QĐND Online - Những ngày này, Điện Biên rộn ràng khí thế ngày hội. Bằng Lăng nở tím ven những con đường đầy nắng. Suốt chiều dài Đại lộ mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn vào trung tâm thành phố Điện Biên Phủ rực rỡ màu cờ và hình ảnh đa sắc màu của tranh cổ động, pa-nô, khẩu hiệu… Trong không khí ấy, chúng tôi cùng đoàn hơn 100 đại biểu thanh niên quân đội trong chuyến “Hành quân về nguồn” tri ân các anh hùng liệt sĩ, tặng quà các gia đình chính sách trên mảnh đất Điện Biên lịch sử.
Thành kính trước anh linh liệt sĩ
Điểm đến đầu tiên của đoàn đại biểu tuổi trẻ Quân đội trong chuyến “Hành quân về nguồn” là Nghĩa trang A1. Đây là một trong những di tích nổi bật trong quần thể các di tích lịch sử ghi lại chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
|
Tuổi trẻ quân đội thắp hương tưởng nhớ Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Trần Can tại Nghĩa trang A1.
|
Trong giai điệu trầm buồn của tiếng chuông và nhạc hồn tử sĩ, các chiến sĩ trẻ kính cẩn thắp lên phần mộ các anh hùng liệt sĩ những nén nhang thơm. Nhiều bạn trẻ nghiêm trang, tay chắp trước ngực, đứng trước mộ phần các liệt sĩ rất lâu, như hứa sẽ tiếp nối truyền thống hào hùng của cha ông, quyết tâm bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Sau khi thắp hương khắp lượt các phần mộ, Thiếu tá Phạm Trí Đính, “thủ lĩnh” thanh niên Binh đoàn Quyết Thắng có việc làm khiến chúng tôi tò mò. Anh tập hợp lực lượng của đơn vị đứng trước mộ phần của hai liệt sĩ nằm ở một khu vực gần trung tâm hành lễ. Đến gần chúng tôi mới vỡ lẽ, đó là mộ phần của Anh hùng liệt sĩ Trần Can, chiến sĩ Trung đoàn 209; Phan Đình Giót, chiến sĩ Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, những đơn vị chủ lực tiêu biểu trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Cả hai anh đều anh dũng hy sinh ngay trước giờ chiến thắng khi tuổi đời còn rất trẻ. Trong không khí xúc động, Thiếu tá Nguyễn Trí Đính kể vắn tắt tấm gương chiến đấu dũng cảm tuyệt vời của hai người anh hùng rồi cùng các bạn trẻ kính cẩn thắp lên mộ phần các anh những nén nhang thơm. Binh Nhất Đỗ Anh Giáp, 20 tuổi, chiến sĩ Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1), quê ở phường Lộc Hạ, thành phố Nam Định (Nam Định) tâm sự: “Ở đơn vị, chúng em cũng được học tập và tìm hiểu rất kỹ về tấm gương chiến đấu dũng cảm của các anh hùng Trần Can và Phan Đình Giót, không ngờ nay lại được lên tận Điện Biên để thắp hương cho các anh đúng dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Với em, đây có lẽ là một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời…”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, việc lựa chọn các chiến sĩ trẻ tham gia đợt “Hành quân về nguồn” chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được Đảng uỷ, chỉ huy Quân đoàn 1 chỉ đạo rất chặt chẽ. Theo đó, các đơn vị trong Quân đoàn tiến hành lựa chọn đại biểu trong số cán bộ, đoàn viên tiêu biểu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2013, sau đó tổ chức bình bầu dân chủ, công khai; ai đủ các tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức, số phiếu tín nhiệm… sẽ được tham gia chương trình. Binh Nhất Trần Mạnh Tuấn, chiến sĩ Trung đoàn 102, Sư đoàn 308 thổ lộ: “Đêm trước ngày lên đường, em gần như không ngủ được, chỉ mong cho thời gian trôi thật nhanh để được đến với Điện Biên”.
Hành trình đến bản xa
Trước khi khởi hành đi huyện Điện Biên Đông, Thượng tá Vương Kinh Ánh, Phó Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh Điện Biên “cảnh báo” các bạn trẻ, nếu say xe thì ở lại. Bởi theo anh, đường đi rất xấu, phải vượt qua nhiều sườn núi cao và quanh co. Tuy nhiên, chẳng có thành viên nào trong đoàn ở lại. Bởi họ mong muốn và háo hức được chứng kiến tận mắt cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng cao nơi đây.
Thương binh Nguyễn Văn Thực, trú tại Đội 11, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên là gia đình đầu tiên nhận được quà tặng của tuổi trẻ Quân đội với căn nhà tình nghĩa trị giá 70 triệu đồng. Nắm chặt bàn tay Thiếu tá Bế Hải Triều, Phó trưởng Ban Thanh niên Quân đội, ông Nguyễn Văn Thực bày tỏ: “Cảm ơn các cháu thanh niên quân đội. Nhận được quà tặng của các cháu đúng dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ thật ý nghĩa biết bao”. Thương binh Nguyễn Văn Thực có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Hơn 10 năm qua, từ khi người bạn đời của ông qua đời, ông đã một mình bươn chải để nuôi ba người con khôn lớn.
Tiếp đó, 40 suất quà, mỗi suất 1 triệu đồng và một căn nhà tình nghĩa trị giá 70 triệu đồng cũng lần lượt được Ban tổ chức “Hành quân về nguồn” trao cho các gia đình chính sách và các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc huyện Điện Biên Đông. Đặc biệt, trong khuôn khổ các hoạt động “Hành quân về nguồn”, vào đêm cuối cùng trước khi rời Điện Biên, tại Trung tâm Hội nghị-Văn hoá huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên), Ban Thanh niên Quân đội đã phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn của Bộ Công an tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật với chủ đề: “Nối tiếp bản hùng ca”, xoay quanh các nội dung: Nói chuyện truyền thống; giao lưu nghệ thuật và xem phim tài liệu về Chiến thắng Điện Biên Phủ. Do làm tốt công tác chuẩn bị, kết cấu chương trình đa dạng, phong phú, hình thức tuyên truyền sân khấu hoá, nên chương trình đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của đông đảo cán bộ, đoàn viên, thanh niên, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng bào các dân tộc nơi đây, được cấp uỷ, chính quyền địa phương đánh giá cao.
Theo Thiếu tá Bế Hải Triều, Phó trưởng Ban Thanh niên Quân đội, thành công lớn nhất của Chương trình “Hành quân về nguồn” là giúp cho mỗi cán bộ, đoàn viên thanh niên hiểu sâu sắc hơn về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, từ đó xác định tinh thần trách nhiệm của mình trong quá trình học tập, công tác. Đây cũng là cơ hội để thế hệ trẻ quân đội thể hiện sự tri ân đối với các gia đình có công với cách mạng; các anh hùng liệt sĩ, những người đã hy sinh thân mình vì cuộc sống hôm nay.
Bài, ảnh: MẠNH THẮNG - HỒNG SÁNG
QDND.VN
|