Đầu thế kỷ XV, tại làng Phan Xá, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh có một chàng nho sĩ bị quân Minh bắt làm kể hầu ở một nhà học quan. Viên quan này do nhà Minh cử sang để lo việc truyền bá đạo lý, văn hóa thiên triều cho người dân nước Nam. Y luôn luôn khoe khoang lòng nhân nghĩa của triều đình nhà Minh. Có lần y ra cho học sinh câu đối:
- Hồng lựu tự hỏa, phi cầm lai vãng bất thiêu thân.
Nghĩa là: Hoa lựu đỏ như lửa, chim bay qua bay lại, thân chẳng bị thiêu
Chàng nho sĩ làng Phan Xá đã đối lại:
- Lục tảo như tỉ, du lý phù trầm nan trước vĩ
Nghĩa là: Đám rêu xanh như tơ, cá lượn nổi chìm, đuôi không bị vướng.
Câu trên, viên quan nhà Minh muốn nói chúng là nhân nghĩa, dù có vẻ ghê gớm nhưng chẳng hại người; câu đối lại, hàm ý bóng gió rằng dù lưới chúng có bủa vây dày đặc, vẫn không bó được kẻ có chí tung hoành.
Biết tâm lý chàng trai, bọn giặc đã theo dõi anh. Chàng nho sĩ đã tìm cơ hội thuận tiện để trốn vào rừng, và sau đó tìm ra Lam Sơn, xin vào nghĩa quân dưới cờ Lê Lợi. Tài liệu ở địa phương ghi được tên tuổi của chàng nho sinh này đó chính là Phan Nhân, có hiệu Lục Nho, sinh năm 1401, không rõ ông mất bao giờ, và ông cũng là một trong những vị khai quốc công thần thời Lê (?).
(Theo Vũ Ngọc Khánh - Kho tàng Giai thoại VN)