Tôi đọc thơ Hồ Xuân Hương, và giật mình khi gặp bài thơ nôm “Cảm cựu kiêm trình cần chánh học sĩ Nguyễn Hầu” – đầu đề bằng chữ Hán, có nghĩa là: “Nhớ bạn cũ, viết gửi cần chánh học sĩ Nguyễn Hầu; và dưới đầu đề còn mở ngoặc (Hầu Nghi Xuân Tiên Điền Nhân). Sở dĩ tôi giật mình bởi vì Nguyễn Hầu ở đây không ai khác, mà chính là Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều. Hóa ra Nguyễn Du lại là “bạn cũ” của nữ sĩ họ Hồ. Bài thơ thật tình tứ, và khẳng định rằng “Chữ tình chốc đã ba năm vẹn”. Hẳn là hai nhà thơ lớn này đã từng dan díu với nhau không phải là ngắn, phải đến 3 năm cơ đấy. Bài thơ như sau:
Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung
Mượn ai tới đấy gửi cho cùng
Chữ tình chốc đã ba năm vẹn
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập
Phấn son càng tủi phận long đong
Biết còn mảy chút sương đeo mái
Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong.
Nhiều nhà nghiên cứu rất thú vị ba chữ “Sương đeo mái” có cái nghĩa nghịch ngợm khi nói lái, hợp với cái tính nghịch ngợm của Hồ Xuân Hương qua thơ Nôm truyền tụng. Nhưng giáo sư Hoàng Xuân Hán lại phiên âm và chứng minh ba chữ ấy là “Sương siu mấy” – Sương siu có nghĩa là bịn rịn. Về vấn đề văn bản học xin dành cho các nhà nghiên cứu, còn tôi thì chỉ chú ý tới câu chuyện tình của hai thi tài đáng kính. Nhưng họ yêu nhau như thế nào, vào thơi gian nào thì không có sử sách nào ghi lại cả. Chuyện đã vài trăm năm, làm sao mà biết được?
Tôi đánh đường vào Tiên Điền thăm mộ cụ Nguyễn Du. Thắp hương khấn vái một lát, bỗng thấy một làn mây trắng từ ngôi mộ bay lên rồi tan biến rất nhanh. Tôi quay lại, thấy Nguyễn Du đứng cạnh, mỉm cười. Tôi chắp tay lạy tạ thì Nguyễn Du nói:
- Miễn lễ! Miễn lễ! Anh tìm ta để hỏi chuyện cô Hồ phải không?
- Dạ, phải! Tôi mừng quá, theo Nguyễn Du về nhà, ngồi vào bàn rượu. Trên bàn chỉ bày một nậm rượu bằng sứ và một cái chén mắt trâu cũng bằng sứ.
- Be và chén này cô Hồ tặng ta đấy – Nguyễn Du nói – ta giữ mãi đến giờ, vì trọng cái tình của người “Cổ Nguyệt”.
Tôi vừa khâm phục vừa xúc động, liền thưa:
- Cháu đọc thơ Hồ Xuân Hương mới biết được chuyện tình ý của cô Hồ với Người. Sau này có người viết sách phỏng đoán là hồi Người được bổ làm tri phủ Thường Tín rồi trở lại Thăng Long làm việc, chuyên đón tiếp sứ Thanh mới quen biết và lui tới với Hồ Xuân Hương. Chẳng lẽ gần 40 tuổi, Người mới có cuộc tình với nữ sĩ chăng?
Nguyễn Du nhấp rượu, lắng nghe, rồi nói:
- Sách của ông Hoàng Xuân Hãn lại viết khác, ông ấy đoán cuộc tình của ta với cô Hồ “phải vào đời Tây Sơn, khoảng từ năm 1792 – 1795, lúc đó trai chừng 27 – 30 tuổi, gái chừng 19 – 22 tuổi”, bởi ông ấy cho rằng thời gian đó ta ở nhà anh ruột là Nguyễn Nễ, cạnh Giám Hồ (Hồ Gương). Đọc Truyện Kiều của ta, chắc anh cũng biết ta là một người trải tình. Cái nòi tình đeo đẳng. Thân phụ ta 8 vợ. Mẹ ta là vợ thứ 3. Nếu hồi ấy có luật 1 vợ 1 chồng thì làm gì có ta để đời sau lấy làm tự hào! Ta chỉ có 3 vợ thôi, nhưng cũng có đến 12 con trai và 6 con gái. Hồi trẻ tuổi, ta đã “mê” cô Cầm chơi đàn nguyệt ở Long Thành. 20 năm sau ta được cử làm chánh sứ đi Trung Quốc (1813), qua Thăng Long tình cờ nghe đúng tiếng đàn ấy, ta nhận ra cô Cầm thì cô đã già và tiều tụy thật khó coi. Ta cảm thương vô hạn, nên làm bài thơ “Long Thành cầm giả ca” để ghi nhớ mối cảm thương.
- Đời sau, có người đoán cô Cầm ấy chính là Hồ Xuân Hương. Như vậy hóa ra cô Hồ là kĩ nữ?
- Đoán thế là sai rồi. Cô Cầm hơn cô Hồ trên chục tuổi. Thời ở nhà anh Nguyễn Nễ, ta có nỗi buồn riêng nên thường đi chơi cùng bạn bè cũ. Tình cờ ta gặp Xuân Hương và quý tính tình tự nhiên, thẳng thắn cùng tài thơ lịch lãm của cô ấy. Xuân Hương lúc ấy khoảng 20 tuổi, tâm hồn dễ cảm. Do đàm đạo thơ phú mà ta và cô Hồ đã phải lòng nhau. Ta cũng đã hẹn cô Hồ đi thuyền hái sen ở Hồ Tây. Nhưng chuyện tình thì không ai dám ngỏ. Mấy năm đi lại với nhau, ta nhận ra cô Hồ được nhiều người yêu mến tài sắc, và tình cô thì nhiều ngả vấn vương, cho nên ta có ý ngại. Tuy vậy sau khi rời Thăng Long, đôi lúc ta cũng nhớ tới Xuân Hương, mộng thấy đi hái sen cùng cô ấy, và ta đã làm thơ.
Nguyễn Du ngâm 5 bài thơ Mộng đắc thái liên (Mộng thấy hái sen), tôi nhớ bài 4 thật hay: “Cộng tri liên liên hoa – Thùy giả liên liên cán – Kỳ trung hữu chân ti – Khiên liên bất khả đoạn” nghĩa là: Hoa sen ai cũng ưa – Cuống sen chẳng ai thích – Trong cuống có mành tơ – Vấn vương không thể đứt.
- Nghe nói tuy yêu nhau thế, nhưng Người lại nặng lòng với nhà Nguyễn nên đã dứt tình với cô Hồ?
- Đúng vậy, khi đi qua Thạch Đình (đình đá), ta đành phải viết một bài thơ nôm khá cay đắng gửi cho cô Hồ. Bài thơ có tên là “Thạch Đình tặng biệt”:
Đường nghĩa bấy lâu trót vẽ vời,
Nước non sầu nặng muốn đi về.
Cung hoàng dịu vợi đường khôn lọt,
Đường nguyệt mơ màng giấc hãy mê.
Đã chắc hương đâu cho lửa bén,
Lệ mà hoa lại quyến xuân đi.
Xanh vàng chẳng phụ lòng ân ái,
Tròn trặn gương tình cũng có khi..
Nhận được bài thơ đó, cô Hồ thực sự chua xót, nhưng cũng họa lại một bài gửi ta, đó là bài “Họa Thanh Liên Chí Hiên liên vận”:
Khúc hoàng tay nguyệt còn chờ dạy,
Cánh phượng đường mây đã vội chi.
Chua xót lòng xem lời để lại,
Hững hờ duyên bấy bước ra đi.
Thử vàng đá nọ treo từng giá,
Phong gấm hoa kia nở có thì,
Đào thắm mận xanh còn thú lắm,
Xuân ơi đành nỡ đứt ra về.
- Và Người đã xa cô Hồ từ đó?
- Gần 20 năm sau khi biệt Xuân Hương, ta được thăng Cần Chánh điện học sĩ (tháng 2 – 1813). Biết tin này, cô Hồ đã làm bài thơ gửi ta. Thì ra lòng cô vẫn còn vương vấn tình xưa. Ta xúc động lắm.
- Sao khi đi sứ, qua Thăng Long, Người không tìm gặp lại cô Hồ? Tôi hỏi.
- Lúc ấy mỗi người mỗi cảnh. Ta bận việc công. Đi sứ về phải trở lại Kinh đô Huế ngay. Thế là biền biệt mãi. Tuy vậy, khi viết Truyện Kiều, ta vẫn nhớ tới cô ấy mà viết nên câu:
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng.
Nói đến đây thì Nguyễn Du biến mất. Tôi bồi hồi nhớ lại lời Xuân Diệu về chuyện này: “Chuyện quả thật như thế thì vui biết bao! Cái thiên tài của tiếng Việt và cái tinh túy của tâm hồn Việt Nam nở rộ cùng một lúc ra hai tài thơ lớn… Nó làm cho tâm trí ta được ấm áp thêm”.
Nguyễn Trọng Tạo
Theo Nguyenduyxuan
|