(Baohatinh.vn) - Những tờ lịch mỏng lần lượt rời tường, thời gian nhích dần về ngày cuối năm, như nhắc nhở mỗi người tạm gác lại những công việc tất bật trong guồng quay của cuộc mưu sinh để trở về sum họp bên gia đình, người thân, để được sống trong vòng tay yêu thương, được ăn bữa cơm tiễn năm cũ trong không khí thiêng liêng, đầm ấm.
|
Mâm cúng tất niên (ảnh Tri Thức Trẻ)
|
Trong tiềm thức của những người con đất Việt, để đón một năm mới tràn đầy niềm vui và may mắn, thì tất cả mọi thứ đều phải được chuẩn bị thật sớm và chu đáo. Do đó, công việc sửa soạn cho ngày tết của người Việt thường bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp - ngày cúng ông Táo về trời. Theo quan niệm của dân gian thì ông Táo vừa là thần bếp trong nhà, vừa là người ghi chép tất cả những việc tốt xấu mà con người đã làm trong năm cũ và báo cáo với Ngọc Hoàng. Sau lễ cúng ông Táo là khoảng thời gian bận rộn khi các gia đình tập trung quét dọn, trang trí nhà cửa, mua sắm các loại hoa quả, bánh kẹo, mứt… và chuẩn bị các món ăn ngày tết.
Tất niên - một nghi thức đánh dấu năm cũ kết thúc và chuẩn bị bước sang năm mới. Đây là phong tục tập quán lâu đời mang nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Tất niên thường rơi vào ngày 29, 30 tháng chạp hàng năm. Vào ngày này, mọi người quây quần bên nhau, tổ chức tiệc mừng, để tổng kết, nhìn lại một năm đã qua, cùng chuẩn bị đón giao thừa và mừng năm mới, cùng tận hưởng bầu không khí ấm cúng và tràn ngập niềm vui bên gia đình sau một năm tất bật học tập, làm việc và chạy đua với cuộc sống.
Những ngày còn thơ bé, với lũ trẻ chúng tôi, tết đến, xuân về là cả một niềm háo hức chờ mong. Bỏ mặc những nỗi lo toan của bố mẹ đang chắt chiu, dành dụm để có một cái tết đủ đầy, trong tiềm thức tôi ngày ấy, tất niên là dịp được xúng xính ướm thử bộ quần áo mới để khoe với chúng bạn, được về thăm ông bà và cùng ăn bữa cơm sum vầy sau lễ cúng gia tiên. Buổi tối, tôi còn được cùng bố thức canh nồi bánh chưng bên bếp lửa reo vui, để câu chuyện về sự tích bánh chưng, bánh dày của bố ru vào giấc ngủ.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, trải qua biết bao lần náo nức chờ đón tất niên, lũ trẻ chúng tôi ngày ấy giờ đã lớn khôn, rời xa tổ ấm để lập thân, lập nghiệp. Thế nhưng, khi những cánh én nhỏ mang hơi thở nồng nàn của mùa xuân trở về, khi mùi hương trầm quấn quýt, mỗi bước chân, mỗi tấc lòng của người con xa quê lại hướng về tổ ấm. Trong những hối hả ấy, ngày tất niên của chúng tôi bây giờ là niềm hạnh phúc khi được cùng gia đình nhỏ dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, tươm tất, được dắt tay con nhỏ dạo bước chợ tết để lựa chọn những thực phẩm tươi ngon, những cành hoa tươi nhất để làm mâm cỗ tất niên và chuẩn bị đón giao thừa.
Cúng tất niên là một lễ truyền thống nhưng lễ vật cúng không cần quá cầu kỳ, miễn sao thể hiện được tấm lòng thành để tri ân đất, trời, thần linh, tổ tiên, ông bà... đã gia hộ bình an cho cả nhà trong một năm qua. Để ghi nhận thời khắc này, mỗi gia đình thường làm hai mâm cỗ, một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ trong nhà và một mâm cúng trời, đất ở ngoài sân. Dẫu cách trang trí và sắp đặt bàn thờ của mỗi nhà, mỗi vùng miền khác nhau, nhưng trong cỗ cúng tất niên của người Việt luôn có hương hoa, ngũ quả, đèn nến, trầu cau, rượu trà, bánh chưng, các món ăn truyền thống trong ngày tết như nem, chả, giò, thịt gà, thịt đông... Ngoài ra, nhiều nhà còn sắm thêm 2 cây mía đặt hai bên bàn thờ, bởi theo quan niệm của nhiều người thì đó là để các cụ chống gậy về với con cháu và cũng là để dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời trở về hạ giới.
Tất niên, thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, giữa chu kỳ vận hành của trời đất, vạn vật, cỏ cây, là dịp để mọi người trong gia đình sum vầy, đoàn tụ, tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, ông bà, nguồn cội. Đây cũng là thời khắc để mọi người rộng mở tấm lòng, rũ bỏ những điều còn muộn phiền, vấp váp, những dự định chưa thành trong năm cũ để đón một mùa xuân mới tràn đầy niềm tin và hạnh phúc. Tất niên sum vầy, ấm áp luôn là nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm hồn người Việt.
Anh Thư - Theo Baohatinh.vn
|