Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 25/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Nơi hát mãi khúc quân hành - NGUYỄN MẠNH HÙNG Nơi hát mãi khúc quân hành - NGUYỄN MẠNH HÙNG , Người xứ Nghệ Kiev
 

Hà Nội chớm lạnh. Cái chớm lạnh xao xác bịn rịn chia tay những thảm nắng và lá trải vàng. Cái chớm lạnh xao xuyến đêm luyến nhớ ấm mềm hương cốm, dịu dàng hương của các loài hoa thu… Trong cái tiết ấy một tối trên con đường của trường đại học Trần Quốc Tuấn (trường sĩ quan Lục quân 1), tôi bỗng nhớ đến Nghĩa, anh bạn của lớp học viên Pháo binh chúng tôi đi liên kết tại ngôi trường này hai mươi năm trước. Ca gác đầu tiên ở trường Lục quân 1 hôm ấy, Nghĩa bẻ cho tôi nửa bánh lương khô mà cậu ta đã mua từ tối (đó cũng là thứ khả dĩ nhất có ở căng tin tiểu đoàn để giải quyết cái đói ở tuổi hai mươi ăn không biết no của chúng tôi) và kể rằng mình vừa ngồi với mấy “lão” đồng hương năm cuối học ở bên này. Các “lão” ấy bảo, sang đây không có chỗ cho những “lơ mơ” với lại “léng phéng” đâu! Cứ gọi là vắt chân lên cổ từ khi báo thức cho đến lúc trực ban tuýt còi đi ngủ! Chỉ cần lỗi một động tác nhỏ cũng coi chừng! Chẳng hạn như quy định “ba bước đi, năm bước chạy” mà bước thứ bốn, hai chân vẫn còn cùng trên mặt đất thì trưa về cứ tự giác đi “chọc bi a!” (tiếng lóng học viên chúng tôi ám chỉ đi tăng gia). Giày cũng vậy, sẽ bị tác phong chậm ngay tức khắc nếu bật từ trên giường xuống, hai chân chưa xỏ xong ở “giây thứ nhất”, có nghĩa là, trước khi lên giường, giày phải để ở vị trí chuẩn xác tới từng xen ti mét! Rồi hành quân rèn luyện, tập bơi, tăng gia, dân vận… tất tần tật đều ở “Lever” cao nhất! Tức là mức khó nhất, đòi hỏi phải quyết tâm cao thì mới có thể vượt qua được! Quả thực, khi ấy tôi cũng hơi phập phồng (dù đã trải qua một năm huấn luyện tạo nguồn hết ở trường đến ngoài đơn vị). Cái phập phồng của những háo hức muốn được thử sức, trải nghiệm, ở một môi trường khắc nghiệt, vừa pha lẫn chút lo lắng phía trước là những tháng ngày nếu không nỗ lực, sẽ khó hoàn thành được khối lượng bài tập luyện rèn… Có lẽ hồi ấy, không chỉ riêng tôi, rất nhiều học viên các trường sĩ quan quanh khu vực Sơn Tây vừa lục tục hành quân sang đây khi chiều cũng có cùng tâm trạng ấy. Bởi từ trước tới giờ, Lục quân 1 vốn nổi tiếng không những trong toàn quân mà còn trên khắp cả nước, thậm chí ở cả nước ngoài về việc rèn giũa các học viên của mình đạt đến “chân cứng đá mềm”. Và quả thật, những ngày tháng được rèn luyện với cường độ cao ấy đã giúp chúng tôi có được sự rắn rỏi, bản lĩnh, can trường của người lính bộ binh thực thụ. Giống như thanh sắt đã qua than hồng rừng rực, chúng tôi chững chạc và sắt đá lên rất nhiều, cả về thể lực và ý chí…

Nhanh thật, thế mà đã hai mươi năm! Với chút vốn ít ỏi là một năm, chưa bao giờ tôi nghĩ mình đã nhận đủ “công phu” ở “lò luyện thể chất và ý chí” này. Lại càng chẳng dám nhận đã được trải nghiệm tất cả các bài tập của học viên sĩ quan Lục quân đích thực. Chính vì thế, lần trở lại này, với tôi vẫn nguyên vẹn cái háo hức khám phá nơi “luyện rèn số một” đào tạo ra những vị tư lệnh tương lai, như cách những người lính vẫn nói với nhau về trường sĩ quan Lục quân 1.

*

*    *

Nói đến trường trường sĩ quan Lục quân 1, có thể ai cũng gật gù rằng, môi trường ở đó, giống như cái máy “xay xát” mà những ai sau khi được “xay” ở đó ra, giống như hạt thóc đưa vào sẽ ra những hạt gạo trắng ngần, sẽ rất trưởng thành cả về tinh thần lẫn thể chất. Vậy nhưng, sẽ không nhiều người tường tận cuộc sống của các học viên ở đây, nếu như chưa trải qua những năm tháng rèn luyện ở ngôi trường này. Thượng sĩ Nguyễn Sĩ Hào Quang thuộc Trung đội 3, Đại đội 6 sinh năm 1992, nhập ngũ 2010 quê Quỳnh Lưu, Nghệ An chia sẻ, ngày đầu vào trường nghĩ đến bốn năm học sao mà thấy nó dài thế, còn bây giờ thì lại cảm thấy nhanh thật. Chỉ còn mấy tháng nữa là ra trường rồi. Gần bốn năm học rèn, giảng đường và bãi tập, những cuộc hành quân, những đêm dã ngoại, ngoảnh đi hết năm thứ nhất, ngoảnh lại qua năm thứ hai, rồi thứ ba, thứ tư… Quang bảo, một trong những phẩm chất của bộ đội Lục quân đó là hành quân bộ và mang vác. Vừa rèn về sức bền và độ dẻo dai, vừa phù hợp với yêu cầu tác chiến của người lính bộ binh khi có tình huống xảy ra. Khi được hỏi về kinh nghiệm để rèn đôi chân và hai vai, Quang bảo: Cái gì cũng phải bắt đầu từ thấp đến cao anh ạ. Chẳng hạn như: Trọng lượng vác vai đầu tiên là mười lăm kilôgam, sau đó đến hai mươi, rồi hai lăm… Cường độ cũng vậy, đầu tiên là một tuần một lần. Rồi hai, thậm chí ba lần. Tương tự cự ly cũng tăng dần, đầu tiên là năm rồi mười, mười lăm kilômét… Xà đơn, xà kép, chống đẩy thì tất nhiên rồi. Mười, rồi hai mươi, ba mươi, bốn mươi cái… Trả lời câu hỏi về luyện tập chuyên ngành trinh sát đặc nhiệm của mình, Quang cười: Anh cứ tưởng tượng bọn em luyện tập như các biệt động Sài Gòn trong phim ấy, có nghĩa là cũng leo nhà cao tầng, trèo ống nước, dây chống sét, rồi vượt khe sâu, vách đứng, khắc phục vật cản… Tất cả những hạng mục đó là những bài rèn lòng quả cảm cho bọn em.

Hành quân dã ngoại - Ảnh: TL

“Cựu” thiếu sinh quân người dân tộc Thái, Kha Văn Hùng quê Tương Dương, Nghệ An, cùng trung đội với Quang chuyển sang đề tài về kinh nghiệm hành quân. Hùng bảo, hành quân đường dài, ai cũng phải chuẩn bị nước muối hoặc hòa một gói orezol vào bình tông 1 lít, khi khát chỉ nên nhấp nhấp một chút cho khỏi khê môi. Với bi đông đó, có thể hành quân bộ được 7 - 8 kilômét. Nhưng mà cái đó dành cho năm thứ nhất thứ hai thôi, chứ năm thứ tư như bọn em bây giờ, với quãng đường đó chưa cần phải sử dụng tới bi đông nước đâu!

Quang bảo, để đạt được điều đó, quan trọng nhất vẫn là phải rèn luyện thường xuyên. Nếu như chỉ trông chờ vào chế độ luyện tập của đơn vị thì còn lâu mới đạt được! Tất cả bọn em đều luyện tập thêm ngoài giờ. Với chân, đó là bài chân đất chạy cầu thang, cũng theo nguyên tắc từ ít đến nhiều, từ chậm đến nhanh. Bắt đầu là không mang gì rồi đến ít và tăng dần. “Khổ luyện thành tài mà anh”.

Hồi ở nhà em gùi vác nhiều, lại thường xuyên lao động chân tay nên khi vào đây, em thích nghi khá nhanh với cường độ luyện tập cao ở trường - Hùng tiếp tục câu chuyện. Em cũng không ngờ, những kĩ năng khi lao động cùng với gia đình lại vẫn còn hữu ích trong quá trình học. Quãng thời gian đầu, nhiều đồng chí ở thành thị chưa có kinh nghiệm lao động nhiều, như đào một cái hố hay một đoạn giao thông hào chẳng hạn. Nếu không biết cầm dụng cụ đúng cách và phân phối lực hợp lý, vừa tốn sức, dễ bị phồng rộp tay mà hiệu quả công việc không cao. Em đã bày cho các đồng chí ấy một chút “mẹo mực”, thế là ổn. Vậy nhưng cũng vẫn có không ít những môn “khá xương”, không hề dễ dàng trong một sớm một chiều có thể vượt qua được, ví dụ như môn bơi bí mật chẳng hạn. Cái khó là làm sao giữ được thân người gần như thẳng đứng, chân đạp như đạp xe đạp, còn tay thì khỏa như bơi ếch để tiến về phía trước, trong khi đó, miệng ngậm một chiếc ống thở dài khoảng 30 xentimét, mặt ngửa bên dưới và gần như song song với mặt nước, làm sao trong quá trình bơi, giữ được đầu trên của ống cách mặt nước từ 2 -3 xentimét trong khi đó mắt phải mở trong nước để quan sát được một vật phát sáng ở trên không, chẳng hạn như mặt trăng, mặt trời, một vì sao nào đó hoặc bóng điện để định hướng. Thường thì cái mà học viên bọn em hay mắc phải là không giữ được thăng bằng dẫn đến ống thở trồi thụt, nhiều khi chìm hẳn trong nước. Thế nên, hôm nào học môn này về, kiểu gì cũng căng bụng nước!

Diễn tập cuối khóa, bọn em chuẩn bị cho mình những gì để hoàn thành nhiệm vụ? Tôi hỏi Quang.

Bọn em đã chuẩn bị gần bốn năm nay rồi anh ạ, Quang cười hóm hỉnh đầy tự tin. Tất cả đã ở đây và ở đây nữa! Một tay Quang chỉ lên đầu ý nói đến tinh thần và trí tuệ còn một tay thì lên gồng khiến cho con chuột vồng lên hằn rõ nguyên qua lần áo. Chiều nào bọn em cũng “luyện công phu” thêm ngoài giờ đấy anh ạ. Cầu thang là một, bãi vật cản là hai và đường pít sân vận động nữa, đắt khách vô cùng!

Thế qua bốn năm học, bọn em chắc đã nghĩ đến phong cách chỉ huy sau này của mình rồi chứ? Tôi lại hỏi. Dạ chắc chắn là phải nghĩ rồi chứ anh! - Quang trả lời. Đó là nhiệm vụ chính sau khi tốt nghiệp ra trường mà. Với em, cái cốt lõi là làm sao người chỉ huy phải hiểu được chiến sĩ của mình. Các cụ bảo “dụng nhân như dụng mộc”, không có ai là vô dụng, không có chiến sĩ xấu, nếu biết sử dụng đúng người đúng việc, đúng sở trường, sẽ khích lệ tinh thần chiến sĩ rất nhiều, từ đó hạn chế được thói tự do vô kỉ luật. Đồng thời phải sát sao trong kiểm tra, quản lý. Nếu người chỉ huy bị chiến sĩ qua mặt, sẽ rất dễ dẫn đến bị coi thường, bị nhờn, sẽ mất uy! Làm chỉ huy mà mất uy thì coi như xong, anh nhỉ!

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết năm nay các trường Quân đội nói chung và trường Lục quân 1 nói riêng, chất lượng đầu vào khá đảm bảo. Khi chúng tôi xuống Tiểu đoàn 9, Tiểu đoàn học viên mới năm thứ nhất, thì Đại tá Tiểu đoàn trưởng Ngô Thanh Danh, một người đã từng tham gia chiến đấu ở biên giới phía Bắc, đang tiếp chuyện hai đồng chí trong tổ cắt tóc của nhà trường đến bàn về việc cắt tóc cho học viên của Tiểu đoàn để kịp thời gian ra hứa quyết tâm với Bác Hồ ngoài Hà Nội. Anh Danh cho biết, theo quy định của nhà trường, học viên sẽ cắt tóc ba phân, không trắng mai, trắng gáy. Vì là ba phân, phải có tay nghề mới có thể cắt được nên Tiểu đoàn thống nhất tóc tất cả các học viên Tiểu đoàn đều do hai nhân viên trong tổ cắt tóc đảm nhiệm. Nói về khóa học viên mới chiêu sinh, anh cho biết, năm nay nhà trường tuyển 413 học viên, điểm chuẩn là hai mốt điểm rưỡi, thủ khoa của khóa đạt 26 điểm. Tiêu chuẩn về ngoại hình đó là cao từ 1 mét 65 và nặng từ 50 kilôgam trở lên. Nhìn những vóc cao lớn cùng gương mặt sáng ngời của các học viên Tiểu đoàn 9 vừa nhập trường, trong tôi dấy lên niềm tin về một thế hệ sĩ quan có đủ tri thức và bản lĩnh để gánh vác trọng trách bảo vệ toàn vẹn non sông của Tổ quốc.

Võ Quốc Dũng, chàng trai sinh năm 1995, quê Quảng Ninh, Quảng Bình chia sẻ về tâm trạng khi chính thức vinh dự trở thành học viên sĩ quan Lục quân 1: Vậy là từ giờ trở đi, mỗi khi về quê em có thể xưng hô “đồng chí” với cậu của em rồi! Dũng cho biết, cậu của Dũng hiện đang là chính trị viên một đơn vị ở Đông Hà, chính cậu là người có tác động rất lớn đến quyết định trở thành sĩ quan Lục quân của Dũng. Dũng bảo những ngày đầu tiên vào trường, quả thực cũng cảm thấy hơi… chống chếnh, hơi run, thấy mình thật nhỏ bé trong ngôi trường có bề dày truyền thống đào tạo ra hàng vạn cán bộ trung cao cấp của Đảng, Nhà nước và hàng trăm tướng lĩnh. Giờ đây, sẽ là những ngày tháng tự lập luyện rèn mà không có bố mẹ ở bên cạnh. Việc không còn được tự do chia sẻ với bạn bè qua điện thoại, các mạng xã hội, không ngờ lại giúp Dũng phát hiện ra một điều hết sức thú vị đó là viết thư. Dũng bảo viết thư sẽ có điều kiện nén cảm xúc của mình hơn. Thật tuyệt vời với những con chữ nồng ấm và riêng tư. Khi viết thư, mình sẽ phải suy nghĩ nhiều, cẩn thận từng câu chữ, từ đó rèn luyện cách trình bày, cách hành văn. Có những lá thư, Dũng viết đi viết lại đến ba lần. Những lá thư với nguyên vẹn ngày tháng giống như  kỷ vật minh chứng cho tình cảm của cả hai. Với lại cảm giác hồi hộp chờ đợi những cánh thư hồi âm cũng thật tuyệt vời. Lá thư đầu tiên, Dũng nhận được vào ngày 20 tháng 9 là của một cô gái học báo chí. Tính tới nay, Dũng đã nhận được ba lá cả thảy.

Còn Phùng Ngọc Hải, chàng trai quê “rừng cọ, đồi chè” Vĩnh Phúc vẫn nhớ như in buổi chiều hôm nhận được giấy báo trúng tuyển. Mừng quá, Hải ríu cả chân chạy đi tìm mẹ để khoe. Nhà Hải chỉ có hai mẹ con, lại ở một vùng quê nghèo khó, mẹ dù bị huyết áp cao nhưng vẫn phải đi phụ hồ để nuôi Hải ăn học. Vì gia đình khó khăn nên từ nhỏ Hải đã phải vừa học vừa giúp mẹ tất cả mọi việc trong nhà. Có lần đi chăn bò, vì mải học nên con bò nhà Hải không hiểu bỏ đi đâu mất. Mọi người đốt đuốc cả đêm đi tìm cũng không thấy, thật may mắn sáng hôm sau khi đi qua bên kia núi, như có phép lạ, Hải bắt gặp nó đang nhởn nhơ gặm cỏ! Hải bảo mình rất tự hào khi trở thành người học viên sĩ quan Lục quân 1, nhưng cũng rất lo căn bệnh huyết áp của mẹ ở nhà. Hải mong khi ra trường sẽ có điều kiện để bù đắp cho những vất vả của mẹ để Hải có được như bây giờ…

*

*    *

Chia tay các học viên, chúng tôi lên khoa giáo viên để tìm hiểu về công tác giảng dạy tại nhà trường. Tôi hơi bất ngờ bởi không khí tất bật khẩn trương cứ như sắp chuẩn cho chiến dịch lớn khi bước vào phòng làm việc của khoa Chiến thuật. Mà đúng là các thầy đang chuẩn bị kế hoạch cho một chiến dịch lớn thật: Diễn tập vòng tổng hợp cuối khóa của Tiểu đoàn 13 – học viên năm cuối trên cương vị Trung đội trưởng, Đại đội phó Quân sự vào ít ngày tới.

Vẫn nguyên trong bộ quần áo dã ngoại, Đại tá phó khoa Chiến thuật Nguyễn Văn Nam rời khỏi tấm bản đồ khổ lớn  khu vực Sơn Tây treo ở giữa phòng ra bàn ngồi tiếp chúng tôi. Thầy Nguyễn Văn Nam đã từng chiến đấu ở biên giới Tây Nam nên ngoài các kiến thức có trong giáo trình, học viên rất thích các câu chuyện thầy lấy từ thực tế. Nhưng thích là một chuyện còn trong diễn tập cũng như học tập thầy lại hết sức nghiêm khắc. Những hớ hênh do thiếu thận trọng dẫn đến lộ bí mật trong diễn tập, học tập rất có thể sẽ lặp lại trong chiến đấu nếu như có tình huống xảy ra. Trong chuyến đi Trường Sa hồi đầu năm, ở đảo Trường Sa Lớn, thầy Nam có gặp một học trò cũ đang làm cán bộ ở ngoài này. Người học trò ấy cứ nắc nỏm cảm ơn thầy về “bài học ngoài tình huống” mà thầy đã rèn khi diễn tập vòng tổng hợp, giờ ra ngoài này mới thực sự thấy thấm thía. Lần đó, đơn vị đang trong tình huống hành quân đến vị trí trú quân làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Mấy chục cây số mang vác trang bị, hành quân bộ qua các địa hình đèo dốc, sông, suối. Đặt ba lô xuống lại phải lao vào đào công sự, hầm trú ẩn, khiến cả thầy và trò đều mệt phờ, quần áo đầm đìa mồ hôi, ngứa ngáy khó chịu vô cùng. Biết đó là thời điểm mà trong diễn tập cũng như trong chiến đấu dễ mất cảnh giác nhất, dù rất mệt nhưng thầy Nam vẫn làm một vòng kiểm tra khu vực trú quân. Đúng như dự đoán, khi đến đoạn suối cạnh nơi trú quân, thầy phát hiện có một học viên đang tắm. Tình huống “con suối bị địch rải chất độc” được phát ra, vậy là cả trung đội phải khiêng “kẻ lộ mật” chạy mấy cây số rồi vượt qua một con dốc để đưa đến trạm quân y tiền phương. Vì con dốc khá thẳng đứng nên chiếc cáng cứ leo lên đến lưng chừng lại bị tụt xuống, mấy lần như vậy mà không thể nào vượt qua nổi. Đến khi thấy học viên đã thấm mệt, lệnh “cắt tình huống” mới được thầy phát ra. Sau khi rút kinh nghiệm, tất cả các trò đều thừa nhận, nếu trong chiến đấu thật, sẽ rất dễ mắc phải hành động dại dột như vừa rồi. Khi ấy, chắc chắn sẽ không chỉ là bở hơi tai như bây giờ mà sẽ là mục tiêu bị lộ, sẽ là thương vong, sẽ là hy sinh và thất bại…

Rời khoa Chiến thuật, chúng tôi sang khoa Bắn súng. Cứ tưởng các thầy khoa Bắn súng sẽ rất khô khan và nguyên tắc, nhưng trái với suy nghĩ của tôi, Đại tá Nguyễn Văn Hiến, Bí thư Đảng ủy khoa, lại là người khá cởi mở. Đã là người lính thì đầu tiên phải biết bắn súng, đó là lời đầu tiên trong câu chuyện mà thầy chia sẻ với chúng tôi. Thầy Hiến cho biết, khoa của thầy huấn luyện cho học viên tổng số khoảng từ 13 đến 15 loại súng bộ binh cùng một số loại súng pháo chiến đấu trên xe bộ binh khác. Những năm vừa qua, ngoài nhiệm vụ huấn luyện thường xuyên cho học viên các khóa của nhà trường, khoa còn đảm nhiệm huấn luyện cho đội tuyển thi đấu Asean bắn súng trường, súng ngắn (nam, nữ), súng máy, huấn luyện đội tuyển bắn súng thi đấu toàn quân đoạt giải cao. Đặc biệt hàng năm, khoa xây dựng được nhiều bài giảng mẫu có chất lượng cao sau đó tổ chức cho giáo viên bắn mẫu các bài bắn khó trước học viên để tăng tính thuyết phục và cuốn hút trước học viên. Khi tôi hỏi chuyện gia đình, giọng bùi ngùi, thầy chia sẻ vợ thầy mất cách đây bốn năm vì tai nạn giao thông, hai đứa con thầy ở dưới Nam Định phải tự lo cho nhau… “Nhưng mà đúng là con nhà lính cậu ạ”, anh chợt trở nên hào hứng, “cả hai cháu vẫn học giỏi. Một cháu nay đã đỗ vào Đại học Bách khoa, còn một cháu thì đang học lớp 9 trường Nguyễn Siêu ở trên Hà Nội”.

*

*    *

Tôi đã định dừng những trang viết của mình tại đây, nhưng tình cờ, khi gọi điện cho một cô giáo của trường đại học Sư phạm 1 - người mà tôi mới biết qua sự chia sẻ của một thầy giáo ở trường đại học Trần Quốc Tuấn - để chúc mừng năm mới, khi được hỏi món quà nào ý nghĩa nhất, khiến cô hạnh phúc nhất trong ngày này, cô tiết lộ, đó là 15 bông hoa Ngọc Lan mà cô nhận được từ địa chỉ là trường đại học Trần Quốc Tuấn gửi tặng. Con số mười lăm chính là ngày mà hai người quen nhau. Từ nhỏ cô đã rất yêu màu áo lính, và bây giờ, tình yêu ấy trong cô vẫn nguyên vẹn như xưa… Viết đến đây, tôi bỗng nhớ tới trang Facebook “Trường sĩ quan Lục quân 1” mà ban đầu tôi cứ nghĩ của nhà trường, nhưng khi hỏi lại các anh ở Ban Tuyên huấn thì không phải mà có lẽ là của một cô gái lập ra. Đọc trang này, có một bài viết của một bạn sinh viên có tên Thanh Huyền đã khiến tôi không ngăn được cảm giác hạnh phúc rân rân trong lòng. Xin phép bạn Thanh Huyền được trích một phần trong đó để chia sẻ cùng những chàng học viên Lục quân 1 của chúng ta:

Người ta nói con gái thường bị thu hút bởi những người đàn ông có nét gì đó giống bố của mình. Điều này quả đúng, từ nhỏ tôi đã nghĩ khi mình lớn lên sẽ yêu một anh bộ đội. Sau này, người đầu tiên tôi “say nắng” cũng là một anh bộ đội Lục quân… Vì rất yêu bộ đội nên trong đầu tôi luôn mặc định một điều: “Bộ đội ai cũng tốt”.

Cứ mỗi lần ba về là nhà tôi vui lắm. Như để bù đắp cho cả năm xa vợ con, ba làm rất nhiều việc từ dạy tôi học, buộc tóc cho tôi và cả nấu ăn nữa. Nói chuyện với ba không bao giờ chán. Cái gì ba cũng biết, từ chuyện cái cây trong vườn sao mãi không lớn đến cái khó nhất quả đất là con gái hôm nay sao lại buồn. Việc gì ba cũng hoàn thành một cách xuất sắc khiến cho tôi từ bé đã luôn có một suy nghĩ trong đầu: “Đấy, bộ đội ai cũng đa tài như thế”.

Tôi biết nếu yêu và tính chuyện xa hơn là lấy chồng bộ đội, người phụ nữ sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Có thể tôi sẽ phải chịu cảnh nuôi con vất vả mà không có chồng bên cạnh như mẹ tôi, có thể gia đình tôi sẽ không giàu có như những gia đình khác. Nhưng điều đó có quan trọng gì đâu? Người chồng bộ đội của tôi cứ việc đi xa nếu cần thiết, chỉ cần trong trái tim anh luôn có bóng hình của vợ con là đủ. Bộ đội bề ngoài khô cứng, không lãng mạn nhưng tôi biết chắc trong họ luôn có một trái tim ấm áp tràn trề yêu thương...

Con đường hạnh phúc của tôi sẽ thật hoàn hảo nếu tôi được nắm tay một anh bộ đội đi đến hết cuộc đời!

*

*     *

Trong lịch sử của trường sĩ quan Lục quân 1 có ghi, bữa cơm đầu tiên sau khi khai giảng khóa 1 trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (tiền thân của nhà trường), tại  Khuổi Kịch, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, cả trường cùng nhau ăn một bữa cơm không muối để cùng nhau giữ một kỉ niệm sâu sắc. Bữa cơm không muối ấy, thể hiện quyết tâm dù khó khăn, gian khổ, vất vả, hy sinh đến đâu, nhà trường cũng phải vượt qua để đào tạo ra những cán bộ ưu tú, có đủ tài trí và trình độ làm nòng cốt cho toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền, làm nòng cốt cho xây dựng một đội quân chính quy, hùng mạnh, đủ sức cùng toàn dân đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Thấm thoắt vậy là cũng đã gần bảy chục năm, các thế hệ giảng viên, học viên của nhà trường vẫn luôn tâm niệm cái ý nghĩa của bữa cơm không muối ở Khuổi Kịch năm xưa, đoàn kết cùng nhau hát khúc quân hành vẻ vang của nhà trường, xứng đáng là trường quân sự số một của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

N.M.H - Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

 


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 7
Total: 65236158

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July