Gót chân đã mòn vẹt sau bao tháng năm đi về, cuộc sống là những tháng ngày quay tròn, để rồi ngẫng đầu đã thấy mình già đi rất nhiều. Ai gặp nhau cũng một câu than: Nhanh thật, mới đây mà tết cận kề...
Nói thì nói vậy thôi, nhưng lại thấy trong mắt người cả một trời tiếc nuối dở dang. Ngẫm nghĩ một năm làm được gì đây, yêu thương vơi đầy mà tuổi tác ngày một chất chồng.
Dường như càng lớn tuổi, mỗi bận cuối năm thường nhìn xa xăm vào cuối khúc sông mà thương về quá khứ. Quá khứ vui buồn, lạnh đói, chờ đếm đến ngày ba mươi.
Mong cho ngày mùng một tết trôi thật chậm, để đĩa bánh thơm đầy, được mặc áo đẹp mà chẳng phải ra đồng lạnh buốt.
Vui nhất ba ngày tết được mẹ quàng thêm cho chiếc khăn voan, dặn dò kỹ mỗi khi cùng bạn đi xem các trận bóng đá, bóng chuyền, mà chỉ có tết quê mới đủ người để tổ chức.
Cây cỏ, ruộng đồng vui thơm cũng tết hay bởi lòng mình rạo rực, lan toả khắp các nẻo đường quê. Khói bếp bay lên khắp xóm, khắp làng như mời gọi...
Bây giờ xa quê mấy bận chưa về, lại thèm cái tết quê mình quá đỗi. Phố phường ngày cuối năm lại thật trống vắng, nhìn ai cũng túi túi, xách xách hối hã về quê đón tết, lòng mình lại quặn lại. Những khu phố vắng hoe người, chỉ có những chiếc lá thôi xanh nằm im một góc đường, hình như cũng nhớ nguồn cội. Mỗi lần như vậy, mình thích nhất câu hát: “Mẹ ơi, hoa cúc, hoa mai nở rồi. Giờ đây đời con đang còn lênh đênh...nhìn xuân về lòng buồn mênh mang”.
Câu hát dù rất cũ nhưng lại cứa thêm vào da thịt nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Rồi một bức tranh tết quê được mình tưởng tưởng ra trong đầu: Nào là người đi thăm nhau nhộn nhịp cả đường làng, gặp ai cũng cười hớn hở, chúc tụng nhau năm mới, bỗng dưng thấy yêu đời, thấy lòng người giao hoà, bao dung...
Thảng thốt mãi mình mới dám gọi: “Tết về, quê ơi!”.
Lê Như Tâm
Nguồn: nhavantphcm.com.vn
|