Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn mùa xuân 1954, đem đến chiến công “lừng lẫy năm châu”, “chấn động địa cầu”. Đại thắng mùa xuân lịch sử 1975 đưa đất nước vào Đại đoàn viên.
Mùa xuân mơ nở trắng rừng hay lộng lẫy mai vàng đều gợi nhớ chiến sĩ anh hùng như một tâm thức đạo lí cao đẹp Việt Nam.
Nhà thơ lớn Tố Hữu là người viết sớm nhất về người chiến sĩ của lực lượng vũ trang nhân dân, xuất hiện từ bài thơ Giết giặc (1945) viết về kháng chiến Nam Bộ:
Giết giết quân xâm lược
Mau xung phong! Xung phong!
...
Tiến lên. Quân giải phóng
Trong thơ ca cách mạng Việt Nam ba mươi năm chiến tranh, hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ bao giờ cũng nổi bật lên như hình ảnh đẹp nhất, đặc biệt là trong thơ Tố Hữu. Chặng đời thơ Tố Hữu từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 chủ yếu tập trung thể hiện hình ảnh người lính cách mạng cũng như bước đường sự nghiệp chiến đấu và chiến thắng của toàn dân.
Cá nước xứng đáng là bức chân dung chân thật về Anh chiến sĩ hiền lành/ Tì tay trên mũi súng như thói quen của người nông dân luôn cày cuốc. Lúc này anh bộ đội có tên gọi là Vệ quốc quân trong quan hệ ruột thịt với nhân dân như cá với nước. Người nông dân mặc áo lính ấy mộc mạc chân thành, mới ra khỏi lũy tre làng nên không khỏi chạnh lòng Chắc có lúc lòng anh/ Nhớ nhà anh nhớ lắm. Tuy nhiên với nhà thơ và với mọi người, anh là người bạn đường anh dũng. Đó là đàn em của lớp chiến sĩ Giải phóng quân từ thời hoạt động bí mật ở chiến khu như anh con trai Bà mẹ Việt Bắc: Nó đi cứu nước/ Làm lính Cụ Hồ.
Tập thơ Việt Bắc tạo ra bức tranh liên hoàn về bộ đội. Đó là những con người cầm súng ở nhiều dáng vẻ, nhiều tư thế trong những khung cảnh khác nhau. Đó là những phút tạm dừng chân nghỉ ngơi ở lưng đèo (Cá nước), hoặc về thăm nhà ở chơi ít bữa như anh con trai bà mẹ xung phong vào Nam đánh giặc trong Bà mẹ Việt Bắc, hay có những giờ phút tưởng nhớ mẹ già trong tĩnh lặng nơi trú quân chiều nay có đứa con xa nhớ thầm... Bầm ơi là bài thơ nói về tình mẹ con của chiến sĩ thật cảm động, thấm thía. Thương, lo cho mẹ, an ủi và tự hào về mẹ: Con đi trăm núi ngàn khe/ Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm/ Con đi đánh giặc mười năm/ Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi. Những khúc “dạo nhạc” tâm tình, sâu lắng ấy đã làm nền cho những đoạn trầm hùng nổi lên ở loạt bài thơ sau này:
Tay dao tay súng, gạo đầy bao
Chân cứng đạp rừng gai đá sắc
Đêm mưa rình giặc, tai thao thức
Mùa lại mùa qua, rét nhức xương
(Lên Tây Bắc)
Ơi các anh xung kích nằm đó âm thầm
Hãy sẵn sàng tay mác nhảy lên đâm
...
Anh đại bác, gầm lên trong tiếng hát
(Bắn)
Hào sảng nhất là Hoan hô chiến sĩ Điện Biên. Đây là trận quyết chiến chiến lược: Chiến sĩ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt/ Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non... Và chiến công kì diệu được ghi trên bước đường Ta đi tới: “lừng lẫy năm châu”, “chấn động địa cầu”. Trong khúc hát tâm tình Việt Bắc còn vang vọng những âm hưởng hùng tráng quân đi điệp điệp trùng trùng...
Sự thể hiện người chiến sĩ trong thơ Tố Hữu có những nét đặc sắc. Trước hết, đó là những phác họa rất chân thực và sắc sảo. Đó cũng là khuynh hướng của một số nhà thơ như Hồng Nguyên (Nhớ), Chính Hữu (Đồng chí), Nông Quốc Chấn (Bộ đội Ông Cụ)... khi lột tả chân dung người nông dân mặc áo lính một thời. Là người ghi tên đầu tiên vào lá đơn đầu quân của tập thể văn nghệ sĩ – chiến sĩ, Tố Hữu đã bám sát các đơn vị trong nhiều trận đánh. Chính vì vậy, nhà thơ phát hiện - gần như đầu tiên - đời sống tình cảm của người lính. Và đây chính là một nét độc đáo: tìm ra cái gốc yêu thương của sức mạnh tinh thần chiến đấu. Ta thấy, có vẻ như cái trữ tình đi trước cái sử thi. Nhưng xét kĩ lại thì đó chính là sự hài hòa, tinh tế của tâm hồn chiến sĩ. Nhà thơ Hữu Thỉnh - lính tăng thời chống Mĩ - đã chia sẻ với Tố Hữu một cách thấm thía và sâu sắc khi nêu hình ảnh anh bộ đội trong Lên Tây Bắc bằng việc dẫn ra đoạn thơ Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều... trên đỉnh dốc, với bình luận: “Đúng là rất đẹp. Nói theo ngôn ngữ bây giờ là rất hoành tráng. Nhưng bài thơ chỉ thực sự có chiều sâu là nhờ ở những câu sau đây:
Anh về cối lại vang lừng
Chim reo trên mái, gà mừng dưới sân
Anh về sáo lại ái ân
Đêm trăng hò hẹn trong ngần tiếng ca
Với Tố Hữu, cách mạng và nhân văn luôn luôn thống nhất”.
Từ những bài thơ về bộ đội thời kháng chiến chống Pháp, Tố Hữu đã bộc lộ tài hoa thơ: nét hùng tráng đan xen cái thiết tha, cái dữ dội bên cái hiền hòa, như máu và hoa ngay trong cảnh chiến trường ác liệt:
Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực
Trên đất nước như huân chương
trên ngực
…
Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng
Biệt tài của Tố Hữu còn là biểu hiện nhuần nhị cái riêng - chung mà ở đây là cá nhân và đồng đội, đồng chí. Người cán bộ và anh Vệ quốc quân như hai người bạn hòa đồng hai đứa cười ha hả hay mang nặng tình cá nước. Rồi đứa con và người mẹ chiến sĩ trong tình cảm thiêng liêng gắn bó yêu bầm yêu nước cả đôi mẹ hiền. Chiến sĩ và tướng lĩnh được miêu tả trong sự tôn vinh cao cả:
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp
Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp
Và đặc biệt là chiến sĩ và lãnh tụ tối cao:
Bác đang cúi xuống bản đồ
Chắc là nghe tiếng quân hò quân reo...
Từ khi vượt núi qua đèo
Ta đi, Bác vẫn trông theo từng ngày
Đó là sự cộng hưởng tâm hồn tự nhiên, hết sức cao quý.
Thời chống Mĩ, thơ ca nói chung và thơ Tố Hữu nói riêng mang một diện mạo mới. Hình ảnh người chiến sĩ cũng khoác trên mình bộ “quân phục” mới, kể cả “ngụy trang” mới, xuất hiện ở cả hai miền, hai chiến trường. Các thế hệ nhà thơ dàn hàng lên tuyến đầu, vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy (Chế Lan Viên). Trong dàn đồng ca, đại hợp xướng khổng lồ bài ca chiến sĩ, thơ Tố Hữu vẫn giữ vai trò lĩnh xướng.
Lịch sử đã sang trang. Tiếng hát sang xuân (1965) đã xuất hiện một hình tượng mới:
Hỡi người anh, Giải phóng quân
Hai mươi năm chẳng dừng chân trên đường
Vẫn đôi dép lội chiến trường
Vẫn vành mũ lá coi thường hiểm nguy
Cùng người chiến sĩ, cả nước hành quân. Đường vào đã phát lộ. Đường ra tiền tuyến... Từ đây, sự phát triển của hình tượng con người chiến đấu cũng là sự phát triển lớn mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân và cách mạng, tập trung ở nơi tiền tuyến lớn - miền Nam. Những cuộc chuyển quân lớn đã bắt đầu: Đoàn xe kia chạy đâu nhanh thế/ Lá ngụy trang reo, cuốn bụi hồng. Tố Hữu đã nhìn ra một khí thế mới từ Xuân sớm (1966). Mĩ gây chiến tranh phá hoại. Công trường lớn miền Bắc cũng trở thành chiến trường. Mùa xuân chứng kiến cuộc diễu binh hùng vĩ: Ba mươi mốt triệu nhân dân/ Tất cả hành quân/ Tất cả thành chiến sĩ (Chào xuân 67). Tố Hữu đã rất thành công khi dựng tượng đài chiến sĩ - mùa xuân. Bởi đó là mùa tiến công và cũng là mùa chiến thắng. Xuân Việt Nam/ Xuân của lòng dũng cảm.
Ai đến kia rộn rã cùng xuân?
Hoan hô anh Giải phóng quân
Kính chào Anh, con người
đẹp nhất!
(Bài ca xuân 68)
Chính người dũng sĩ với sức mạnh thánh thần đã tạo ra mùa xuân chiến thắng: Hành quân xa – mở lối xuân sang/ Hỡi mùa xuân lộng lẫy mai vàng/ Hãy sớm nở, trang hoàng dải đất/ Đỏ thắm máu hi sinh và những chiến công đẹp nhất. Đó là bài ca Xuân 69, hàm chứa lời chúc của Bác Hồ trước lúc Người đi xa.
Nhà thơ liệt sĩ Lê Anh Xuân, từ dáng đứng hi sinh của một chiến sĩ anh hùng trên sân bay đã hình tượng hóa thành dáng đứng Việt Nam và trong tư thế cất cánh Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân. Với cảm hứng từ cuộc tổng tiến công chiến lược mùa xuân năm 1968, Tố Hữu đã dựng nên một tượng đài nguy nga về Anh Giải phóng quân sừng sững trong thời đại. Chàng trai chân đất trở thành thần tượng kì vĩ như Thạch Sanh của thế kỉ hai mươi.
Cho đến đại thắng mùa xuân năm 1975, toàn thắng về ta, Tố Hữu lại dựng hình tượng toàn vẹn con người với sức mạnh trần thế mà thần thánh bằng những vần thơ hào sảng bậc nhất:
Không, không phải thiên thần
Bước chân dài bảy dặm
Vẫn là Anh, anh Giải phóng quân
Vẫn đôi dép cao su, đánh giặc
suốt ba mươi năm, lội khắp sông sâu rừng thẳm
Thuở Anh đi, sắc nhọn ngọn tầm vông
Giản dị như chàng trai làng Gióng
Sức mạnh thần kì của Anh là nội lực tinh thần, là ý chí của lòng yêu thương mênh mông và lửa căm thù nóng bỏng. Thêm vào đó là sự hỗ trợ, bồi đắp của sức mạnh dân tộc và thời đại: dòng sữa tự hào và ánh sao trí tuệ. Với vũ khí kì diệu ấy, Anh đánh như sét nổ, trời rung/ Anh chuyển như lũ dồn, bão cuốn.
Niềm vui vỡ òa chan hòa trong ánh sáng Ôi buổi trưa nay tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta. Chế Lan Viên góp thêm tiếng thơ “song ca” Ngày vĩ đại, cùng với Toàn thắng về ta như sang sảng bản “Bình Mỹ đại cáo” thời hiện đại.
Từ sau 1975, Tố Hữu như lắng lại trong những suy nghiệm trầm tư về chiến tranh trong khuynh hướng thế sự (thế sự - sử thi). Giờ đây, ông viết về những hồi ức chiến trận và tưởng niệm về người chiến sĩ anh hùng một thời trong cảnh đời hiện tại: Chắc tay cày và tay súng trong tay/ Thép xây dựng cũng là gươm giữ nước (Một nhành xuân – 1980).
Về lại Tĩnh Gia (1986), hồi ức vẫn như cháy đỏ tâm hồn:
Qua đây lại nhớ năm nào
Xé trời lửa đạn, bom đào đất rung
Đường ra mặt trận, miền Trung
Quân dân ta vẫn trùng trùng tiến lên...
Cũng vang vọng âm thanh, bóng dáng lịch sử Có gì như nắng thu sang/ Long lanh Như Áng, rừng vang tiếng cồng. Nhà thơ nhớ quê hương Lê Lợi, cũng nhớ tới các nữ anh hùng thời xưa: Ước gì Bà Triệu ngày nay lại về... Nhà thơ suy ngẫm về chiến thắng. Trước đây là triết lí hồn nhiên “máu nở thành hoa”, nay tìm ra chiều sâu nhân bản, tính nhân dân của sự nghiệp chiến đấu - chiến tranh nhân dân. Trước tượng Trần Hưng Đạo gợi cho ta một hình tượng đẹp: sự gắn bó của chiến công anh hùng và trí tuệ nhân dân. Nói cách khác trận địa lòng dân là bệ phóng cho tất cả các chiến công kì vĩ nhất:
Cả nước một Diên Hồng
Người khen mỗi chiến công
Vị anh hùng vĩ đại đã tìm thấy sức mạnh “cùng dân chia gian lao”, “giặc tan cùng dân làm bạn”.
Lịch sử gợi cho ta danh hiệu Quân đội nhân dân Việt Nam và những lời tôn vinh của vị Đại tướng công Hồ Chí Minh: Quân đội ta có sức mạnh vô địch vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục. Người chiến sĩ là con đẻ của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu: Vì nước quên thân, vì dân quên mình. Đó là tất cả tâm niệm một đời chiến đấu để dựng nước và giữ nước.
Tố Hữu là nghệ sĩ rất tài hoa khi thể hiện hình tượng người chiến sĩ. Đó là người họa sĩ với những khắc họa đơn sơ mà lột tả được thần thái. Đó là nhà nhiếp ảnh chọn được những kiểu dáng với đầy đủ ánh sáng phù hợp nhất: Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều/ Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo... Ông cũng là nhà quay phim tài giỏi, chớp đúng những khung cảnh, tình thế điển hình nhất: Voi, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên... Tuy nhiên, ta cần nhấn mạnh điều này: Tố Hữu là nhà thơ - điêu khắc đã dựng được tượng đài, hơn thế, đó là những nhóm tượng đài kì vĩ về người chiến sĩ, đặc biệt là Anh Giải phóng quân - Mùa xuân. Đây là hình tượng thẩm mĩ tươi đẹp, vừa có nét giản dị, mộc mạc lại vừa có nét hào hoa, tinh tế, vừa thực vừa ảo, vừa trần thế vừa thần thánh, vừa cụ thể vừa trừu tượng mang hồn lịch sử sâu thẳm trong không gian và thời gian.
Anh Giải phóng quân đại diện cho quân đội anh hùng. Có lúc Anh lại đại diện cho cả miền Nam, cho nhân dân miền Nam. Bước dài như gió, lay thành, chuyển non là bước phát triển vũ bão của cách mạng miền Nam. Cao hơn cả, Anh là biểu tượng của dân tộc trong thời đại, là chân lí cách mạng thế giới, là chiến thắng của chính nghĩa trước phi nghĩa:
Cả năm châu, chân lí đang nhìn theo
Bóng Anh đi... và vành mũ tai bèo
Của Anh đó!
(Bài ca xuân 68)
Quân đội ta quả là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng như lời ca ngợi của Bác Hồ. Ta cũng có thể nói đó là đội quân hiện thực - thần thoại của vị Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp và của thiên tài quân sự, cha đẻ lực lượng vũ trang: lãnh tụ huyền thoại Hồ Chí Minh.
Chiến sĩ ta thời chiến dũng mãnh phi thường, thời bình vẫn kiên cường, dũng cảm. Vững tay súng để giữ vững biển trời Tổ quốc, bảo vệ từng tấc đất, tấc đảo. Vì một lẽ giản dị, thiêng liêng như tâm niệm của anh bộ đội Cụ Hồ: Nếu quên khẩu súng thanh gươm ta chẳng hiểu Người/ Tình yêu lớn hóa thành bão táp (Chế Lan Viên). Bởi vũ khí, chính là Anh; trong Anh, chí anh hùng và lòng nhân ái rất mãnh liệt và cũng rất dịu dàng. Cũng bởi Anh là sức sống, sức xuân, sức mạnh chiến thắng.
Tố Hữu như thay mặt người chiến sĩ tuyên ngôn nhiều chân lý. Chúng ta có lực lượng vũ trang khổng lồ. Khi đất nước có biến: Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành, và hơn thế tất cả hành quân, tất cả thành chiến sĩ, còn hơn thế nữa bốn mươi thế kỉ cùng ra trận. Chúng ta có kho vũ khí mạnh mẽ, vô tận: Hiện đại, thô sơ/ Của ngày xưa và của bây giờ/ Với cách mạng đều là vũ khí/ Tên lửa, tên tre...
Quân đội ta đang tiến mạnh trên con đường hiện đại hóa. Tuy nhiên, không phản lực siêu thanh nào có thể nhanh nhạy bằng ý thức cảnh giác Việt Nam, không tàu ngầm thoắt ẩn, thoắt hiện nào đọ nổi mưu trí linh hoạt thần tốc Việt Nam. Chàng dũng sĩ vốn không tự ngắm mình nhưng đầy tự tin và tự hào. Anh đã và còn trở thành một đối tượng để chiêm ngưỡng mãi như một trong những người đáng yêu nhất, một thần tượng có sức hấp dẫn tuyệt vời nhất.
Tố Hữu là nhà thơ đã thể hiện sớm nhất, đúng nhất và hay nhất hình tượng người chiến sĩ, đặc biệt là tượng đài Chiến sĩ – Mùa xuân. Một đời thơ đã gắn bó mật thiết, yêu mến, thiết tha người đồng chí, đồng đội anh hùng. Bộ đội Cụ Hồ các thế hệ mãi mãi biết ơn, trân trọng và khâm phục tài năng và tình cảm của người đồng đội - nhà thơ lớn - người bạn lớn Tố Hữu
Đ.T.H - Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội
|