NGUYỄN QUANG THIỀU
Bàn tay của thời gian
Nàng ra đi như ngọn xuân cuối cùng
khuất sau hàng cây giăng những tổ chim đầy trứng
Giọng nói hôm qua còn tuyệt vọng trước bức tường im lặng
và một người im lặng hơn đứng cuối con đường
Bước chân nhẹ dần và nàng trở lại
ngày thanh xuân lần thứ nhất của nàng
Hoa tường vi trên tường nở rộ
Một con sơn ca rũ say trong tiếng hót chính mình
Đấy là ngày cây sinh hạ tất cả những chiếc lá
và dòng hoa từ ruột gỗ tuôn chảy ra không ngừng
Đấy là ngày lũ trẻ thôn quê lấy những viên sỏi trắng
Bày một trò chơi xưa ở giữa hai người
Và mùa hạ đổ về cơn lũ khổng lồ ánh sáng
Những chiếc tổ tung lên trời ngàn vạn cánh chim
Một bàn tay vô hình xoay khẽ thời gian làm hai người biến mất
Trên cánh đồng lấp lánh nước và hoa
MAI VĂN PHẤN
Bông hoa Yên Tử
Nở trên đỉnh núi
Thản nhiên trong gió mạnh
Mây bay
Bảy trăm năm trước
Đức - Phật - Hoàng Trần Nhân Tông
Cúi đầu đi qua
Em và tôi
Đang cúi đầu đi qua
Các con và mọi người
Cùng cúi đầu
Đi qua
Xuống chân núi
Gặp đoàn hành hương
Tay gậy trúc
Mắt ngước lên
Thiêu đốt gốc hoa ngùn ngụt.
TRẦN QUANG QUÝ
Trên cầu Long Biên
Những đôi bạn trẻ đứng trên cầu ngắm hoàng hôn Hà Nội
dưới cầu sông chảy một ngàn năm
và đã chảy cả những ngàn năm trước…
Dòng sông vỗ tình yêu và mênh mang lớp lớp sóng buồn
vỗ lời ru thì thầm chỉ trời xanh mới hiểu
tôi ngắm sông Hồng bằng đôi mắt thức từ ngàn năm trước
những hàng mi cổ tích khép mở chân trời xa
Rồi sông trôi đi, rồi đời mấy lẻ
rồi phù sa ngồn ngộn theo mùa
nước mắt nghìn năm sông Hồng mãi đỏ
gió vén lên những trầm tích bến bờ
những lầm lũi triền sông
cánh cò, cánh vạc
những đôi mắt còn mắc cạn bên thềm lục địa
đang nhìn ta bóc ngấn phù sa
Những đôi trẻ kia rồi ngày mai sẽ là kỷ niệm
nụ cười lớp lớp sóng mang đi
có ai vớt trong phù du bọt biển
đôi mắt nào còn dạt bờ xưa?
Hà Nội 1000 năm, 12/9/2010.
KHUẤT QUANG THỤY
Lời ru chim Nhạn
Một thời bom đạn tơi bời
Mà sao cánh Nhạn không rời tháp xưa?
Trời thanh bình đẹp như mơ
Đất thanh bình đã bốn mùa xanh tươi
Đời thanh bình sáng mặt người
Mà sao cánh Nhạn cuối trời biệt tăm?
Tháp buồn rưng rức rêu phong
Núi không có Nhạn như không có gì.
Em buồn bắt giọng từ qui
Khàn đêm gọi Nhạn, Nhạn đi chưa về
Nhạn ơi, giận dỗi điều chi
Núi chưa xanh đủ trời thì chưa trong
Lòng người còn nặng đếm đong
Dòng đời chưa tỏ đục trong, em hờn?
Về đi cho Núi xanh hơn
Cho kiêu hãnh Tháp, nhập hồn ngàn năm
Cho trong trẻo nước Đà giang
Cho thi nhân lại mơ màng ngóng trông
HOÀNG VŨ THUẬT
hương trấu
Mẹ tôi nhóm trấu trong chiều
Khói xanh lên tận cánh diều ngày xưa
Gió lùa vạt áo phèn chua
Mẹ đi như thể sợi mưa qua đồng
Tôi cùng lũ trẻ rong rong
Mơ theo ngọn khói bay vòng trời cao
Biết đâu hạt thóc vàng au
Nắng hong mùa trước, mùa sau bão dần…
Bây giờ chiều xế qua sân
Bờ tre bóng rã, bần thần mái quê
Ai kia gánh thóc ngoài đê
Sao đây xác trấu tái tê lòng chiều
Lá cau xao tựa ngọn triều
Vườn đan cỏ chỉ liêu xiêu chân người
Tôi vun bếp lửa dưới trời
Nồng cay hương trấu, rối bời rạ rơm.
ĐOÀN VĂN MẬT
Tự xuân
Ngồi như đêm tối
chờ lá non ra đời
hoa mỏng manh khuya khoắt
lặng lẽ theo mưa trừ tịch
Bóng người trước mặt
đường xuân càng bước càng xa
chợt thấy cỏ xanh hỉ nộ
đã in nhiều dấu chân qua.
LỮ THỊ MAI
Lễ chùa
Ngày mưa khập khiễng về thăm
bên kia Tây hồ bên này Trúc Bạch
bên du thuyền thong dong bên mục lòng miếu nhỏ
gió sương đôi tiếng thì thầm
người đợi chiều lam hóa sóng
tiếng tiêu xưa ám khói đôi bờ
lỡ hẹn từ ngày em dệt lụa
cung nữ bấy giờ vắng xa
mưa rồi sao ta vẫn khát
nhịp môi mọng đỏ hoàng hôn
gốc đa có người hỏi chuyện
đẩu đâu dắt díu nhau về
mưa rồi sao ta vẫn khát
nhịp chân chầm chậm nơi này
gốc đa có người quét lá
lặn vào mắt biếc muôn cây.
ĐÀO TẤN TRỰC
Xuân về trên bản em
Nắng vàng tươi trải chân đồi
Mùa xuân thay áo đất trời hòa chung
Người đi sương núi theo cùng
Ô xòe che nắng chim rừng reo ca
Bản em mai điểm hiên nhà
Buôn Kít thung dưới như là thần tiên
Sáo khèn ai đụn lên non
Sắc xuân vây kín những con đường làng
Nhà rông khoe áo rộn ràng
Tiếng chiêng núm nhịp, tiếng đàn T’rưng
Tiếng em, tiếng suối reo mừng
Hoa ban nở trắng núi rừng dựng trăng.
PHẠM VĂN VŨ
Cánh đồng về sáng
Dành dụm hơi ấm từ khoanh lửa rơm lũ trẻ đánh rơi
Ngọn khói đêm nay cuộn mình thiêm thiếp
Trong giấc mơ im ắng
Có tiếng chân líu ríu đang cười
Có vạt đất vùi mình vào cánh dế
Vũng cỏ hứng về một hạt sao rơi
Trở mình chạm lưỡi liềm mùa cũ
Dụi mình gặp chùm rễ trầm tư
Dưới vết chân chú bé hay quên dép
Khe khẽ cựa mình một giọng hát ru
Làm sao nghe hết được cánh đồng
Để ngày mai kể chuyện cho đàn chim sẻ
Bao nhiêu mầm rễ mọc trong lòng
Càng về sáng bầu trời càng nhẹ
Quẩn trong lớp vỏ ngủ quên
Ngọn khói hát bài ca ẩm ướt
NGUYỄN ĐỨC PHÚ THỌ
Mừng
(cho N.)
Mùa xuân về thơm sắc nắng
Xuân về vương mắt lộc vừng
Xuân nghiêng dịu dàng mắt cỏ
Hoa cài, nụ biếc bâng khuâng
Mùa xuân em thành thiếu nữ
Tay thon ướm nắng ngọc ngà
Mừng em tuổi này chớm nụ
Xinh từ môi mắt xinh ra…
NGUYỄN HIỆP
Tắm Tết
Em cởi chiếc áo cũ ra đi
Anh mở cho em hàng nút
Buồn vui bốn mùa phải đâu phút chốc
Kỳ cọ thật nhiều mới tráng lệ đường cong.
Tắm Tết
Chiều ba mươi
Tắm những lẫn khuất,
Những mập mờ giữa em và tôi
Tắm những con chữ ứ bụi ba trăm sáu mươi ngày cơm cơm áo áo.
Xối nước vào những lem luốc tinh thần
Chà rửa những quẩn quanh hom hem, cũ mèm ý tứ,
Tắm say sưa cho sạch mùi giận dữ
Cho điềm đạm con người giữa đất thấp trời cao
Tắm Tết
Chiều ba mươi
Tắm những lạnh héo cả quãng đời bụi bặm
Những đợi mong và ánh mắt lạc hồn
Tắm Tết
Chiều ba mươi
Sẽ long lanh như Tết
Em cởi chiếc áo cũ ra đi!
ĐÀO ĐỨC TUẤN
Vạn thọ
Biết viết gì kiếm chút xuân
ngoài kia vạn thọ đơm thơ
ơi từng đoá hôn chân quê
nồng chi tình làng nghĩa xóm
Đơn sơ dáng màu mộng mị
toả bên cây rơm hiên nhà
mà giữa phố phường chật hẹp
hoàng hoa cứ mãi ngân nga
Hoa à, đời người ngắn lắm
Vạn Thọ, lỡ tên em rồi
nếu mai có còn nhắc nhở
người nhớ Em hay nhớ Ta
Theo Hội nhà văn Việt Nam