(Baohatinh.vn) - “Biển có từ trong mỗi chúng ta”, có trong truyền thuyết bà kể cháu nghe chuyện Lạc Long Quân đưa năm mươi con lên núi, nàng Âu Cơ đưa năm mươi con xuống biển, có trong trang sách tuổi thơ mở ra một chân trời hy vọng và tình yêu biển bao la.
|
Biển Thiên Cầm
|
"Sóng bắt đầu từ gió/ Gió bắt đầu từ đâu?" Bắt đầu từ đâu mà giọt mưa nguồn hành trình ra sông lại trôi về biển cả? Bắt đầu từ đâu mà giọt nước lại hóa thành đại dương, thành sức mạnh trường tồn của biển, hóa thành kho báu, hóa thành tình yêu để cậu bé nằm trong vành nôi ngủ thiếp đi trong lời ru êm ái của mẹ, mơ về con cá lạ, mơ thấy “đại dương xanh nằm cạnh góc ao làng”? Bắt đầu từ đâu con người yêu biển, bắt đầu từ đâu biển trở thành máu thịt, biển hóa tâm hồn dào dạt nhạc và thơ?
Việt Nam, đất nước bên bờ sóng, đất nước trải dài hơn ba ngàn cây số biển. Sự mênh mông ấy để suốt cuộc đời ta chưa đi hết chiều dài, chưa băng qua hết chiều rộng và chưa thể nào khám phá hết sự phong phú sâu thẳm dưới lòng đại dương...
Từ thuở hồng hoang, đại dương đã tạo nên những sinh vật lạ kỳ đủ màu sắc. Động vật biển cũng phong phú như động vật rừng. Từ thuở hồng hoang, biển đã tạo nên “thế giới thần tiên” với những thảm thực vật đa dạng. Ngôi nhà thân thuộc của muôn loài được biển kiến tạo nên. Những rừng san hô trắng, san hô đỏ, những hang động ngầm, những hòn đảo nổi... Không biết bao nhiêu loài chim di trú trên những hòn đảo nổi Việt Nam, chỉ biết rằng, mỗi lần có cánh chim bay về, đảo như đẹp hơn, đầm ấm hơn lên. Tiếng gọi bạn của các loài chim muôn đời là bản tình ca du dương của biển. Bao nhiêu mùa chim yến bay vào đảo làm tổ và bao nhiêu mùa dưới đáy biển loài trai lại “nhả ngọc phun châu”. Biển dành cho người, nhỏ nhất từ con tôm, con cá trong bữa ăn hàng ngày đến cả những trang sức đẹp nhất và nguồn tài nguyên lớn lao như mỏ dầu, mỏ sắt, mỏ nhôm, mỏ thiếc và bao nhiêu nguồn quặng khác nữa. Kinh tế biển được xuất phát từ lợi ích biển.
Bạn bè ở phía bên kia bờ đại dương biết Việt Nam, thân Việt Nam và trở thành những đối tác tin cậy, giao thương hàng hóa với Việt Nam không chỉ bằng đường hàng không mà bằng cả đường biển. Biển mênh mông, rộng dài hàng trăm, hàng ngàn hải lý, nhưng trên những chuyến tàu vượt trùng dương, biển đã xích lại rất gần, cả khoảng cách và thời gian để Việt Nam mạnh lên từ sự giao thương trên biển.
Ở đâu trên dải đất hình chữ S này có biển là ở đấy có bờ, bờ cát dài phẳng lặng/ soi ánh nắng pha lê. Trên bờ biển sớm lại chiều, con tiễn đưa cha, vợ tiễn đưa chồng cưỡi thuyền lướt sóng ra khơi. Họ cầu mong cho trời yên biển lặng, cho cá bạc đầy khoang... Làng biển bốn mùa vui, bốn mùa thơm phức mùi cá nướng. Ai đã từng nếm nước mắm Phan Thiết, thưởng thức tôm hùm Nha Trang, mực một nắng Côn Đảo mới biết được đặc sản biển ngon đến nhường nào, dư vị biển đậm đà ra sao.
Càng thiết tha yêu biển, con người Việt Nam càng dũng cảm đứng lên chiến đấu để bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc thân yêu. Bao kẻ thù từ thế kỷ này tới thế kỷ khác muốn nuốt chửng biển Đông của Việt Nam nhưng đều thất bại. Bay qua không gian, vượt suốt thời gian, hàng triệu trái tim Việt vẫn đồng vọng tiếng nói Bác Hồ “Ngày trước, ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có trời có biển, bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Dân tộc này, non nước này đã cảm nhận thiêng liêng lời Bác.
Người cựu binh hôm nay trở lại đảo Bạch Long Vĩ ngồi lại với đồng đội cũ để hát đồng ca Bạch Long Vĩ đảo quê hương. Người lính hát mà giàn giụa nước mắt. Anh không thể ngờ rằng, sau những ngày ngồi trên mâm pháo bảo vệ biển trời đảo Bạch Long Vĩ, anh còn may mắn trở về để được tận hưởng sức sống mãnh liệt của sự đổi mới từng giờ, từng ngày ở hòn đảo thiêng này. Anh ngậm ngùi với quá khứ, bởi không ít đồng đội linh hồn đã phiêu diêu cùng sóng bạc. Người lính hát và nhờ gió mang đi ngàn phương để cô dân quân ngày xưa gặp lại bóng hình mình, gặp lại khí phách kiêu hãnh của dân tộc mình. Gặp lại Quê hương đuôi Rồng trắng. Quê hương của hải bào có “Trúc anh đào xanh thắm, có cao lương bạc màu và cây súng nắng mưa không rời vai”. Đảo Bạch Long Vĩ hôm nay đẹp lắm rồi, đảo đang nở nụ cười trước mênh mông sóng trắng và giơ bàn tay vẫy chào: Cô Tô, Cát Bà, Côn Đảo, Phú Quốc, Cù Lao Chàm… Chào cả bốn ngàn hòn đảo lớn, nhỏ ghi danh trên bản đồ nước Việt đang mở rộng tầm nhìn chiến lược cho những người dân lập nên xóm, nên làng.
Sức mạnh của người giữ biển được hun đúc từ lịch sử cha ông bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Sức mạnh của biển được nhân lên từ tiếng thét căm hờn của những người cộng sản tại nhà tù Côn Đảo, nhà lao Phú Quốc... Phú Quốc và Côn Đảo hôm nay đã trở thành chứng tích lịch sử, phơi bày nhân chứng, phơi bày tội ác “đất không dung, trời không tha” của những tên cướp nước, cướp biển. Chúng định biến những hòn đảo này làm địa ngục trần gian và chiếm mảnh đất này để bòn rút tài nguyên biển. Nhưng xiềng xích của chúng đã bị bẻ gãy, cửa nhà lao bị phá tan. Làn sóng và bão táp cách mạng Việt Nam còn cao hơn cả sóng thần lúc biển giận.
Để cuộc hành trình Bắc Nam thống nhất, cả nước sum họp một nhà, Đảng ta mở đường mòn Hồ Chí Minh xuyên suốt Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh trên biển. Với hơn 2.000 lượt tàu thuyền vượt biển, vận chuyển 160 ngàn tấn vũ khí, tập kết 19 bến bãi, có ai đo đếm được những vất vả, gian lao và hy sinh thầm lặng giữa biển khơi của những đoàn tàu không số…
Mỗi lần nhắc tới biển, ta sờ lên ngực mình thấy Tổ quốc thiêng liêng và không ai không nhớ tới Trường Sa, nhớ tới những người lính đang ngày đêm canh giữ quần đảo này. Giữ lấy Trường Sa chính là giữ lấy “xã tắc tổ tông” cha ông đã từng giành lại cho chúng ta với lời dặn dò: Trường Sa của chúng ta, quyết không dung tha cho bất cứ kẻ thù nào xâm phạm.
Mùa xuân đang đến, ta mừng cho người lính Trường Sa thêm một tuổi quân, thêm một tuổi biển, thêm một niềm hy vọng mới. Anh hãy tin phía ấy quê nhà, dẫu mưa chan bão tố nhưng vẫn vững vàng đứng dậy, tất cả vì Trường Sa. Mỗi hòn đá của tuổi trẻ góp sức xây thành lũy đó chính là biểu tượng của một dân tộc không khuất phục. Chắc người lính Trường Sa, ăn hạt gạo quê nhà gửi tới hẳn sẽ cứng cáp hơn, dẻo dai hơn, vững lòng tin hơn. Xin chào anh - những người lính Trường Sa như cây phong ba đứng trên đầu sóng. Tổ quốc nhìn từ biển, biển đang nhìn anh, mẹ hiền đang nhìn anh. Biển – Tổ quốc - mẹ hiền hóa thành nguồn sáng trong tim anh, trong đồng đội anh bất diệt!
Phan Thế Cải - Theo Baohatinh.vn
|