay” của nghĩa quân Lam Sơn chấm dứt hai mươi năm đất nước oằn mình dưới ách đô hộ tàn bạo của quân Minh đã khơi nguồn cho Nguyễn Trãi viết nên áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô Đại Cáo”… Và sang thế kỷ hai mươi,  trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đặt dấu chấm hết cho đạo quân viễn chinh Pháp sau hơn một thế kỷ chiếm đóng nước ta cũng là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho các văn nghệ sĩ thời đại Hồ Chí Minh. Có thể hơi quá lời khi nói về một “dòng thơ Điện Biên Phủ” nhưng chắc chắn là có số lượng lớn những bài thơ hay về trận quyết chiến chiến lược của quân đội nhân dân Việt Nam trong những ngày vào hạ năm 1954.

 

 

Bài thơ sớm nhất và có lẽ cũng nổi tiếng nhất viết về Điện Biên Phủ là Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu. Khi tin vui thắng trận truyền về Tây Bắc, trong niềm hân hoan, vui mừng tột độ, nhà thơ Tố Hữu đã cầm bút ứng tác ngay nên những vần thơ ngợi ca chiến thắng in sâu vào tâm trí người đọc nhiều thế hệ: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Chiến sĩ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt/ Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi/ Ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!...

Bài thơ dài hơn trăm câu viết bằng thể tự do mang đầy đủ những  đặc trưng của thơ Tố Hữu: kết hợp nhuần nguyễn giữa trữ tình và chính trị, giữa  hiện đại và truyền thống. Bài thơ như bản hùng ca với nhiều âm điệu khi vui sướng, lúc hào hùng, đoạn ngọt ngào tâm tình nhẹ nhàng, khúc đanh thép biện chứng sâu sắc. Bàn về Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, nhà thơ Trần Đăng Khoa rất khen ngợi hai câu thơ:

Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam

Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng...

Nhà thơ cho rằng chỉ nội trong hai câu lục bát mà đã nêu lên được 3 địa danh và 5 màu sắc thì quả là tài, không phải ai cũng làm được. Trải qua 60 năm từ khi ra đời cho đến nay Hoan hô chiến sĩ Điện Biên vẫn là bài thơ có sức sống lâu dài trong lòng bạn đọc.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 6 năm, nhà thơ Xuân Diệu – hoàng tử của nền thi ca Việt Nam – trong một lần thăm Điện Biên khi qua mộ anh hùng Bế Văn Đàn đã cảm khái làm nên bài thơ Mộ Bế Văn Đàn. Bài thơ được mở đầu bằng những câu thơ lục bát quen thuộc của dân tộc:

Thời gian ngừng bước, lặng im

Bên mồ liệt sĩ; trái tim ta dừng.

Trái tim ta - cũng ngập ngừng,

Nửa chừng giọt lệ, nửa chừng lời ca;

Ánh ngày nghiêng xuống cùng ta

Nghẹn ngào đặt một vòng hoa tinh thần.

Nghẹn ngào trước anh linh của người anh hùng đã hy sinh cho ngày chiến dịch toàn thắng, Xuân Diệu đã hồi tưởng lại chiến công của anh hùng:

Nơi đây mộ Bế Văn Đàn/ Thân làm giá súng, thân làm cành xuân/ Đang khi trận địa gian truân/ Vai khiêng núi lửa diệt quân bạo tàn/ Quân ta cờ thắm khải hoàn/ Mà người chiến sĩ đã tàn thịt xương.

Và ca ngợi Bế Văn Đàn đã hiến cho Tất cả tinh anh đã hiến cho đời... không giữ lại cho mình một cái gì dù chỉ là hài cốt. Xuân Diệu cũng khẳng định sự hy sinh anh dũng của Bế Văn Đàn không vô ích. Nhờ có chiến công của người anh hùng và đồng đội mà giờ đây:

….chim ca hoa nở,

Đất tổ quốc là một nền nhung đỏ,

 

 

Cũng nằm trong cảm hứng ngợi ca người chiến sĩ lấy thân mình làm giá súng, nhà thơ Chế Lan Viên có bài thơ tứ tuyệt: Nhớ Bế Văn Đàn

Anh chỉ thấy dây thép gai đồn giặc

Tôi yêu những người chửa hình dung ra hạnh phúc

Lúc đồng đội cần, dẫu chết chẳng từ nan

Khác với Xuân Diệu, Chế Lan Viên lại sử dụng thủ pháp đối lập nhằm ngợi ca người anh hùng Bế Văn Đàn. Hình ảnh “mùa cam” trong câu thơ đầu Ngã xuống ở Mường Pồn anh đâu biết có mùa cam  mang ý nghĩa biểu trưng cho hạnh phúc, cho niềm vui ngọt ngào. Đối diện với mùa cam ngọt lành ấy là sự lạnh lẽo chết chóc của dây thép gai đồn giặc trong câu thứ hai. Từ hình ảnh “anh đâu biết mùa cam” đến Anh chỉ thấy dây thép gai đồn giặc, chúng ta thấy có thoáng nghẹn ngào xót thương cho người anh hùng khi “ngã xuống lòng đất vẫn con trai” chưa biết vị ngọt cuộc đời. Sự hy sinh của người lính càng đáng quý, đáng trọng hơn nữa khi đó là sự hy sinh một cách tự nguyện, hy sinh cho đồng đội sống, cho ngày toàn thắng của chiến dịch, cho đất nước, cho dân tộc. Có lẽ vì thế nên Chế Lan Viên cất từ yêu đầy tự hào, khâm phục:

 

 

  Tôi yêu những người chửa hình dung ra hạnh phúc

Lúc đồng đội cần, dẫu chết chẳng từ nan

Cũng vẫn nằm trong cảm hứng về Điện Biên Phủ, nhà thơ Chế Lan Viên còn có bài thơ Thóc mới Điện Biên viết sau khi đi thăm nghĩa trang Điện Biên và chứng kiến cảnht tượng: Tô Vĩnh Diện, Trần Can/ Mộ anh Giót, anh Đàn/  Năm trăm mộ anh hùng ngời chói thóc/ Dưới đồi xa/ Pháo thù gục mặt/ Lúa đã chín/ Chỗ tầm câu đại bác/ Lúa chín thơm/ Đầy một sắc trưa vàng. Bài thơ dựa trên cái tứ đối lập với hình ảnh nấm mồ tượng trưng cho sự chết chóc, lạnh lẽo hoang tàn ngày trước giờ đây là địa điểm cho hạt thóc tượng trưng cho mùa màng, no ấm đặt ở trên. Hình ảnh Thóc của dân/ Che kín mộ anh hùng như một lời khẳng định rằng hạnh phúc, ấm no đã tái sinh từ cái chết. Sự ra đi anh dũng của những người anh hùng là giá đỡ, là điểm tựa, là nguồn cội cho hạnh phúc ấm no ngày hôm nay. Cảm hứng biết ơn được bộc lộ một cách kín đáo. Một bài thơ hay của nhà thơ viết những câu thơ đầy “ánh sáng và phù sa”.

 

 

Khi thời gian cứ mỗi ngày trôi đi như thoi đưa khung cửi, con người càng có điều kiện để chiêm nghiệm, hồi tưởng về trận chiến không chỉ tác động đến số phận một dân tộc mà còn có ảnh hưởng lớn lao đối với thế giới. Nhân dịp kỷ niệm 24 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, khi đặt chân lên mảnh đất “huyền thoại”, nhà thơ Anh Ngọc xúc động viết bài thơ Trở lại Điện Biên – lá cờ và ngọn cỏ với những câu thơ đầy ngẫm ngợi: … Anh đã đi qua hơn hai mươi năm/ Để gặp lại tuổi thơ mình náo nức/ Nghe tiếng bom và đại bác/ Gầm lên từ trang sách học trò…/ Bỗng hôm nay đối diện với Him Lam/ Anh cúi xuống chỗ nằm xưa anh Giót/ Và chợt hiểu: điều ngạc nhiên lớn nhất/ Là anh chẳng ngạc nhiên gì…..Nhà thơ Vương Trọng đã có những lời bình xác đáng về bài thơ như sau: “Đọc bài thơ này cũng như tuyển tập thơ của Anh Ngọc, ta thấy ông luôn chú ý tới cuộc sống trường tồn, ngay cả khi viết về những vấn đề thời sự cũng không bao giờ dừng lại ở cái “thời sự ngắn”, mà luôn hướng người đọc về những gì bất biến, vượt qua sự ác liệt của hoàn cảnh, thử thách của thời gian. Chính vì thế mà thơ viết về chiến tranh của Anh Ngọc, có sức sống dài lâu trong thời bình. Hình ảnh “cỏ non tơ” được nhắc lại nhiều lần trong bài thơ này, cùng với mây trắng, lúa xanh…chính là những biểu tượng mang ý nghĩa trường tồn đó. Còn hình ảnh “ngọn cờ” thì sao? Ngọn cờ là biểu tượng của Vinh quang Chiến thắng và Tổ quốc. Chính vì thế, Anh Ngọc đã gói bài thơ của mình lại bằng khổ thơ: Trái tim anh đập một lời giản dị/ Ngọn cỏ đời đời xanh suốt tháng năm/ Ngọn cờ mọc lên chỉ có một lần/ Nhưng có điều này – Cả hai đều bất diệt”.

Trên đây là một số bài thơ hay viết về chiến dịch Điên Biên Phủ. Những bài thơ đã vẽ nên tầm vóc lịch sử của chiến dịch, ngợi ca quân đội anh hùng, nhân dân anh hùng và dân tộc Việt Nam anh hùng trong kháng chiến đòi quyền tự do thiêng liêng. Dù hơn một phần hai thế kỷ đã trôi qua, nhưng chúng ta tin rằng Điện Biên Phủ mãi là niềm tự hào, là cảm hứng cho lớp lớp thế hệ nhà văn Việt Nam sáng tác nên những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao và sức sống lâu bền trong lòng công chúng.

M.H

Nguồn Tạp chí Văn nghệ Quân đội


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65233415

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July